Những quyết định ngược đời
Vì lý do công việc, tôi được gặp gỡ khá nhiều các Giám đốc mỏ, có một điểm chung giữa họ mà tôi thường loay hoay, chưa biết định danh là gì. Một chút gì đó hơi ngang tàng, thêm một chút phóng khoáng, lại một chút đâu đó (không biết có đúng không!) hơi… bất cần. Nhưng gọi sao cho đúng tên quả thực không dễ. Cho đến một hôm, ngồi nhậu chơi với N-Trưởng phòng một Công ty than, không biết câu chuyện dẫn dắt thế nào đến chỗ anh buột miệng nói: Mấy “bố” Giám đốc mỏ, “bố” nào cũng thế, đều thuộc loại có sừng có mỏ cả. Tôi đập bàn đứng dậy, chỉ tay vào N bảo, Oh trời! Anh nói đúng cái điều lâu nay tôi cứ tìm cách định danh mãi không nổi.
Có sừng có mỏ - từ dùng rất đắc địa! Nghĩ cũng phải, Giám đốc một mỏ than, nhỏ như Than Hồng Thái cũng trên ngàn thợ, vừa như Mạo Khê khoảng 5 ngàn thợ . Quản lý bằng ấy thợ, thợ nào thợ ấy tính khí rất mạnh mẽ, lại thêm những áp lực về địa chất phức tạp, vỉa lớp không ổn định, rồi những nỗi lo lơ lửng trên đầu về sập lò, nổ khí metan, bục túi nước… Không có sừng có mỏ làm sao trụ được?
Nhưng cuộc đời là vậy, bao giờ cũng có ngoại lệ, nếu đa phần người ta thích nhàn hạ, sẽ có một vài người thích bận rộn; đa phần người đời thích nổi tiếng, cũng sẽ có người thích ẩn dật; Ai mà không mê tiền? Nhưng rồi thế nào cũng nảy ra một vài người mê… vừa vừa thôi. Và phải có cái ngoại lệ mới tạo thành một xã hội, ý nghĩ này đã bàng bạc trong tôi từ lâu, nhưng chỉ đến khi gặp Bùi Quốc Tuấn-Giám đốc Công ty Than Nam Mẫu mới hiện hình hiện ảnh. Chẳng thấy sừng thấy mỏ đâu cả ở một vóc dáng thư sinh, giọng nói từ tốn, ngoài nước da đặc trưng của vùng mỏ. Không sừng không mỏ nhưng anh có những quyết định “không giống ai”, mà lại ở vào những khúc rẽ quan trọng trong cuộc đời.
Năm 1984, tốt nghiệp Đại học Mỏ-Địa chất, được Bộ Điện và Than phân công về Viện Nghiên cứu Thiết kế Than ở Hà Nội, nhưng anh đã kỳ cục xin về Uông Bí để “làm mỏ trực tiếp”. Tôi nhớ những năm 80, tôi rất “ngưỡng mộ” ông bác ruột làm ở Mỏ Than Đèo Nai, vì tiêu chuẩn gạo hàng tháng của bác được 24 cân, còn cả nhà tôi, theo tiêu chuẩn nhân dân, mỗi người có 13 cân. Sau đó, có lần bác dẫn tôi ra mỏ chơi, và lần đi ấy đã đánh tan cái ước mơ làm mỏ với 24 cân gạo của tôi. Đời sống của người thợ mỏ khi ấy còn quá cực nhọc, ngay cả khi nhận được những ưu đãi về gạo, đường, sữa… Tôi chắc rằng, Bùi Quốc Tuấn không có cái “ảo tưởng 24 cân gạo” như tôi, vì đang là sinh viên, lớp Xây dựng 24 của anh đã được ông Đoàn Văn Kiển, khi ấy là Giám đốc mời về Mỏ Than Mông Dương thực tập 3 tháng. 3 tháng đó nếm trải đầy đủ mùi vị cực nhọc của đời người thợ mỏ khi cùng ăn, cùng ca kíp, cùng sinh hoạt với họ.
Chưa hết, khi về Uông Bí, được phân về Xí nghiệp Xây lắp mỏ Vàng Danh, anh lại xin xuống làm… công nhân. Tuy nhiên, thời bấy giờ kỹ sư rất hiếm, nên nguyện vọng của anh không được chấp thuận.
Nhưng có lẽ, quyết định đầu tư dự án “Áp dụng công nghệ cơ giới hóa đồng bộ khai thác than bằng giàn chống tự hành kết hợp với máy khấu than combain” của anh mới là ngược đời nhất, bởi thứ nhất, năm 2007 khi mới về làm Giám đốc Công ty Than Nam Mẫu, thông thường người ta phải làm nhiều việc để củng cố vị trí của mình thì anh lại lao vào một dự án đầy tính rủi ro; thứ hai, đã có đơn vị trong TKV sử dụng công nghệ này nhưng hiệu quả không cao, vậy mà anh ném 260 tỷ đồng vào dự án, nếu hiệu quả cũng chỉ như đơn vị thuộc TKV thì sức ép dư luận cực kỳ lớn; thứ ba, giàn chống tự hành của Than Nam Mẫu đã được Việt hóa, trong khi của một đơn vị khác thuộc TKV là hàng nhập khẩu.
Giải bài toán kinh tế bằng… công nghệ
Bây giờ, công nghệ dàn chống tự hành kết hợp với máy khấu than combain của Than Nam Mẫu được đánh giá là mũi nhọn trong chiến lược đầu tư đổi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất, mở ra một hướng đi mới cho toàn ngành Than trong việc khai thác vỉa dày, bỏ qua các công nghệ cũ không hợp lý về giá thành, tài chính, môi trường; công nghệ này áp dụng ở Than Nam Mẫu cũng được chứng minh có năng suất gấp 2,2 lần so với một đơn vị khác thuộc TKV áp dụng; và cuối cùng, dự án này đã được nhận giải nhất Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc (Vifotec) năm 2009.
Nhưng ở thời điểm năm 2008, khi mới chân ướt chân ráo về Than Nam Mẫu, khi dự án mới manh nha hình thành, thì anh đứng ngồi không yên. Anh bảo, áp dụng công nghệ mới là một áp lực đối với ngành Than với hai lý do. Thứ nhất, công nghệ mới đảm bảo an toàn lao động cho người lao động rất cao, sẽ bớt đi rất nhiều những vụ sập hầm, bục túi nước hết sức thương tâm. Thứ hai, tiết kiệm thứ tài nguyên không tái tạo được, kéo dài đời hoạt động của mỏ.
Là dân kỹ thuật, anh có thể đoán chắc rằng, công nghệ dàn chống tự hành kết hợp với máy khấu than combain sẽ đưa tổn thất tài nguyên xuống dưới 20%, rằng trước kia công nghệ của mình chưa cho phép khai thác vỉa dày, nên phải dùng phương pháp chia lớp, rồi hạ trần với mức độ nguy hiểm rất cao, và công nghệ mới sẽ đảm bảo an toàn cho khai thác các vùng than vỉa dày. Sau này, khi dự án đã đi vào hoạt động, TS. Nguyễn Anh Tuấn-Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Mỏ cũng cho rằng dự án đã khắc phục được những hạn chế trong khai thác than bằng phương pháp khoan nổ mìn thủ công. Đây chính là yếu tố đảm bảo an toàn cho người lao động ở mức rất cao.
An toàn là một tiêu chí rất gắt gao của cả Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, không những vì lý do nhân văn mà còn là điều sống còn đối với việc bổ sung nguồn nhân lực đang thiếu. Theo số thống kê của TKV đối với 13 Công ty sản xuất và xây dựng mỏ hầm lò, trong 4 năm từ 2010 đến 2013, số lao động hầm lò bỏ việc và chấm dứt hợp đồng lao động có xu hướng tăng. Năm 2010, tuyển được 10 người thì 6 người bỏ việc/chuyển việc khác; năm 2011, số người bỏ việc/chuyển việc khác nâng lên con số 7; năm 2012 là 8,5 người và năm 2013 là 8,8 người. Theo điều tra của Đảng ủy Than Quảng Ninh, có 5 nguyên nhân khiến thợ lò bỏ việc, mà nguyên nhân hàng đầu chiếm tới 40% số phiếu điều tra là “Điều kiện làm việc nặng nhọc, còn tiềm ẩn nguy hiểm”. Có thể nói, đưa công nghệ mới giúp đảm bảo an toàn và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động đang là bài toán cấp bách của toàn Tập đoàn.
Nhưng muốn đưa công nghệ mới vào thì phải giải bài toán kinh tế, anh bảo, nếu hiệu quả kinh tế của dự án này chỉ ở mức độ vừa phải, có thể sẽ làm chùn tay các đơn vị khác thuộc TKV trong đổi mới công nghệ. Vì vậy đối với anh, năm 2008, 2009, 2010 là những tháng ngày của hồi hộp, lo âu và kỳ vọng. Là người đam mê kỹ thuật, công nghệ đã ăn sâu vào trong máu, anh quyết định giải bài toán kinh tế bằng… công nghệ.
Việc đầu tiên anh quyết định là Than Nam Mẫu hùn vốn cùng với Viện Khoa học Công nghệ Mỏ nghiên cứu Việt hóa giàn chống tự hành. Còn việc sản xuất 66 giàn chống tự hành giao cho Công ty cổ phần Chế tạo máy-TKV sản xuất. Anh bảo, chỉ những gì trong nước chưa làm được như hệ thống thủy lực, van điều tiết thì mới nhập khẩu, còn các phần cơ khí mình nên làm cả. So với giá thành nhập khẩu, việc Việt hóa đã tiết kiệm 28% chi phí, hiệu quả khai thác không thua kém công nghệ nhập khẩu. Tôi cũng đã có dịp thăm quan công nghệ Việt hóa này, chỉ với một công nhân điều khiển máy khấu, từng dòng than ào ào tuôn chảy ra máng cào, hiệu suất làm việc cao và an toàn hơn nhiều so với phương pháp khai thác bằng khoan nổ mìn, cào bóc như trước.
Việc thứ hai, như anh nói, anh rất tâm đắc câu của Isaac Newton, một trong những thiên tài khoa học của nhân loại: “Nếu tôi nhìn thấy được xa hơn bởi vì tôi đứng trên vai những người khổng lồ”. Ý nghĩa của cụm từ “đứng trên vai người khổng lồ” là biết tận dụng thành tựu của những người đi trước sáng tạo nên những điều mới mẻ ở mức cao hơn. Nhưng có điều, ở trường hợp này, phải đổi lại là anh biết tận dụng sai lầm của người khác. Anh phân tích, sở dĩ giàn chống tự hành của một đơn vị khác thuộc TKV hiệu quả không cao là do chưa làm chủ được công nghệ, không tự sửa chữa thiết bị, nên khi có trục trặc lại phải dừng sản xuất. Rút kinh nghiệm từ mô hình thất bại này, anh đi đến quyết định, Than Nam Mẫu phải làm chủ hoàn toàn về thiết bị, công nghệ.
Sau quyết định này, hàng loạt kỹ sư, công nhân tay nghề bậc cao được đưa sang Cộng hòa Séc, nơi khai sinh ra công nghệ này để đào tạo. Những người này khi trở về sẽ truyền nghề cho những người ở nhà. Anh còn cho mời các chuyên gia Séc sang Than Nam Mẫu đào tạo trực tiếp, và thuê chuyên gia Séc bảo trì, bảo dưỡng, vận hành. Nhưng thuê cho đến khi làm chủ công nghệ thì thôi. Đến nay, công nhân Than Nam Mẫu đã hoàn toàn chủ động trong vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa và có thể xử lý mọi sự cố liên quan đến máy móc, thiết bị.
Chỉ tính từ khi về làm Giám đốc Công ty Than Nam Mẫu, Bùi Quốc Tuấn đã có ngót trăm đề tài nghiên cứu, báo cáo sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất với giá trị làm lợi lên đến hàng chục tỷ đồng. Khi tôi hỏi, làm Chủ tịch kiêm Giám đốc, riêng trách nhiệm chỉ đạo điều hành sản xuất của Công ty đã đủ “mệt” rồi, anh đào đâu ra thời gian cho các sáng kiến? Anh bảo, đã là Giám đốc mỏ than thì đâu có ngồi trong phòng được, cũng phải xuống mỏ với anh em; sáng kiến nảy sinh từ những lần đi đó.
Anh nói thế là đúng, nhưng tôi chưa chịu, vì biết rằng, ngoài cái đam mê công nghệ mà anh bảo “đã ăn vào máu”, lại được di truyền từ người cha, một kỹ sư gắn bó từ những năm đầu khôi phục ngành mỏ; còn một điều anh chưa nói ra, đó là nỗi canh cánh bên lòng làm sao để hoạt động khai thác mỏ an toàn hơn, năng suất cao hơn, thu nhập cao hơn khiến người lao động an tâm hơn, gắn bó với mỏ hơn, và cao hơn nữa là nảy sinh tình cảm với mỏ, như là anh tròn 30 năm về trước, sẵn sàng rời bỏ Hà Nội, rời bỏ một công việc tương đối nhàn hạ để đến với vùng than thân yêu của mình./.