Pháp luật về hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất: Thực trạng và một số khuyến nghị

TS. ĐẶNG CÔNG TRÁNG (Khoa Luật, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh) TS. HỒ HỮU TUẤN (Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh) và LÊ THỊ BÉ BẢY (Trường Đại học Trà Vinh)

TÓM TẮT:

Với một nước nông nghiệp như Việt Nam thì vấn đề đất đai nhận được nhiều sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Đặc biệt khi đất nước ta đang trong giai đoạn phát triển nền kinh tế thị trường, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đất đai ngày càng trở nên có giá trị và được đem ra trao đổi trên thị trường, dùng làm tài sản bảo đảm trong quan hệ tín dụng với các ngân hàng, tổ chức tín dụng, nhà đầu tư góp vốn vào doanh nghiệp để sản xuất kinh doanh. Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước. Chính vì tầm quan trọng đó nên Nhà nước đã quy định đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Từ khóa: Thu hồi đất, pháp luật, Nhà nước.

1. Cơ sở lý luận về thu hồi đất, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất

1.1. Khái niệm thu hồi đất

Theo khoản 11 điều 3 Luật Đất đai 2013 thì: “Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai”.

1.2. Khái niệm về hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất

Hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước trợ giúp cho người có đất thu hồi để ổn định đời sống, sản xuất và phát triển, Điều 3. Theo nghĩa thông thường, hỗ trợ là giúp đỡ nhau, giúp thêm vào, nhìn chung đó là các quy định và các chính sách của Nhà nước nhằm thể hiện sự nhân đạo, biểu hiện bản chất của dân, do dân và vì dân của Nhà nước ta nhằm hỗ trợ, chia sẻ khó khăn của người dân bị thu hồi đất, thông qua việc đào tạo nghề mới, bố trí việc làm mới, cấp kinh phí để di dời đến địa điểm mới… giúp đỡ một phần nào rủi ro mà họ phải gánh chịu khi Nhà nước thu hồi đất, đồng thời giúp cho người bị thu hồi đất nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất và kinh doanh.

1.3. Mục đích, ý nghĩa của việc hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất

Thu hồi đất không chỉ làm chấm dứt mối quan hệ pháp luật đất đai (làm chấm dứt quyền sử dụng đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất) mà còn liên quan đến lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan: Lợi ích của người bị thu hồi đất; lợi ích của Nhà nước, của xã hội; lợi ích của người hưởng lợi từ việc thu hồi đất (các nhà đầu tư, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân…). Do vậy trên thực tế việc giải quyết hậu quả của việc thu hồi đất gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp. Việc giải quyết tốt vấn đề hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất sẽ mang lại ý nghĩa to lớn trên nhiều phương diện.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại hội thảo “Nông dân bị thu hồi đất - Thực trạng và giải pháp”, cho thấy: Trong 5 năm, từ năm 2001 - 2005, tổng diện tích đất nông nghiệp đã thu hồi là 366,44 nghìn ha (chiếm 3,89% đất nông nghiệp đang sử dụng), trong đó diện tích đất nông nghiệp đã thu hồi để xây dụng các khu công nghiệp và cụm công nghiệp là 39,56 nghìn ha, xây dựng đô thị là 70,32 nghìn ha và xây dựng kết cấu hạ tầng là 136,17 nghìn ha; theo thống kê cho đến tháng 8/2010, Việt Nam có 254 khu công nghiệp với tổng diện tích 68.800 ha và 15 khu kinh tế với tổng diện tích 627.623 ha. Việc thu hồi đất này đã tác động đến gần 627.495 hộ gia đình với khoảng 950.000 lao động và ảnh hưởng đến đời sống khoảng hơn 2,5 triệu người. Thực tế cho thấy, do mất đất sản xuất, mất nơi định cư đã làm cho người bị thu hồi đất không có nghề nghiệp ổn định, mất đi nơi sản xuất kinh doanh sau khi bị thu hồi đất. Như chúng ta đã biết: Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ và xuất phát từ tuyên bố Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, Điều 2 [3], cùng với các quyền công dân khác được Hiến pháp ghi nhận: “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác. Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở” [37, tr. 16]. Vì vậy, Nhà nước luôn có chính sách về xóa đói, giảm nghèo, chăm lo cho người dân có nơi ở, nơi sản xuất mới tốt hơn so với trước khi bị thu hồi đất. Mục tiêu tạo điều kiện cho người bị thu hồi đất ổn định cuộc sống, sản xuất và tạo việc làm.

1.3.1. Về phương diện chính trị

Là một nước nông nghiệp với khoảng 70% dân số là nông dân, vấn đề đất đai ở Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và nhạy cảm. Các chính sách, pháp luật về đất đai có ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định về chính trị. Điều này có nghĩa là nếu chủ trương, chính sách pháp luật đất đai đúng đắn, phù hợp với thực tiễn và được thực thi nghiêm túc sẽ góp phần vào việc duy trì và củng cố sự ổn định chính trị. Ngược lại, sẽ làm phát sinh những điểm nóng tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định về chính trị. Một trong các chính sách, pháp luật về đất đai được xã hội quan tâm đó là chính sách, pháp luật về hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; bởi lẽ mảng chính sách, pháp luật này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thu hồi đất. Trong trường hợp bị thu hồi đất quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất trực tiếp bị xâm hại. Họ không chỉ mất quyền sử dụng đất mà còn buộc phải di chuyển chỗ ở. Hậu quả là cuộc sống thường nhật của họ bị đảo lộn. Với quan niệm truyền thống của người Việt Nam có an cư mới lạc nghiệp thì việc bị mất đất đai, nhà cửa thực sự ảnh hưởng rất lớn đối với người bị thu hồi đất. Do vậy, họ phản ứng rất gay gắt, quyết liệt thông qua việc khiếu nại đông người, khiếu kiện vượt cấp, kéo dài nếu không được Nhà nước hỗ trợ thỏa đáng. Các khiếu kiện về đất đai nói chung là khiếu khiện về hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất nói riêng tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định chính trị và dễ phát sinh thành các điểm nóng; cho nên việc giải quyết tốt vấn đề hỗ trợ là thực hiện tốt chính sách an dân để phát triển kinh tế xã hội góp phần vào việc duy trì, củng cố về sự ổn định của chính trị.

1.3.2. Về phương diện kinh tế - xã hội

Thực tiễn cho thấy, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất luôn là công việc khó khăn, phức tạp. Các dự án chậm triển khai thực hiện theo tiến độ đề ra có nguyên nhân do công tác hỗ trợ không nhận được sự đồng thuận từ phía người bị Nhà nước thu hồi đất. Xét dưới góc độ kinh tế, dự án chậm triển khai thực hiện ngày nào là chủ đầu tư, các doanh nghiệp bị thiệt hại đáng kể về lợi ích kinh tế do máy móc, vật tư, thiết bị không đưa vào hoạt động được, người lao động không có việc làm trong khi doanh nghiệp vẫn phải trả lương, trả chi phí duy trì các hoạt động thường xuyên và trả lãi xuất vay vốn từ ngân hàng… Vì vậy, thực hiện tốt công tác hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất là điều kiện để doanh nghiệp sớm có mặt bằng triển khai các dự án đầu tư góp phần vào việc thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế và nâng cao tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, kinh doanh ở nước ta. Để duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và bền vững sẽ có điều kiện để thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, góp phần vào cuộc xóa đói, giảm nghèo và tạo tiền đề cho các bước phát triển tiếp theo. Về phía người sử dụng đất, thực hiện tốt vấn đề hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất sẽ giúp cho người bị thu hồi đất nhanh chóng ổn định cuộc sống để tập trung sản xuất góp phần cải thiện và nâng cao mức sống. Hơn nữa điều này giúp củng cố niềm tin của người bị thu hồi đất vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời loại trừ cơ hội để kẻ xấu lợi dụng, tuyên truyền, xuyên tạc, kích động quần chúng nhân dân khiếu kiện nhằm gây mất ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội và làm đình trệ sản xuất.

2. Điểm mới của Luật Đất đai năm 2013

Ngày 29/11/2013, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực từ ngày 01/7/2014 thay thế Luật Đất đai năm 2003, trong đó quy định sửa đổi, bổ sung về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Cụ thể hóa các quy định này, ngày 15/5/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47/2014/NĐ-CP quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Đến ngày 30/6/2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông Tư số 37/2014/TT-BTNMT quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/8/2014.

2.1. Hỗ trợ để ổn định sản xuất và đời sống

Tại điểm a khoản 2 Điều 83 Luật Đất đai và Điều 19 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP với những kế thừa và bổ sung so với Nghị định số 69/2009/NĐ-CP như sau:

- Hỗ trợ chế độ trợ cấp ngừng việc cho người lao động không quá 06 tháng khi chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh bị thu hồi đất dẫn đến ngừng lao động.

- Nếu được bồi thường bằng đất nông nghiệp thì được hỗ trợ: Giống cây trồng, giống vật nuôi cho vụ sản xuất nông nghiệp đầu tiên, các dịch vụ khuyến nông, khuyến lâm, dịch vụ bảo vệ thực vật, thú y, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và kỹ thuật nghiệp vụ đối với sản xuất, kinh doanh dịch vụ công thương nghiệp.

Chính sách hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất qua các thời kỳ có nhiều thay đổi khác nhau theo hướng tăng thêm quyền lợi cho người bị thu hồi đất và mở rộng phạm vi áp dụng. Nghị định số 47/2014/NĐ-CP không đưa chính sách hỗ trợ cho người bị thu hồi đất đối với hộ nghèo.

2.2. Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm

Tại điểm b khoản 2 Điều 83 Luật Đất đai; Điều 20 và Điều 21 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP với những kế thừa và bổ sung so với Nghị định số 69/2009/NĐ-CP như sau:

- Mức hỗ trợ bằng tiền không quá 05 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất của địa phương.

- Trường hợp thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân mà phải di chuyển chỗ ở thì được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 83 Luật Đất đai năm 2013.

Nghị định số 47/2014/NĐ-CP đã bỏ khung hỗ trợ bằng tiền từ 1,5 đến 5 lần quy định tại Nghị định số 69/2009/NĐ-CP mà chỉ quy định mức trần không quá 5 lần, mức cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho phù hợp với thực tế địa phương.

2.3. Hỗ trợ tái định cư

Tại Điều 79, điểm c khoản 2 Điều 83, Điều 85 Luật Đất đai; Điều 22 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP với những kế thừa Nghị định số 69/2009/NĐ-CP về điều kiện tái định cư phải có đất bị thu hồi và phải di chuyển chỗ ở, tái định cư bằng hình thức nhà ở, đất ở tại khu tái định cư hoặc nhận tiền hỗ trợ để tự lo chỗ ở.

Hộ gia đình, cá nhân nhận đất ở, nhà ở tái định cư mà số tiền được bồi thường về đất nhỏ hơn giá trị một suất tái định cư tối thiểu thì được hỗ trợ khoản chênh lệch giữa giá trị suất tái định cư tối thiểu và số tiền được bồi thường về đất.

2.4. Hỗ trợ đối với người đang sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước

Tại Điều 14 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP giữ nguyên quy định tại Điều 21 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP.

Như vậy, người đang sử dụng nhà ở hợp pháp thuộc sở hữu Nhà nước không được bồi thường về nhà, đất; được bồi thường chi phí tự cải tạo, sửa chữa, nâng cấp nhà ở; không được giải quyết tái định cư mà chỉ được thuê nhà tại khu tái định cư.

2.5. Hỗ trợ người đang thuê nhà ở không thuộc sở hữu Nhà nước

Tại Điều 23 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP kế thừa Nghị định số 197/2004/NĐ-CP với quy định: Hộ gia đình, cá nhân đang thuê nhà ở không phải là nhà ở thuộc sở hữu nhà nước khi Nhà nước thu hồi đất mà phải di chuyển chỗ ở thì được hỗ trợ chi phí di chuyển tài sản theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

2.6. Đối với hai khoản hỗ trợ là hỗ trợ di chuyển và hỗ trợ sản xuất và đời sống tại khu tái định cư

Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định về loại hỗ trợ này.

2.7. Hỗ trợ đất nông nghiệp bị thu hồi

Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định về loại hỗ trợ này. Trước đây trong dự thảo Nghị định số 47/2014/NĐ-CP có đưa loại hỗ trợ này vào mục “hỗ trợ khác”, nhưng khi ban hành thì loại bỏ nội dung này.

Như vậy hỗ trợ đất nông nghiệp trong khu dân cư lần đầu tiên được quy định tại Nghị định số 197/2004/NĐ-CP với mức hỗ trợ từ 20% đến 50% giá đất ở, diện tích được hỗ trợ là toàn bộ diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi không vượt hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương. Đến Nghị định số 84/2007/NĐ-CP quy định thêm đối tượng hỗ trợ đối với đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở với diện tích đất nông nghiệp được hỗ trợ không quá 5 lần hạn mức đất ở địa phương. Sang Nghị định số 69/2007/NĐ-CP giới hạn diện tích đất nông nghiệp được hỗ trợ không quá 5 lần hạn mức đất ở tại địa phương.

2.8. Hỗ trợ khác

Tại điểm d khoản 2 Điều 83 Luật Đất đai và Điều 25 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP với những kế thừa những quy định tại Điều 23 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP với mục đích: Bảo đảm có chỗ ở, ổn định đời sống và sản xuất, công bằng đối với người bị thu hồi đất; trường hợp đất nhận chuyển quyền vượt hạn mức mà không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc không đủ điều kiện bồi thường thì được xem xét hỗ trợ.

3. Một số khuyến nghị hoàn thiện pháp luật

Pháp luật cần quy định một mức áp dụng như đối với đất thuộc địa bàn các phường mức hỗ trợ là 5 lần giá đất nông nghiệp cùng loại; đất thuộc địa bàn các thị trấn mức hỗ trợ là 4,5 lần giá đất nông nghiệp cùng loại và đất thuộc địa bàn các xã mức hỗ trợ là 4 lần giá đất nông nghiệp cùng loại. Lý do, làm cho việc hỗ trợ cho người bị thu hồi đất được công bằng, đồng đều, tránh sự chênh lệch về mức hỗ trợ của các tỉnh, thành như hiện nay. Nhằm giảm bớt tình trạng so bì giữa người bị thu hồi đất ở các tỉnh, thành khác nhau. Xem xét điều chỉnh quy định về giá đất nông nghiệp cho phù hợp với giá trên thực tế để chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề, tạo việc làm cho người bị thu hồi đất nông nghiệp thực hiện có hiệu quả hơn.

- Hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ mà phải di chuyển chỗ ở thì được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 83 của Luật Đất đai.

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho các nhân khẩu trong độ tuổi lao động hiện có của hộ gia đình, cá nhân có đất thu hồi.

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định và điều kiện thực tế tại địa phương quy định mức hỗ trợ cụ thể cho phù hợp đối với từng loại hộ gia đình, cá nhân có đất thu hồi.

- Pháp luật cần quy định bổ sung mức cụ thể là 50% khi Nhà nước thu hồi đất mà phải di chuyển cộng đồng dân cư, làm ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa của cộng đồng. Do việc quy định có mức sàn thì dễ thực hiện và cũng có được cơ sở để áp dụng đúng pháp luật, tạo quyền lợi cho người bị thu hồi đất.

- Pháp luật quy định bổ sung chính sách hỗ trợ về tài sản đối với người bị thu hồi đất trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất như đã nêu trên. Vì người bị thu hồi đất đã gặp rất nhiều khó khăn nên họ cần có được một khoản chi phí hỗ trợ thêm ổn định đời sống, phục vụ di chuyển. Đây cũng có thể là động lực để thúc đẩy họ sớm bàn giao mặt bằng, tạo sự hài lòng của tất cả các bên.

- Pháp luật nên quy định liệt kê các khoản hỗ trợ được nhiều địa phương lựa chọn áp dụng như hỗ trợ cho gia đình chính sách, hỗ trợ hộ nghèo, thưởng di dời vào hướng dẫn hỗ trợ khác để các địa phương áp dụng đồng loạt.

- Ngoài ra Trung ương và địa phương cần xem xét bổ sung một số khoản hộ trợ khác như: Hỗ trợ thuê nhà cho người phải di chuyển chỗ ở, hỗ trợ về học phí (có thể miễn học phí cho con em người bị thu hồi đất mà phải di chuyển chỗ ở trong 03 năm), y tế (được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí trong 01 năm), hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp. Nếu có thêm các hỗ trợ như đã nêu thì sẽ đảm bảo cho người bị thu hồi đất có được cuộc sống được đảm bảo hơn.

4. Kết luận

Đối với một nước nông nghiệp như Việt Nam thì việc giải quyết vấn đề thưa kiện kéo dài liên quan đến công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất là điều rất khó khăn. Người làm nông nghiệp luôn quan niệm “tấc đất tấc vàng” nên khi Nhà nước thu hồi đất mà họ không được bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng dẫn đến bức xúc là điều tất nhiên.

Việc đất đai ngày càng có giá trị thì vấn đề về hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất cũng gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Có nhiều trường hợp người dân do không đồng tình với phương án hỗ trợ của Nhà nước, nhà đầu tư chậm tiến độ, ảnh hưởng đến lợi ích chung của nền kinh tế - xã hội, gây tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư của đất nước. Từ đó dẫn đến việc người dân khiếu kiện lâu dài, đông người, vượt cấp gây mất ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội. Để khắc phục tình trạng này Nhà nước đã nhiều lần sửa đổi, bổ sung các quy định về hỗ trợ khi thu hồi đất. Tuy nhiên hiệu quả chưa được như mong muốn, nhiều quy định mới được ban hành chưa phù hợp với thục tiễn cũng như các điều kiện về hỗ trợ cho người bị thu hồi đất vẫn còn nhiều khó khăn. Các tranh chấp khiếu kiện khi Nhà nước thu hồi đất, hỗ trợ khi thu hồi đất tăng với mức độ gay gắt, phức tạp, ngày càng nhiều. Điều này cho thấy chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu về cơ chế, chính sách hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất nhằm hoàn thiện lĩnh vực pháp luật này. Từ việc tiếp cận người bị thu hồi đất cùng các khoản hỗ trợ mà họ được hưởng, nhóm tác giả tìm ra các bất cập trong thực tiễn áp dụng pháp luật, từ đó đề ra những kiến nghị để hoàn thiện pháp luật.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ luật Dân sự số 91/2015 ban hành ngày 22/6/2015.

2. Luật Đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013.

3. Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014.

4. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

5. Nghị định số 47/2014/NĐ-CP, ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

SUPPORT UPON LAND ACQUISITION

BY THE VIETNAMESE GOVERNMENT:

SITUATIONS AND RECOMMENDATIONS

Ph.D. DANG CONG TRANG

Faculty of Law, Industrial University of Ho Chi Minh City

Ph.D. HO HUU TUAN

Industrial University of Ho Chi Minh City

Master Candidate LE THI BE BAY

Tra Vinh University

ABSTRACT:

As an agricultural country, issues reltated to lands are major topics of cocern in Vietnam, especially when Vietnam is developing a market economy and implementing industrialization and modernization process. The value of lands is increasing and lands are exchanged in the market, used as collateral in credit relationship with banks, credit institutions and used as contributed assets to a partnership. Lands are special resources of the country, important resources for the country development. Hence, under current Vietnam’s laws, lands are public properties which the State executes rights of public ownership representative and land management.

Keywords: Land acquisition, law, State.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 02 tháng 02/2017 tại đây