TCCT: Thưa ông, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, được biết đây là năm thứ 2 Ngày Quyền của người tiêu dùng chuyển từ tổ chức mít tinh trực tiếp sang trực tuyến. Vậy các hoạt động trực tuyến đã và đang được triển khai thế nào, vai trò của từng địa phương được phát huy ra sao?
Phó Cục trưởng Trịnh Anh Tuấn: Nhằm triển khai Ngày Quyền của người tiêu dùng năm 2021, ngày 12 tháng 11 năm 2020, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch số 8674/KH-BCT về tổ chức Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2021 với chủ đề “Kinh doanh trách nhiệm, tiêu dùng bền vững trong thời kỳ bình thường mới”. Việc xây dựng và tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2021 được thực hiện trong bối cảnh tiếp diễn phức tạp của dịch bệnh Covid-19, vì vậy, trong quá trình xây dựng Kế hoạch triển khai, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã tính đến các phương án để vừa nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục và phát triển các hoạt động kinh doanh, đồng thời, vừa bảo đảm an toàn sức khỏe cho những người tham gia.
Thực hiện Kế hoạch của Bộ Công Thương, tới thời điểm hiện tại, 48 địa phương đã xây dựng và gửi kế hoạch tổ chức hoạt động nhằm hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam tới Bộ Công Thương, trong đó, chủ yếu tập trung vào các hoạt động hạn chế đông người và kết hợp sử dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền, lan tỏa các giá trị, như: thực hiện các nội dung trên sóng phát thanh, truyền hình, lập các điểm phát tờ rơi, in, treo băng rôn, khẩu hiện tại các cơ quan, tổ chức, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng xăng dầu, các tuyến đường chính, địa điểm công cộng, khu dân cư và các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh...
Trong quá trình triển khai các hoạt động, các địa phương đã chủ động phối hợp và thông tin với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhằm thống nhất về cách thức và thời gian thực hiện các hoạt động, góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa, đảm bảo thành công cho công tác hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.
Để tạo điểm nhấn cho các hoạt động, ngày 12 tháng 3 năm 2021, Bộ Công Thương đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Buổi lễ sẽ được ghi hình tại Trường quay Đài Truyền hình Kỹ thuật số và chia sẻ trực tuyến trên nhiều kênh thông tin.
Tại buổi Tọa đàm, các khách mời đã giới thiệu về lịch sử cũng như ý nghĩa của sự kiện Ngày Quyền người tiêu dùng trên thế giới, đồng thời, nêu rõ lý do và ý nghĩa lựa chọn chủ đề Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam năm 2021. Cùng với đó, nhằm nâng cao nhận thức của các chủ thể trong xã hội, đặc biệt là vai trò của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với các vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững, các khách mời đã trao đổi và thảo luận về khái niệm tiêu dùng bền vững, về vai trò và các hành động cụ thể của các chủ thể để đóng góp vào yêu cầu phát triển bền vững của nền kinh tế.
Sau Tọa đàm này, Bộ Công Thương đang tiếp tục phối hợp với các địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp liên quan để thực hiện các hoạt động hưởng ứng khác trên phạm vi cả nước.
TCCT: Với chủ đề “Kinh doanh trách nhiệm, tiêu dùng bền vững trong thời kỳ bình thường mới”, Bộ Công Thương kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Hưởng ứng ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2021 trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được huy động hưởng ứng ngày này như thế nào?
Phó Cục trưởng Trịnh Anh Tuấn: Trong những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều hoạt động để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ người tiêu dùng nói chung, đồng thời góp phần tạo không khí hưởng ứng thiết thực, sôi động cho Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, cụ thể: các hoạt động treo băng rôn, khẩu hiệu tại các địa điểm kinh doanh, các chương trình giảm giá, khuyến mại, tri ân người tiêu dùng vào dịp tháng 3 hàng năm… Các hoạt động trên của doanh nghiệp không chỉ mang lại lợi ích nhiều mặt cho doanh nghiệp mà còn góp phần tạo nên thành công chung, hỗ trợ các cơ quan, tổ chức trong việc đạt được kết quả hoạt động.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, khi nhu cầu tiêu dùng của nền kinh tế bị giảm sút thì việc huy động và phát huy sự tham gia của các chủ thể liên quan trong nền kinh tế nhằm kích cầu tiêu dùng càng đóng vai trò quan trọng. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo cần tập trung các giải pháp để kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước.
Vì vậy, nhân dịp Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, ngày 8 tháng 3 năm 2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có Thư ngỏ kêu gọi các doanh nghiệp chung tay thực hiện các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, Bộ Công Thương ghi nhận và biểu dương các hoạt động tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời, tiếp tục nhấn mạnh cam kết của Bộ trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện các hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và gia tăng niềm tin của người tiêu dùng đối với nền kinh tế.
TCCT: Về phía người tiêu dùng, ngày Quyền của người tiêu dùng năm nay có những đổi mới gì so với các năm trước trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về quyền lợi và trách nhiệm của mình, thưa ông?
Phó Cục trưởng Trịnh Anh Tuấn: Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng và làm thay đổi rõ nét thói quen và nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Trên cơ sở ghi nhận các nội dung thay đổi trên, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã định hướng và triển khai nhiều hoạt động phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong thời kỳ mới.
Trong đó, trước hết là tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng đối với một số hành vi tiêu dùng nổi bật trong thời kỳ dịch bệnh, bao gồm: các giao dịch đặt mua vé máy bay, kỳ nghỉ dưỡng, các giao dịch thương mại điện tử… Để đảm bảo hiệu quả, phần lớn công tác tuyên truyền đều được tổ chức thực hiện trên môi trường trực tuyến (qua website của Bộ Công Thương, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, trên nền tảng facebook…), bao gồm cả hoạt động phối hợp với các tổ chức quốc tế, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng của một số nước để thực hiện các tọa đàm hoặc xây dựng các video clip tuyên truyền.
Đồng thời, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã và đang chủ động phối hợp với các cơ quan nhà nước để tăng cường rà soát, kiểm tra hoạt động của các sàn thương mại điện tử, qua đó, kịp thời phát hiện các hành vi, vụ việc vi phạm, từ đó, có các hình thức xử lý và cảnh báo tới người tiêu dùng.
Ngoài ra, tiếp tục triển khai thực hiện một số Đề án của Bộ Công Thương nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp và hỗ trợ người tiêu dùng trong việc thực hiện phản ánh, khiếu nại, bao gồm Đề án Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng và Đề án Doanh nghiệp vì người tiêu dùng.
TCCT: Với hàng loạt hoạt động này, hy vọng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2021 sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành công. Xin cảm ơn ông!