Tiếp quản thuận hòa
Cách đây 40 năm, khi hay tin miền Nam sắp giải phóng, Tổng cục Địa
chất quyết định thành lập một đoàn cán bộ bay vào Sài Gòn để tiếp quản tài liệu của các công ty dầu
khí nước ngoài từng làm việc ở thềm lục địa miền Nam Việt Nam từ năm 1971 đến năm 1975. Đoàn cán bộ
có 12 người, ông Lê Quang Trung đi theo nhóm 1 trong chuyến bay sáng ngày 5-5-1975. Trên chuyến bay
ấy có thiếu tướng Hoàng Phương, Chính ủy Bộ Tư lệnh Phòng không - Không Quân đưa pháo hoa vào Nam
để chuẩn bị đón bác Tôn Đức Thắng vào làm lễ mừng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày
15-5-1975.
Vào Nam, Đoàn cán bộ của Tổng cục Địa chất được tướng Trần Văn Trà
(Trưởng ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định) bố trí đến Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản ở số 2 Nguyễn
Bỉnh Khiêm, quận 1. Ông nhớ lại: "Chúng tôi từ miền Bắc vào trong khí thế chiến thắng, tâm trạng
háo hức. Cả đoàn ở khách sạn Continential, trên đường Đồng Khởi rồi đi bộ qua số 2 Nguyễn Bỉnh
Khiêm, trụ sở của Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản để đọc và đánh giá tài liệu. Tất cả đoàn tiếp
quản đều mặc áo bộ đội, mũ tai bèo, người dân rất hồ hởi vì cứ nghĩ chúng tôi là bộ đội Cụ Hồ nên
rất phấn khởi". Cuộc gặp gỡ cán bộ làm trong ngành Dầu khí giữa hai phía lúc đầu có phần dè dặt.
Tuy nhiên, sau khi tiếp xúc, trò chuyện thì tất cả nhân viên ở Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản đều
vui vẻ và sẵn sàng giúp đỡ Đoàn tiếp quản thu thập các tài liệu có được lúc đó.
Ông Lê Quang Trung, nguyên Bí thư Đảng ủy Vietsovpetro các khóa IV, V, VI, nguyên Phó tổng giám đốc Liên doanh Việt - Nga
Trước đó, trước khi miền Nam giải phóng đã có một nhóm quân quản
của Tổng cục Địa chất vào, đợi ngày giải phóng là tiếp quản, tránh tình trạng xáo trộn của những
ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh có thể dẫn đến mất mát tài liệu... "May là, có một số cán bộ,
công nhân viên của Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản còn ở lại và họ rất sẵn lòng giữ gìn các tư liệu
quý này. Chính vì thế mà toàn bộ tài liệu dầu khí ở Tổng cuộc, khoảng hàng tạ tài liệu vẫn còn giữ
nguyên vẹn". Chính nguồn tài liệu này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, sau này giúp cho Công ty Dầu
khí Nam Việt Nam xác định được khu vực tìm kiếm, thăm dò nhanh hơn. Vì nếu không có nguồn tài liệu
quan trọng này thì chúng ta phải mất một thời gian không ngắn để tiến hành tìm kiếm, thăm dò ở thềm
lục địa phía Nam.
Ông nhớ lại: "Chính mỏ Bạch Hổ sau này Vietsovpetro đã khai thác
mấy trăm triệu tấn dầu là nơi trước 1975, Công ty Mobil của Mỹ đã khoan và gặp dầu và họ đã lấy 5
thùng dầu thô đưa về Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản". Khi tiếp quản, ông Lê Quang Trung cùng nhóm
cộng sự đã lấy mẫu dầu do Mobil lưu trữ tại Tổng cuộc cùng tài liệu do anh chị em ở Tổng cuộc soạn
theo yêu cầu của Đoàn chuyển ra Hà Nội gấp và báo cáo với Chính phủ. Và trong hàng tá tài liệu đó,
Đoàn tiếp quản chủ yếu tập trung vào nguồn tài liệu tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở thềm lục địa phía
Nam của các công ty như Mobil (Mỹ), Total (Pháp)… Thời trước 1975, các công ty này đã khoan được 6
giếng và có giếng đã gặp dầu ở Bạch Hổ. Báo cáo gửi ra Hà Nội rất ngắn gọn là ở thềm lục địa phía
Nam có dầu, các công ty đã tiến hành khoan và có dầu. Còn toàn bộ tài liệu vẫn lưu giữ ở Tổng cuộc
Dầu hỏa và Khoáng sản.
Sau báo cáo do Đoàn cán bộ Tổng cục Địa chất trong Nam gửi ra thì
ngày 3-9, Chính phủ quyết định thành lập Tổng cục Dầu khí và đồng thời, sau đó 27-11-1975 thành lập
Công ty Dầu khí Nam Việt Nam. Sau khi thành lập Công ty Dầu khí Nam Việt Nam thì có một số cán bộ
từng làm ở Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản trước năm 1975 vẫn ở lại làm việc một thời gian. Sau đó
có một số người xin đi Mỹ, số còn lại vẫn công tác đến ngày về hưu. Tính đến hôm nay, Công ty Dầu
khí Nam Việt Nam đã gần tròn 40 tuổi. Và những người từng làm việc ở Công ty Dầu khí Nam Việt Nam
đang mong chờ ngày hội tụ sau 40 năm dài theo nghiệp dầu khí.
Sau đó, ông Lê Quang Trung được Tổng cục Dầu khí bổ nhiệm làm Đoàn
trưởng đoàn Dầu khí 21 cùng với 147 cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý xuống Vũng Tàu xây
dựng căn cứ dầu khí. Đơn vị này trực thuộc Công ty Dầu khí Nam Việt Nam (thực tế là Đoàn Địa chất
Dầu khí 2.1 nhưng sau này quen gọi là Đoàn Địa chất 21).
Vũng Tàu sau chiến tranh bị tàn phá rất nặng nề, tan hoang, phố
phường ngổn ngang. Thị xã Vũng Tàu lúc đó bố trí Đoàn Địa chất Dầu khí 21 đến làng thương binh của
chính quyền cũ. "Ở đấy còn một số thương binh. Chúng tôi đến gặp họ và ở xen với họ để đi làm dầu
khí. Sau đó, thị xã Vũng Tàu bố trí cho thương bệnh binh về quê và giao địa điểm đó cho Đoàn Dầu
khí 21 làm việc", ông Lê Quang Trung chia sẻ. Theo ông, lúc đó các cán bộ đang ở miền Bắc có cuộc
sống ổn định, phải vào Vũng Tàu trong điều kiện còn bộn bề sau chiến tranh, thiếu thốn mọi bề,
không ít anh em cũng có ít nhiều suy nghĩ. Thị xã Vũng Tàu thời điểm này trực thuộc tỉnh Đồng Nai,
cán bộ làm công tác dầu khí phải lên Đồng Nai nhận nhu yếu phẩm. Ông Trung vẫn nhớ, tuy sống ở miền
Nam là vựa thóc gạo mà phải ăn độn đến 70% với sắn khô, bắp xay, chuối xanh. Quy ra 5 ký chuối xanh
thì được một cân độn, sau về để ở gầm dường ăn dần, nếu chuối chín quá thì vứt đi chứ không được
bán cho bất cứ ai. Cuộc sống bước đầu ở vùng đất Vũng Tàu vô cùng vất vả, sau năm 1978 có một số
cán bộ thấy tình hình khó khăn quá thì xin chuyển công tác ra Bắc, còn phần lớn vẫn ở lại Vũng Tàu
bám trụ và làm dầu khí cho đến ngày về hưu.
Thành tựu lớn sau 40 năm
Giờ ngẫm lại, ông Lê Quang Trung cho rằng, có thể thấy lịch sử phát
triển ngành Dầu khí ở thềm lục địa phía Nam trải qua ba giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là trước năm
1975, khi các công ty dầu khí tư bản đã tìm kiếm, thăm dò và khoan 6 giếng ở thềm lục địa Việt Nam
và có giếng có dầu. Đây là cơ sở vô cùng quan trọng để sau này giúp Vietsovpetro thăm dò ở vùng
thềm lục địa phía Nam thuận lợi hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Chuyên gia Liên Xô và cán bộ Việt Nam cùng chỉ đạo xây dựng Cảng Vietsovpetro năm 1981
Giai đoạn hai, theo ông Lê Quang Trung là sau 1975, khoảng từ năm
1978-1980 thì ta ký hợp đồng với 3 công ty dầu khí nước ngoài của Canada, Ý và Cộng hòa Liên bang
Đức và các công ty này đã khoan được 12 giếng, gặp dầu và khí. Nhưng sau vì nhiều nguyên nhân khác
nhau mà cả ba công ty không tiến hành tìm kiếm, thăm dò dầu khí nữa và chấm dứt hợp đồng với ta.
Tuy nhiên, những tài liệu của 3 công ty này giúp cho Công ty Dầu khí Nam Việt Nam và Vietsovpetro
sau này đánh giá được phần nào tiềm năng dầu khí ở thềm lục địa phía Nam.
Giai đoạn 3 là giai đoạn Việt Nam hợp tác với Liên Xô từ năm 1981,
sau này là Liên bang Nga. Có thể khẳng định đây là giai đoạn bước ngoặt của ngành Dầu khí Việt Nam,
dựa trên cơ sở những tài liệu đã có trước năm 1975 cùng tài liệu của 3 công ty dầu khí tư bản thăm
dò, khoan từ năm 1978-1980 ta có những tài liệu minh định cho giả định có dầu ở Lô 09, tập trung
vào mỏ Bạch Hổ. Sau đó, Vietsovpetro khoan thì gặp dầu luôn. Năm 1984 khoan phát hiện dầu ở mỏ Bạch
Hổ và Mỏ Rồng (năm 1986), bắt đầu khai thác dầu công nghiệp từ MSP-1 (năm 1986), nhận được dòng dầu
tự phun từ tầng móng Mỏ Bạch Hổ (năm 1987) và kể từ năm 1986, mỗi năm đưa 2 giàn cố định (MPS) vào
khai thác. Tiến độ xây dựng ngoài khơi được đẩy mạnh, đã xây dựng căn cứ sản xuất trên bờ và nhiều
công trình công cộng phục vụ đời sống cho cán bộ, công nhân viên. Kể từ đó đến nay, rất nhiều mỏ
dầu được phát hiện ở thềm lục địa phía Nam. Đến hôm nay, Vietsovpetro đã khai thác trên 200 triệu
tấn dầu cùng hàng chục tỉ m3 khí, doanh thu trên 70 tỉ đôla, nộp ngân sách cho phía Việt
Nam và phía Nga hàng chục tỉ USD. Trong thành quả chung của cả một tập thể Vietsovpetro, sẽ luôn
ghi nhớ những con người của thời kỳ đầu tiên, sau 1975 vào Nam, không quản ngại bao nhiêu khó khăn,
gian khổ, thử thách và có những lúc tưởng chừng buông xuôi. Nhưng rồi bằng niềm tin mãnh liệt, thềm
lục địa phía Nam có dầu, đất nước đang cần dầu thì những chuyên gia, kỹ sư ngày ấy, trong đó có ông
Lê Quang Trung gần như quên đi mọi khó khăn, thử thách để tiếp tục hành trình tìm dầu. Và đến hôm
nay, kết quả thật sự vô cùng mỹ mãn.
Vì thế trong chuyến thăm Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro vào
thập niên 90 của thế kỷ XX, Tổng bí thư Đỗ Mười phát biểu: Sau năm 1991, khi Liên Xô và các nước xã
hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ thì Việt Nam nhờ có hai chân trụ vững là dầu khí và nông nghiệp mà
đất nước ổn định và phát triển đến ngày nay.
Đánh giá chung kết quả hoạt động tìm kiếm, thăm dò ở phía Nam theo
ông Lê Quang Trung có mấy điểm nổi bật: Thứ nhất, chúng ta đã nhanh chóng tìm thấy dầu khí ở mỏ
Bạch Hổ và đưa vào khai thác đáp ứng yêu cầu của đất nước. Đặc biệt là phát hiện tầng dầu trong đá
móng, không những đảm bảo cho Vietsovpetro phát triển liên tục mà còn lôi kéo các công ty dầu khí
tư bản nước ngoài quay trở lại hoạt động dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam. Đến bây giờ có hàng chục
công ty dầu khí nước ngoài và các liên doanh đang hoạt động ở thềm lục địa Việt Nam rất hiệu
quả.
Thứ hai, trong quá trình hợp tác với Liên Xô (nay là Liên bang
Nga), ngành Dầu khí Việt Nam đã đào tạo được đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý và
công nhân lành nghề đa ngành để phục vụ cho sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam. Trước đây và
hiện nay, phần lớn lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các liên doanh dầu khí đều là người
từng làm việc ở Vietsovpetro.
Thứ ba, ngành Dầu khí ở phía Nam đã xây dựng cơ sở vật chất để làm
dịch vụ cho ngành Dầu khí, không chỉ cho ngành Dầu khí nước nhà mà cả cho nước ngoài. Cơ sở vật
chất phục vụ cho ngành Dầu khí không chỉ ở Vietsovpetro mà còn các công ty dầu khí khác PV
Drilling, PTSC, PV Trans… đáp ứng yêu cầu các công ty dầu khí đang hoạt động ở Việt Nam và cả các
công ty dầu khí trong khu vực và trên thế giới. Thành tựu thứ 4, trong quá trình phát triển ngành
Dầu khí ở phía Nam thì chúng ta đã xây dựng được ngành dịch vụ dầu khí tương đối hoàn chỉnh, đa
ngành như PTSC, PV Drilling và PV Trans…
Có thể nói, những thành tựu nổi bật của ngành Dầu khí và
Vietsovpetro ai cũng thấy rõ. 40 năm kể từ ngày thành lập Công ty Dầu khí Nam Việt Nam, sau này là
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, ngành Dầu khí đã phát triển rất nhanh, mạnh và có thể sánh vai các công
ty dầu khí trong khu vực và trên thế giới. Nhìn lại thành tựu này của ngành Dầu khí nước nhà cho
thấy cách nhìn sáng suốt của Bác Hồ từ thập niên 50 của thế kỷ trước: "Việt Nam có biển ắt phải có
dầu", kế đến là bao thế hệ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã vô cùng tâm huyết với ngành Dầu khí,
cũng như bao thế hệ những người đi tìm lửa mang về những dòng dầu làm giàu cho Tổ quốc.
Về hưu đã trên 10 năm, khi chúng tôi đề cập ông có những mong ước
hay trăn trở gì với ngành Dầu khí hôm nay, nhất là ở Vietsovpetro. Ông chân thành bộc bạch: Giá như
công tác tìm kiếm, thăm dò của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Vietsovpetro đi trước một bước dài hơn
thì hoạt động dầu khí ở Việt Nam sẽ khởi sắc hơn nhiều. Nhưng ông tin rằng, hiện nay với lực lượng
lãnh đạo trẻ, trình độ khoa học cao, có kinh nghiệm ở Vietsovpetro sẽ tiếp tục đưa Liên doanh ngày
càng phát triển, vừa góp phần đóng góp ngân sách cho đất nước vừa đảm bảo công ăn việc làm cho
người lao động dầu khí. Những khó khăn hiện tại về sự suy giảm đối tượng khai thác, giá dầu giảm
Vietsovpetro sẽ vượt qua và đóng góp ngày càng nhiều cho đất nước và cho những người vì sự nghiệp
dầu khí đã đến và trụ lại Vũng Tàu đến hôm nay. Ông bày tỏ niềm tin lớn, với năng lực của đội ngũ
quản lý, đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật hiện nay, Vietsovpetro sẽ sớm phát hiện những mỏ mới có
trữ lượng lớn, bù đắp sản lượng khai thác hằng năm, ít nhất là ổn định sản lượng khai thác với kế
hoạch 5 triệu tấn dầu/năm từ nay đến 2020.
Khí chất người Cộng sản
Ngày 26-5-1982, Đảng bộ cơ sở Xí nghiệp Liên doanh Việt - Xô gồm 5
chi bộ đã được thành lập theo quyết định của Đặc khu ủy Vũng Tàu - Côn Đảo. Kể từ đây, qua các kỳ
đại hội với hơn 30 năm hoạt động từ năm 1982 đến nay, Đảng bộ Vietsovpetro đã trở thành hạt nhân
lãnh đạo cán bộ, công nhân viên tham gia phía Việt Nam thực hiện 4 nhiệm vụ chính mà Đảng, Chính
phủ và ngành Dầu khí nước ta đặt ra. Đó là: 1 - Nhanh chóng tìm ra dầu đưa vào khai thác. 2 - Xây
dựng cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng phục vụ công tác tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí trên
biển. 3 - Đào tạo đội ngũ cán bộ, công nhân viên dầu khí Việt Nam giỏi chuyên môn để từng bước vươn
lên làm chủ ngành công nghiệp dầu khí biển Việt Nam. 4 - Hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển dịch vụ
dầu khí tại Việt Nam cho những doanh nghiệp trong nước.
Giàn Công nghệ CTK-3
Theo ông Lê Quang Trung, nguyên Bí thư Đảng ủy Vietsovpetro các
khóa IV, V, VI thì từ những khóa đầu tiên, Đảng ủy Vietsovpetro phải thực hiện được 4 nhiệm vụ
chiến lược và vô cùng gian khó này với mô hình hoạt động rất đặc thù như Liên doanh Vietsovpetro
nên Đảng bộ phía Việt Nam cũng như các chi bộ trực thuộc phải tập trung nỗ lực vượt qua những khó
khăn thách thức, đổi mới phương thức lãnh đạo nhằm tạo sự đóng góp trí tuệ của toàn thể đảng viên
trong toàn Đảng bộ và sự năng động, sáng tạo của từng chi bộ và mỗi đảng viên.
Trên thực tế, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Đảng, của
Chính phủ, của Đặc khu ủy Vũng Tàu - Côn Đảo/Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, 4 nhiệm vụ trên đã được
Đảng bộ Vietsovpetro và tập thể lao động quốc tế Việt - Xô cơ bản hoàn thành xuất sắc ngay trong
những năm đầu thập niên 90.
Trong nhiệm kỳ Đại hội lần IV (1989-1991), Đảng bộ phía Việt Nam
trong Liên doanh đã phối hợp có hiệu quả với Đảng bộ phía Liên Xô, lãnh đạo tập thể lao động Việt
Nam cùng phía Liên Xô đạt được 3 thành tựu nổi bật: Nhanh chóng phát hiện dòng dầu công nghiệp bảo
đảm sớm đưa mỏ Bạch Hổ vào khai thác. Đến cuối năm 1990, tổng sản lượng dầu khai thác đạt 5 triệu
tấn. Khẩn trương xây lắp giàn khoan cố định và đưa mỏ Bạch Hổ vào khai thác chỉ sau 2 năm kể từ khi
phát hiện dòng dầu công nghiệp. Phát hiện thân dầu có lưu lượng lớn trong tầng đá móng granite nứt
nẻ, tăng nhanh sản lượng dầu khai thác hằng năm, vừa góp phần thay đổi quan điểm cơ bản về quá
trình hình thành, dịch chuyển tích tụ dầu khí tại các bồn trũng phía tây Thái Bình Dương, vừa thu
hút các nhà thầu nước ngoài quay trở lại hợp tác khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam Việt
Nam.
Ông trầm ngâm, trong giai đoạn 1991-2010 (với các nhiệm kỳ V, VI,
VII, VIII) sau khi Liên Xô tan rã, tổ chức Đảng Cộng sản Liên Xô trong Vietsovpetro không còn hoạt
động, đơn vị đã gặp phải những khó khăn, thách thức rất lớn. Song, Đảng bộ Vietsovpetro (phía Việt
Nam) tiếp tục được củng cố, chủ động và sáng tạo theo con đường đổi mới, đã lãnh đạo tập thể cán
bộ, công nhân viên phía Việt Nam phối hợp với lãnh đạo và tập thể lao động phía Nga hoàn thành xuất
sắc các nhiệm vụ do cấp trên giao phó.
Ông Lê Quang Trung khẳng định, thực tiễn hoạt động hơn 30 năm qua
của Đảng bộ Vietsovpetro đã khẳng định chủ trương xây dựng và phát triển tổ chức đảng trong đơn vị
liên doanh với nước ngoài của Đảng ta ngay từ đầu là hoàn toàn đúng đắn và sáng tạo, thực sự có ý
nghĩa nghiên cứu, học tập đối với các tổ chức đảng ở các liên doanh hiện nay.
Với 12 năm làm Bí thư Đảng ủy, 16 năm làm Phó tổng giám đốc Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, ông Lê Quang Trung là một đảng viên trung kiên, một Bí thư Đảng ủy mẫu mực, một con người sống hết lòng với sự nghiệp dầu khí. Và với 40 năm vào Nam tìm dầu, đó là cách ông Lê Quang Trung cùng những người cộng sự hay ví von. Đến tuổi 79, ngẫm lại, ông thấy mình rất may mắn, hạnh phúc đi đúng con đường đã chọn và rất tự hào vì những gì mà ông cùng những người cùng thời đã làm tròn nhiệm vụ "Những người đi tìm lửa", để hôm nay tiếp tục tiếp lửa cho thế hệ trẻ dầu khí noi theo.