Phân tích kết quả chi trả dịch vụ môi trường (PES) tại Việt Nam sau 10 năm thực hiện

ThS. ĐÀO HỒNG VÂN (Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội)

TÓM TẮT:

Chi trả dịch vụ môi trường (PES) là việc thanh toán có điều kiện cho người nông dân hay chủ sở hữu đất thông qua một hệ thống chi trả minh bạch khi họ cung cấp các dịch vụ sinh thái tự nguyện. Sau 7 năm thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng, Chính phủ Việt Nam đã tạo ra nguồn tài chính ổn định cho bảo vệ phát triển rừng, gia tăng đóng góp của ngành Lâm nghiệp trong nền kinh tế quốc dân, góp phần cải thiện sinh kế, ổn định đời sống của người làm nghề rừng. Các tỉnh Sơn La, Lâm Đồng và Lào Cai là những địa phương điển hình trong thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Việt Nam.

Từ khóa: Chi trả dịch vụ môi trường (PES), dịch vụ sinh thái tự nguyện, bảo vệ phát triển rừng.

1. PES là gì

PES là viết tắt của cụm từ Payment for Ecosystem Services - Chi trả cho các dịch vụ hệ sinh thái, hay Payment for Environmental Services (or benefits) - Chi trả cho các dịch vụ (hay các lợi ích) của môi trường. PES được hiểu là việc thanh toán có điều kiện cho người nông dân hay chủ sỡ hữu đất thông qua một hệ thống chi trả minh bạch khi họ cung cấp các dịch vụ sinh thái tự nguyện. Các chương trình PES giúp thúc đẩy bảo tồn tài nguyên thiên nhiên trên thị trường.

Hiện nay chưa có một định nghĩa chính thức cho các dịch vụ hệ sinh thái, nhưng có thể được gọi chung là những lợi ích mà tự nhiên mang lại cho các hộ gia đình, các cộng đồng và các nền kinh tế, hay đơn giản hơn, chính là những gì tốt đẹp mà thiên nhiên mang lại.

Đã có 24 dịch vụ hệ sinh thái được xác định và đánh giá bởi báo cáo “Đánh giá Hệ sinh thái thiên niên kỷ” vào năm 2005 bởi Liên hợp quốc, nhằm đánh giá tình trạng hệ sinh thái thế giới. Báo cáo đã xác định được nhiều loại dịch vụ hệ sinh thái như sản xuất lương thực (dưới dạng cây trồng, vật nuôi, đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản và thực phẩm hoang dã); gỗ (dưới dạng cây gỗ, bông, gai và lụa); nguồn gen (hóa chất, thuốc từ tự nhiên và dược phẩm), nước sạch, điều hòa chất lượng không khí, điều tiết khí hậu, điều tiết nước, chống xói mòn, lọc nước và xử lý rác thải, ứng phó với bệnh tật và dịch bệnh, thụ phấn, ứng phó với rủi ro tự nhiên và các dịch vụ văn hóa (bao gồm tôn giáo, tín ngưỡng và các giá trị mỹ thuật, giải trí và du lịch). Trong số 24 dịch vụ hệ sinh thái kể trên, có 3 loại dịch vụ được quan tâm hàng đầu và cũng được chi trả nhiều tiền nhất, đó là các biện pháp giảm nhẹ biến đổi khí hậu, các dịch vụ đầu nguồn và bảo tồn đa dạng sinh học. Nhu cầu đối với 3 loại dịch vụ hệ sinh thái này được dự đoán sẽ tiếp tục gia tăng theo thời gian. Một bài báo của Tạp chí Nature năm 1997 đã ước tính giá trị lợi ích sinh thái toàn cầu hàng năm là 33 nghìn tỷ USD, gấp gần 2 lần tổng sản phẩm toàn cầu vào thời gian đó. Vào năm 2014, tác giả của nghiên cứu năm 1997 (Robert Costanza) và một nhóm đồng tác giả đã xem xét lại đánh giá này bằng cách chỉ sử dụng một phương pháp được thay đổi không đáng kể, nhưng sử dụng các dữ liệu chi tiết hơn của năm 2011 và đã tăng tổng giá trị cung cấp của các dịch vụ hệ sinh thái ước tính lên 125 đến 145 nghìn tỷ USD một năm. Một nghiên cứu tương tự cũng ước tính con số 4,3 đến 20,2 nghìn tỷ USD giá trị dịch vụ hệ sinh thái thất thoát một năm do thay đổi mục đích sử dụng đất.

Bên cạnh đó, PES mang lại lợi ích cho phát triển nông thôn. Vào năm 2007, Ngân hàng Thế giới đã công bố một tài liệu cho thấy vị trí của PES trong quá trình phát triển. Có thể thấy, mối liên hệ giữa môi trường và phát triển đã được chính thức công nhận từ Hội nghị Stockholm năm 1972 về Môi trường và Con người và sau đó là Hội nghị Rio về Môi trường và Phát triển. Tuy PES không phải là một chương trình giảm nghèo, nhưng nó có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy các cơ chế phát triển.

Một số chương trình PES bao gồm hợp đồng giữa người tiêu dùng và người cung cấp dịch vụ hệ sinh thái. Tuy nhiên, đa số các chương trình PES được tài trợ bởi chính phủ và các tổ chức trung gian, ví dụ như các tổ chức phi chính phủ.

2. Tổng quan kết quả thực hiện PES tại Việt Nam

Hiện nay, cùng với xu thế chung, Việt Nam tập trung vào giảm nhẹ biến đổi khí hậu, dịch vụ đầu nguồn và bảo tồn đa dạng sinh học, thông qua cung cấp các dịch vụ môi trường rừng (PFES - Payment for Forest Environmental Services).

Điều 3, Nghị định 99/2010/NĐ-CP đã đề cập “Dịch vụ môi trường rừng là việc cung ứng các giá trị sử dụng của môi trường rừng để đáp ứng các nhu cầu của xã hội và đời sống của nhân dân”. Nghị định cũng chỉ rõ, các loại dịch vụ môi trường rừng gồm: Bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; Điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội; Hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính bằng các biện pháp ngăn chặn suy thoái rừng, giảm diện tích rừng và phát triển bền vững; Bảo vệ cảnh quan tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng phục vụ cho dịch vụ du lịch; Dịch vụ cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn và con giống tự nhiên, sử dụng nguồn nước từ rừng cho nuôi trồng thủy sản.

Chính phủ đã đưa ra hệ thống pháp lý để thực hiện chương trình quốc gia về cung cấp dịch vụ môi trường rừng kể từ năm 2004, điển hình là Luật Bảo vệ và Phát triển rừng sửa đổi (2004). Năm 2008, theo Quyết định số 380/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Sơn La và Lâm Đồng là hai tỉnh đầu tiên thực hiện thí điểm Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Việt Nam. Sau hai năm thực hiện thí điểm, từ ngày 1/1/2011, chính sách chi trả dịch vụ rừng được thực hiện trên phạm vi toàn quốc theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP. Việt Nam đã trở thành quốc gia đầu tiên thực hiện chính sách PFES tại châu Á.

Sau hơn 7 năm thực hiện các chính sách đẩy mạnh thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng, kết hợp với hoạt động của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (2008-2017), Chính phủ đã giúp tạo ra nguồn tài chính mới, ổn định, bền vững cho bảo vệ và phát triển rừng, gia tăng đóng góp của ngành Lâm nghiệp trong nền kinh tế quốc dân, góp phần cải thiện sinh kế, ổn định đời sống của người làm nghề rừng, đặc biệt là đồng bào các dân tộc ít người ở các vùng miền núi.

Tính đến nay, Việt Nam đã ký được gần 500 hợp đồng ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng, tạo ra nguồn thu trong giai đoạn 2011-2016 đạt hơn 6.500 tỷ đồng, bình quân 1.200 tỷ đồng/năm, tương đương với 22% tổng đầu tư bình quân năm của toàn xã hội cho ngành Lâm nghiệp. Đây là nguồn thu mang tính dài hạn với tính ổn định cao, góp phần làm giảm gánh nặng cho chi trả của ngân sách nhà nước cho ngành Lâm nghiệp.

Tính đến cuối tháng 6/2016, tổng số tiền chi trả cho hơn 500.000 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức tham gia quản lý bảo vệ rừng là 5 744 tỷ đồng, tương đương khoảng 260 triệu USD. Tổng diện tích rừng được bảo vệ là 5,87 triệu ha, chiếm khoảng 42% tổng diện tích rừng cả nước. Tổng số hộ dân được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng là 506.000 hộ, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần hỗ trợ cho các chủ rừng về kinh phí quản lý và bảo vệ rừng, hỗ trợ các công ty lâm nghiệp khi họ dừng việc khai thác gỗ và giúp nâng cao đời sống cho những người dân miền núi tham gia vào công tác bảo vệ rừng. Các công trình lâm sinh phục vụ phát triển, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng đã được đầu tư gần 385 tỷ đồng.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp làm giảm số vụ vi phạm Luật Bảo vệ rừng và phát triển rừng. Diện tích rừng bị thiệt hại tính đến nay đã giảm được khoảng 60% so với thời gian trước khi chính sách chi trả được đưa vào thực hiện.

3. Kết quả thực hiện PES tại một số địa phương điển hình

Sơn La và Lâm Đồng là hai tỉnh đầu tiên trên cả nước thực hiện thí điểm chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tỉnh Sơn La hiện đã ký được trên 20 hợp đồng ủy thác dịch vụ môi trường rừng với các công ty, nhà máy thủy điện. Tính đến năm 2016, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh đã giải ngân được hơn 90 tỷ đồng cho khoảng hơn 52.000 chủ rừng với diện tích 519.265 ha rừng. Sau 9 năm thực hiện chính sách, những cánh rừng trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có một diện mạo mới. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể. Tính riêng trong năm 2016, số vụ vi phạm đã giảm trên 680 vụ so với năm 2009. Bên cạnh đó, chính sách thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng đã mang lại nguồn tài chính ổn định và vững chắc cho công tác bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương, cũng như giúp nâng cao đời sống cho người dân tại đây. Các xã điển hình của tỉnh tiên phong trong thực hiện chi trả là xã Ngọc Chiến (huyện Mường La) và xã Mường Sang (huyện Mộc Châu). Từ một xã khó khăn của huyện, nhờ nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, hiện nay Mường Sang đã có đường xây bê tông, giúp tăng cường cơ hội giao thông cho người dân của xã. Trong thời gian tới, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu giúp đưa ra các đề xuất đổi mới việc thực hiện chính sách nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Tại tỉnh Lâm Đồng, những kết quả khả quan cũng được ghi nhận. Năm 2009, chỉ các địa bàn thuộc lưu vực thủy điện Đa Nhim, Đại Ninh, Hàm Thuận - Đa Mi mới thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đến năm 2011, tỉnh đã triển khai mở rộng thêm lưu vực sông Đồng Nai, năm 2012 mở rộng thêm lưu vực Sêrêpốk. Sau gần 10 năm thực hiện, chính sách đã giúp cải thiện sinh kế cho các hộ nhận khoán, góp phần ổn định chính trị tại địa phương và tạo tác động tích cực đến công tác bảo vệ rừng ở địa phương. Trước đây, công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn do người dân chưa có ý thức bảo vệ rừng. Hiện nay, rừng trên khắp địa bàn tỉnh đều có chủ, rừng được tuần tra bảo vệ chặt chẽ và thường xuyên hơn. Tình trạng phá rừng, cháy rừng nhờ đó giảm đáng kể, tỷ lệ độ che phủ rừng tăng từ 43,82% vào năm 2013 lên 47,23% vào năm 2015. Chính sách đã tạo tiền đề cho người dân phát huy nguồn lợi từ rừng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái và tạo động lực vững chắc cho phát triển kinh tế, xã hội vùng.

Lào Cai là một trong những địa phương đi đầu trong việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Việt Nam. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015, tỉnh đã chi trả tổng số vốn đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng là trên 1.000 tỷ đồng, bao gồm tiền thu từ các cơ sở sản xuất thuỷ điện 89%, nước sạch 6%, kinh doanh dịch vụ du lịch 5%. Riêng trong năm 2016, Lào Cai đã thu được 45,449 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng từ các đơn vị sản xuất thủy điện và cung ứng nước sạch và chi trả cho chủ rừng gần 40 tỷ đồng.

Để đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng sử dụng dịch vụ môi trường rừng và góp phần làm tăng nguồn lực cho bảo vệ và phát triển rừng, tỉnh áp dụng cơ chế mới, yêu cầu tham gia chi trả dịch vụ môi trường rừng với các cơ sở nuôi trồng thủy sản và nước công nghiệp. Kể từ tháng 11/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh ra Quyết định số 4273/QĐ-UBND quy định các cơ sở nuôi cá nước lạnh trên địa bàn tỉnh có sử dụng nguồn nước từ rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng qua Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng. Toàn tỉnh hiện nay đã ký được 61 hợp đồng ủy thác tiền dịch vụ môi trường rừng với 61 đơn vị thực hiện thí điểm cơ chế mới này (34 đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, 18 cơ sở nuôi cá nước lạnh, 9 cơ sở sản xuất công nghiệp). Tổng số tiền thu được là 2,737 tỷ đồng, trong đó cơ sở kinh doanh du lịch chiếm 2 652 triệu đồng, cơ sở nuôi cá nước lạnh chiếm 35 triệu đồng và các cơ sở sản xuất công nghiệp chiếm 50 triệu đồng.

Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai đã phê duyệt kế hoạch tài chính thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, ước tính thu khoảng 34 tỷ đồng, tăng khoảng 12 lần so với hiện tại.

4. Những khó khăn trong thực hiện PFES tại Việt Nam

Tuy quá trình thực hiện chính sách PFES tại Việt Nam đã đạt được nhiều thành công đáng kể nhưng cũng gặp phải một số khó khăn nhất định. Thứ nhất, nhận thức của người dân về tầm quan trọng của dịch vụ môi trường rừng còn chưa cao, đặc biệt đối với loại dịch vụ vẻ đẹp cảnh quan và bảo tồn đa dạng sinh học. Do đó, lượng ngân sách thu được vẫn chưa cao. Thứ hai, tỷ lệ giải ngân tiền chi trả dịch vụ môi trường từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng còn thấp, với tỷ lệ giải ngân chung chỉ đạt 46% tổng số tiền thu được tới nay. Tỷ lệ thấp này được lý giải do công tác kiểm kê rừng chưa hoàn thiện. Sự chậm chạp trong việc giao đất, giao rừng, số lượng lớn người cung cấp dịch vụ sống rải rác tại các vùng sâu, vùng xa, năng lực kỹ thuật và tài chính hạn chế và sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các cơ quan. Thứ ba, sự chưa rõ ràng về tư cách pháp nhân của cộng đồng để tham gia vào những thỏa thuận về chi trả dịch vụ môi trường rừng làm giảm sự quan tâm của các cộng đồng địa phương tới việc bảo vệ và phát triển rừng. Thứ tư, người sử dụng dịch vụ và người cung cấp dịch vụ môi trường rừng chưa được xác định rõ ràng. Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Việt Nam có sự khác biệt với định nghĩa ban đầu do mức chi trả được thiết lập bởi Chính phủ, chứ không phải tự nguyện giữa người cung cấp và người sử dụng dịch vụ. Như vậy, chi trả dịch vụ môi trường được hiểu như một dạng thuế hoặc phí sử dụng điện, nước. Để vượt qua những khó khăn này, Chính phủ, người cung cấp và người sử dụng dịch vụ môi trường rừng cần phối hợp thực hiện, nghiên cứu và đề xuất những giải pháp thích hợp cho các giai đoạn từ 5 đến 20 năm tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Quyết định số 380/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng.

2. Nghị định số 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

3. Ban điều hành VNFF, Chi trả dịch vụ môi trường rừng - Hướng đi đúng trong việc tạo nguồn lực cho phát triển bền vững, Bản tin chi trả dịch vụ môi trường rừng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, trang 01, Số 1 - Q1/2017.

4. TS. Nguyễn Chí Thành và GS.TS. Vương Văn Quỳnh, Đánh giá 8 năm tổ chức hoạt động Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (2008-2015) và 5 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (2011-2015) ở Việt Nam, Tập san “ADB CDTA 8592 VIE: Tăng cường thực thi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Việt Nam - Chia sẻ bài học và kinh nghiệm từ tháng 9/2014 đến tháng 12/2016 ”, trang 39.

5. Thắng Trung, Thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Sơn La, Tạp chí Môi trường, Số 2/2017.

6. Hoàng Yến, Đàm Rông: Giữ rừng từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, Báo Lâm Đồng online, 14/07/2016.

7. Phạm Thu Hà, Lào Cai: Hiệu quả từ chi trả dịch vụ môi trường rừng, Báo điện tử của bộ Tài nguyên và Môi trường, 12/01/2017, http://www.baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong-va-phat-trien/201701/lao-cai-hieu-qua-tu-chi-tra-dich-vu-moi-truong-rung-2773294/

8. Phạm Thu Thủy, Karen Bennett, Vũ Tấn Phương, Jake Brunner, Lê Ngọc Dũng, Nguyễn Đình Tiến, Báo cáo chuyên đề “Chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Việt Nam - Từ chính sách đến thực tiễn”, 2013, http://www.cifor.org/publications/pdf_files/OccPapers/OP-98.pdf

9. Wikipedia: Payment for ecosystem services,

https://en.wikipedia.org/wiki/Payment_for_ecosystem_services#cite_note-1

ANALYSIS OF PES RESULTS IN VIETNAM AFTER 10 YEARS OF IMPLEMENTATION

MA. DAO HONG VAN

Hanoi University of Natural Resources and Environment

ABSTRACT:

Payment for environmental services (PES) is a conditional payment to farmers or landowners through a transparent payment system when they provide voluntary ecosystem services. After 7 years of payment for forest environmental services, the Government of Vietnam has created a stable source of funding for forest protection and development, increasing the contribution of the forestry sector to the national economy, improving the livelihood of foresters. The provinces of Son La, Lam Dong and Lao Cai are typical areas in the implementation of payment for forest environment services in Vietnam.

Keywords: Payment for environmental services (PES), voluntary ecological services, protection and development of forests.