Lúc này tôi lại nhớ đến nhận xét rất ấn tượng của Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường: Ông Hồ Quang Thiệp - Phó Tổng giám đốc thứ nhất Công ty Tôn Phương Nam là một cán bộ quý của ngành Thép Việt Nam, còn Công ty Tôn Phương Nam - liên doanh giữa Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) với Tập đoàn Sumimoto của Nhật Bản và Công ty Federal Iron Works Sdn.Bhd của Malaysia là một trong những liên doanh mạnh nhất trực thuộc VNSTEEL. Tôn Phương Nam cũng là đơn vị đầu tiên đưa công nghệ sản xuất tôn mạ kẽm và tôn mạ màu dạng cuộn với công nghệ tiên tiến của thế giới vào Việt Nam.
Phải căn cơ mới bền vững
PV: Thưa ông, sau rất nhiều năm “lặn ngụp” trong thị trường, ông thấy điều gì là căn bản nhất trong triết lý kinh doanh của mình?
Ông Hồ Quang Thiệp: Quá trình vận động của nghiệp kinh doanh cũng giống như hình sin, có lúc lên lúc xuống, lúc thăng lúc trầm. Bởi vì thông thường cái gì làm ăn được thì mọi người đổ xô vào, sau một thời gian nhất định sẽ gây nên khủng hoảng thừa, nên cùng kéo nhau đi xuống, rồi người nào, công ty nào đủ mạnh thì trụ được để tiến lên, còn ai yếu kém, thiếu yếu tố bền vững thì phải bán doanh nghiệp lại cho người khác để sáp nhập, mở rộng... Chính vì suy nghĩ như vậy mà khi bước vào nghề quản lý sản xuất, kinh doanh, tôi luôn tâm niệm phải có phong cách làm ăn sao cho có căn cơ, bền vững thì doanh nghiệp mình quản lý mới có thể đứng vững và phát triển trong cơ chế thị trường mà mỗi ngày, sự cạnh tranh càng thêm khắc nghiệt.
Tôi đến với ngành sản xuất tôn cũng là sự tình cờ vì bản thân là cán bộ quản lý của Nhà nước phải chấp hành theo sự phân công của cấp trên, nhưng quả thật, càng đi sâu vào ngành nghề thì càng thấy được những điều thú vị vì tính mới mẻ của nó.
PV: Trong suốt cuộc đời mình, ai cũng có thể gặp thất bại, chuyện đó bình thường. Vấn đề là cách đón nhận nó như thế nào. Tôi tò mò muốn biết thái độ của ông về sự thắng - bại trên thị trường?
Ông Hồ Quang Thiệp: Sẽ là không có gì đáng giá nếu không từng trải qua khó khăn và thất bại. Nhiều doanh nghiệp đã phải vật lộn với thất bại đến năm lần bảy lượt trước khi đi đến thành công là chuyện rất thường tình. Vả lại, mỗi một lần thất bại là nối dài thêm nhịp cầu dẫn ta đến thành công sau này.
PV: Đúng vậy, nhưng quả thật “món ăn” này không hề dễ nuốt. Ông đã trải nghiệm cảm giác này trong thực tế như thế nào?
Ông Hồ Quang Thiệp: Khó khăn và vượt qua khó khăn không phải là việc mang tính thời vụ, với tôi, quá trình này trải dài trong rất nhiều năm và đến bây giờ vẫn chưa dừng lại. Trong gần 15 năm ở Nhà máy Lưới thép Bình Tây (thuộc VNSTEEL), tôi đã đảm nhiệm mọi vị trí từ cán bộ kỹ thuật, rồi phó quản đốc, đến quản đốc phân xưởng, để cuối cùng, sau nhiều lần lấy phiếu tín nhiệm công khai, tôi được lãnh đạo bổ nhiệm là Phó Giám đốc, đồng thời là người kế thừa, chuẩn bị thay thế cho người Giám đốc sắp về hưu vào giữa năm 1993. Nhưng do nhu cầu công việc, tôi bất ngờ được điều động về làm Giám đốc Công ty Liên danh Posvina và gắn bó với ngành sản xuất tôn mạ đến nay đã được gần 22 năm. Nhưng khó khăn này kết thúc lại mở đầu cho những trở ngại tiếp theo.
Tại Posvina, công việc làm ăn còn nhiều trì trệ do công nghệ sản xuất còn lạc hậu. Đến gần cuối thế kỷ XX rồi mà ở Việt Nam chưa sản xuất ra được tôn cuộn, mới chỉ sản xuất từ tấm tôn đen ra tấm tôn mạ kẽm giống như từ trước năm 1975 - loại tôn chủ yếu tiêu thụ ở vùng quê, cho nên vẫn phải nhập khẩu tôn mạ kẽm dạng cuộn. Không thể cam tâm chấp nhận những hạn chế thuần túy mang tính kỹ thuật, tôi đã tìm hiểu công nghệ mới của đối tác là Tập đoàn Thép Posco ở Hàn Quốc, rồi cùng với anh em kỹ thuật, chúng tôi tự cải tiến và đổi mới công nghệ để sản xuất tôn từ tấm ra tấm, cuộn ra cuộn, đã thay thế một phần đáng kể cho lượng hàng nhập khẩu tôn cuộn. Đây là công nghệ hiện đại lần đầu tiên có ở Việt Nam. Nhờ vậy mà kết quả sản xuất, kinh doanh của Posvina các năm sau đó tăng vọt từ sản lượng cho đến hiệu quả, có năm lợi nhuận ròng mang về được 4,7 triệu USD như năm 1995, vượt qua cả vốn góp để đầu tư nhà máy của hai bên đối tác chỉ có 3,9 triệu USD, đến nỗi phía đối tác cũng phải bất ngờ.
Khó khăn là món ăn khó tiêu hóa, nhưng vượt qua để đi tới thành công thì thật là một cảm giác dễ chịu. Đạt được những thuận lợi của công nghệ tấm ra tấm, cuộn ra cuộn, tôi đề xuất đầu tư mới dây chuyền sơn màu dựa trên nền của sản phẩm tôn mạ kẽm từ dây chuyền hiện có. Nhiều ý kiến cho rằng khó mà thành công nếu không đầu tư mới đồng bộ cả 2 dây chuyền cả màu lẫn kẽm trong khi tại thời điểm ấy, kiếm đâu ra tiền để đầu tư với quy mô lớn như vậy. Nên tôi rất “vướng”. Kiên trì thuyết phục không chỉ bằng lý thuyết kỹ thuật công nghệ mà bằng cả thực tiễn góp nhặt từ các cuộc tham quan tìm hiểu ở nước ngoài mang về, cuối cùng đề xuất cũng được chấp nhận. Dây chuyền sơn màu đã được hình thành kịp lúc, hoạt động hiệu quả, chỉ sau 3 năm đã hoàn vốn và duy trì hoạt động của Công ty trong nhiều năm sau đó.
Phải thấy đau khi làm ăn thua lỗ, thấy hối tiếc khi cơ hội đi qua
PV: Câu chuyện của ông ở Posvina, nhắc tới một điều khiến tôi đã muốn hỏi từ lâu: Đó là giới chuyên môn luôn đánh giá ông “Thiệp Phương Nam” là người biết giải các bài toán kinh tế cho doanh nghiệp của mình bằng lời giải công nghệ. Vì đâu ông làm được điều này?
Ông Hồ Quang Thiệp: Sau gần 9 năm làm việc tại Posvina, tôi lại được điều động về Nippovina. Tại đây, cũng bằng việc cải tiến và trang bị máy móc mới theo phong cách lấy ngắn nuôi dài, có nghĩa là tự mình cải tiến, chế tạo thêm nhiều máy mới, cái nào cho ra sản phẩm được khách hàng ưa chuộng thì ưu tiên làm trước như máy cán sóng vòm loại có bán kính cong lớn… những nỗ lực của tôi đã tiếp tục có kết quả. Bên cạnh đó chế tạo ra những sản phẩm mới theo nhu cầu của thị trường như xà gồ chữ Z thay vì chữ C thông thường, hay máy cán sóng dùng để đổ sàn cho các tòa nhà cao tầng có độ sâu đến 52 mm và cán được độ dày đến 1,5 mm... Do tự chế tạo nên chi phí không cao, sản lượng tăng lên cùng với việc khuếch trương thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng nên đã mang lại hiệu quả gấp ba lần so với trước khi tôi về nhận nhiệm vụ tại Công ty này trong 6 năm. Từ năm 2010 đến nay, tôi lại tiếp tục với ngành sản xuất tôn tại Công ty Liên doanh Tôn Phương Nam. Trong gần 5 năm qua, chúng tôi đã không ngừng cải tiến công nghệ, mở rộng thị phần và sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả cao, đạt mức lãi ròng bình quân hằng năm 100 tỷ đồng.
Tôi luôn cho rằng, căn nguyên của mọi vấn đề là ý thức của con người. Người cán bộ phụ trách phải có cái nhìn vào công việc với tinh thần trách nhiệm của người được lãnh đạo cấp trên và tập thể CBCNV gửi gắm cho mình, vì vậy, mọi sự thành công hay thất bại sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của lãnh đạo và đời sống của CBCNV, chứ không phải chỉ ảnh hưởng tới riêng mình như một số người vẫn thường hay nhầm lẫn. Từ đó, sẽ hình thành ý thức coi công việc của công ty như là công việc của chính bản thân mình, sẽ cảm thấy hối tiếc khi cơ hội đi qua, sẽ phải thấy đau khi làm ăn thua lỗ. Và cũng từ đó sẽ không chấp nhận sự chây lười, trì trệ trong suy nghĩ cho đến hành động của bản thân cũng như những người xung quanh mình mà phải nỗ lực tìm tòi, sáng tạo nhiều hơn nữa, vì nếu chậm trễ trong việc đổi mới công nghệ, khoa học kỹ thuật thì tất yếu sẽ bị tụt hậu và doanh nghiệp sẽ bị đẩy vào đường cùng chứ đừng nói chi đến phát triển, bởi đây là quy luật đào thải vốn dĩ luôn tồn tại trong cơ chế thị trường. Kế đến, điều không thể thiếu là không được quên mình chỉ là người cán bộ làm công cho Nhà nước, cho dù mình có là người đứng đầu của một đơn vị, vẫn phải đối xử với đồng nghiệp cấp dưới như những người bạn chân thành nhất chứ không phải là chủ với tớ, như vậy sẽ nhận được sự hợp tác nhiệt tình, mạnh mẽ của cả một tập thể. Đây là điều kiện không thể thiếu trong việc triển khai những ý tưởng hay hoài bão thực hiện đổi mới công nghệ, phát triển khoa học kỹ thuật nhằm phục vụ tốt cho sản xuất và kinh doanh.
PV: Là một lãnh đạo có rất nhiều kinh nghiệm trong làm việc với đối tác nước ngoài, ông nghĩ mấu chốt của nghệ thuật ngoại giao trong các công ty liên doanh là ở đâu? Người Việt chúng ta học hỏi được những gì từ những người bạn lớn này, thưa ông?
Ông Hồ Quang Thiệp: Chúng ta đừng nghĩ đơn giản nghệ thuật ngoại giao trong các đơn vị liên doanh là khéo léo, chiều chuộng đối tác. Nó là cái gì đó lớn hơn, là sự tạo dựng vị thế ngang bằng đối với nhau cho dù chúng ta luôn ở trong tình thế nhỏ hơn, yếu hơn. Vì vậy, để lấp đầy thế yếu, đại diện vốn chính phải là những người am hiểu hay có kinh nghiệm về công việc mình sẽ cùng làm với phía nước ngoài và đặc biệt là biết nói tiếng Anh. Còn đại diện vốn phụ nên là những người đang cùng một ngành nghề hay chí ít cũng từng trải qua, hay có kiến thức sâu rộng, kinh nhiệm về những ngành nghề mà đại diện vốn chính đang phụ trách. Trong thời gian dài, việc bố trí đại diện vốn phụ trước đây đã không lưu tâm đến yếu tố tâm lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của người Việt Nam. Sẽ rất tiếc nếu những người xuất thân từ một đơn vị cũ, đã có quá trình gắn bó, yêu thương và hiểu rất sâu về đơn vị mình đã đi qua trong thời gian dài, nay họ đã trưởng thành và tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn, phong phú hơn, có lòng mong muốn đóng góp cho đơn vị cũ của mình, lại không có cơ hội góp sức trong vai trò làm thành viên hội đồng quản trị hay hội đồng thành viên. Tôi nghĩ việc này chỉ có lợi mà thôi.
PV: Việc Công ty Tôn Phương Nam được các bên đối tác chấp thuận đầu tư thêm nhà máy mới có phải cũng là một phần trong những thành công trong nghệ thuật ngoại giao không thưa ông?
Ông Hồ Quang Thiệp: Đối với riêng tôi, một điều có ý nghĩa nhất cho Tôn Phương Nam là đã thuyết phục được lãnh đạo của các bên đối tác trong liên doanh chấp thuận đầu tư thêm nhà máy mới có thiết bị đồng bộ được cung cấp từ châu Âu với công nghệ hiện đại nhất hiện nay trên thế giới, có thêm sản phẩm mới là tôn mạ hợp kim nhôm kẽm mà thị trường gọi là tôn lạnh hay tôn mát và có công suất gấp đôi so với nhà máy hiện tại. Cũng có thể điều này bắt nguồn như bạn nói, đó là kinh nghiệm trong thương thuyết, làm việc với đối tác, hoặc cũng có thể không phải, có thể cả tôi và bạn đều lầm. Nhưng điều đó không quan trọng. Quan trọng là ngành tôn Việt Nam, Công ty Tôn Phương Nam có điều kiện phát triển bền vững trong tương lai, có điều kiện đón bắt cơ hội mới xuất khẩu sản phẩm đi các nước phát triển trên thế giới sau khi chúng ta gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Điều thú vị là thời điểm quyết định đầu tư cách đây hơn 2 năm là thời điểm mà giá thiết bị cũng như chi phí xây dựng là thấp nhất, nay nhà máy sắp đi vào hoạt động đúng vào lúc nền kinh tế thế giới và trong nước đã có những dấu hiệu của sự khởi sắc, ngành kinh doanh vật liệu xây dựng cũng bắt đầu ấm lại. Sự thuận lợi làm chúng tôi dù rất tất bật song những ngày này lại tràn ngập niềm vui sướng!
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị và chúc ông luôn thành công!