Theo số liệu thống kê sơ bộ cập nhật mới đây của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 3/2022 là 34,71 tỷ USD, tăng 48,2% so với tháng trước. Quy mô hàng hóa xuất khẩu của nước ta trong tháng đã tăng tới 11,3 tỷ USD so với tháng trước, với mức tăng lớn từ các nhóm hàng: điện thoại các loại và linh kiện tăng 2,7 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 1,47 tỷ USD; hàng dệt may tăng gần 1 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 869 triệu USD; giày dép các loại tăng 664 triệu USD…
Tính chung trong quý I/2022, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa đạt 89,1 tỷ USD, tăng 13,4%, tương ứng tăng 10,55 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: hàng dệt may tăng 1,46 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 1,22 tỷ USD; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 829 triệu USD; hàng thủy sản tăng 788 triệu USD… so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu hàng dệt may tăng so cùng kỳ cao nhất 10 năm qua
Trong số các nhóm hàng xuất khẩu chính, hàng dệt may là nhóm hàng có đóng góp nhiều nhất tới 1,46 tỷ USD vào tăng trưởng xuất khẩu của cả nước trong quý I/2022 và có mức tăng so với cùng kỳ cao nhất kể từ năm 2012 đến nay.
Cụ thể, xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 3/2022 đạt 3,05 tỷ USD, tăng 48,3%, tương ứng tăng hơn 1 tỷ USD so với tháng trước. Tính chung, trong quý I/2022 trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 8,68 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 1,46 tỷ USD. Đây là mức tăng so với cùng kỳ cao nhất kể từ năm 2012 đến nay.
Tính chung quý I/2022, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 4,36 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 50,3% tổng trị giá xuất khẩu hàng dệt may của cả nước; tiếp theo là thị trường EU-27 với 896 triệu USD, tăng 31,4%; thị trường Nhật Bản với 771 triệu USD, giảm 2,9%; Hàn Quốc với 754 triệu USD, tăng 6,9%...
Trong khi đó xuất khẩu giày dép các loại trong tháng 3/2022 đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 49,4% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu giày dép của cả nước trong quý I/2022 đạt 5,29 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Hoa Kỳ và EU tiếp tục là 2 thị trường chính nhập khẩu nhóm hàng giày dép các loại của Việt Nam trong quý I/2022 với trị giá và tốc độ tăng so với quý I/2021 lần lượt là 2,25 tỷ USD (tăng 17,5%) và 1,3 tỷ USD (tăng 19,3%). Tính chung, trị giá nhóm hàng giày dép xuất khẩu sang 2 thị trường chính đạt 3,55 tỷ USD, chiếm 67% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện trong tháng 3/2022 đạt trị giá 6,54 tỷ USD, tăng mạnh 70,3% so với tháng trước. Tính chung quý I/2022, xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 14,88 tỷ USD, tăng 3,5% so với quý I/2021. Trong đó xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường Trung Quốc đạt 3,68 tỷ USD, tăng 14,4%; sang thị trường Hoa Kỳ đạt trị giá 2,81 tỷ USD, tăng 13,2%; sang thị trường EU-27 đạt 1,7 tỷ USD, giảm 16,6%; sang Hàn Quốc đạt 1,45 tỷ USD, tăng 35,7%... so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện trong tháng 3/2022 đạt 5,31 tỷ USD, tăng 38,4% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong quý I/2022 đạt 13,24 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung quý I/2022, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang Hoa Kỳ đạt 3,31 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước; sang thị trường Trung Quốc đạt gần 3 tỷ USD, tăng 10,1%; sang thị trường EU-27 đạt 1,85 tỷ USD, tăng 18,5%; sang thị trường Hồng Kông đạt 1,39 tỷ USD, giảm 5,5%; sang thị trường Hàn Quốc đạt 1,03 tỷ USD, giảm nhẹ 0,6%...
Xuất khẩu hàng thủy sản lần đầu tiên đạt trên 1 tỷ USD/tháng
Một điểm sáng khác của xuất khẩu hàng hóa những tháng đầu năm nay là hàng thủy sản lần đầu tiên đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/tháng và tính đến hết quý I/2022, xuất khẩu nhóm hàng này đóng góp lớn thứ 4 vào tăng trưởng xuất khẩu cả nước so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 3/2022, xuất khẩu thủy sản đạt 1,02 tỷ USD, tăng gần 60% so với tháng trước. Trong đó tăng mạnh sang Trung Quốc 123%; Nhật Bản tăng 82%; EU(27) tăng 62%; Hoa Kỳ tăng 57%;…
Tính đến hết quý I/2022, xuất khẩu hàng thủy sản đạt 2,52 tỷ USD, tăng cao 45,4% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 788 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu sang tất cả các thị trường chính đều tăng cao cụ thể: sang Hoa Kỳ đạt 574 triệu USD, tăng 70,8%; sang Nhật Bản đạt 347 triệu USD, tăng 13%; sang EU-27 đạt 297 triệu USD, tăng 57,4%.
Riêng thị trường Trung Quốc quý I/2022 đạt mức cao nhất từ trước tới nay với 326 triệu USD, tăng 104% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 167 triệu USD.
Trong khi đó, lượng xuất khẩu sắt thép các loại tháng 3/2022 đạt 956 nghìn tấn, trị giá đạt 909 triệu USD, tăng 76,4% về lượng và tăng 71,9% về trị giá so với tháng trước.
Tính chung quý I/2022, lượng sắt thép xuất khẩu đạt 2,28 triệu tấn, giảm 21,1% so với cùng kỳ năm trước và trị giá đạt 2,3 tỷ USD, tăng 14%. Xuất khẩu sắt thép các loại chủ yếu sang EU-27 đạt 465 nghìn tấn, tăng mạnh 23,5%; sang Campuchia đạt 376 nghìn tấn, tăng 2,3%; sang Malaysia với 193 nghìn tấn, tăng 4,9%... so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác trong tháng 3/2022 cũng đạt 3,64 tỷ USD, tăng 31,4% so với tháng trước. Tính chung quý I/2022 trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 9,95 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng từ Việt Nam trong quý I vừa qua chủ yếu gồm: Hoa Kỳ với 4,38 tỷ USD, tăng nhẹ 0,3%; EU-27 với 1,28 tỷ USD, tăng 7,2%; Hàn Quốc với 699 triệu USD, tăng 25,7%; Trung Quốc với 668 triệu USD, tăng 21,4%... so với quý I/2021.
Thời gian qua, một số định chế tài chính quốc tế như: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)... đều dự báo, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong năm nay. Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 cùng việc khai thác hiệu quả các FTA đã có hiệu lực như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA)... sẽ là động lực thúc đẩy mạnh mẽ thương mại và phục hồi kinh tế sau khi đại dịch COVID-19 lắng xuống, bằng cách tạo ra các thị trường xuất khẩu ổn định và lâu dài cho Việt Nam.