Nhiều cơ hội hợp tác giao thương cho doanh nghiệp Việt Nam - Bangladesh

Bangladesh hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại khu vực Nam Á và là thị trường mới, giàu tiềm năng với sức mua lớn. Việc đẩy mạnh hợp tác giao thương với thị trường Bangladesh sẽ mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Mới đây, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Thái Bình, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình phối hợp với Đại sứ quán Bangladesh tại Việt Nam tổ chức Hội nghị kết nối giao thương Việt Nam - Bangladesh tại thành phố Thái Bình.

Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp đến từ Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình và Phòng Thương mại và Công nghiệp Dhaka, Bangladesh.

doanh nghiệp
Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp đến từ Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình và Phòng Thương mại và Công nghiệp Dhaka, Bangladesh.

Tại Hội nghị, Lãnh đạo tỉnh Thái Bình nhấn mạnh Diễn đàn kết nối doanh nghiệp Thái Bình-Bangladesh có ý nghĩa quan trọng, là cơ hội tốt để giới thiệu, quảng bá hình ảnh mảnh đất và con người Thái Bình đến với nước bạn; cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tỉnh Thái Bình gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh, kết nối giao thương với các doanh nghiệp phía Bangladesh.

Với chủ trương đúng đắn, chính sách cởi mở cùng với sự năng động, khát vọng phát triển tỉnh của lãnh đạo và các cấp chính quyền tỉnh, tỉnh Thái Bình đã thu hút được sự quan tâm các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là thu hút vốn FDI. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 165 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 5,2 tỷ USD. Riêng Khu kinh tế có 98 dự án, với tổng vốn đầu tư: 4,5 tỷ USD, chiếm 87% FDI toàn tỉnh.

Tỉnh Thái Bình sẵn sàng chào đón và cam kết sẽ hỗ trợ tối đa về mọi mặt với cơ chế chính sách, thủ tục pháp lý đầu tư-kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa, thủ tục hải quan; cũng như bảo đảm các điều kiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh cho nhà đầu tư hoạt động tại tỉnh được ổn định, thuận lợi nhất; sẵn sàng lắng nghe và giải quyết kịp thời khó khăn cho nhà đầu tư, đáp ứng mọi điều kiện thiết yếu của các tổ chức, cá nhân.

Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình cho biết, với 15 tổ chức hội thành viên, gần 10.000 doanh nghiệp, Hiệp hội mong muốn chính quyền các cấp, các cơ quan ban, ngành ở Trung ương và địa phương, đặc biệt là Đại sứ quán Bangladesh tại Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh và Bộ Công Thương hai nước tiếp tục tạo điều kiện về mọi mặt, trước hết là kết nối về mặt pháp lý và chia sẻ thông tin để các doanh nghiệp hai nước tìm hiểu, kết nối giao thương.

Chia sẻ về tiềm năng quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Bangladesh, ông Đỗ Quốc Hưng, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, 51 năm kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hữu nghị truyền thống hai nước tiếp tục được củng cố và ngày một phát triển. Hiện nay, Bangladesh là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại khu vực Nam Á và là thị trường mới, giàu tiềm năng với sức mua lớn. Việc đẩy mạnh hợp tác giao thương với thị trường Bangladesh sẽ mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đỗ Quốc Hưng
Ông Đỗ Quốc Hưng, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, Bangladesh hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại khu vực Nam Á và là thị trường mới, giàu tiềm năng với sức mua lớn.

Riêng đối với tỉnh Thái Bình, không chỉ có lợi thế về vị trí, giao thông kết nối, địa phương còn có cộng đồng doanh nghiệp đông đảo, đa ngành, phù hợp với định hướng hợp tác với doanh nghiệp Bangladesh.

Để tận dụng những cơ hội, thúc đẩy hợp tác thương mại hai nước Việt Nam - Bangladesh, ông Đỗ Quốc Hưng cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam và Bangladesh cần tiếp tục chủ động nghiên cứu và tìm hiểu rõ nội dung các thỏa thuận đã có giữa hai nước để làm căn cứ và tận dụng những ưu đãi từ các thỏa thuận này đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần chủ động, tích cực tham gia ý kiến, nêu các khó khăn, vướng mắc, các vấn để trong thương mại song phương để các cơ quan quản lý hai bên kịp thời tháo gỡ.

Bày tỏ vui mừng trước những kết quả phát triển kinh tế - xã hội mà Việt Nam nói chung, Thái Bình nói riêng đạt được trong thời gian qua, Đại sứ Lutfor Rahman và Chủ tịch DCCI cho rằng Bangladesh là điểm giao thoa giữa Nam Á và Đông Nam Á, trong khi Việt Nam là trung tâm thương mại và đầu tư trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Hai nước có quan hệ đối tác song phương lâu đời bao gồm các mối quan hệ cấp Chính phủ với Chính phủ và doanh nghiệp với doanh nghiệp.

doanh nghiệp
Doanh nghiệp hai nước trao đổi, kết nối giao thương trong khuôn khổ Hội nghị.

Thông qua Hội nghị kết nối giao thương này, Bangladesh mong muốn kêu gọi các nhà đầu tư Việt Nam nói chung, Thái Bình nói riêng tăng cường xúc tiến đầu tư vào Bangladesh bởi quốc gia này luôn có các quy chế đầu tư cạnh tranh và ấn tượng nhất ở Nam Á với các lợi ích tài chính, phi tài chính đa dạng cũng như môi trường pháp lý thuận lợi cho đầu tư nước ngoài.

Trong khuôn khổ Hội nghị, doanh nghiệp hai nước đã cùng nhau trao đổi, kết nối và tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu và tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Việt Hằng