TÓM TẮT: Với mục tiêu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực kế toán, tạo dựng công cụ quản lý hiệu quả, đẩy mạnh phát triển nền kinh tế của đất nước, đồng thời đưa kế toán Việt Nam tiến gần hơn với sự phát triển của Kế toán trên thế giới, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 345/QĐ-BTC ngày 16/03/2020 về việc Phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực Báo cáo tài chính tại Việt Nam với lộ trình áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) một cách cụ thể. Bài viết sẽ tổng hợp, phân tích một số những cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp (DN) của Việt Nam trong lộ trình áp dụng IFRS.
Từ khóa: Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), doanh nghiệp, kế toán.
1. Đặt vấn đề
IFRS là một bộ chuẩn mực kế toán được thiết kế và phát triển bởi một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận được gọi là Hội đồng chuẩn mực Kế toán quốc tế (IASB). IFRS ra đời cung cấp một khuôn khổ quốc tế về cách lập và trình bày báo cáo tài chính cho các công ty đại chúng. IFRS tập trung vào các hướng dẫn, diễn giải chung nhất về cách lập báo cáo tài chính hơn là thiết lập các quy tắc lập báo cáo ngành cụ thể. Bộ chuẩn mực quốc tế IFRS có thể xem là sự thay đổi về chuẩn mực kế toán lớn nhất trong thời đại, là một điều hết sức cần thiết đối với các công ty lớn có các chi nhánh tại các quốc gia khác nhau. Đến nay IFRS đã trở thành ngôn ngữ kế toán chung phổ biến nhất trên toàn cầu.
Với mục tiêu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực kế toán, tạo dựng công cụ quản lý hiệu quả, đẩy mạnh phát triển nền kinh tế của đất nước, đồng thời đưa kế toán Việt Nam tiến gần hơn với sự phát triển của kế toán trên thế giới, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 345/QĐ-BTC ngày 16/03/2020 về việc Phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực Báo cáo tài chính tại Việt Nam. Với đề án này, Bộ Tài chính đã đưa ra lộ trình áp dụng IFRS với từng mốc thời gian và nội dung công việc tương đối cụ thể đối với các loại hình DN khác nhau.
2. Lộ trình áp dụng IFRS ở Việt Nam
Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam theo Quyết định số 345/QĐ-BTC được ban hành ngày 16/03/2020 đã đưa ra lộ trình để Việt Nam triển khai áp dụng IFRS với 3 giai đoạn theo từng mốc thời gian, nội dung cụ thể như sau:
|
Giai đoạn chuẩn bị |
Giai đoạn 1 |
Giai đoạn 2 |
Thời gian |
Năm 2020 - 2021 |
Năm 2022 - 2025 |
Sau năm 2025 |
Nội dung |
1. Xây dựng và ban hành Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam. |
1. Bộ Tài chính khuyến khích các DN có nhu cầu và đủ nguồn nhân lực, thông báo cho Bộ Tài chính trước khi tự nguyện áp dụng IFRS. |
1. Bộ Tài chính căn cứ nhu cầu, khả năng sẵn sàng của các DN và tình hình thực tế, quy định phương án, thời điểm bắt buộc áp dụng IFRS để lập báo cáo tài chính. |
2. Dịch thuật, soát xét, xây dựng và ban hành bản dịch IFRS sang tiếng Việt, đồng thời trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về cách thức áp dụng IFRS. |
2. IFRS được áp dụng để lập báo cáo tài chính hợp nhất đối với: các công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn hoặc có các khoản vay được tài trợ bởi các định chế tài chính quốc tế, các công ty mẹ là công ty niêm yết, các công ty đại chúng có quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết và các công ty mẹ khác. |
2. IFRS được áp dụng để lập báo cáo tài chính hợp nhất đối với: các công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn hoặc có các khoản vay được tài trợ bởi các định chế tài chính quốc tế, các công ty mẹ là công ty niêm yết, các công ty đại chúng có quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết và các công ty mẹ khác. |
|
3. Đào tạo nguồn nhân lực, quy trình triển khai cho các DN |
3. IFRS được áp dụng để lập báo cáo tài chính riêng đối với DN có 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là công ty con của công ty mẹ ở nước ngoài. |
3. IFRS được áp dụng để lập báo cáo tài chính riêng đối với DN có 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là công ty con của công ty mẹ ở nước ngoài. |
Nguồn: Tác giả tổng hợp
Tính đến thời điểm hiện nay, nội dung Xây dựng và ban hành Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam trong giai đoạn chuẩn bị đã được thực hiện và được Bộ Tài chính thông qua.
3. Cơ hội và thách thức
Theo Kết quả thống kê của IFRS.org, đến tháng 4/2018 có 144 quốc gia và vùng lãnh thổ (87%) trong 166 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát đã bắt buộc sử dụng chuẩn mực IFRS. Phần lớn trong nhóm 22 quốc gia và vùng lãnh thổ còn lại đã cho phép hoặc đang trong lộ trình triển khai áp dụng IFRS, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh IFRS trở nên phổ biến thì Việt Nam cũng đã bước đầu đưa ra được lộ trình áp dụng IFRS riêng. Việc áp dụng IFRS sẽ mở ra một cơ hội phát triển, đồng thời cũng mang lại những thách thức nhất định cho kế toán nói riêng và sự phát triển của các DN nói chung.
3.1. Cơ hội khi áp dụng IFRS
Thứ nhất, Việc áp dụng IFRS sẽ đánh dấu bước chuyển mình lớn của kế toán Việt Nam, thúc đẩy kế toán Việt Nam phát triển tiệm cận hơn với sự phát triển của kế toán trên thế giới. Việc đưa ra lộ trình sẽ giúp các DN hoạt động tại Việt Nam có định hướng phát triển phù hợp, đặc biệt là phát triển đội ngũ kế toán. Kế toán Việt Nam cho thấy sự chững lại khá lâu so với tốc độ phát triển của kế toán thế giới khi báo cáo tài chính của các DN tại Việt Nam hiện vẫn đang áp dụng theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) được Bộ Tài chính ban hành thành 5 đợt, từ năm 2001 đến năm 2005 với 26 chuẩn mực.
Với sự thay đổi về thể chế kinh tế trong nước khi gia nhập các tổ chức kinh tế thế giới và sự thay đổi trong hệ thống IFRS trong giai đoạn hiện nay, VAS đã bộc lộ nhiều tồn tại, đặc biệt là những giao dịch của nền kinh tế thị trường mới phát sinh chưa được VAS giải quyết thấu đáo. Việc ghi nhận và đánh giá tài sản, nợ phải trả theo giá trị hợp lý, ghi nhận tổn thất tài sản, việc kế toán các công cụ tài chính phái sinh cho mục đích kinh doanh và phòng ngừa rủi ro… chưa được VAS hướng dẫn cụ thể. Trong khi đó, IFRS với những chuẩn mực về xác định giá trị hợp lý sẽ cho phép DN và người sử dụng báo cáo tài chính có cái nhìn hợp lý và xác thực hơn về tình hình tài chính, hoạt động và giá trị hiện tại của DN.
Thứ hai, việc áp dụng ngôn ngữ kế toán toàn cầu IFRS giúp các giao dịch tài chính quốc tế giảm thiểu chi phí và tăng tính minh bạch, qua đó nâng cao được chất lượng quản trị và thông tin. Đồng thời, DN có thể gia tăng lợi nhuận nhiều hơn, thu hút đầu tư, mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh. Áp dụng IFRS sẽ giúp cho các đối tác, các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, có thể tìm hiểu, so sánh, đánh giá các thông tin tài chính của đơn vị theo cùng một ngôn ngữ, chuẩn mực chung của quốc tế để từ đó có thể đưa ra các quyết định kinh doanh hay đầu tư một cách phù hợp. Thực tế, để tiếp cận được các nguồn vốn trên thị trường vốn quốc tế thì việc lập và trình bày các báo cáo tài chính theo IFRS gần như là một yêu cầu bắt buộc.
Việc áp dụng IFRS cũng các DN có thể dễ dàng so sánh, đánh giá các hoạt động và tình hình tài chính của họ một cách chính xác hơn. Qua đó, họ có thể xây dựng cách nhìn sâu sắc hơn về khách hàng, nhà cung cấp cũng như đối thủ cạnh tranh -- đặc biệt là đa số đối thủ đến từ các quốc gia đã áp dụng IFRS. Điều này sẽ là tiền đề để các DN của Việt Nam hòa nhập, vững bước hơn trên sân chơi kinh tế của khu vực và quốc tế.
Thứ ba, ngôn ngữ kế toán toàn cầu IFRS giúp cho kế toán Việt Nam tìm được tiếng nói chung với Kế toán quốc tế, qua đó giúp cho nguồn nhân lực phục của ngành dịch vụ kế toán của Việt Nam có cơ hội phát triển cơ hội nghề nghiệp của mình, tăng khả năng thích nghi với các môi trường làm việc tại các quốc gia khác nhau trên thế giới. Thực tế hiện nay cũng cho thấy, ở Việt Nam có rất nhiều cơ sở đào tạo ngành nghề Kế toán. Với nguồn cung kế toán dồi dào như hiện nay, nếu việc áp dụng ngôn ngữ kế toán toàn cầu IFRS thành công, Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu lao động kế toán cho các nước trong khu vực và quốc tế.
3.2. Thách thức khi áp dụng IFRS
Thứ nhất, IFRS tương đối phức tạp và khó hiểu đối với người sử dụng, ngay cả với những nền kinh tế phát triển. Quá trình hình thành và phát triển của IFRS soạn thảo, phát triển bởi Ủy ban Chuẩn mực Quốc tế - IASC và Hội đồng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế - IASB. Tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng chính thức IFRS. Một trong những rào cản trong việc triển khai áp dụng IFRS là khả năng đọc hiểu và áp dụng của đội ngũ kế toán tại Việt Nam. Phần lớn các DN ở Việt Nam đều có quy mô vừa và nhỏ đến siêu nhỏ, đội ngũ kế toán tại DN đa số chưa được đào tạo và tiếp cận chính quy với IFRS.
Ngoài ra, IFRS cũng yêu cầu người làm công tác kế toán phải am hiểu sâu hoạt động của DN, nắm bắt, phân tích thông tin để có thể ghi nhận nghiệp vụ theo đúng “bản chất hơn hình thức”. Việc áp dụng đúng các phương pháp hạch toán phù hợp, các yêu cầu trình bày và thuyết minh theo IFRS có thể đòi hỏi phải ghi chép thông tin nhiều hơn, chi tiết hơn. Điều này có thể làm cho khối lượng công việc tăng lên và cần nhiều kế toán giải quyết công việc hơn hoặc cần phải có đội ngũ kế toán có năng lực trình độ cao hơn.
Vì vậy, ttrong lộ trình áp dụng IFRS được Bộ Tài chính đưa ra trong Quyết định số 345/QĐ-BTC về việc Phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực Báo cáo tài chính tại Việt Nam, trong giai đoạn từ năm 2020 đến sau năm 2025, việc khuyến khích và bắt buộc áp dụng IFRS để lập báo cáo tài chính được nhấn mạnh vào “nhu cầu”, “khả năng” và tình hình thực tế tại các DN có quy mô lớn, bao gồm các công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn hoặc có các khoản vay được tài trợ bởi các định chế tài chính quốc tế, các công ty mẹ là công ty niêm yết, các công ty đại chúng có quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết và các công ty mẹ khác hay các DN có 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là công ty con của công ty mẹ ở nước ngoài.
Đối với các DN thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế khác (trừ DN siêu nhỏ), Bộ Tài chính hướng tới áp dụng chuẩn mực Báo cáo tài chính Việt Nam thông qua việc sẽ ban hành chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam từ sau năm 2025. Như vậy, sau năm 2025, IFRS và chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam vẫn tồn tại song song do gặp phải vướng mắc về đặc thù của các DN trong nền kinh tế. Tuy nhiên, điều này được xem là phù hợp với bối cảnh nền kinh tế của Việt Nam.
Thứ hai, việc áp dụng IFRS yêu cầu DN cần phải có một hệ thống công nghệ thông tin đủ mạnh để hỗ trợ việc thu thập, xử lý và trình bày thông tin tài chính từ tất cả các phòng ban trong nội bộ DN, thậm chí cả thông tin bên ngoài DN. Hiện tại trên thị trường, có thể áp dụng nhiều cách khác nhau nhưng giải pháp hoạch định nguồn lực DN (“ERP”) có thể xem là một trong những giải pháp tương đối hiệu quả, mọi chức năng của DN được tích hợp lại trong một hệ thống máy tính duy nhất để dễ theo dõi hơn. Tuy nhiên không phải DN nào cũng đủ khả năng, đủ trình độ để triển khai hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ như vậy nhất là đối với một nền kinh tế đang phát triển với một hệ thống gồm nhiều DN có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ như ở Việt Nam hiện nay.
4. Kết luận
Việc ban hành Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam với những lộ trình cụ thể trong việc áp dụng toàn bộ hay từng phần có điều chỉnh phù hợp với Việt Nam ghi nhận những cố gắng và nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tài chính, kế toán, tạo dựng công cụ quản lý hiệu lực hiệu quả công tác quản trị, điều hành quản lý DN, đồng thời đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước đối với các DN trong giai đoạn phát triển kinh tế mới của đất nước.
Việc chỉ rõ lộ trình áp dụng IFRS sẽ giúp các DN Việt Nam có định hướng để chuẩn bị nguồn lực Kế toán trong tương lai. Tuy nhiên, do IFRS vẫn tiếp tục vận động và thay đổi trong quá trình áp dụng trên thế giới, nên Bộ Tài chính cần tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, các tổ chức, DN để liên tục có những thay đổi phù hợp với Việt Nam trong từng giai đoạn cụ thể. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng cần phối hợp với các cơ quan nhà nước, các hội nghề nghiệp, các tổ chức khác hỗ trợ, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho các DN áp dụng IFRS thông qua những văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn để IFRS nhanh chóng được triển khai thực hiện ở các DN.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- https://www.pwc.com/vn/vn/publications/vietnam-publications/ifrs-vas.html
- https://vietsourcing.edu.vn/public/ke-toan-kiem-toan/ifrs-cac-chuan-muc-bao-cao-tai-chinh-quoc-te.html
- Lê Vũ Trường -FCCA, CPA Australia Đinh Minh Tuấn - ACCA, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam, Áp dụng IFRS ở Việt Nam - Cơ hội và thách thức, link: http://ifrsvietnam.vn/tin-tuc/nghien-cuu-trao-doi-72/ap-dung-ifrs-o-viet-nam-co-hoi-va-thach-thuc-180.html
- Bộ Tài chính (2020), Quyết định số 345/QĐ-BTC, Phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam, ban hành ngày 16 tháng 03 năm 2020.
The roadmap of applying the IFRS in Vietnam: Opportunities and Challenges
Master. Nguyen Anh Hong
Faculty of Accounting, University of Economics - Technology for Industries
ABSTRACT:
In order to perfect the legal framework in the field of accounting, creat an effective management tool, promote the country's economic development, and also bring Vietnam's accounting field closer to the development of international accounting field, the Ministry of Finance of Vietnam issued Decision No. 345 / QD-BTC dated 16/03/2020 on approving the scheme on application of financial reporting standards in Vietnam with a specific roadmap to apply International Financial Reporting Standards (IFRS). This article summarizes and analyzes some opportunities and challenges for Vietnamese enterprises when implementing the roadmap of applying the IFRS.
Keywords: International Financial Reporting Standards (IFRS), enterprises, accounting.