Nhanh nhạy đón sóng “đầu tư phục vụ gia tăng tỷ lệ xuất xứ”

Từ 2015, dư âm của cuộc đàm phán EVFTA, CPTPP, RCEP đã mở ra hướng đi mới cho Vĩnh Phúc. Tỉnh đã nhanh nhạy chuyển hướng đối tượng thu hút đầu tư, đó là những doanh nghiệp sản xuất chi tiết, linh kiện, phụ tùng cho các doanh xuất khẩu; đáp ứng yêu cầu tỷ lệ xuất xứ cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Dây chuyền sản xuất xe Honda tại Vĩnh Phúc, một thương hiệu đáp ứng được tiêu chí xuất xứ để hưởng ưu đãi khi xuất khẩu sang Nhật Bản, châu Âu và một số nước ASEAN
Dây chuyền sản xuất xe Honda tại Vĩnh Phúc, một thương hiệu đáp ứng được tiêu chí xuất xứ để hưởng ưu đãi khi xuất khẩu sang Nhật Bản, châu Âu và một số nước ASEAN

 

Với phương châm “Các nhà đầu tư ở Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc, thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh”, tỉnh đặc biệt chú trọng đến cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh, trong đó coi trọng hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ bằng giải pháp quan tâm và giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đang đầu tư tại tỉnh.

Hướng tới mục tiêu nói trên, Vĩnh Phúc đã xây dựng Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); ban hành các giải pháp cụ thể, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án lớn, các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp; hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách về thu hút đầu tư và quan tâm đầu tư hạ tầng trong và ngoài các khu công nghiệp.

Do đó, nếu năm 1998 toàn tỉnh chỉ có 8 dự án FDI và 1 dự án DDI (dự án đầu tư trong nước) thì hết năm 2020 tổng số dự án còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh là 1.139 dự án; gồm 755 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 80,9 nghìn tỷ đồng và 384 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 5,02 tỷ USD).

Trong đó, số dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh là 645 dự án (gồm 281 dự án FDI và 364 dự án DDI), chiếm 56,63% tổng số dự án còn hiệu lực với số vốn thực hiện các dự án FDI đạt 62,09% và các dự án DDI đạt 36,36% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Từ chỗ chỉ có 1 khu công nghiệp với quy mô 50ha (KCN Kim Hoa) vào năm 1998, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch tổng số 50 KCN và cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 5.897,23ha. Toàn tỉnh hiện có 9 khu công nghiệp được thành lập và cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng diện tích quy hoạch là 1.842,62ha.

Theo số liệu từ Ban quản lý Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Vĩnh Phúc, hết năm 2020, toàn tỉnh thu hút thêm 25 dự án FDI vào các khu công nghiệp và có 20 lượt dự án tăng vốn với tổng số vốn tăng 100 triệu USD, nâng tổng số dự án FDI thu hút được giai đoạn 2016 – 2020 lên 198 dự án.

Về thu hút đầu tư dự án DDI, dự hết năm 2020, toàn tỉnh thu hút được 10 dự án với tổng vốn đăng ký 2.900 tỷ đồng, nâng tổng số dự án DDI thu hút được giai đoạn 2016 – 2020 lên 40 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 7.800 tỷ đồng.

Trải qua hơn 20 năm từ khi tái lập tỉnh đến nay, Vĩnh Phúc đã có những hướng đi mang tính đột phá, trở thành “điểm sáng” của cả nước về thu hút đầu tư.

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút được hơn 5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong đó, có sự hiện diện của nhiều tập đoàn toàn cầu như: Toyota, Honda, Sumitomo (Nhật Bản); Piaggio (Italia); De Heus (Hà Lan); Deawoo; Patron Vina, Heasung Vina, Cammsys (Hàn Quốc); Prime Group (Thái Lan); Weldex (Hoa Kỳ)…

Bên cạnh nhà đầu tư nước ngoài, Vĩnh Phúc cũng nhận được sự quan tâm lớn của nhiều doanh nghiệp tên tuổi trong nước, điển hình như: FLC, VinGroup, SunGroup, Công ty Hồng Hạc Đại Lải, Sông Hồng Thủ đô, Thép Việt Đức… tất cả những nhà đầu tư này đều có sự tăng trưởng mạnh mẽ tại Vĩnh Phúc.

Nói về sự thành công này, Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc chia sẻ: Hạ tầng sạch - Giao thông thuận lợi - Giá thuê đất hợp lý là 3 yếu tố giúp Vĩnh Phúc thu hút FDI, DDI ngoạn mục.

Nhưng thành công nhất trong bức tranh thu hút đầu tư nói trên là sự chuyển hướng thu hút đầu tư rất thành công, mang lại sự bứt phá mạnh mẽ. Nếu những năm trước 2015, Vĩnh Phúc chủ yếu thu hút đầu tư FDI và DDI chủ yếu hướng đến đối tượng doanh nghiệp là nhà xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước. Nhưng từ 2015, dư âm của cuộc đàm phán EVFTA, CPTPP, RCEP đã mở ra hướng đi mới cho Vĩnh Phúc. Tỉnh đã nhanh nhạy chuyển hướng đối tượng thu hút đầu tư, đó là những doanh nghiệp sản xuất chi tiết, linh kiện, phụ tùng cho các doanh xuất khẩu; đáp ứng yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp xuất khẩu.

Cụ thể, từ 2015 trở lại đây, trong danh mục kêu gọi đầu tư FDI và DDI, có nhiều dự án liên quan đến sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho các ngành ô tô, xe máy, điện tử, viễn thông, chi tiết cho các thiết bị tiết kiệm năng lượng. Tại Quyết định số 683 ngày 26/3/2020 Phê duyệt Chương trình xúc tiến đầu tư đã nêu rõ định hướng thu hút đầu tư: “Ưu tiên thu hút các ngành nghề đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0 như: công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới.... và các lĩnh vực tỉnh có lợi thế cạnh tranh (cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp hỗ trợ ô tô xe máy’; và “chú trọng thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao...”.

Từ định hướng này, Vĩnh Phúc đã xác định thị trường trọng điểm gồm các quốc gia và vùng lãnh thổ chó qun hệ FTA với Việt Nam như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và mở rộng ra một số thị trường tiềm năng như Úc, New Zealand.

Trong giải pháp thực hiện, Vĩnh Phúc cũng hướng đến xây dựng đầu mối cộng tác viên tại một số quốc gia có FTA với Việt Nam, và tăng cường kết nối với các cơ quan, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam thuộc các quốc gia có FTA với Việt Nam như  JICA, JETTRO, KOTRA, EURCHAM,...

Chương Mỹ