Theo nghiên cứu gần đây của Nielsen, có 3 động lực chính ảnh hưởng đến hành vi và thói quen mua sắm của người tiêu dùng hậu COVID-19 trên toàn thế giới bao gồm: Chất lượng & hiệu quả; sản phẩm có nguồn gốc địa phương và công nghệ.
Các động lực này thúc đẩy sự phát triển đáng kể của các xu hướng như người tiêu dùng chuộng hàng nội địa, sẵn sàng chi trả cao hơn cho những sản phẩm đảm bảo chất lượng và tốt cho sức khỏe trong khi đó công nghệ tác động đến cách người tiêu dùng tìm kiếm, mua sắm, kết nối với các thương hiệu và mua sắm trực tuyến nhiều hơn.
Đáng chú ý, người tiêu dùng Việt cho biết họ quan tâm vấn đề sức khỏe và chuộng hàng nội địa cao hơn mức trung bình các nước trên thế giới và đồng thời sẵn lòng chọn các sản phẩm cao cấp có lợi ích phù hợp của họ cũng cao hơn các thị trường khác.
Cụ thể, so với mức trung bình toàn cầu, người tiêu dùng Việt Nam có sự ưu tiên mạnh mẽ hơn đối với các sản phẩm địa phương, 17% người tiêu dùng cho biết rằng họ chỉ mua hàng tiêu dùng nội địa và 59% nói rằng họ đa phần mua hàng tiêu dùng nội địa (so với mức trung bình toàn cầu là 11% và 54%).
Người tiêu dùng ưu tiên hàng Việt Nam vì biết rõ nguồn gốc và mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp Việt. Đây là một trong những mong muốn mới nổi lên ở các quốc gia trong mô hình Phục Hồi theo nghiên cứu về các viễn cảnh cuộc sống hậu COVID-19 của Nielsen.
"Tại Việt Nam, chỉ số niềm tin người tiêu dùng trong quý 1 năm 2020 vẫn duy trì ở mức cao, top 4 trên thế giới, đạt 126 điểm. So với quý cuối năm 2019, niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam vẫn ổn định với mức tăng 1 điểm, từ 125 lên 126. Do đó, đây cũng là một yếu tố kỳ vọng sự phục hồi nhanh chóng của sức mua NTD", ông Nguyễn Tiến Dzũng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Đo lường Bán lẻ, Nielsen Việt Nam, nhận định.