1, Về khái niệm:
- “Nhãn hiệu hàng hoá” theo giải thích trong Bộ Luật Dân sự năm 1995, là các dấu hiệu bằng hình, chữ hoặc hình chữ kết hợp được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc dùng để phân biệt hàng hoá cùng loại của cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau.
- “Nhãn hàng hoá” theo giải thích trong Quyết định 178/1999/QĐ-TTg ngày 30/8/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế ghi nhãn hàng hoá là nhãn chứa các thông tin cần thiết, chủ yếu về hàng hoá, làm căn cứ để chọn mua và giúp cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, giám sát.
Có 8 nội dung bắt buộc phải có trong nhãn hàng hoá:
1. Tên hàng hoá;
2. Tên và địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm hàng hoá;
3.Định lượng của hàng hoá;
4.Thành phần cấu tạo;
5. Chỉ tiêu chất lượng chủ yếu;
6. Ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản;
7. Hướng dẫn bảo quản, sử dụng ;
8. Xuất xứ của hàng hoá (đối với hàng xuất, nhập khẩu)
Về thực chất, nhãn hàng hoá cũng chính là nhãn sản phẩm vẫn được dùng trong đăng ký chất lượng sản phẩm.
Như vậy, “nhãn hàng hoá” chỉ thực hiện chức năng thông tin về hàng hoá cho người tiêu dùng, còn “nhãn hiệu hàng hoá” lại thực hiện chức năng phân biệt hàng hoá từ các nhà sản xuất khác nhau.
2. Về cách sử dụng:
Xuất phát từ chức năng của mình, một “nhãn hiệu hàng hoá” có thể được dùng chung cho toàn bộ hoặc từng loại hàng hoá của một chủ, nhãn hiệu hàng hoá cũng luôn được đặt ở những vị trí dễ nhận biết trên một sản phẩm hàng hoá hoặc bao bì hàng hoá.
Còn các “nhãn hàng hoá” dùng cho từng loại hàng hoá, lô, loạt hàng hóa khác nhau thì cũng khác nhau. Tức là, mỗi một sản phẩm đều có riêng nhãn hàng hoá của mình.
3. Về quản lý:
“Nhãn hiệu hàng hoá” được đăng ký bảo hộ theo Bộ Luật Dân sự năm 1995 và Nghị định 63/CP của Chính phủ quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp.
“Nhãn hàng hoá” được điều chỉnh theo Quy chế ghi nhãn hàng hoá lưu thông trong nước và hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu ban hành theo Quyết định 178/Ttg ngày 30/8/1999 của Thủ tướng Chính phủ.
Cần chú ý, khi sử dụng một nhãn hàng hoá không được gây động chạm đến các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được bảo hộ như là:
- Một nhãn sản phẩm dùng thêm tên người, vật, sự việc trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu hàng hoá đã được bảo hộ của người khác.
- Một nhãn sản phẩm ngoài các nội dung bắt buộc có khi chứa một số nội dung có thể phương hại đến quyền của một nhãn hiệu hàng hoá hoặc một kiểu dáng công nghiệp đã được bảo hộ của người khác.
Những vấn đề trên cần được các nhà sản xuất và các nhà quản lý lưu ý khi tạo nhãn hàng hoá hoặc đăng ký, quản lý nhãn hàng hoá để tránh các vi phạm về sở hữu công nghiệp có thể nẩy sinh.