Phân tích chất lượng tín dụng tại Ngân hàng Thương mại cổ phần và Đầu tư phát triển Việt Nam, Chi nhánh Quang Trung

ThS. TRẦN THANH PHÚC (Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là chất lượng tín dụng chưa cao, mà biểu hiện là lượng nợ quá hạn, nợ khó đòi còn lớn, có thể khiến ngân hàng mất khả năng thanh toán hay phá sản. Vì vậy, chất lượng tín dụng luôn là vấn đề sống còn trong hoạt động kinh doanh mà bất cứ ngân hàng nào cũng phải đặc biệt quan tâm. Trong đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần và Đầu tư phát triển Việt Nam - chi nhánh Quang Trung cũng không ngoại lệ. Việc phân tích một cách chính xác, khoa học các nguyên nhân phát sinh rủi ro tín dụng, để từ đó đề ra những giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng tín dụng là vấn đề vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài và có ý nghĩa thực tiễn cao đối với Ngân hàng Thương mại cổ phần và Đầu tư phát triển Việt Nam - chi nhánh Quang Trung.

Từ khóa: Ngân hàng thương mại (NHTM), chất lượng tín dụng, Ngân hàng Thương mại cổ phần và Đầu tư phát triển Việt Nam - chi nhánh Quang Trung.

I. Vài nét về BIDV - Chi nhánh Quang Trung

Chi nhánh Quang Trung là chi nhánh cấp I thứ 76 thuộc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), được thành lập vào ngày 01/5/2005 trên cơ sở Phòng giao dịch Quang Trung thuộc Sở giao dịch số 1 Chi nhánh Quang Trung hoạt động trên địa bàn Thủ đô Hà Nội - Trung tâm kinh tế chính trị của cả nước, vừa là môi trường hấp dẫn, vừa là tiềm năng kinh doanh lớn, nhưng cũng đồng thời là một thách thức không nhỏ đối với sự phát triển của Chi nhánh. Song kể từ khi thành lập đến nay, Chi nhánh Quang Trung đã từng bước phấn đấu ngày càng hoàn thiện hơn và đạt được nhiều thành tựu đáng kể, có tốc độ phát triển tương đối nhanh về mọi mặt. Tuy vậy, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội hiện nay, hoạt động tín dụng của Chi nhánh cũng đang phải đối mặt với nhiều tiềm ẩn rủi ro lớn.

II. Thực trạng chất lượng tín dụng tại BIDV - Chi nhánh Quang Trung

Ngân hàng BIDV là ngân hàng cung ứng lượng vốn lớn cho các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay trong nền kinh tế. BIDV đã từng bước chuyển dịch cơ cấu theo xu hướng ngân hàng đa năng cho cả khối khách hàng thể nhân và cá nhân, vừa cho vay bán buôn vừa mở rộng bán lẻ.

Giai đoạn 2014-2016, cho vay tiêu dùng cá nhân và cho vay các DNNQD có xu hướng tăng. Chiếm tỉ trọng cao nhất trong dư nợ tín dụng là các DNNQD. Trung bình chiếm trên 77% trong tổng dư nợ. Năm 2015, dư nợ tín dụng tăng 1.150 tỷ đồng, tăng 36,39% so với năm 2014, đạt 4310 tỉ đồng. Đến năm 2016, dư nợ tín dụng cũng tiếp tục tăng nhưng có xu hướng chậm lại (tăng 1.002 tỉ đồng) tăng 23,25% so với năm 2015. Nguyên nhân do xu hướng cổ phần hóa của DNNN ngày càng tăng làm cho số lượng DNNQD cũng tăng. Tỉ trọng dư nợ tín dụng của các DNNQD tăng qua các năm và đi cùng là xu hướng giảm dần về dư nợ của các DNNN. Bên cạnh đó, tỷ trọng cho vay cá nhân tăng trưởng đều qua các năm. Điều này cho thấy bên cạnh các DNNQD thì khách hàng chủ yếu của ngân hàng BIDV Quang Trung là khách hàng cá nhân, đây là lợi thế của BIDV trong việc đa dạng hóa lĩnh vực đầu tư vốn ở nhiều ngành sản xuất kinh doanh, giảm thiểu rủi ro, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng. đồng thời, ngân hàng sử dụng được nguồn vốn rẻ với lượng vốn lớn từ việc các khách hàng lớn mở tài khoản tiền gửi Việt Nam Đồng và ngoại tệ trong thanh toán để phục vụ hoạt động kinh doanh.

Hiện nay, chất lượng tín dụng của ngân hàng phụ thuộc nhiều vào khả năng trả nợ của khách hàng. để nâng cao chất lượng tín dụng, Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Quang Trung đã xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng cho cả khách hàng pháp nhân và thể nhân, nhằm quản lý rủi ro tín dụng của ngân hàng phù hợp với thông lệ quốc tế.

1. Kết quả đạt được

- Hoạt động tín dụng luôn tăng trưởng trong phạm vi kiểm soát, chủ động linh hoạt và kịp thời theo những chỉ đạo của hội sở chính về công tác tín dụng.

- Quy mô và tốc độ tăng trưởng phù hợp với tăng trưởng kinh tế và năng lực quản lý, kiểm soát của Chi nhánh.

- Cơ cấu dư nợ theo thành phần kính tế khá hợp lý, phù hợp với những chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

- BIDV luôn đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, để hỗ trợ tích cực cho ngân hàng trong công tác quản trị điều hành, quản lý nghiệp vụ, phát triển các sản phẩm, gia tăng tiện ích nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng; đồng thời giúp ngân hàng tăng cường kiểm soát, hạn chế rủi ro, giảm thiểu chi phí, rút ngắn thời gian xử lý nghiệp vụ.

2. Những hạn chế

- Những số liệu nêu trên chưa phải số liệu thực hoàn toàn của Chi nhánh. Đây chỉ là những số liệu trên giấy tờ nhằm làm sạch sổ sách của Ngân hàng. Những số liệu này hoàn toàn khác so với những số liệu của các bên thanh tra, kiểm toán…. Vì vậy, chất lượng tín dụng của Chi nhánh không được cao như trên giấy tờ sổ sách.

- Bên cạnh đó, tỷ lệ dư nợ có tài sản đảm bảo phần lớn là đảm bảo bằng tài sản hình thành trong tương lai do đặc điểm của Ngân hàng đầu tư cho vay là các dự án bất động sản, máy móc thiết bị. Vì vậy rủi ro về pháp lý và kinh tế với tài sản đảm bảo tương đối cao.

- Cơ cấu dư nợ theo thành phần kinh tế: Hoạt động tín dụng của BIDV chưa đa dạng khách hàng, tập trung chủ yếu vào DNNQD. Việc này sẽ dẫn đến tập trung quá nhiều rủi ro vào một nhóm khách sẽ dẫn đến chất lượng tín dụng chưa cao. Bên cạnh đó, sản phẩm tín dụng cung cấp chủ yếu vẫn là hoạt động cho vay truyền thống. điều đó cho thấy sản phẩm tín dụng chưa thật sự phù hợp với tiềm năng của BIDV, đã làm giảm khả năng cạnh tranh trong tương lai của BIDV.

- Cơ cấu dư nợ cho vay trung dài hạn tương đối cao (hơn 50%) trong khi nguồn vốn huy động chủ yếu là ngắn hạn. Thời gian vay càng lâu, rủi ro càng cao và sẽ dẫn đến chất lượng tín dụng giảm.

- Mặc dù Chi nhánh đã có hệ thống chấm điểm cho tài sản đảm bảo nhưng chất lượng hệ thống còn thấp, chưa cập nhật và chưa chính xác. Vì vậy, thời gian định giá tài sản đảm bảo kéo dài và tốn kém chi phí cho việc định giá. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép các NHTM tự thỏa thuận và tự chịu trách nhiệm xác định giá trị tài sản thế chấp, cầm cố của khách hàng, do đó việc thẩm định giá trị các tài sản bảo đảm theo giá trị thị trường là một vấn đề khó khăn. Bên cạnh đó, ngân hàng chỉ tiến hành định giá lại tài sản khi chưa phát hiện các khoản vay có vấn đề để tiến hành thủ tục thanh lý tài sản mà chưa quan tâm đến việc định giá lại tài sản thế chấp, cầm cố theo định kỳ làm xuất hiện tình trạng giá trị thanh lý thấp hơn so với giá trị thẩm định ban đầu khiến cho ngân hàng không thu hồi đủ nợ và lãi vay từ khách hàng.

III. Giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng tại bidv - Chi nhánh Quang Trung

Trong điều kiện cạnh tranh và chứa đựng nhiều rủi ro như hiện nay, để tồn tại và phát triển thì bất cứ NHTM nào cũng phải mở rộng và thu hút khách hàng có chất lượng. Để có khách hàng tăng về quy mô và chất lượng thì ngân hàng phải xây dựng chiến lược phát triển khách hàng dựa trên chính sách khách hàng hợp lý. Chính sách khách hàng phải biết đặt lợi ích khách hàng lên trên hết, lợi ích của ngân hàng phải gắn lợi ích của khách hàng và phải dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi. Vì vậy, để mở rộng quy mô khách hàng thì chính sách khách hàng cần phát triển theo hướng:

* Đa dạng hóa đối tượng khách hàng

- Trong việc mở rộng đối tượng khách hàng, chắc chắn sẽ có các khách hàng chuyển quan hệ tín dụng từ các NHTM khác sang quan hệ tín dụng với ngân hàng, vì vậy, BIDV cần tuân thủ đúng các quy định tín dụng hiện hành của NHNN. Không vì đặt mục tiêu cạnh tranh khách hàng mà có thể bất chấp hoặc xem nhẹ quy định mang tính nguyên tắc của quy trình tín dụng, nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng, đảm bảo mở rộng tín dụng an toàn, hiệu quả.

- Đối với khách hàng là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là đối tượng khách hàng mang tính chiến lược của BIDV. Khách hàng này có lợi thế về trình độ quản lý hiện đại, công nghệ tiên tiến, tình hình tài chính và thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh minh bạch hóa, do đó vấn đề kiểm soát RRTD được đảm bảo. Vì vậy, để mở rộng đối tượng khách hàng này, BIDV cần đẩy mạnh hoạt động góp vốn cho vay đồng tài trợ cùng với các NHTM liên doanh.

- Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức hội nghị khách hàng, để lắng nghe ý kiến đóng góp của doanh nghiệp về sản phẩm tín dụng và nhu cầu phát sinh. Qua đó, giúp BIDV hoàn thiện quy trình cung ứng sản phẩm tín dụng và chính sách chăm sóc khách hàng nhằm hướng đến sự thỏa mãn tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

* Chính sách chăm sóc đối với từng đối tượng khách hàng

(1) Đối với khách hàng tiềm năng

- Đối với khách hàng chưa sử dụng sản phẩm dịch vụ tín dụng của BIDV và khách hàng đang sử dụng sản phẩm dịch vụ của các tổ chức tín dụng (TCTD) khác. BIDV căn cứ vào đặc điểm của mỗi sản phẩm dịch vụ, khảo sát thị trường, đánh giá kết quả kiểm tra, xác định thị trường mục tiêu cho mỗi sản phẩm dịch vụ trên từng địa bàn. Tùy theo kết quả phân định thị trường mục tiêu, BIDV xây dựng chương trình tuyên truyền, quảng cáo sản phẩm dịch vụ phù hợp hướng đến thị trường mục tiêu.

- Đối với khách hàng ngừng sử dụng sản phẩm dịch vụ của BIDV: BIDV thường xuyên theo dõi biến động về khách hàng, tìm hiểu nguyên nhân, lý do khách hàng chấm dứt sử dụng sản phẩm dịch vụ. Thực hiện các hoạt động chăm sóc, khuyến khích khách hàng tiếp tục sử dụng sản phẩm dịch vụ của mình .

- Đối với khách hàng nhỏ và vừa:

+ Thực hiện điều tra, nghiên cứu nhu cầu một số khách hàng tiêu biểu nhằm tìm hiểu và nắm bắt các yêu cầu của khách hàng. Thực hiện các giải pháp tiếp thị, quảng cáo trực tiếp tới khách hàng nhằm duy trì khách hàng sử dụng sản phẩm dịch vụ của mình.

+ Thực hiện các hoạt động chăm sóc khách hàng như: các hình thức khuyến mãi riêng; tặng quà nhân dịp các sự kiện lớn.

(2) Đối với khách hàng chủ yếu

BIDV cần quan tâm chăm sóc các khách hàng hiện có nhằm tạo quan hệ tốt với các khách hàng để kích thích, gia tăng nhu cầu, giữ vững và phát triển các sản phẩm dịch vụ tín dụng mới đối với khách hàng. Các hoạt động cụ thể bao gồm:

- Thường xuyên cập nhật, phân tích các dữ liệu khách hàng hiện có, thống kê theo dõi sự biến động về số lượng và đối tượng khách hàng, về doanh số, số dư của từng loại sản phẩm dịch vụ.

- Hàng năm định kỳ hoặc đột xuất tổ chức điều tra sự hài lòng của khách hàng về chất lượng sản phẩm dịch vụ theo từng loại khách hàng. Trên cơ sở ý kiến của khách hàng, Chi nhánh tổ chức thực hiện các giải pháp duy trì và nâng cao sự hài lòng của khách hàng.

(3) Đối với khách hàng mục tiêu

Khách hàng lớn có vai trò rất quan trọng, chăm sóc khách hàng lớn sẽ đảm bảo mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho ngân hàng. Các hoạt động cụ thể bao gồm:

- Thực hiện các hình thức khuyến mãi riêng; tặng quà nhân dịp các sự kiện lớn; ưu tiên giải quyết nhanh các yêu cầu, ý kiến góp ý của khách hàng.

- Chủ động liên hệ trực tiếp khách hàng theo định kỳ hàng tháng để tìm hiểu nhu cầu và mức độ hài lòng của khách hàng trong quá trình sử dụng sản phẩm dịch vụ. định kỳ, có thể tổ chức hội nghị để giới thiệu, hướng dẫn sử dụng sản phẩm dịch vụ hoặc trưng cầu ý kiến góp ý.

- Vào dịp cuối năm, ngân hàng cần tổ chức hội nghị khách hàng riêng cho đối tượng khách hàng lớn.

Như vậy, chất lượng tín dụng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tín dụng của ngân hàng, góp phần phòng ngừa và hạn chế rủi ro. Ngân hàng BIDV- Chi nhánh Quang Trung cần nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ, sản phẩm tiện ích đáp ứng nhu cầu của khách hàng; đồng thời cần chú trọng đến việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để có thể hoạt động tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng công tác thẩm định đóng góp vào sự lớn mạnh của BIDV trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. TS. Nguyễn Minh Kiều, (2008),“Tín dụng và thẩm định tín dụng ngân hàng”, Nhà xuất bản Tài chính.

2. Nghị quyết Đại hội lần thứ 8 Đảng Cộng sản Việt Nam họp từ 28/6 đến 1/7/1996.

3. Phòng quan hệ khách hàng Ngân hàng Thương mại cổ phần BIDV.

4. www.BIDV.com.

5. Số liệu tổng hợp về tình hình huy động vốn và cho vay tại BIDV- Chi nhánh Quang Trung năm 2014 - 2016.

ANALYZING THE CREDIT QUALITY

OF QUANG TRUNG BRANCH OF THE JOINT STOCK

COMMERCIAL BANK FOR INVESTMENT

AND DEVELOPMENT OF VIETNAM

Master. TRAN THANH PHUC

Faculty of Banking and Finance,

University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

Vietnamese commercial banks are facing many overwhelming challenges, particularly difficulties related to low credit quality including high levels of overdue debt and non-performing loans. These difficulties could lead to the loss of solvency or even bankruptcy of some banks. Therefore, the credit quality is one of the most essential factors that most Vietnamese commercial banks, including Quang Trung branch of the Joint Stock Commercial Bank for Investment and Development of Vietnam (BIDV), need to carefully pay attention to. The Quang Trung branch of BIDV needs to focus on accurately analyzing causes of credit risks in order to produce pragmatic solutions which could enhance the credit quality of the branch.

Keywords: Commercial banks, credit quality, Quang Trung branch of the Joint Stock Commercial Bank for Investment and Development of Vietnam.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 04 + 05 tháng 04/2017 tại đây