Năm 2024, xuất khẩu hàng hóa ghi dấu ấn là điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế Việt Nam, đóng góp quan trọng nâng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm lập kỷ lục mới, đạt hơn 786 tỷ USD.
Những điểm sáng nổi bật của xuất khẩu năm 2024
Theo Bộ Công Thương, hoạt động xuất khẩu năm 2024 ghi nhận nhiều kết quả nổi bật.
Trong đó đáng chú ý là hoạt động xuất khẩu đã tích cực tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống để đẩy mạnh xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao ở mức hai con số với sự phục hồi tích cực của các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực.
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nhóm công nghiệp chế biến phục hồi mạnh, là động lực đóng góp chính vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước (chiếm gần 85%). Đặc biệt, các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực vốn gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 đã có sự phục hồi nhanh, lấy lại đà tăng trưởng cao ở mức hai con số như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; hàng dệt may; giày dép các loại; gỗ và sản phẩm gỗ; sắt thép...
Cùng với đó, hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Khai mở thị trường tiềm năng tại Trung Đông - châu Phí bằng việc ký kết Hiệp định FTA với UAE trong thời gian đàm phán kỷ lục (16 tháng). Hoạt động xuất nhập khẩu đã cơ bản tận dụng, khai thác có hiệu quả các cam kết mở cửa thị trường từ các FTA, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam với hầu hết các thị trường đã ký FTA đều tăng như: Hoa Kỳ, EU, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản….
Công tác điều hành, khai thông hiệu quả hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, hàng hóa cơ bản không bị ách tắc, kể cả lúc cao điểm thời vụ, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang thị trường này.
Bên cạnh đó, năng lực sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước ngày càng được cải thiện, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước cao hơn so với khu vực FDI; đồng thời, tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Những “mỏ vàng” cũ và mới
Xuất khẩu năm 2024 chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của những nhóm hàng có truyền thống đứng trong Top đầu như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; Điện thoại các loại và linh kiện; Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác; Hàng dệt may, Giày dép... nhưng cũng đồng thời ghi tên những "ngôi sao mới" như mặt hàng quả sầu riêng (trị giá 3 tỷ USD và chiếm tỷ trọng 42% trong tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả của cả nước năm 2024).
Số liệu cập nhật của Tổng cục Hải quan công bố ngày 17/01/2025 cho biết, kết thúc năm 2024, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3% (tương ứng tăng 50,81 tỷ USD) so với năm trước.
Trong đó, tăng mạnh ở các nhóm hàng: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 15,26 tỷ USD; máy móc, thiết bị và phụ tùng tăng 9,06 tỷ USD; hàng dệt may tăng 3,72 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 2,81 tỷ USD; giày dép các loại tăng 2,64 tỷ USD; hàng rau quả tăng 1,55 tỷ USD; sản phẩm từ chất dẻo tăng 1,54 tỷ USD và điện thoại các loại và linh kiện tăng 1,52 tỷ USD; cà phê tăng 1,38 tỷ USD và hàng thủy sản tăng 1,07 tỷ USD.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: Tính chung trong năm 2024 trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 72,58 tỷ USD, chiếm tới 18% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước và tăng 26,6% (tương ứng tăng 15,26 tỷ USD) so với năm trước.
Xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong năm 2024 sang Hoa Kỳ, EU (27 nước), Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc tăng mạnh, trong khi đó xuất sang Trung Quốc lại giảm. Cụ thể, xuất sang Hoa Kỳ với 23,2 tỷ USD, tăng 36,3%; Trung Quốc với 12,64 tỷ USD, giảm 3,1%; EU (27 nước) với 9,9 tỷ USD, tăng 63,7%; Hồng Kông (Trung Quốc) với 8,16 tỷ USD, tăng 47,3%; Hàn Quốc với 5,73 tỷ USD, tăng 18,6% so với năm trước.
Điện thoại các loại và linh kiện: Trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong năm 2024 đạt 53,89 tỷ USD, đứng ở vị trí thứ hai trong tất cả các nhóm hàng và chiếm 13% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước. Với kết quả này, xuất khẩu nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện tăng 2,9% so với năm trước, nhưng vẫn giảm 7,1% so với năm 2022.
Xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện trong năm 2024 chủ yếu sang các thị trường như Trung Quốc với 15,44 tỷ USD, giảm 8,5%; Hoa Kỳ với 9,82 tỷ USD, tăng 24,3%; EU (27 nước) với 6,28 tỷ USD, giảm 12,8% so với năm trước.
Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác: Tính chung trong năm 2024, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 52,19 tỷ USD, đứng vị trí thứ ba trong tất cả các nhóm hàng và tăng 21% (tương ứng tăng 9,06 tỷ USD) so với năm trước.
Xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng trong năm 2024 sang thị trường Hoa Kỳ đạt 22,05 tỷ USD, tăng 21,2% và EU (27 nước) đạt 7,36 tỷ USD, tăng 23,7% so với năm trước. Tính chung, xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng sang 2 thị trường này đạt 29,41 tỷ USD, chiếm 56% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Hàng dệt may: Năm 2024, trị giá xuất khẩu hàng dệt may đạt 37,04 tỷ USD, tăng 11,2% (tương ứng tăng 3,72 tỷ USD) so với năm trước.
Trong năm 2024, xuất khẩu nhóm hàng dệt may sang Hoa Kỳ đạt 16,15 tỷ USD, tăng 11,6%; Nhật Bản đạt 4,33 tỷ USD, tăng 6,7%; EU (27 nước) đạt 4,32 tỷ USD, tăng 12,2% và Hàn Quốc đạt 3,15 tỷ USD, tăng 3,3% so với năm trước.
Giày dép các loại: Năm 2024, xuất khẩu nhóm hàng này đạt 22,87 tỷ USD, tăng 13% (tương ứng tăng 2,64 tỷ USD) so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu giày dép các loại của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 18,11 tỷ USD, tăng 11,1%, chiếm tỷ trọng 79% trong tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước; xuất khẩu giầy dép các loại của doanh nghiệp trong nước là 4,76 tỷ USD, tăng 21% và chiếm tỷ trọng 21%.
Các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong năm 2024 là Hoa Kỳ đạt 8,28 tỷ USD, tăng 15,7%; EU (27 nước) đạt 5,82 tỷ USD, tăng 18,5%; Trung Quốc đạt 1,91 tỷ USD, tăng 2,3%; Nhật Bản đạt 1,09 tỷ USD, tăng 3,8% so với năm trước.
Gỗ và sản phẩm gỗ: Năm 2024, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 16,28 tỷ USD, tăng mạnh 20,9% (tương ứng tăng 2,81 tỷ USD) so với năm trước.
Trong năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, với 9,06 tỷ USD, tăng mạnh 24% (tương ứng tăng 1,75 tỷ USD) và chiếm 56% trong tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Hàng thủy sản: Tính chung trong năm 2024, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 10,04 tỷ USD, tăng 11,9%, tương ứng tăng 1,07 tỷ USD so với năm trước.
Trong năm 2024, hàng thủy sản của Việt Nam chủ yếu xuất sang các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ với 1,83 tỷ USD, tăng 17,6%; Trung Quốc với 1,73 tỷ USD, tăng 29,4%; Nhật Bản với 1,53 tỷ USD, tăng 1,1%; EU (27 nước) với 1,04 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước.
Hàng rau quả: Xuất khẩu nhóm hàng này trong năm 2024 đạt 7,15 tỷ USD, tăng 27,6% (tương ứng tăng 1,55 tỷ USD) so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu quả sầu riêng (mã HS 0810.60.00) đạt 3 tỷ USD, tăng tới 42,5%, tương ứng tăng 893 triệu USD so với năm trước và chiếm tỷ trọng 42% trong tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả của cả nước. Bên cạnh đó, xuất khẩu quả thanh long (mã HS 0810.90.92) trong năm 2024 là 493 triệu USD, lại giảm 17,3% so với năm trước.
Trong năm 2024, hàng rau quả của Việt Nam chủ yếu xuất sang Trung Quốc với 4,63 tỷ USD, tăng 27,3% (tương ứng tăng 993 triệu USD) so với năm trước và chiếm 65% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Gạo: Lượng gạo xuất khẩu của cả nước trong năm 2024 đạt mức cao nhất từ trước tới nay với 9,03 triệu tấn, tăng 11,1% so với năm trước và trị giá đạt 5,67 tỷ USD, tăng 21,2%
Gạo của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường ASEAN với 6,43 triệu tấn, chiếm 71% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước và tăng 31% so với năm trước. Bên cạnh đó, xuất khẩu sang Trung Quốc là 285 nghìn tấn, giảm tới 69% so với năm trước.
Hạt tiêu: Lượng hạt tiêu xuất khẩu trong năm 2024 đạt 249 nghìn tấn, giảm 6,2%, tuy nhiên đơn giá bình quân xuất khẩu nhóm hàng này tăng mạnh tới 53,9% nên trị giá đạt 1,31 tỷ USD, tăng 44,4% so với năm trước.
Hạt tiêu của Việt Nam chủ yếu được xuất sang thị trường Hoa Kỳ với 73,72 nghìn tấn, tăng 33,9% và thị trường EU (27 nước) với 48,63 nghìn tấn, tăng 35,3% so với năm trước. Riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 10,1 nghìn tấn, giảm mạnh tới 80,3% so với năm trước.
Thách thức và động lực cho tăng trưởng xuất khẩu năm 2025
Hoạt động xuất khẩu phục hồi rõ nét và tăng trưởng tích cực trong năm 2024 sẽ là tiền đề thuận lợi cho năm 2025 và “về đích” chỉ tiêu xuất khẩu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025). Bộ Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu hàng hóa năm 2025 phấn đấu tăng khoảng 12% so với năm 2024.
Việc hội nhập ngày càng sâu rộng trong bối cảnh thế giới đang thay đổi rất nhanh, phức tạp và khó lường, thể hiện qua việc tham gia và triển khai các cam kết kinh tế quốc tế tạo ra những cơ hội đối với sản xuất công nghiệp và thương mại của nước ta, tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu, tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường, đối tác với thuế quan ưu đãi, thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Các hiệp định FTA đã ký với các đối tác thị trường lớn của Việt Nam, đặc biệt là việc ký kết Hiệp định FTA với UAE giúp khai mở thị trường tiềm năng tại Trung Đông - châu Phi trong thời gian tới, sẽ tiếp tục có tác động tích cực đối với thương mại, đầu tư và đặc biệt là xuất khẩu... sẽ là những điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường này, từ đó tạo động lực đối với tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2025.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, hoạt động xuất khẩu năm 2025 cũng sẽ gặp những khó khăn, thách thức. Trong đó phải kể tới xu hướng phát triển kinh tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số ngày càng rõ nét; chuyển dịch kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế phát thải carbon thấp; xu hướng gia tăng các hàng rào bảo hộ thương mại phi thuế quan tại nhiều khu vực thị trường lớn, đặc biệt là các biện pháp phòng vệ thương mại... đặt ra nhiều yêu cầu mới cho các doanh nghiệp, ngành hàng xuất khẩu.
Mặt khác, với nền kinh tế có độ mở cao, ngày càng hội nhập sâu và tham gia sâu vào chuỗi gia trị gia tăng trên thế giới, Việt Nam không thể tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của những biến động từ bên ngoài trong bối cảnh rủi ro, thách thức còn rất lớn đối với triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2025. Kinh tế Việt Nam nói chung và xuất khẩu nói riêng dự báo sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng nhiều chiều từ những biến động của kinh tế thế giới.
Với những thuận lợi và thách thức đan xen, Bộ Công Thương định hướng tiếp tục tập trung khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và ký kết, triển khai các Hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng. Tăng cường khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
Tiếp tục theo dõi thông tin kịp thời cho các Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, nhất là những thay đổi trong chính sách thương mại của các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc; Tiếp tục duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Tích cực triển khai đa đạng các hình thức (trực tiếp và trực tuyến) để giới thiệu các lợi thế, ưu đãi từ các Hiệp định FTA đã thực thi để tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển hoạt động thương mại biên giới bền vững thông qua thúc đẩy xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới theo hình thức chính ngạch, điều hành, khai thông hiệu quả hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc...
Cùng với những chính sách, giải pháp của Chính phủ, Bộ, ngành, sự chủ động thích ứng với những quy định, yêu cầu mới và nắm bắt những cơ hội thị trường của chính các doanh nghiệp, ngành hàng là động lực quan trọng cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam năm 2025.