Các nhân tố bên ngoài ảnh hưởng đến việc vận dụng IFRS của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam

ThS. NGUYỄN THỊ ÁNH LINH (Trường Đại học Bình Dương)

TÓM TẮT:

Trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu, việc lập báo cáo tài chính theo Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (tên viết tắt là IFRS) ngày càng nhận được sự ủng hộ của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mục tiêu của nghiên cứu là xác định và đo lường mức độ ảnh hưởng của các nhân tố bên ngoài doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đến việc vận dụng IFRS tại Việt Nam. Nghiên cứu được tiến hành trên 176 mẫu khảo sát tại các công ty niêm yết TP. Hồ Chí Minh. Phương pháp nghiên cứu kết hợp định tính và định lượng với việc sử dụng phần mềm SPSS. Kỹ thuật phân tích bao gồm thống kê mô tả, kiểm tra độ tin cậy thang đo, phân tích EFA, hồi quy tuyến tính. Kết quả nghiên cứu cho thấy, 4 nhân tố bên ngoài doanh nghiệp nhỏ và vừa ảnh hưởng đến vận dụng IFRS tại Việt Nam, gồm: (1) Áp lực hội nhập quốc tế; (2) Hệ thống pháp luật; (3) Phát triển kinh tế; (4) Sự tác động của các tổ chức nghề nghiệp trong và ngoài nước.

Từ khóa: Vận dụng IFRS, doanh nghiệp nhỏ và vừa, áp lực hội nhập quốc tế.

1. Giới thiệu

Qua quá trình vận dụng IFRS vào thực tiễn, nhận biết được những khó khăn mà SMEs gặp phải khi xây dựng BCTC theo IFRS, cũng như để đáp ứng nhu cầu các đối tượng sử dụng thông tin tài chính khác biệt của SMEs, năm 2001, Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) đã thực hiện dự án xây dựng bộ chuẩn mực báo cáo tài chính cho SMEs (IFRS for SMEs).

DNNVV chiếm tỷ lệ rất lớn trong toàn bộ doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam và có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, đối với việc giải quyết việc làm và ổn định đời sống cho đại bộ phận nhân dân lao động từ thành thị đến nông thôn. Việc hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu đặt ra cho DNNVV nhiều vấn đề phải giải quyết, trong đó có việc phải nhanh chóng hội nhập về kế toán để thông tin kế toán do DNNVV cung cấp được công nhận và sử dụng rộng rãi bởi các đối tượng khác nhau ở trong nước cũng như phạm vi quốc tế.

Trong xu thế chung của các nước trên thế giới thì vấn đề hội nhập kế toán phải gắn liền với việc áp dụng hoặc vận dụng chuẩn mực kế toán quốc tế trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính ở các doanh nghiệp nói chung cũng như đối với DNNVV nói riêng. Do đó, việc nghiên cứu các nhân tố bên ngoài doanh nghiệp nhỏ và vừa ảnh hưởng đến vận dụng IFRS tại Việt Nam là cần thiết để nâng cao năng lực quản lý của các doanh nghiệp hiện nay.

2. Cơ sở lý thuyết, mô hình và phương pháp nghiên cứu

2.1. Cơ sở lý thuyết và mô hình đề xuất

Các nhân tố bên ngoài doanh nghiệp nhỏ và vừa ảnh hưởng đến vận dụng IFRS tại Việt Nam như sau:

Áp lực hội nhập quốc tế:

Ikahaimo và cộng sự (2008) ủng hộ quan điểm của IASB khi cho áp lực hội nhập quốc tế mà đặc biệt là sự xuất hiện của những hoạt động kinh tế quốc tế của các DNNVV ảnh hưởng đến việc lựa chọn vận dụng IFRS for SMEs. Nghiên cứu của Atik (2010) và Eierle & Haller (2009) đều đánh giá mức độ ảnh hưởng giữa áp lực hội nhập quốc tế, như các hoạt động về xuất khẩu, nhập khẩu đến việc vận dụng IFRS for SMEs, kết quả nghiên cứu đều khẳng định rằng SMEs có hay không hoạt động liên quan đến quốc tế đều ủng hộ cho việc chấp nhận và áp dụng IFRS for SMEs nhưng những DNNVV có nhiều hoạt động quốc tế, hội nhập kinh tế quốc tế thì sẽ có nhu cầu cao hơn trong việc áp dụng IFRS.

Giả thuyết H1 được đưa ra là: Áp lực hội nhập quốc tế ảnh hưởng tích cực đến vận dụng IFRS trong doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam.

Hệ thống pháp luật:

Ảnh hưởng của hệ thống pháp luật đến việc vận dụng IFRS được thể hiện qua mức độ can thiệp của chính phủ đến quá trình soạn thảo và ban hành chuẩn mực kế toán, nghiên cứu của Macías & Muino (2011) cho thấy IFRS thường được áp dụng nguyên bản ở các nước mà các tổ chức nghề nghiệp cũng như các bộ phân tư nhân được tham gia vào quá trình soạn thảo và ban hành chuẩn mực kế toán. Kết quả nghiên cứu của Albu (2010), Zehri & chouaibi (2013), cũng khẳng định sự ảnh hưởng của hệ thống pháp luật đến việc vận dụng IFRS for SMEs ở các quốc gia. Đặc biệt là ở Việt Nam hội nghề nghiệp chưa đảm đương được các công việc ban hành các chuẩn mực kế toán thì vai trò của hệ thống pháp luật là to lớn trong việc ban hành các chuẩn mực kế toán.

Giả thuyết H2 được đưa ra là: Hệ thống pháp luật ảnh hưởng tích cực đến vận dụng IFRS trong doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam.

Phát triển kinh tế:

Nghiên cứu của Zhehal & Mhedhbi (2006); Zehri và Chouaibi (2013); Bikki, Alessandra, Francesca (2016) đều cho rằng sự phát triển kinh tế ảnh hưởng đến việc vận dụng IFRS for SMEs. Khi nền kinh tế phát triển, quy mô kinh doanh và mức độ phức tạp của hoạt động doanh nghiệp tăng lên, hệ thống kế toán đòi hỏi phát triển những công cụ tương ứng. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm của Hope, Jin, & Kang (2006) và Judge, Li, & Pinsker (2010) chỉ ra rằng mức độ mở cửa nền kinh tế có mối quan hệ thuận với việc vận dụng IFRS ở các nước.

Giả thuyết H3 được đưa ra là: Phát triển kinh tế ảnh hưởng tích cực đến vận dụng IFRS trong doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam.

Sự tác động của các tổ chức nghề nghiệp trong và ngoài nước:

Chand và Patel (2008) khẳng định những nước có tổ chức nghề nghiệp kế toán phát triển sẽ giúp nhanh chóng cập nhật những thay đổi của IFRS ban hành mới và có thể thực hiện những điều chỉnh cần thiết để vận dụng IFRS phù hợp với điều kiện của mỗi quốc gia; từ đó, giúp vận dụng IFRS một cách hiệu quả nhất. Nghiên cứu của Zeghal và Mhedhbi (2006) đã tìm thấy mối quan hệ thuận giữa mức độ phát triển của hệ thống đào tạo kế toán và mức độ vận dụng IFRS ở các quốc gia đang phát triển. Albu và cộng sự (2010) hay Smujh và Devi (2015) cho rằng việc áp dụng IFRS for thì tổ chức nghề nghiệp ở các quốc gia cần thiết lập hệ thống giáo dục, đào tạo kế toán viên đạt chất lượng cao.

Giả thuyết H4 được đưa ra là: Sự tác động của các tổ chức nghề nghiệp trong và ngoài nước ảnh hưởng tích cực đến vận dụng IFRS trong doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam.

2.2. Phương pháp và dữ liệu nghiên cứu  

Nghiên cứu được tiến hành qua hai giai đoạn chính: (1) Nghiên cứu định tính nhằm xác định các nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng IFRS và xây dựng thang đo; (2) Nghiên cứu định lượng nhằm thu thập, phân tích dữ liệu khảo sát, và kiểm định các giả thiết của mô hình.

Phương pháp chọn mẫu: Mẫu được chọn theo phương pháp ngẫu nhiên. Theo Tabachnick& Fidell (2007) khi dùng hồi quy bội, kích thước mẫu n nên được tính bằng công thức sau: n > 50 +8p (p: số lượng biến độc lập). Số mẫu được chọn trong bài nghiên cứu là 176 mẫu là phù hợp.

Tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến vận dụng IFRS tại Việt Nam bao gồm 4 nhân tố như sau: 

Y = β0 + β1X1 + β2X2 + β3X3 + β4X4 + μ

Trong đó: β0 là hằng số, X1 là Áp lực hội nhập quốc tế, X2 là Hệ thống pháp luật, X3 là Phát triển kinh tế, X4 là Sự tác động của các tổ chức nghề nghiệp trong và ngoài nước, Y là Vận dụng IFRS của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam, μ là Sai số: Các yếu tố không quan sát được.

3. Kết quả nghiên cứu

Sau khi kiểm định độ tin cậy của các thang đo của các biến độc lập và biến phụ thuộc. Tác giả đánh giá mức độ phù hợp của mô hình hồi quy tuyến tính như sau:

Bảng 3.1 cho thấy, giá trị hệ số R2 = 0.536> 0.5, do vậy, đây là mô hình thích hợp để sử dụng đánh giá mối quan hệ giữa biến phụ thuộc và các biến độc lập. Ngoài ra, giá trị hệ số R2 hiệu chỉnh là 0.511, nghĩa là mô hình hồi quy tuyến tính đã xây dựng phù hợp với dữ liệu 51.1%.

Căn cứ vào Bảng 3.2, phương trình hồi qui tuyến tính bội của các nhân tố  ảnh hưởng đến vận dụng vận dụng IFRS tại Việt Nam với các hệ số chuẩn hóa như sau:

Y = 0.324X1+ 0.281X2 + 0.135X3 + 0.276X4

Kết luận: Mục đích của nghiên cứu này là xác định và đo lường mức ảnh hưởng của các nhân tố tác động đến vận dụng IFRS của DNNVV tại Việt Nam.

Về kết quả nghiên cứu này đã chỉ ra được 4 nhân tố có ảnh hưởng đến vận dụng IFRS với mức độ tác động theo thứ tự từ cao đến thấp như sau: Áp lực hội nhập quốc tế, Hệ thống pháp luật, Sự tác động của các tổ chức nghề nghiệp trong và ngoài nước, Phát triển kinh tế. Trong đó, nhân tố Áp lực hội nhập quốc tế có tác động mạnh nhất đến việc vận dụng IFRS  ở DNNVV tại Việt Nam.

4. Kiến nghị

Kết quả nghiên cứu cho thấy 4 nhân tố của mô hình nghiên cứu đều có ảnh hưởng đến vận dụng IFRS ở DNNVV tại Việt Nam. Để nâng cao hiệu quả việc vận dụng IFRS thì các DNNVV tại Việt Nam cần mở rộng thị trường quốc tế, nhằm giúp các DNNVV tiếp cận được nguồn vốn quốc tế từ các nhà đầu tư, ngân hàng, các công ty tài chính quốc tế. Đồng thời, Việt Nam cần tận dụng sự giúp đỡ từ các tổ chức quốc tế, các nước phát triển để kế thừa kinh nghiệm và được hỗ trợ các nguồn lực cho các DNNVV của Việt Nam.

Các DNNVV thực hiện nghiêm Luật Kế toán, Luật Doanh nghiệp, Luật Khuyến khích đầu tư áp dụng chung cho cả các DNNVV của Việt Nam và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, việc tuân thủ pháp luật và hướng dẫn thực thi pháp luật cần được đề cao và truyền thông đến các DNNVV để cập nhật các quy định mới ban hành và được triển khai tập huấn khi có thay đổi các chế độ, chuẩn mực kế toán tại Việt Nam cho các DNNVV. Đồng thời, nâng cao vai trò của các tổ chức nghề nghiệp trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp quy về kế toán mà đặc biệt là trong việc soạn thảo và ban hành chuẩn mực và chế độ kế toán cho các DNNVV Việt Nam theo hướng chuyển dần vai trò nghề nghiệp kế toán cho các tổ chức hội nghề nghiệp. Tập trung phát triển kinh tế hơn nữa, giúp các DNNVV phát triển cả về vi mô và phạm vi hoạt động nhất là vươn ra thị trường thế giới, từ đó nhận thức được vai trò thông tin kế toán trong giai đoạn hội nhập quốc tế, khi đó tất yếu phải vận dụng IFRS để hội nhập và phát triển hài hòa với quốc tế ■

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Atik, A. (2010). SMEs Views on the Adoption and Application of “IFRS for SMEs” in Turkey. European Research Studies, 13(4), 19-31.

2. Chand, P., & Patel, C. (2008). Convergence and harmonization of accounting standards in the South Pacific region. Advances in Accounting, 24(1), 83-92.

3. Eierle, B., & Haller, A. (2009). Does size influence the suitability of the IFRS for small and medium-sized entities?–Empirical evidence from Germany. Accounting in Europe, 6(2), 195-230.

4. Hope, O. K., Jin, J., & Kang, T. (2006). Empirical evidence on jurisdictions that adopt IFRS. Journal of international accounting research, 5(2), 1-20.

5. Jaggi, B., Allini, A., Rossi, F. M., & Caldarelli, A. (2016). Impact of accounting traditions, ownership and governance structures on financial reporting by Italian firms. Review of Pacific Basin Financial Markets and Policies, 19(01), 1650001.

6. Jensen, M. C., & Meckling, W. H. (1976). Theory of the firm: Managerial behavior, agency costs and ownership structure. Journal of financial economics, 3(4), 305-360.

7. Judge, W., Li, S., & Pinsker, R. (2010). National adoption of international accounting standards: An institutional perspective. Corporate Governance: An International Review, 18(3), 161-174.

8. lbu, C.N. 2010. IFRS for SMEs in Europe - Lessons for a Possible Implementation in Romania. International Conference on Economy and Management Transformation. Vol II

9. Macías, M., & Mui#o, F. (2011). Examining dual accounting systems in Europe. The international journal of accounting, 46(1), 51-78.

10. Tabachnick, B. G., & Fidell, L. S. (2007). Using multivariate statistics. Allyn & Bacon/Pearson Education.

11. Zeghal, D., & Mhedhbi, K. (2006). An analysis of the factors affecting the adoption of international accounting standards by developing countries. The International Journal of Accounting, 41(4), 373-386.

12. Zehri, F., & Chouaibi, J. (2013). Adoption determinants of the International Accounting Standards IAS/IFRS by the developing countries. Journal of Economics Finance and Administrative Science, 18(35), 56-62.

EXTERNAL FACTORS IMPACT ON THE IMPLEMENTATION OF IFRS IN VIETNAMESE SMES

● Master. NGUYEN THI ANH LINH

Binh Duong University

ABSTRACT:

In the context of international economic integration, the implementation of International Financial Reporting Standards (IFRS) has widely spread in the world. This study is to identify and measure the impact level of external factors related to Small and medium-sized enterprises (SMEs) on the implementation of the IFRS in Vietnam. The study was conducted with 176 samples collected from listed companies in Ho Chi Minh City. The qualitative and quantitative methods were combined with the SPSS software to carry out this study. Analytical techniques include descriptive statistics, scale reliability tests, EFA analysis and linear regression were also used in this study. The results show that four external factors impact on the implementation of IFRS in Vietnam are: (1) Pressures from the international integration, (2) Vietnam’s legal system, (3) The economic growth and (4) The influences of international and domestic organizations.

Keywords: Implementing IFRS, small and medium-sized enterprises, pressures from the international integration.