Tác động khi áp dụng hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS)

ThS. TRẦN THỊ HẢI VÂN (Thạc sĩ Tài chính ngân hàng, Hội viên của Hiệp hội kế toán công chứng Anh quốc ACCA, Giảng viên Khoa Kế toán Kiểm toán - Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh )

TÓM TẮT:

Hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) đã và đang được nhiều quốc gia áp dụng. Điều này góp phần vào sự phát triển của thị trường vốn, thúc đẩy các khoản đầu tư xuyên biên giới, đồng thời nâng cao hiệu quả quá trình quản lý và ra quyết định của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc chuyển đổi hệ thống kế toán sang IFRS có thể sẽ gây ra nhiều rủi ro trở ngại và cần có sự hiểu biết về các rủi ro, trở ngại này để có thể có các chuẩn bị cần thiết cho quá trình chuyển đổi.

Từ khóa: Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, áp dụng lần đầu, tác động.

1. Đặt vấn đề

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã áp dụng hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) để nâng cao chất lượng cũng như khả năng so sánh của thông tin trên các báo cáo tài chính (BCTC). Tại Việt Nam, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đặt Việt Nam vào bối cảnh phải đổi mới nền kinh tế và tiệm cận với các thông lệ quốc tế. Trong đó, đổi mới hệ thống kế toán là một trong những khâu quan trọng. Hiện nay, Bộ Tài chính đã có những Hội thảo để lấy ý kiến về lộ trình chuyển đổi từ hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) sang IFRS. Do đó, để quá trình chuyển đổi áp dụng IFRS thành công, việc nghiên cứu các tác động cũng như nhận diện, phân tích các rủi ro khi áp dụng IFRS, qua đó tìm ra các giải pháp là vô cùng cần thiết.

2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

Bài viết phân tích các tác động tích cực do việc áp dụng IFRS mang lại cho nền kinh tế và những khó khan, cũng như rủi ro mà các chủ thể trong nền kinh tế phải đối mặt khi lần đầu áp dụng hệ thống IFRS. Phương pháp nghiên cứu định tính đã được sử dụng chủ yếu thông qua việc nghiên cứu quá trình áp dụng lần đầu IFRS của một số quốc gia trên thế giới; hệ thống hóa và đánh giá các thông tin được công bố và các nghiên cứu có liên quan, khảo sát và phỏng vấn sâu một số chuyên gia trong lĩnh vực kế toán kiểm toán tại Việt Nam. Từ đó, tác giả phân tích và rút ra các giải pháp cho Việt Nam khi thực hiện việc áp dụng IFRS trong tương lai.

3. Khái quát về IFRS và tình hình áp dụng IFRS trên thế giới

Hệ thống chuẩn mực kế toán và chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (gọi chung là IFRS) được xây dựng và ban hành gồm ba thành phần chính:

- Khung khái niệm (còn gọi là khuôn khổ lý thuyết- The Conceptual Framework), được ban hành từ năm 1989, bản sửa đổi cập nhật gần nhất là năm 2010, đóng vai trò khung khái niệm và những nguyên tắc nền tảng cho việc xây dựng các chuẩn mực kế toán/ chuẩn mực BCTC quốc tế.

- Các chuẩn mực BCTC quốc tế(IAS/IFRS). Các IAS (International Accounting Standard - Chuẩn mực kế toán quốc tế) đầu tiên ra đời từ năm 1971 được ban hành bởi IASC (International Accounting Standard Committee - Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế). Năm 2001, các IAS này được IASB (International Accounting Standard Board - Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế) kế thừa và tiếp tục thực hiện bổ sung sửa đổi và cho ra đời các IFRS. Hiện nay, đã có 16 IFRS được ban hành và 29 IAS còn hiệu lực.

- Các hướng dẫn giải thích chuẩn mực kế toán (IFRIC/SIC). Các hướng dẫn này đóng vai trò diễn giải chi tiết và chính thức do IFRIC (Interanational Financial Reporting Interpretation Committee - Ủy Ban hướng dẫn BCTC quốc tế) soạn thảo và ban hành.

Nhìn chung, kể từ khi ra đời, hệ thống chuẩn mực IFRS đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kế toán quốc tế. Những nhà làm chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức nghề nghiệp tại nhiều quốc gia đã có những chính sách khuyến khích hoặc bắt buộc áp dụng IFRS đối với các doanh nghiệp niêm yết và không niêm yết. Đến nay, tình hình áp dụng IFRS tại 174 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có thể được tóm tắt như sau:

Trong số 131 (25 + 10 + 96) quốc gia và vùng lãnh thổ có cho phép hoặc yêu cầu doanh nghiệp niêm yết áp dụng IFRS thì có 87 quốc gia và vùng lãnh thổ, báo cáo kiểm toán của các doanh nghiệp niêm yết có đánh giá sự tuân thủ theo IFRS và 31 quốc gia và vùng lãnh thổ, báo cáo kiểm toán đánh giá sự tuân thủ theo IFRS được áp dụng bởi Liên minh châu Âu. Có 5 quốc gia đang xem xét việc áp dụng IFRS là Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, Malaysia và Colombia.

4. Phân tích những tác động tích cực từ việc áp dụng IFRS mang lại

Theo IASB, mục tiêu của việc xây dựng IAS/IFRS là nhằm phát triển một bộ chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế được chấp nhận rộng rãi trên toàn cầu và vì lợi ích của công chúng. Các chuẩn mực này sẽ giúp các thông tin trên BCTC có chất lượng cao hơn, minh bạch hơn và nâng cao tính có thể so sánh của thông tin, từ đó hướng tới giúp các nhà đầu tư hoặc những người tham gia vào thị trường vốn có thể đưa ra các quyết định kinh tế một cách đúng đắn hơn. Vì vậy, giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, khi Việt Nam áp dụng IFRS thay cho hệ thống chuẩn mực VAS hiện tại, sẽ có nhiều tác động tích cực đối với nền kinh tế nói chung và thị trường tài chính nói riêng.

Việc áp dụng IFRS sẽ có tác động tích cực đến thị trường chứng khoán thông qua việc tăng tính hiệu quả của thị trường và giảm chi phí vốn (cost of capital), từ đó mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa, đồng thời tăng tỷ lệ sinh lời của các khoản đầu tư. Bởi lẽ, khi chất lượng thông tin tăng lên, nhà đầu tư sẽ cảm thấy tin cậy hơn vào nguồn thông tin được doanh nghiệp cung cấp. Và khi báo cáo tài chính được lập trên nền tảng các IFRS, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ dễ dàng đánh giá, so sánh khi họ đang cân nhắc việc đầu tư vào các doanh nghiệp ở Việt Nam. Bên cạnh đó, việc áp dụng các nguyên tắc đánh giá dựa trên giá trị hợp lý và gia tăng các thuyết minh/công bố theo yêu cầu của IFRS sẽ càng làm tăng tính minh bạch của thông tin, giảm rủi ro bất cân xứng thông tin, khiến các nhà đầu tư sẵn lòng để bỏ tiền đầu tư hơn. Theo một nghiên cứu tại châu Âu, sự minh bạch cũng giúp làm các rủi ro trong các ước tính của thị trường giảm xuống, chi phí vốn do vậy cũng sẽ giảm (Lambert và cộng sự, 2007). Thúc đẩy thị trường tài chính phát triển là một trong những lý do quan trọng khiến các quốc gia lựa chọn áp dụng hệ thống chuẩn mực kế toán theo IFRS.

Bên cạnh đó, việc áp dụng IFRS cũng có tác động tích cực đối với thị trường nợ (debt market) thông qua việc tác động đến cấu trúc vốn và chi phí vốn vay của doanh nghiệp. Đối với cấu trúc vốn, việc áp dụng IFRS sẽ giúp rủi ro bất cân xứng thông tin bị giảm xuống, sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp (có áp dụng IFRS) để tiếp cận nguồn vốn vay dễ dàng hơn. Và do vậy, trong cơ cấu vốn, tỷ trọng nợ/vốn sẽ tăng lên. Nghiên cứu chọn mẫu trên 41 quốc gia từ năm 2003 đến năm 2012 cho thấy, các doanh nghiệp áp dụng bắt buộc IFRS có tỷ lệ nợ/vốn cao hơn sau khi áp dụng so với trước khi áp dụng (Naranjo và cộng sự, 2014). Bên cạnh đó, đối với nguồn vốn vay, một doanh nghiệp có chất lượng báo cáo tốt hơn sẽ có cơ hội có được các nguồn vốn từ khu vực công dễ dàng hơn so với khu vực tư và làm tỷ trọng vốn vay từ khu vực công tăng lên trong tổng nguồn vốn vay (Florou and Kosi, 2015).

Đối với chi phí vốn vay (cost of debts), việc áp dụng IFRS giúp tăng tính minh bạch thông tin và do đó, giúp làm giảm chi phí giám sát cho ngân hàng (dựa vào các báo cáo tài chính), từ đó làm giảm lãi suất khoản vay. Nghiên cứu tại 42 quốc gia từ năm 1999 đến năm 2008 cũng cho thấy, Ngân hàng Thế giới đã tài trợ nhiều hơn cho những quốc gia có áp dụng bắt buộc IFRS hoặc các quốc gia có sự khác biệt thấp hơn giữa quy định/chế độ kế toán quốc gia và IAS/IFRS (Lamoreaux, 2015).

Việc áp dụng IFRS còn có tác động đến hiệu quả quản lý và ra quyết định của doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng báo cáo sẽ làm giảm bất cân xứng thông tin giữa bên trong và bên ngoài doanh nghiệp, từ đó giúp doanh nghiệp thu hút được nguồn vốn cho các dự án có tính sinh lời cao, làm tăng các cơ hội đầu tư do giảm tỷ lệ sinh lời đòi hỏi của đồng vốn. Chất lượng báo cáo tài chính tăng lên cũng giúp làm tăng tính hiệu quả của cơ chế quản trị công ty, hạn chế tình trạng đầu tư quá mức hoặc quá ít so với khả năng của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp muốn đưa ra các quyết định mua bán sáp nhập (M&A), các báo cáo kế toán sẽ đóng vai trò rất quan trọng. Đặc biệt là khi công ty đi mua và công ty bị mua lại ở hai quốc gia khác nhau, thì việc áp dụng IFRS sẽ giúp việc đánh giá trở nên dễ dàng hơn do thông tin có tính có thể so sánh cao hơn, đồng thời cũng giúp đơn giản hóa các công việc sau khi sáp nhập (Louis và Urcan, 2014).

Bên cạnh đó, sự cải thiện chất lượng thông tin nói chung và môi trường thông tin nói riêng có ảnh hưởng đến quyết định của nhà quản trị doanh nghiệp thông qua hiểu biết của họ đối với sự biến động giá chứng khoán trên thị trường, vì sự biến động này thể hiện cách ra quyết định của nhà đầu tư. Nếu một công ty mẹ có công ty con tại một quốc gia khác, môi trường thông tin minh bạch không những làm quyết định đầu tư của các công ty con có tính thích ứng hơn với các cơ hội phát triển tại quốc gia sở tại, mà còn giúp các công ty mẹ giám sát tốt hơn các quyết định đầu tư của công ty con.

5. Các khó khăn và những rủi ro khi áp dụng IFRS tại Việt Nam

Có thể thấy, hội tụ kế toán quốc tế là xu hướng tất yếu của các quốc gia trong tương lai và việc áp dụng IFRS là quá trình diễn ra nằm trong xu thế đó. Tuy nhiên, kinh nghiệm của các quốc gia áp dụng lần đầu IFRS cho thấy có rất nhiều vấn đề được đặt ra như: Liệu rằng việc áp dụng có mang lại thành công, các lợi ích vô hình của việc áp dụng IFRS là gì và các chi phí cần thiết để đạt được các lợi ích này như thế nào… Việc chuyển đổi sang IFRS chứa đựng các rủi ro khác nhau cho nhiều chủ thể khác nhau.

5.1. Đối với các doanh nghiệp

Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là không có những hiểu biết đầy đủ về các IFRS, cũng như chưa đo lường hết các ảnh hưởng của việc áp dụng IFRS đến sự thay đổi trong kết quả kinh doanh. Trong điều kiện hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam có nguồn lực nhân lực kế toán còn hạn chế về trình độ ngoại ngữ và khả năng chuyên môn, nếu họ không được đào tạo huấn luyện bài bản về hệ thống chuẩn mực mới thì việc áp dụng sai là điều khó tránh khỏi. Thực tế, dựa trên một cuộc khảo sát từ 149 tổ chức tài chính trên thế giới vào tháng 10/2004, Công ty Kiểm toán KPMG đã kết luận rằng, chính sự không chắc chắn về hệ thống chuẩn mực đã làm trì hoãn việc áp dụng IFRS tại nhiều doanh nghiệp.

5.2. Đối với các nhà đầu tư

Rủi ro đến từ quá trình chuyển đổi hệ thống chuẩn mực của các doanh nghiệp có thể làm thông tin trên báo cáo bị sai sót hoặc nhầm lẫn và dẫn đến có thể ra các quyết định đầu tư không hợp lý. Theo ý kiến của các kiểm toán viên tham gia kiểm toán các doanh nghiệp lần đầu áp dụng IFRS, những doanh nghiệp này thường thiếu sự chuẩn bị cần thiết và hậu quả là báo cáo tài chính có thể bị sai lệch trọng yếu. Trên thực tế, nhiều ý kiến ngoại trừ đã được đưa ra khi doanh nghiệp chuyển đổi sang sử dụng IFRS năm đầu tiên.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp có thể không công bố đầy đủ các thông tin cần thiết để nhà đầu tư có thể đối chiếu, so sánh. Thực tế, trong giai đoạn áp dụng IFRS tại UK vào các năm 2005 - 2006, nhiều doanh nghiệp thiếu các công bố cụ thể về tác động của việc áp dụng IFRS đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, điều này đã làm các nhà đầu tư lo ngại về các thông tin được cung cấp thiếu đi tính so sánh và ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư.

Ngoài ra, những đối tượng sử dụng thông tin khác như các chuyên gia phân tích, đặc biệt là những chuyên gia trong lĩnh vực mua bán doanh nghiệp, cũng sẽ gặp các rủi ro tương tự khi không lượng định được các tác động của các thay đổi kế toán từ việc áp dụng FFRS đến các thay đổi trong kết quả kinh doanh, từ đó sẽ có những thay đổi khó dự đoán trong giá cổ phiếu và các khoản đầu tư. Hai phần ba các chuyên gia phân tích M&A (của cả bên mua và bên bán) khi được khảo sát đã trả lời rằng, họ chưa nắm rõ về các chuẩn mực cho việc sáp nhập và hợp nhất, đồng thời lo ngại rằng việc thay đổi chuẩn mực kế toán áp dụng theo IFRS sẽ làm ảnh hưởng bất lợi đến giá cổ phiếu (Barret và Darina, 2005).

6. Các giải pháp góp phần vào sự thành công của quá trình áp dụng IFRS tại Việt Nam

Để nâng cao các tác động tích cực và hạn chế các rủi ro phát sinh khi áp dụng IFRS tại Việt Nam, tác giả đi vào 2 nhóm đề xuất sau:

6.1. Các giải pháp trong giai đoạn chuẩn bị trước khi chuyển đổi

- Cần xây dựng lộ trình chuyển đổi và áp dụng IFRS phù hợp với tình hình phát triển kinh tế và Việt Nam. Với trình độ phát triển của thị trường tài chính tại Việt Nam hiện nay, việc kế toán theo giá trị hợp lý nên được áp dụng một cách thận trọng và có lựa chọn. Bên cạnh đó, do hệ thống luật và nền văn hóa của Việt Nam còn coi trọng việc tuân thủ các quy định hơn là dựa trên xét đoán, do đó việc chuyển đổi hệ thống kế toán dựa trên quy định (rule - based) sang kế toán dựa trên nguyên tắc (principles - based) sẽ gặp nhiều trở ngại (Lê Hoàng Phúc, 2013). Do vậy, lộ trình chuyển đổi nên được chia ra nhiều giai đoạn, có thể bắt đầu từ việc áp dụng khoảng 10 chuẩn mực, sau đó tăng dần lên 20 chuẩn mực và đến hết. Bên cạnh đó, cần lựa chọn các đối tượng áp dụng bắt buộc (công ty niêm yết, các tổ chức tín dụng, công ty đại chúng…) trước khi tiến tới thực hiện áp dụng bắt buộc đối với toàn bộ các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.

- Cần làm tốt công tác truyền thông để hướng tới những tác động tích cực của việc chuyển đổi sang IFRS, tránh các tác động tâm lý không đáng có sẽ làm méo mó sự phát triển của thị trường tài chính cũng như nền kinh tế nói chung. Kinh nghiệm tại một số quốc gia trên thế giới cho thấy, mặc dù trước khi áp dụng thì có nhiều lo ngại về các tác động tiêu cực của quá trình chuyển đổi, nhưng nếu được chuẩn bị tốt thì kết quả hoàn toàn khả quan theo hướng tích cực. Theo một cuộc khảo sát trên 200 giám đốc quỹ đầu tư được PwC và Ipsos MORI thực hiện năm 2006, 75% các đối tượng khảo sát cho rằng, IFRS không gây ra các tác động bất lợi đến giá trị các doanh nghiệp, nhất là khi các doanh nghiệp tăng cường các công bố về sự ảnh hưởng của việc áp dụng IFRS.

- Công tác đào tạo, huấn huyện để nâng cao hiểu biết về IFRS của đội ngũ kế toán - kiểm toán viên cần được chú trọng. Các khóa huấn luyện về tiếng Anh chuyên ngành, các tài liệu hỗ trợ, các hướng dẫn áp dụng cần được chuẩn bị kể cả sang tiếng Việt để kịp thời đáp ứng nhu cầu sử dụng của đại đa số các doanh nghiệp.

6.2. Các giải pháp trong và sau quá trình chuyển đổi

- Trong năm đầu tiên thực hiện việc chuyển đổi, các doanh nghiệp cần chú ý tăng cường các công bố trên thuyết minh báo cáo tài chính để người sử dụng thông tin có thể thấy được tác động của sự thay đổi hệ thống chuẩn mực áp dụng đến các thông tin trên báo cáo tài chính như thế nào, đặc biệt với thông tin về kết quả kinh doanh và giá trị tài sản. Tại Úc, một điều tra trên 1.250 báo cáo thường niên của Ủy ban Đầu tư chứng khoán của Úc cũng đã đi đến kết luận rằng, tất cả các doanh nghiệp đã cung cấp đầy đủ các công bố cần thiết thông qua việc làm rõ các sự khác biệt về kế toán khi áp dụng IFRS. Chính điều này làm các nhà đầu tư tin tưởng hơn vào các báo cáo tài chính và có thể ra các quyết định đầu tư một cách hợp lý hơn.

- Cần có đội ngũ tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong khi quá trình chuyển đổi được tiến hành, nhằm tháo gỡ ngay các khó khăn vướng mắc phát sinh, giúp doanh nghiệp “làm đúng ngay từ đầu” các yêu cầu cần thiết khi áp dụng IFRS. Đội ngũ tư vấn hỗ trợ này có thể được thiết lập bởi nhà nước, các tổ chức nghề nghiệp, các công ty kiểm toán liên kết với các chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong ngành.

- Bên cạnh đó, cần tổ chức tốt công tác kiểm tra, đánh giá quá trình chuyển đổi sang hệ thống IFRS của các doanh nghiệp nhằm một mặt chấn chỉnh các bất cập, một mặt rút kinh nghiệm cho các đơn vị áp dụng sau. Ngoài ra, việc kiểm toán các báo cáo tài chính định kỳ cũng sẽ giúp các nhà đầu tư yên tâm với chất lượng của các báo cáo tài chính sau khi chuyển đổi.

7. Kết luận

Trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, việc áp dụng IFRS vào hệ thống kế toán của Việt Nam là xu hướng tất yếu, tuy nhiên cần tính đến các tác động bất lợi, các trở ngại của việc áp dụng này đến các doanh nghiệp cũng như các rủi ro đối với người sử dụng thông tin. Các giải pháp đưa ra bao gồm những giải pháp xuyên suốt trong giai đoạn chuẩn bị cho việc chuyển đổi như việc xây dựng một lộ trình phù hợp, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, công tác huấn luyện; đến những giải pháp thực hiện trong và sau quá trình chuyển đổi, đặc biệt là sự hỗ trợ, tư vấn kịp thời từ hội nghề nghiệp và Nhà nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Tài liệu tiếng Việt

1. Lê Hoàng Phúc, Tác động của chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế đến hệ thống kế toán các quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, http://www.khoahockiemtoan.vn/, truy cập ngày 20/9/2016.

Tài liệu tiếng Anh

2. Barret và Darina, Avoid nasty shocks: Get to grips with IFRS, Accounting, Vol 37 Issue 1, p12, 2005.

3. Florou, A., & Kosi, U., Does mandatory IFRS adoption facilitate debt financing? Review of Accounting Studies, 20, 1407-1456, 2015.

4. Lambert, R., Leuz, C., & Verrecchia, R., Accounting information, disclosure, and the cost of capital. Journal of Accounting Research, 45(2), 385-420, 2007.

5. Mark Vaessen, Publication of the first quantified explanations of the impact of IFRS heralds the start of a very different phase in their implementation communicating the findings, Accountancy Live, 2005.

6. Naranjo, P., Saavedra, D., & Verdi, R. S. Financial reporting regulation and financing decisions. Working paper, Social Sciences Research Network, 2014.

IMPACT ON THE APPLICATION OF INTERNATIONAL

FINANCIAL REPORTING STANDARDS (IFRS)

MA. TRAN THI HAI VAN

Master of Banking and Finance, Member of the Association

of Chartered Accountants of England ACCA

Lecturer in Accounting Auditing - University of Banking. Ho Chi Minh

ABSTRACT:

International Financial Reporting Standards (IFRS) has been adopted by many countries. This contributes to the development of the capital market, promotes cross-border investments, and improves the efficiency of corporate governance and decision-making. However, developing country such as Vietnam, the conversion of the accounting system to IFRS is likely to pose some of the potential barriers and need to be aware of the risks and obstacles to be able to have the necessary preparations for the transition.

Keywords: International Financial Reporting Standards (IFRS), first adoption, effects.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 06 tháng 05/2017 tại đây