Phạm Khả Miền - Người kỹ sư "có tiền cũng không mua được"

Lạ thế chứ, mới gặp Phạm Khả Miền lần đầu mà có cảm giác như đã quen biết anh từ lâu. Thì ra, đã nhiều năm nay, trong các báo cáo về phong trào sáng kiến thi đua của Nhà máy Cán thép Lưu Xá - Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên, tên của anh đều xuất hiện với tần xuất dầy đặc. Ban lãnh đạo Nhà máy đều nhắc tới người kỹ sư lập trình với niềm tự hào không thể che giấu.

Phấn đấu không ngừng

Không chỉ như vậy, Phạm Khả Miền còn có một bề dày thành tích và liên tục với việc nhiều năm liền được nhận Bằng khen là công nhân viên chức lao động tiêu biểu của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2013 – 2018, 2 lần được nhận Bằng khen của Bộ Công Thương, 3 lần nhận Bằng Lao động sáng tạo các năm 2015, 2017 và 2020, Giấy khen của Công đoàn Tổng công ty Thép Việt Nam và Bằng khen của Công đoàn Công Thương Việt Nam năm 2020…

Hoàn toàn trái ngược với bề dày thành tích “không phải dạng vừa” của Phạm Khả Miền lại là một vẻ ngoài hiền lành, trầm tính nhưng rất chắc chắn, quyết đoán đặc trưng ở người làm kỹ thuật.

Sinh năm 1978, học ngành Tự động hóa Trường Đại học Công nghiệp, trải qua nhiều vị trí như Tổ trưởng sản xuất, Phó quản đốc, Quản đốc, Phạm Khả Miền hiện tại đang là Phó Phòng Cơ điện của Nhà máy Cán thép Lưu Xá - Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên.

Phòng Cơ điện là một bộ phận chủ chốt của Nhà máy và Phạm Khả Miền thì lại giữ vai trò “chủ chốt của chủ chốt” khi một mình quán xuyến toàn bộ hệ thống điện cũng như chịu trách nhiệm quản lý thiết bị, vật tư điện của toàn Nhà máy, điều này hẳn là có lý do của nó.

mien cuoi
Nụ cười lập trình viên

Miền kể, thời còn đi học anh học khá tự nhiên, nhưng môn học say mê nhất là nghiên cứu máy móc, máy tính, các thiết bị điện tử, động cơ, đặc biệt là trên máy tính, phần mềm. Chính vì vậy, khi học xong cấp 3 Miền không phải suy nghĩ nhiều mà chọn luôn ngành Tự động hóa.

Tốt nghiệp đại học anh cũng có 2 năm làm cho các công ty tư nhân, nhưng rồi nối nghiệp cha mẹ, Miền về đầu quân cho Nhà máy Cán thép Lưu Xá. Với suy nghĩ trưởng thành, anh sớm nhận ra sự lựa chọn của mình thật xứng đáng. Nhà máy Cán thép Lưu Xá là một môi trường rất tốt để những kỹ sư mới ra trường đầy năng lực và hoài bão như anh sẽ có điều kiện cọ sát với thực tế và trưởng thành dần lên.

Và thực tế những gì anh đã trải qua 16 năm tại đây đã cho anh nhiều hơn anh tưởng. Cho dù là làm đúng ngành nghề nhưng những kiến thức học trong trường luôn không giống với thực tế muôn màu muôn vẻ.

Với niềm đam mê lập trình cùng tố chất ưa tìm tòi, ham suy nghĩ, luôn trăn trở ngày đêm tìm ra giải pháp hợp lý hóa trong sản xuất, hỗ trợ anh em công nhân bớt đi những công đoạn thừa, thiếu khoa học và gây lãng phí thời gian, công sức và tiền của… kỹ sư Phạm Khả Miền luôn nhìn ra chỗ bất hợp lý, từ đó nảy sinh những nghiên cứu, sáng kiến để hợp lý hóa công việc, từng bước trưởng thành, tích lũy cho mình những bài học, những kinh nghiệm nghề nghiệp.

Vốn liếng của anh ngày càng đầy đặn hơn qua mỗi thất bại lẫn thành công. Năm nào anh cũng đóng góp một vài sáng kiến nên bảng thành tích ngày mỗi dầy thêm, những năm gần đây các sáng kiến cải tiến, các công trình nghiên cứu của anh ngày càng có hàm lượng chất xám cao, tỷ lệ thuận với bề dầy kinh nghiệm nghề nghiệp của anh.

Phạm Khả Miền còn nhớ mãi cái lần anh đánh vật với nhiệm vụ lập trình cho bằng được cái máy kẹp sản phẩm. Theo lập trình ban đầu, anh đã set – up lệnh là cứ thanh thép ra khỏi máy đẩy tiếp là thực hiện lệnh kẹp sản phẩm ấy. Tuy nhiên, trong thực tế các thanh thép sẽ khác nhau do khối lượng, độ dài cũng khác nhau, ví dụ thanh 36m sẽ có khối lượng khác với thanh 48m. Trong khi đó, với kinh nghiệm lúc đó, Miền đã lập trình là cứ thép ra khỏi máy đẩy tiếp là kẹp giữ sản phẩm.

“Chính vì vậy nên khi thì nó kẹp thép nằm ngay đầu sàn, khi nó kẹp quá vị trí vài mét, nhảy lung tung… nên tôi lại phải nghiên cứu điều chỉnh lại phần mềm điều khiển, sao cho nó có thể nhận biết từng thanh thép với độ dài, trọng lượng khác nhau, từ đó biết kẹp chính xác mỗi thanh thép để các thanh thép bằng đầu nhau dễ dàng cho việc cắt, đóng bó sản phẩm”.

Mất tròn 1 tuần lễ ngày nào cũng thức đến 3-4h sáng ngồi máy tính cuối cùng thì người kỹ sư đã tìm ra lời giải cho bài toán, phần mềm điều khiển đã làm được thao tác kẹp thép chính xác như anh mong muốn!

Thất bại quả là mẹ của thành công, kho tàng vốn liếng kinh nghiệm của anh cứ thế ngày càng nhiều lên theo năm tháng. Đến bây giờ, tất cả hệ thống điện và các thiết bị tự động hóa trong các dây chuyền của Nhà máy đều do một tay anh nắm bắt và điều khiển.

Nắm về điện của Nhà máy chắc như lòng bàn tay, hàng năm lập kế hoạch bảo trì thiết bị, lập các phương án sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên… Hàng tháng, Miền còn có nhiệm vụ tính toán các chỉ số điện, nước tiêu hao trong sản xuất để báo cáo lên lãnh đạo, đồng thời còn như một “ma ma tổng quản” quản lý toàn bộ các thiết bị điện hỏng hóc, nhập vào, xuất ra, thừa hay thiếu…

Công việc vừa nhiều vừa khó, đòi hỏi sự chuyên nghiệp, bao quát và cẩn trọng, thế nhưng đối với một chuyên gia phần mềm như Phạm Khả Miền thì “cái gì cũng thể giải quyết được nếu như biết vận dụng phần mềm”. Và với việc sử dụng thành thạo, nhuần nhuyễn các phần mềm chuyên dụng, công việc chuyên môn anh luôn tròn vai, không những ít để xảy ra sai sót mà còn luôn có thể hỗ trợ lãnh đạo Nhà máy khi xuất hiện tình huống mới. 

mien
Hai cô con gái giống bố khiến gia đình luôn đầy ắp tiếng cười

Kỹ sư phần mềm - Nghề đặc thù khó đong đếm

Đam mê là thế mà Phạm Khả Miền vẫn phải thốt lên rằng nghề tự động hóa vừa khó làm, khó hiểu, lại vừa khó đong đếm hiệu quả. Một công trình bao giờ cũng trải qua giai đoạn chạy demo trên máy tính nhưng ngay cả khi tưởng như nó đã ngon nghẻ hết rồi thì khi đưa vào thực tế lại xảy ra lỗi, hoặc có khi cả mấy ngày chạy không có lỗi nhưng đến chiều, đến tối lại xuất hiện lỗi.

Người kỹ sư phần mềm thạo nghề là người chỉ cần công nhân vận hành báo cái này không chạy, hoặc cái kia không điều khiển được là đã hiểu ngay cần phải điều chỉnh khu vực nào trong phần mềm máy tính.

Nghe đơn giản như ăn kẹo vậy thôi nhưng mà là cả một quá trình dấn thân, trưởng thành với nghề, là biết bao kinh nghiệm rút ra từ những lần thất bại, biết bao đêm thao thức, trằn trọc, vắt óc… Chất xám quả là một thứ không dễ gì có được và chính vì vậy mà vô cùng quý giá.

Và nếu có một môi trường lý tưởng, những thách thức, gợi mở, những “đề bài” hấp dẫn và những ghi nhận xứng đáng thì chất xám đó sẽ được kích hoạt và phát triển đến mức ngoài tưởng tượng. Với lập trình viên – kỹ sư Phạm Khả Miền cũng vậy.

Tin đặc biệt đến với Phó phòng Cơ điện Nhà máy Cán thép Lưu Xá vào những ngày cuối năm 2021, giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu: Được Nhà máy thưởng lớn cho công trình mà anh đóng góp đến 50% khối lượng công việc, đó là công trình điều khiển cắt (đầu/đuôi) và cắt theo khoảng cách cho máy cắt Start - Stop và chương trình điều khiển máy phân luồng dẫn thép vào sàn làm nguội.

Số tiền thưởng giá trị lần đầu tiên đi vào lịch sử của Nhà máy đã là một nguồn động viên vô cùng đặc biệt tới “máy chủ” - kỹ sư Phạm Khả Miền vì nó là sự vinh danh rõ nét nhất của Nhà máy về vai trò của lập trình viên – người luôn đảm nhiệm một công việc âm thầm và lặng lẽ.

Trước kia, dây chuyền sản xuất thép thanh của Nhà máy Cán thép Lưu Xá sử dụng máy cắt đĩa để cắt sản phẩm, nhưng khi chuyển sang sản xuất thép hình thì không còn phù hợp nên Nhà máy đã đầu tư một máy cắt Start-stop để cắt phân đoạn sản phẩm. Thế nhưng máy cắt này chỉ có thể cắt một trong hai chiều dài sản phẩm sau: 36m hoặc là sản phẩm 48m.

Điều này ảnh hưởng đến việc ghép phôi các sản phẩm, dẫn đến sẽ thừa đoạn, hoặc thiếu đoạn gây sự cố trên đường công nghệ… Và ngoài ra còn có nhiều hạn chế khác làm mất thời gian, hại thiết bị và tiêu hao kim loại lớn… Dịch bệnh khiến cho Nhà máy không thể nhờ các chuyên gia nước ngoài sang hỗ trợ, thế là nhóm nghiên cứu mà dẫn đầu là kỹ sư Phạm Khả Miền vào cuộc.

ben chiec may
Kỹ sư Phạm Khả Miền bên chiếc máy cắt start- stop đã được "thuần hóa"

Sau khi nghiên cứu tính năng kỹ thuật của máy cắt start-stop và đặc thù công nghệ có sẵn của Nhà máy, kỹ sư Miền đã lập chương trình điều khiển cắt đầu/đuôi, cắt theo khoảng cách và điều khiển phối hợp phân luồng dẫn thép giữa hai trạm điều khiển PLC S7 300 mới và trạm PLC S7-300 cũ có sẵn, khắc phục mọi nhược điểm của máy.

Bên cạnh đó là lập chương trình PLC kiểm soát các điều kiện chạy máy, cảnh báo sự cố và chế độ bảo vệ máy cắt khi xảy ra sự cố công nghệ… Hiệu quả đã mang lại một con số chưa từng có: Trong một tháng nếu sản xuất 3.500 tấn phối thì lượng kim loại tiết kiệm được sẽ là 19,79 tấn; tiền tiết kiệm cho 1 tấn sản phẩm là 9.595.000 đồng, lượng tiền tiết kiệm được trong 1 tháng sẽ là 189.885.000 đồng, như vậy mỗi năm sẽ tiết kiệm 2.278.620.000 đồng. Bên cạnh đó là những tiết kiệm về thời gian và nhân công…

Phần thưởng đã dành cho người xứng đáng, bạn bè đồng nghiệp ai cũng vui lây với người kỹ sư có năng lực. Còn lãnh đạo Nhà máy thì khỏi phải nói, “mất” tiền để thưởng cho anh nhưng mà tự hào, hứng khởi vô cùng. Sự kiện này cũng cho thấy những thay đổi rất lớn trong tư duy của ban lãnh đạo Nhà máy khi mà đã biết đặt những sáng kiến cải tiến mang hàm lượng chất xám cao, có giá trị làm lợi lớn vào đúng vị trí xứng đáng của nó.

Điều này tiếp tục cho thấy triết lý “trọng người hiền tài” của Nhà máy Cán thép Lưu Xá - một đơn vị sản xuất mà bấy lâu được mệnh danh là mảnh đất màu mỡ, luôn tạo điều kiện tốt nhất cho những hạt giống nhân lực có trình độ chuyên môn tốt được đâm chồi nảy lộc, ngày càng có những đóng góp giá trị hơn cho sự phát triển, lớn mạnh chung.

Minh Thủy