Phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam ổn định, an toàn trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay

Nghiên cứu "Phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam ổn định, an toàn trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay" do Đào Thị Việt Hằng (Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam) thực hiện.

Tóm tắt:

Ngành Tài chính nước ta đang hướng đến mục tiêu thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, công khai, minh bạch; từng bước hình thành hệ sinh thái tài chính số phong phú, hiện đại, đảm bảo tính hiệu quả và an toàn thông tin. Để đáp ứng yêu cầu đó, cần nghiên cứu, tìm giải pháp phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) ổn định, an toàn trong điều kiện mới. Trong phạm vi bài viết này, trên cơ sở phân tích những thách thức đặt ra từ quá trình chuyển đối số đối với TTCK Việt Nam, tác giả đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam ổn định, an toàn trong thời gian tới.

Từ khóa: chuyển đổi số, tài chính, thị trường chứng khoán, tài chính số.

1. Đặt vấn đề

Trải qua hơn 25 năm hình thành và phát triển, TTCK đã có sự phát triển vượt bậc, trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ yếu của nền kinh tế. Hiện nay, trong điều kiện mới, chuyển đổi số được cho là yếu tố quyết định để phát triển TTCK, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, cơ quan quản lý. Tuy nhiên, chuyển đổi số bên cạnh việc mang đến nhiều cơ hội, cũng đặt ra nhiều thách thức đối với việc phát triển thị trường tài chính ổn định, an toàn. Nhận thức rõ những cơ hội và thách thức đặt ra từ chuyển đổi số để có giải pháp đồng bộ, hiệu quả phát triển bền vững thị trường tài chính là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh chuyển đổi số ở nước ta hiện nay.

2. Chuyển đổi số thị trường chứng khoán

Chuyển đổi số là bước phát triển tiếp theo của tin học hóa, có được nhờ sự tiến bộ vượt bậc của những công nghệ mới mang tính đột phá, nhất là công nghệ số. Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số [1]. Việt Nam đang trên con đường chuyển đổi số. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với 3 trụ cột là: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Đồng thời, các doanh nghiệp đã từng bước hình thành hệ sinh thái công nghiệp số. Trong đó, lĩnh vực tài chính - ngân hàng là một trong những lĩnh vực ưu tiên thực hiện chuyển đổi số, với mục tiêu: “Xây dựng tài chính điện tử và thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, bền vững. Triển khai ứng dụng toàn diện công nghệ số trong các ngành thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán” [4]. Với TTCK, việc thực hiện chuyển đổi số có ý nghĩa hết sức quan trọng và cấp thiết. Hoạt động này nhằm xây dựng và phát triển các hệ thống công nghệ thông tin trên nền tảng số, phục vụ hoạt động giao dịch và công tác quản lý giám sát thị trường một cách hiệu lực, hiệu quả, minh bạch, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư, đáp ứng các mục tiêu  hướng tới xây dựng Tài chính số, Chính phủ số và Xã hội số.

Thời gian qua, hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực TTCK ở Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở Giao dịch Chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam đã xây dựng và hình thành hạ tầng công nghệ tương đối đồng bộ. Hạ tầng công nghệ số tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được phát triển, nâng cấp để triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi cho toàn ngành. Hệ thống máy chủ và lưu trữ cơ bản đáp ứng được các yêu cầu cho các ứng dụng hiện có của ngành Chứng khoán. Hệ thống mạng diện rộng được hình thành; hệ thống an toàn bảo mật được triển khai theo tiêu chuẩn cao và đáp ứng các quy định về an toàn bảo mật cho các hệ thống.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở Giao dịch Chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam đều đã xây dựng Cổng Thông tin điện tử riêng, nhằm thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về lĩnh vực chứng khoán tới cộng đồng đầu tư. Đồng thời, cập nhật liên tục và đầy đủ các tin tức về hoạt động quản lý thị trường; các văn bản, chính sách; thông tin, cơ sở dữ liệu về các thành viên thị trường… Các thủ tục hành chính do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quản lý trực tiếp với các mức dịch vụ công trực tuyến mức 2 đến mức 4... trên địa chỉ: https://dichvucong.ssc.gov.vn/. Đồng thời, đã triển khai tích hợp 36 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia và cung cấp phương thức thanh toán trực tuyến đối với các thủ tục có phí [3].

Ứng dụng công nghệ số được triển khai tương đối đồng bộ như các hệ thống: SCMS, FMS, IDS, FIMS…, góp phần hỗ trợ các thành viên thị trường báo cáo và công bố thông tin trực tuyến an toàn, thuận tiện; đồng thời bước đầu hình thành cơ sở dữ liệu cho quản lý giám sát các đối tượng tham gia thị trường. Hệ thống lưu trữ ngành Chứng khoán được hoàn thành và đưa vào khai thác ổn định từ năm 2016 nhằm số hóa hồ sơ tài liệu, lưu trữ và quản lý các tài liệu tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; cho phép xác định tài khoản bất thường, phân tích phát hiện các giao dịch nội bộ, giao dịch thao túng thị trường nhằm phát hiện những vi phạm trên TTCK theo đúng quy định pháp luật... Các Sở Giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam hiện đang vận hành nhiều hệ thống phần mềm nghiệp vụ như các hệ thống giao dịch cổ phiếu, hệ thống giao dịch trái phiếu, hệ thống giao dịch chứng khoán phái sinh, các hệ thống cung cấp thông tin, giám sát giao dịch, thanh toán bù trừ... cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường.

Một số công việc quy trình, nghiệp vụ đã từng bước được số hóa. Việc áp dụng công nghệ số trong công tác quản lý thành viên giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các Sở Giao dịch Chứng khoán đã được quan tâm. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã mở rộng hợp tác quốc tế, đào tạo và phát triển nhân lực để thực hiện chuyển đổi số. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chính thức trở thành thành viên đầy đủ của Tổ chức quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO), thực hiện ký kết Biên bản Ghi nhớ đa phương với hơn 125 nước thành viên để trao đổi thông tin về hoạt động thị trường và doanh nghiệp, hỗ trợ việc quản lý và giám sát thị trường của các cơ quan đối tác.

3. Một số khó khăn, thách thức đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong chuyển đổi số

Thứ nhất, khó khăn, thách thức trong đầu tư, xây dựng những hệ thống ứng dụng công nghệ số và hệ thống cơ sở dữ liệu cốt lõi.

Hiện nay, các giải pháp về công nghệ số phục vụ cho hoạt động của TTCK chưa thực sự linh động, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu thay đổi về chuyên môn nghiệp vụ. Các quy trình nghiệp vụ, các biểu mẫu báo cáo đầu vào và đầu ra thường xuyên có sự điều chỉnh nên các chương trình hiện nay còn có những bất cập và cần phải được nâng cấp, chỉnh sửa cho phù hợp với nhu cầu quản lý của các đơn vị nghiệp vụ. So với yêu cầu nghiệp vụ quản lý đặc thù của Ngành, các ứng dụng công nghệ số của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ mới được xây dựng ở mức cơ bản, các hệ thống được xây dựng tương đối độc lập với nhau nên chưa thực sự gắn kết và hỗ trợ nhau để cùng phát huy hiệu quả khai thác và sử dụng, gây ra hiện tượng cùng một nội dung doanh nghiệp phải báo cáo qua nhiều chương trình phần mềm. Cổng thông tin điện tử Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ yếu mới chỉ tập trung vào việc cung cấp và công bố thông tin. Nội dung trang tiếng Anh của Cổng thông tin điện tử Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chưa phong phú, độc giả và nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các thông tin, chính sách về chứng khoán và TTCK Việt Nam.  

Thứ hai, khó khăn, thách thức về mặt pháp lý

Mặc dù Chính phủ, Quốc hội có những chiến lược, nghị quyết thể hiện quyết tâm chuyển đổi số tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và bộ, ngành liên quan đều đã có những kế hoạch thực hiện chủ trương này, nhưng vấn đề pháp lý, thể chế vẫn là một thách thức lớn cho công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng nói chung, TTCK nói riêng. Hiện nay, các quy định của pháp luật chưa rõ ràng, thiếu tính đồng bộ, trong khi số hóa các quy trình vẫn có quy định về thủ tục yêu cầu giao dịch trực tiếp. Quy định xác định danh tính khách hàng thông qua nền tảng số chưa cụ thể; chưa có nguồn thông tin đảm bảo thông qua kho dữ liệu dân cư để xác định danh tính người tiêu dùng. Các quy định về hợp đồng điện tử, chữ ký số, tài sản số chưa bắt kịp quá trình chuyển đổi số. Các quy định về tố tụng, sở hữu trí tuệ, hình sự chưa rõ ràng…

Thứ ba, khó khăn trong việc áp dụng công nghệ số vào công việc của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và đối tượng quản lý.

Các chế tài đối với việc chuyển đổi số lĩnh vực chứng khoán vẫn chưa được hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, trong giai đoạn này các quy định pháp lý về chứng khoán và TTCK thay đổi rất nhanh làm cho các yêu cầu về xây dựng hệ thống ứng dụng công nghệ số cũng thay đổi theo. Đối tượng quản lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bao gồm các thành viên tham gia thị trường khá rộng, dàn trải trong phạm vi địa lý cả nước, các đối tượng lại có điều kiện về môi trường số không đồng đều, nên việc triển khai ứng dụng công nghệ số trên diện rộng đối với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước gặp nhiều khó khăn. Vì thiếu các quy định có tính pháp lý cho việc quản lý và sử dụng các ứng dụng công nghệ số của ngành Chứng khoán, nên khi triển khai các hệ thống công nghệ số không có các căn cứ pháp lý để bắt buộc toàn bộ các đối tượng do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quản lý như công ty đại chúng, công ty chứng khoán... tham gia sử dụng các hệ thống công nghệ số.

Thứ tư, khó khăn từ vấn đề an toàn bảo mật thông tin TTCK khi thực hiện chuyển đổi số

Những năm qua, vấn đề an toàn bảo mật thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã được đầu tư, trang bị nhiều, nhưng mức độ còn hạn chế. Tháng 3/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phát đi thông tin cảnh báo việc một số đối tượng tìm cách truy cập vào hệ thống công nghệ thông tin của công ty chứng khoán qua các lỗ hổng bảo mật. Đáng chú ý, các đối tượng này đã nắm được một số thông tin cụ thể của khách hàng như tên truy cập và mật khẩu đăng nhập, từ đó có thể chiếm quyền sử dụng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư để thực hiện giao dịch chứng khoán, chuyển tiền, rút tiền và chiếm đoạt tài sản của khách hàng [7]. Điều này một lần nữa cho thấy, vấn đề bảo mật, an toàn thông tin của TTCK khi thực hiện chuyển đổi số là một thách thức lớn.

Thứ năm, thiếu hụt nguồn nhân lực thực hiện công tác xây dựng và pháp triển ứng dụng số trong ngành Chứng khoán

Kỹ năng quản lý các dự án lớn theo mô hình tập trung còn rất khiêm tốn và sự hiểu biết về nghiệp vụ chứng khoán còn hạn chế. Ngoài ra, các cán bộ hoạt động ở chế độ kiêm nhiệm, mỗi người được phân công quản trị, xử lý cùng lúc nhiều hệ thống chồng chéo, nhiều công cụ quản trị còn thiếu khiến việc quản trị vất vả và chưa thực sự đem lại hiệu quả cao. Cơ chế tuyển dụng tuy đã có nhiều thay đổi, nhưng vẫn chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tiễn nên chưa thu hút được đủ về số lượng đội ngũ tin học vào làm việc. Việc đào tạo, phát triển nhân lực về công nghệ số hiện tại vẫn còn bị động, chưa tương xứng với yêu cầu công việc nên chất lượng của đội ngũ tin học chưa đạt yêu cầu. Công tác xây dựng tài liệu đào tạo, bồi dưỡng thông qua hệ thống học trực tuyến, thư viện điện tử... còn chưa được hoàn thiện. Công tác đào tạo nhân lực có kiến thức và kỹ năng về chuyển đổi số chưa đáp ứng được với quy mô phát triển của TTCK hiện nay hiện nay. Việc hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước có uy tín về đào tạo, nghiên cứu, triển khai chuyển đổi số gần như không có.

4. Một số giải pháp cần thực hiện

Chiến lược tài chính đến năm 2030 xác định mục tiêu: “Phát triển TTCK ổn định, hoạt động an toàn, hiệu quả, có cơ cấu hợp lý, cân đối giữa thị trường tiền tệ với thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu với thị trường trái phiếu và TTCK phái sinh”. “Đẩy mạnh hiện đại hóa ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hàng dự trữ quốc gia, quản lý giám sát TTCK theo hướng hiện đại, hiệu quả” [5]. Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định: “Phấn đấu đến năm 2025, sẽ hình thành hệ thống giám sát thị trường tài chính Việt Nam nhằm mục tiêu thu thập, quản lý các thông tin liên quan đến đối tượng thuộc diện quản lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước như các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán… ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phân tích thông minh để tối ưu hóa hoạt động...” [2].

 Để thực hiện thành công các mục tiêu này, trong thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp phát triển TTCK ổn định, an toàn trong bối cảnh chuyển đổi số. Cụ thể như sau:

Một là, khẩn trương hoàn thiện các quy định pháp lý cho việc chuyển đổi số trong lĩnh vực chứng khoán. Hiện nay, hầu hết các văn bản pháp lý về chuyên môn nghiệp vụ đều thiếu các điều khoản quy định cho công tác quản lý và sử dụng các ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực chứng khoán. Vì vậy, trong quá trình hoàn thiện các quy định có tính pháp lý về chuyên môn nghiệp vụ, cần bổ sung các điều khoản quy định cho công tác quản lý và sử dụng các ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực chứng khoán. Ngoài ra, cũng cần bổ sung các chế tài xử phạt đối với một số hành vi không nghiêm túc thực hiện các quy định về sử dụng các ứng dụng công nghệ số để báo cáo và công bố thông tin theo quy định.

Hai là, đẩy mạnh đầu tư hiện đại hóa hạ tầng công nghệ số cho lĩnh vực chứng khoán. Chú trọng việc nâng cấp, hiện đại hóa, tích hợp các hệ thống ứng dụng công nghệ số của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Tiếp tục xây dựng và phát triển để hình thành một hệ thống ứng dụng của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quy mô lớn, cốt lõi toàn ngành và mang tính tích hợp cao. Xây dựng và phát triển hệ thống ứng dụng công nghệ số đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK. Việc đầu tư hiện đại hóa hạ tầng công nghệ số cần hướng tới nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, đảm bảo cung cấp thông tin dữ liệu cho cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính ngân sách.

Ba là, tăng cường các giải pháp an toàn bảo mật, đảm bảo phục vụ triển khai, vận hành các hệ thống ứng dụng công nghệ số lớn và các hệ thống cơ sở dữ liệu cốt lõi của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo hướng hiện đại và thống nhất. Thực hiện ảo hóa một số hệ thống ứng dụng quan trọng nhằm đảm bảo mức độ sẵn sàng, ổn định của hệ thống, tối thiểu thời gian gián đoạn khi sự cố xảy ra. Tăng cường các giải pháp an toàn bảo mật ở mức cơ sở dữ liệu nhằm tăng cường an toàn thông tin trong việc truy xuất và kết nối các hệ cơ sở dữ liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Bốn là, đẩy mạnh tự động hóa hệ thống giám sát TTCK tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các sàn giao dịch chứng khoán phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số theo hướng: Hình thành cơ sở dữ liệu chung cho toàn TTCK, kết nối, chia sẻ thông tin giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với các sàn và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam về công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư; xây dựng hệ thống giám sát cho phép kết nối trao đổi dữ liệu với các cơ quan chức năng khác, như: Thuế, Thanh tra giám sát ngân hàng, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.

Năm là, tăng cường công tác đào tạo và tuyển dụng nhân sự số phục vụ cho hoạt động chuyển đổi số lĩnh vực chứng khoán. Hiện nay, đội ngũ cán bộ tin học thực hiện công tác quản lý nhà nước về công nghệ thông tin của ngành Chứng khoán còn thiếu, nên khó đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số. Vì vậy, trong thời gian tới, cần tập trung nâng cao về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về công nghệ số; Xây dựng chính sách khác biệt việc đào tạo toàn diện về kiến thức công nghệ thông tin chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, để bảo đảm có đội ngũ cán bộ tin học có đủ trình độ nắm bắt, đánh giá và triển khai các công nghệ tiên tiến.

5. Kết luận

Cùng với quá trình chuyển đổi số quốc gia toàn diện, những năm tới, các công ty chứng khoán sẽ đẩy mạnh đầu tư sản phẩm mới, cung cấp dịch vụ cho khách hàng qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh. Với sự thay đổi này, khách hàng sẽ không cần người tư vấn, nhân viên môi giới. Việc giao dịch sẽ chủ động, thuận tiện hơn. Thêm vào đó, công ty chứng khoán sẽ cung cấp nhiều công cụ để tự khách hàng đưa ra quyết định đầu tư. Đối với TTCK, bên cạnh các cơ hội phát triển mới, sẽ phải đối diện với ngày càng nhiều thách thức cho sự phát triển ổn định, an toàn. Do đó, cần có giải pháp đồng bộ, hiệu quả từ phía Chính phủ, các cơ quan nhà nước liên quan và các chủ thể tham gia thị trường, hướng tới mục tiêu chung phát triển thị trường tài chính và dịch vụ tài chính đồng bộ, hiện đại, minh bạch và bền vững.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Thông tin và Truyền thông (2021). Cẩm nang chuyển đổi số, Tái bản có chỉnh sửa, cập nhật, bổ sung năm 2021. Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.
  2. Bộ Tài chính (2022). Quyết định số 1484/QĐ-BTC, ngày 27/7/2022, Ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

3.     Trịnh Hồng Hà (2022). Thực trạng và giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực chứng khoán. Tạp chí Tài chính, kỳ 1 tháng 11/2022.

  1. Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020, Phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
  2. Thủ tướng Chính phủ (2022). Quyết định số 368/QĐ-TTg, ngày 21/3/2022, Phê duyệt chiến lược tài chính đến năm 2030.
  3. Đoàn Thanh Tùng (2017). Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực chứng khoán. Tạp chí Tài chính, số tháng 6/2017, tr.37-41.
  4. Vân Anh (2022). Chuyên gia bảo mật nói gì về sự cố công ty chứng khoán lộ thông tin nhà đầu tư?. Truy cập tại https://vietnamnet.vn/chuyen-gia-bao-mat-noi-gi-ve-su-co-cong-ty-chung-khoan-lo-thong-tin-nha-dau-tu-i407192.html.

 

Developing Vietnam’s stock market stably and safely

in the context of digital transformation

Dao Thi Viet Hang

Vietnam Bank For Industry And Trade Securities Joint Stock Company

Abstract:

Vietnam’s finance industry is aiming to establish a modern, open, and transparent digital financial platform, and gradually form a rich and modern digital financial ecosystem that ensures efficiency and information privacy. To meet that requirement, it is necessary to research and find solutions to develop a stable and safe stock market in new development conditions. By analyzing the challenges posed by the digital transformation of Vietnam’s stock market, the study proposes some basic solutions to develop a stable and safe stock market in the coming years.

Keywords: digital transformation, finance, stock market, digital finance.