TÓM TẮT:
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, hệ thống kế toán - kiểm toán Việt Nam cần dần hoàn thiện phù hợp với thông lệ quốc tế. Đây chính là tiền đề và động lực quan trọng để nâng tầm hoạt động kế toán, kiểm toán và góp phần nâng cao hiệu quả, minh bạch hóa nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam mới ban hành 26 VAS và đã lâu không được chỉnh sửa khiến VAS không phản ánh được hết các giao dịch kinh tế. Bài viết gồm 3 phần đưa ra sự cần thiết phải chuyển đổi từ VAS sang IFRS, những vướng mắc còn tồn tại và giải pháp cho sự chuyển đổi.
Từ khóa: chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, VAS, IFRS.
1. Sự cần thiết chuyển đổi từ VAS sang IFRS tại Việt Nam
Hiện nay, Việt Nam mới ban hành được 26 Báo cáo tài chính Việt Nam (VAS) trong khi hệ thống Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) có tới hơn 40 chuẩn mực. Điều này có nghĩa còn rất nhiều chuẩn mực mà Việt Nam chưa ban hành dẫn đến VAS không thể phản ánh được hết các giao dịch của nền kinh tế như các chuẩn mực về nông nghiệp, về thăm dò và khai thác tài nguyên khoáng sản, về nhóm công cụ tài chính phái sinh, về giá trị hợp lý, về tổn thất tài sản,… dẫn đến khi các doanh nghiệp có phát sinh các giao dịch kinh tế thuộc nhóm các chuẩn mực này thì chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện hạch toán kế toán, dẫn đến khó khăn cho công tác kế toán của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, 26 chuẩn mực VAS được Việt Nam ban hành từ cách đây 16 năm mà chưa được sửa đổi, bổ sung nên VAS ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế, một số nội dung chưa phù hợp với các giao dịch của kinh tế thị trường trong giai đoạn mới, nhất là trong bối cảnh thị trường vốn phát triển mạnh mẽ, xuất hiện nhiều loại công cụ tài chính phức tạp.
Mặc dù Việt Nam đã ban hành được 26 chuẩn mực VAS, tuy nhiên do còn nhiều hạn chế và khác biệt với thông lệ quốc tế nên VAS chưa được thừa nhận rộng rãi, đặc biệt chưa đáp ứng được yêu cầu của các định chế quốc tế và nhà đầu tư nước ngoài. Mặt khác, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các quốc gia trên thế giới đang chuyển dần từ việc áp dụng Chuẩn mực quốc gia sang Chuẩn mực quốc tế để đảm bảo các doanh nghiệp có một tiếng nói chung phục vụ các nhà đầu tư trên phạm vi toàn cầu, vì vậy việc nghiên cứu, áp dụng IFRS sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn trên các khía cạnh.
Việc cho phép áp dụng IFRS sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước, chủ sở hữu, nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài có công cụ để đánh giá và so sánh thông tin tài chính giữa các đơn vị theo cùng một ngôn ngữ, chuẩn mực chung để đưa ra các quyết định kinh tế một cách phù hợp.
2. Những rào cản trong quá trình chuyển đổi từ VAS sang IFRS
Về cơ bản, để hoàn thành chuyển đổi có 4 giai đoạn trong lộ trình này:
Giai đoạn 1: Xác định phạm vi công việc thực hiện, xác định quy mô và mức độ phức tạp, đặt ra thời hạn công việc ưu tiên và phân công trách nhiệm.
Giai đoạn 2: Chuẩn bị nguồn lực cần thiết, trong đó mục tiêu là cung cấp cho nhân lực chịu trách nhiệm về báo cáo tài chính của doanh nghiệp các kỹ năng để thực hiện các báo cáo chuyển đổi một cách đúng thời hạn và không có sai sót, và để chuẩn bị các báo cáo tài chính đáp ứng được yêu cầu của chuẩn mực IFRS trong tương lai.
Giai đoạn 3: Triển khai kế hoạch: Lập kế hoạch cụ thể và triển khai kế hoạch để thu thập dữ liệu, phân tích các giao dịch, đo lường, phân loại và diễn giải các giao dịch đó theo IFRS.
Giai đoạn 4: Giám sát quá trình chuyển đổi, đảm bảo chất lượng thực tế của quá trình đã đạt chỉ tiêu đề ra, đảm bảo các biện pháp kiểm soát nội bộ - một yếu tố quan trọng của môi trường các doanh nghiệp đại chúng tại Việt Nam - được đưa vào quy trình chuyển đổi và cung cấp cho các cấp lãnh đạo khả năng thực thi vai trò giám sát của họ trong quá trình chuyển đổi này.
Khi thực hiện 4 giai đoạn chuyển đổi từ VAS sang IFRS như trên, doanh nghiệp đã và đang gặp một số rào cản.
Thứ nhất là các quy định và chuẩn mực: Các quy định về hạch toán kế toán, thuế và luật khác trong VAS cũng như các chuẩn mực của IFRS thường xuyên được sửa đổi, bổ sung hoặc thay mới, trong khi ở Việt Nam nguồn tài liệu phân tích và hướng dẫn về chuyển đổi theo IFRS rất ít (gần như không có), nên việc cập nhật áp dụng cũng khá khó khăn.
Thứ hai là khó khăn trong việc tiếp cận thông tin thị trường: Thông tin đầu vào từ thị trường (chứng khoán, nhà đất) để phục vụ cho công tác định giá còn rất hạn chế cả về mặt số lượng và chất lượng, thiếu minh bạch và không cập nhật, gây khó khăn trong quá trình làm việc và ảnh hưởng tới mức độ tin cậy của các đánh giá về giá trị hợp lý.
Thứ ba là vướng mắc về hệ thống: Lượng dữ liệu tương đối lớn và phức tạp tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên khó khăn và mất thời gian trong việc thu thập và xử lý cho nhu cầu sử dụng trong chuyển đổi IFRS. Thêm vào đó, hệ thống phần mềm kế toán tại các đơn vị chưa hoàn toàn đồng bộ và chưa có tính năng để nhập các bút toán chuyển đổi theo IFRS. Do vậy, việc chuyển đổi theo IFRS đều phải tiến hành thủ công dẫn đến mất nhiều công sức và có thể mắc phải những nhầm lẫn trong quá trình tính toán.
Thứ tư là khó khăn về nguồn lực: Chi phí cho việc chuyển đổi sang IFRS là rất lớn, từ thuê kiểm toán, tư vấn, thuê tổ chức định giá, đến đào tạo nhân viên nên có một số phần doanh nghiệp chưa có điều kiện để thuê tổ chức định giá, do chi phí này hiện tại ở Việt Nam là khá lớn và có ít đơn vị có thể thực hiện được. Để tuyển dụng được cán bộ có kinh nghiệm về IFRS tại Việt Nam không hề dễ dàng.
3. Một số giải pháp
Việc áp dụng IFRS là một thách thức về mức độ phát triển của thị trường, trình độ năng lực chuyên môn, ngoại ngữ đối với nhân viên kế toán, kiểm toán, của các nhà đầu tư và cả các nhà quản lý. Nó đòi hỏi sự nỗ lực không nhỏ từ phía các doanh nghiệp và những người làm công tác kế toán, cũng như cần sự phối hợp đồng bộ của Chính phủ, các cơ quan, ban, ngành, nhằm điều chỉnh môi trường kinh tế, pháp luật đáp ứng hội nhập kinh tế quốc tế.
- Về phía Chính phủ, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính, kế toán.
a) Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thể thức thực hiện và công bố bản dịch IFRS ra tiếng Việt;
b) Nghiên cứu, ban hành hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam (VFRS) theo hướng phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam.
c) Ban hành và công bố các tài liệu hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ kế toán giúp cho các đối tượng có liên quan có thể tiếp cận, nghiên cứu và triển khai thực hiện IFRS.
d) Rà soát, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính theo các mục tiêu cải cách; tạo sự bình đẳng trong việc áp dụng và thực thi pháp luật giữa các thành phần kinh tế; xác định và phân biệt rõ phạm vi áp dụng của chuẩn mực báo cáo tài chính và cơ chế tài chính, hạn chế vướng mắc trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính và thực hiện các nghĩa vụ của doanh nghiệp;
e) Ban hành các văn bản và tổ chức hoạt động kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ pháp luật về kế toán, các chuẩn mực báo cáo tài chính.
- Về phía các Bộ, ban, ngành liên quan, tổ chức khác:
a) Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, các hội nghề nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế trong việc: Dịch thuật, công bố và hỗ trợ áp dụng IFRS; soạn thảo, ban hành và hướng dẫn thực hiện VFRS; khảo sát, đánh giá việc triển khai áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính đối với từng ngành và lĩnh vực để có giải pháp hiệu quả.
b) Tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ về kỹ thuật, kinh nghiệm của các chuyên gia trong việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực và các hoạt động khác có liên quan đến việc triển khai thực hiện Đề án.
- Về phía doanh nghiệp:
Một là, doanh nghiêp cần triển khai đầu tư nâng cấp và đồng bộ hóa hệ thống phần mềm kế toán nhằm hỗ trợ công tác kế toán tài chính nói chung và công tác chuyển đổi báo cáo tài chính theo IFRS nói riêng. Doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp niêm yết, cần thiết lập hệ thống và quy trình lập báo cáo tài chính theo IFRS cho riêng doanh nghiệp của mình và tiến hành cập nhật thường xuyên để đảm bảo tuân thủ các chuẩn mực kế toán áp dụng, tránh vi phạm các yêu cầu của chuẩn mực và qui định của pháp luật.
Hai là, việc áp dụng IFRS không chỉ trong một sớm một chiều, do đó doanh nghiệp cần có sự nghiên cứu, tìm hiểu, xây dựng và chuẩn bị. Để chuẩn bị tốt cho việc lập báo cáo tài chính theo IFRS, các doanh nghiệp cần chuẩn bị đủ 4 bước như đã nêu trong nội dung thứ hai.
Ba là, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực, trình độ, sự hiểu biết và nhận thức của những cán bộ trực tiếp cũng như gián tiếp tham gia vào quá trình lập báo cáo IFRS. Doanh nghiệp cần tạo điều kiện và có kế hoạch kinh phí hàng năm để cử cán bộ kế toán tham gia các khóa học, đào tạo trong nước và quốc tế với giảng viên là các chuyên gia giàu kinh nghiệm về IFRS, đồng thời tổ chức các buổi hội thảo nội bộ, đào tạo cũng như chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm lập báo cáo tài chính theo IFRS giữa Công ty mẹ và các công ty thành viên, hoặc giữa Trụ sở chính và các chi nhánh. Cùng với đó, doanh nghiệp nên khuyến khích bản thân kế toán viên cần không ngừng cố gắng tự trau dồi, nghiên cứu, cập nhật kiến thức về IFRS bằng cách tham dự các buổi hội thảo cập nhật kiến thức IFRS của Bộ Tài chính, các hiệp hội nghề nghiệp kế toán, hiệp hội ACCA; tham gia học và thi lấy các chứng chỉ kế toán quốc tế.
Doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm và lựa chọn đội ngũ tư vấn đủ năng lực hỗ trợ doanh nghiệp trong việc triển khai áp dụng IFRS, giúp doanh nghiệp "làm đúng ngay từ đầu" các yêu cầu cần thiết khi áp dụng IFRS.
Bốn là, doanh nghiệp nên thuê kiểm toán độc lập có chuyên môn, kinh nghiệm để tiến hành rà soát số liệu, quy trình chuyển đổi sang IFRS nhằm chấn chỉnh các bất cập và rút kinh nghiệm cho các kỳ sau cũng là một việc làm cần thiết. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị về nguồn lực khi áp dụng lập báo cáo theo chuẩn mực IFRS.
- Về phía báo chí, truyền thông: Tuyên truyền về lộ trình, phương án áp dụng IFRS, VFRS
a) Đối thoại với các doanh nghiệp để truyền thông về lợi ích của IFRS, động viên, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển sang áp dụng IFRS.
b) Thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về lộ trình, cách thức triển khai áp dụng VFRS và IFRS, giúp các đối tượng có liên quan chủ động trong công tác chuẩn bị áp dụng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Adam and Do Thuy Linh. (2005). Integrating to international accounting audit principles. Hanoi: Publication of National Politics.
- Bộ Tài chính (2016), “IFRS - Cơ hội và thách thức khi áp dụng tại Việt Nam”, Kỷ yếu Hội thảo.
- Trần Mạnh Dũng (2009), Chuẩn mực lập báo cáo tài chính quốc tế, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, tháng 11; pp. 69-74.
- Trần Mạnh Dũng, Đào Mạnh Huy & Nguyễn Thị Thanh Diệp (2011), Kinh nghiệm lần đầu tiên áp dụng chuẩn mực lập báo cáo tài chính quốc tế, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, Số 165 (II), tháng 3. pp. 95-97.
Problems of shifting from VAS to IFRS in Vietnam
Master. Dang Thi May
Faculty of Accouunting, University of Economics – Technology for Industries
Abstract:
As Vietnam is deeply integrating into the global economy, it is necessary for the country’s accounting – audit system to be gradually improved in line with international practices. This is an important premise and motivation to raise the level of accounting and auditing activities in Vietnam and improve the efficiency and transparency of Vietnam’s economy. However, Vietnam has only issued 26 Vietnam Accounting Standards (VAS) and some of these standards have not been revised for a long time, making the VAS not reflect all economic transactions. This paper presents the necessity of shifting from VAS to IFRS, and points out remaining problems and solutions for the conversion.
Keywords: international financial reporting standards, VAS, IFRS.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3, tháng 2 năm 2022]