TÓM TẮT:
Bài viết nghiên cứu về những mặt đạt được trong quá trình dạy học các môn lý luận chính trị vẫn còn những hạn chế, ảnh hưởng tiêu cực tới phát triển tư duy sáng tạo cho người học. Từ đó, đưa ra một số giải pháp: xây dựng động cơ, thái độ học tập đúng đắn, chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy lý luận để tạo hứng thú và phát huy vai trò tích cực, chủ động cho sinh viên; chú trọng phát triển tư duy phản biện và tư duy đa chiều; nâng cao trình độ ngôn ngữ cho người học; gắn bó chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn phong phú sinh động.
Từ khóa: tư duy, tư duy sáng tạo, sinh viên, dạy học, lý luận chính trị.
1. Đặt vấn đề
Cùng với việc truyền thụ kiến thức, hình thành kỹ xảo, kỹ năng và các phẩm chất nhân cách, phát triển tư duy sáng tạo là một chức năng cơ bản trong dạy học, điều đó đặc biệt cần thiết với thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước khi đứng trước những biến động ngày càng phức tạp của thực tiễn. Quá trình dạy học ở các trường đại học, các môn lý luận chính trị giữ vai trò rất quan trọng không chỉ trong việc tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin; tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; mà còn trang bị cho họ nền tảng tư tưởng, xây dựng thế giới quan khoa học và nhân sinh quan cách mạng, đồng thời có phương pháp tư duy linh hoạt để thích ứng với mọi tình huống biến đổi của cuộc sống. Vì vậy, việc phát triển tư duy sáng tạo là một yêu cầu rất quan trọng trong việc giảng dạy các môn Lý luận chính trị ở các trường đại học hiện nay.
2. Khái niệm tư duy và tư duy sáng tạo
Tư duy là phạm trù dùng để chỉ hoạt động tinh thần của con người, là sự phản ánh ở trình độ cao trong quá trình nhận thức thế giới khách quan. Nhờ khả năng phản ánh gián tiếp và khái quát các thuộc tính bên trong, bản chất, các mối liên hệ có tính quy luật của các sự vật, hiện tượng nên trình độ phản ánh của tư duy cao hơn các quá trình nhận thức cảm tính như cảm giác, tri giác. Vì thế hoạt động của con người sẽ mang lại hiệu quả cao hơn khi có sự tham gia của tư duy, đặc biệt là tư duy sáng tạo.
Tư duy sáng tạo là quá trình tạo ra những ý tưởng, giải pháp phù hợp để kích thích sự sáng tạo. Trong đó con người sử dụng trí tưởng tượng, kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng của mình để tạo ra những ý tưởng mới mẻ, đột phá và có giá trị. Đây được xem là một kỹ năng quan trọng trong thế giới hiện đại, khi con người đang bị đe dọa bởi trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật số... kỹ năng này sẽ giúp con người tìm ra những giải pháp tốt hơn cho hoạt động của mình để có thể giải quyết có hiệu quả các vấn đề đặt ra.
3. Thực trạng dạy học các môn lý luận chính trị ở các trường đại học hiện nay
Trong những năm gần đây, với mục tiêu lấy người học là trung tâm, quá trình dạy học các môn lý luận chính trị ở các trường đại học đã có sự quan tâm đúng mức tới sự phát triển tư duy chủ động, sáng tạo cho người học. Cách tiếp cận các vấn đề lý luận không bó hẹp trong phạm vi nhất định nào đó mà đa dạng hơn, được nhìn nhận, xem xét từ nhiều góc độ khác nhau. Kết cấu chương trình mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các môn lý luận chính trị không chỉ có các tiết giảng lý thuyết mà còn có các tiết thảo luận xen kẽ. Chính vì thế, tính chủ động của người học được nâng lên thông qua việc họ được khuyến khích, mạnh dạn bày tỏ quan điểm, thái độ của mình trước một vấn đề lý luận hoặc thực tiễn đề ra. Sự đa dạng của các hình thức dạy học cũng cuốn hút được người học tham gia tích cực, chịu khó suy nghĩ, tìm tòi đưa ra những cách giải quyết vấn đề mới mẻ, táo bạo. Nhiều trường đã áp dụng đổi mới môn học theo chương trình CDIO (Conceive Design Implement Operate, (dịch là: Hình thành ý tưởng, thiết kế, thực hiện và vận hành)) và bước đầu đã có những dấu hiệu khả quan.
Tuy nhiên trên thực tế, quá trình dạy học các môn lý luận chính trị vẫn còn những hạn chế, ảnh hưởng tiêu cực tới phát triển tư duy sáng tạo cho người học: “Nội dung, chương trình các môn lý luận chính trị còn nặng về lý luận, ít tính thực tiễn; việc vận dụng phương pháp dạy học theo hướng tích cực ở một số nhà trường còn chưa đồng đều; phương pháp của một số giảng viên còn nặng về chương trình, tham nội dung lý luận, dàn trải, chưa chú ý tới sự hứng thú, thái độ của người học; bài giảng của một số giảng viên chuẩn bị chưa sâu, thiếu sức thuyết phục trong giảng dạy, tính thực tiễn không cao; một số giảng viên được đào tạo cơ bản song thiếu thực tế” [6].
Mặc dù giáo dục hiện nay đã theo xu hướng hiện đại, nhưng kiểu dạy áp đặt, truyền thụ một chiều, máy móc và khá cứng nhắc từ phía giảng viên còn khá phổ biến ở các trường đại học. Việc nhiều giảng viên lý luận chính trị chỉ sử dụng một phương pháp thuyết trình đơn điệu dẫn đến bài giảng thiếu đi sự hấp dẫn, không tạo được cảm hứng cho sinh viên và làm cho tâm lý trở nên ức chế, khiên cưỡng, gò ép khi họ phải tiếp nhận những kiến thức lý luận thuần túy, thiếu sức sống. Chính những điều này trở thành rào cản lớn trong quá trình phát triển tư duy sáng tạo cho sinh viên, bởi tư duy sáng tạo chỉ nảy sinh khi có niềm đam mê trong học tập, cũng như bất kỳ hoạt động nào khác.
Nhiều tiết học giảng viên còn nặng về kiến thức chuyên môn nên buổi học trôi qua trong sự nặng nề, nhàm chán. Đặc trưng của các môn lý luận chính trị là tư duy lý luận, tư duy trừu tượng, nó chỉ thực sự có sức sống khi gắn liền với sự sinh động của thực tiễn. Hiện nay với sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, nhận thức của một số giảng viên lý luận chính trị không theo kịp những biến đổi mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Vì vậy bài giảng xa rời thực tiễn, không mang hơi thở của cuộc sống đã làm giảm hứng thú học tập của sinh viên và hạn chế tư duy sáng tạo của họ.
Bên cạnh đó, nhiều sinh viên chưa nhận thức đúng vị trí, vai trò của các môn lý luận chính trị, cho rằng các môn học này là môn học phụ, không cần thiết cho nghề nghiệp trong tương lai… Từ đó, không đầu tư công sức và trí tuệ cho các môn học này. Học và thi với tinh thần đối phó để qua các môn như triết học, kinh tế chính trị, chủ nghĩa xã hội khoa học... là tình trạng khá phổ biến ở sinh viên các trường đại học hiện nay, đặc biệt là khối ngành kinh tế, kỹ thuật. Chính tâm lý đối phó này đã ảnh hưởng đến việc phát huy tính chủ động và sáng tạo của sinh viên trong quá trình học tập. Điều này đòi hỏi cần phải có những giải pháp phù hợp để khắc phục thực trạng trên một cách hiệu quả và kịp thời.
4. Một số giải pháp phát triển tư duy sáng tạo cho sinh viên trong dạy học các môn lý luận chính trị
Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam là: “Đổi mới căn bản chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo phương châm khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại” [3], để phát triển tư duy sáng tạo cho sinh viên trong dạy học các môn lý luận chính trị cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, xây dựng động cơ, thái độ học tập đúng đắn.
Tư duy sáng tạo của người học chỉ có thể phát triển trên cơ sở động cơ, thái độ học tập đúng đắn. Khi có động cơ, thái độ học tập đúng đắn, người học sẽ có động lực mạnh mẽ, định hướng, thúc đẩy quá trình học tập giúp họ tích cực vươn lên, chiếm lĩnh các tri thức khoa học. Giảng viên cần chỉ rõ cho sinh viên thấy mục đích của việc học các môn học lý luận chính trị không chỉ để hiểu biết mà còn vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề thực tiễn, từ đó họ mới có động cơ học tập đúng đắn. Trong hệ thống động cơ của người học, cần chú ý tạo hứng thú cho họ thông qua nội dung và hình thức dạy học sinh động hấp dẫn, cuốn hút. Tránh tình trạng trong quá trình học sinh viên tiếp cận các thông tin mông lung hoặc xa rời thực tế, đồng thời phải tích cực đấu tranh, phê phán các thái độ ỷ lại, thụ động, đối phó trong quá trình học tập của họ.
Thứ hai, chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy lý luận để tạo hứng thú và phát huy vai trò tích cực, chủ động cho sinh viên.
Sự phát triển của khoa học công nghệ ngày nay cho phép người giảng viên ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng nhiều phương pháp linh hoạt để nội dung bài giảng sinh động, hấp dẫn sinh viên. Phương pháp giảng dạy truyền thống chủ yếu tập trung vào lượng kiến thức cần truyền thụ cho người học. Phương pháp giảng dạy hiện đại là tập trung vào những kiến thức người học thực sự cần, khuyến khích sinh viên chủ động tham gia, tích cực tương tác với các sinh viên khác, với giảng viên. Các môn lý luận chính trị đặc biệt là Triết học với đặc trưng của tư duy biện chứng sẽ giúp người học phát triển tư duy logic, vì vậy cần đưa các tình huống có vấn đề để sinh viên rèn luyện các kỹ năng quan trọng của tư duy sáng tạo như: khả năng tưởng tượng, tính linh hoạt, tư duy bất định, sự quan sát, kết hợp ý tưởng, tư duy tương tác, khả năng phân tích, tính hợp tác... Những tình huống như đóng vai, giả định... là động lực để sinh viên mạnh dạn đưa ra những giải pháp mới, thậm chí có tính đột phá, làm cho họ thấy hứng thú trong học tập hơn. Chỉ có sự chủ động, tích cực mới phát triển tư duy sáng tạo, sự bị động từ việc tiếp nhận kiến thức truyền thụ một chiều từ giảng viên luôn gia tăng tính ỳ trong tư duy của họ, vì vậy phải tạo điều kiện để sinh viên thực sự tham gia vào tình huống và có khả năng giải quyết được tình huống, đem lại hiệu quả cao cho quá trình giảng dạy.
Thứ ba, chú trọng phát triển tư duy phản biện và tư duy đa chiều.
Có nhiều loại tư duy khác nhau và cũng có ý nghĩa cụ thể khác nhau, tùy theo từng loại hoạt động của con người. Trong các loại tư duy cần có hiện nay, cần chú trọng phát triển tư duy phản biện và tư duy đa chiều. Cụ thể:
Tư duy phản biện được coi là rất quan trọng để đối phó với tính phức tạp và mơ hồ của các vấn đề. Với đặc trưng là các môn học lý luận, để người học hiểu vấn đề một cách sâu sắc, cần gia tăng sự tương tác giữa giảng viên với sinh viên, khuyến khích sinh viên đặt câu hỏi, phân tích thông tin một cách phê phán và đưa ra các giải pháp sáng tạo. Điều này đòi hỏi phải tạo ra một môi trường học tập thật sự cởi mở, gần gũi, lắng nghe ý kiến khác biệt và khuyến khích tranh luận lành mạnh. Sinh viên cần được đào tạo các kỹ năng tư duy phản biện như phân tích logic, xác định giả định và suy luận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau. Các môn học có tính cụ thể như các sự kiện lịch sử, các quy luật kinh tế... có rất nhiều tình huống để rèn luyện tư duy phản biện. Việc phát triển tư duy phản biện sẽ giúp người học không bị mắc kẹt trong những lối suy nghĩ giống nhau hoặc bị áp đặt như nhau, tránh được tình trạng đưa ra quyết định dựa trên thông tin thiếu sót hay giả định sai lầm trong môi trường mơ hồ, dẫn tới khó khăn, thất bại trong quá trình hoạt động.
Mặt khác, không phải lúc nào mọi thông tin cũng rõ ràng và dễ hiểu. Vì thế, cần rèn luyện khả năng xử lý các thông tin mơ hồ và đa nghĩa, thông qua việc đặt câu hỏi, tìm hiểu sâu hơn và không ngại thử nghiệm để tìm ra các giải pháp. Thế giới ngày nay ngày càng phức tạp với sự tương tác và phụ thuộc giữa các yếu tố, tư duy đa chiều giúp mỗi cá nhân nhìn nhận rõ mối quan hệ phức tạp và hiểu được cách các yếu tố tương tác với nhau như thế nào, qua đó đưa ra cách thức giải quyết hiệu quả.
Thứ tư, nâng cao trình độ ngôn ngữ cho người học.
Ngôn ngữ là phương tiện của tư duy, là “vỏ vật chất của tư duy”. Không thể phát triển được tư duy lý luận, tư duy sáng tạo, nếu không nâng cao trình độ của ngôn ngữ. Các môn học lý luận chính trị là cơ hội để sinh viên phát triển ngôn ngữ thông qua các hình thức kiểm tra vấn đáp, trao đổi, thảo luận nhóm giúp người học biết đưa ra quan điểm, bảo vệ các quan điểm của bản thân trước các quan điểm khác một cách ngắn gọn, khái quát, kèm theo những sắc thái biểu hiện của thái độ cá nhân. Thực tế cho thấy, các buổi thuyết trình hoặc hùng biện của sinh viên là cách hiệu quả trong rèn luyện tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề. Quá trình làm việc nhóm là quá trình tập hợp các ý kiến đa dạng không bị hạn chế để tìm ra chân lý, việc sử dụng sơ đồ tư duy để kết nối ý tưởng, sắp xếp các nội dung để đưa ra kết luận... đều là cách để sinh viên thử thách bản thân để đạt được những đột phá trong học tập. Bên cạnh đó, phát triển ngôn ngữ viết thông qua các bài kiểm tra viết, thu hoạch, tiểu luận giúp người học phát triển khả năng trình bày vấn đề một cách chi tiết, đầy đủ, logic, rõ các căn cứ lý luận và thực tiễn. Việc rèn luyện ngôn ngữ viết là một trong những phương pháp phát triển kỹ năng phân tích, tổng hợp, tính độc đáo, trí tưởng tượng và nhiều kỹ năng cần thiết khác của tư duy sáng tạo.
Thứ năm, gắn bó chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn phong phú sinh động.
Sự kết hợp giữa lý luận và thực tiễn vừa là nhận thức luận vừa là phương pháp luận khoa học. Sức thuyết phục của các hình thức dạy học lý luận chính trị, lôi cuốn người học tập trung chú ý vào hệ thống các khái niệm trừu tượng chính là sự gắn bó giữa lý luận và thực tiễn. Để giảng dạy các môn Lý luận chính trị cho sinh viên có hiệu quả, giảng viên cần phải thâm nhập sâu và bám sát vào thực tiễn, cập nhật thông tin, khai thác các nguồn tư liệu mới, các công trình nghiên cứu khoa học mới được công bố rộng rãi, đặc biệt phải bổ sung vào bài giảng những vấn đề thực tiễn có tính điển hình, phổ biến. Đồng thời, trong quá trình giảng dạy, từ những kiến thức lý luận, giảng viên cần hướng vào việc lý giải và làm sáng tỏ những vấn đề thực tiễn đã và đang diễn ra. Định kỳ cần tổ chức cho giảng viên có các chuyến đi học hỏi, trao đổi với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các tổ chức, có sự gắn kết mật thiết giữa nhà trường và các doanh nghiệp để thực sự hiểu rõ những gì mà thực tế đang cần, những khó khăn cần giải quyết. Tuy nhiên, điều kiện quyết định phụ thuộc vào chính bản thân từng giảng viên. Mỗi giảng viên cần nhận thức sâu sắc ý nghĩa, giá trị của thực tiễn phong phú sinh động, nỗ lực trau dồi tích cực nắm bắt được hơi thở của cuộc sống và phản ánh vào các hình thức dạy học từ đó sẽ tạo ra những tác động thực sự mạnh mẽ tới người học, tới phát triển tư duy của họ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
2. Vũ Ngọc Hoàng (2017). Khoa học chính trị, lịch sử nhất định phải đổi mới tư duy dạy và học. Truy cập tại: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/khoa-hoc-chinh-tri-lich-su-nhat-dinh-phai-doi-moi-tu-duy-day-va-hoc-post174962.gd?.
3. Nguyễn Việt Hùng, Nguyễn Thị Thúy Vân, Lê Thị Ngần (2019). Hiện trạng học tập lý luận chính trị của sinh viên tại Trường Đại học Tây Đô. Tạp chí Nghiên cứu Khoa học và Phát triển Kinh tế, Trường Đại học Tây Đô, Số 6.
4. Hoàng Minh Loan (2017). Phương pháp tạo hứng thú cho sinh viên khi học các học phần Lý luận chính trị. Tạp chí Lý luận Truyền thông, số 2.
5. Hồ Bá Thâm (1994). Bàn về năng lực tư duy. Tạp chí Triết học, số 2.
6. Trần Quốc Tuấn (2023). Đổi mới giảng dạy các môn lý luận chính trị ở trường đại học hiện nay. Tạp chí Quản lý nhà nước.
Developing the creative thinking of learners in teaching political theory subjects in universities
Master. Vu Thi Hien
University of Transport and Communications
Abstract:
This paper pointed out limitations in the process of teaching political theory. These limitations have negatively impacted learners’ development of creative thinking. The paper proposed some solutions, including building motivation and the right attitude towards learning, focusing on innovating the content and methods of teaching political theory to create interest and promote the active and proactive role of students, focusing on developing critical thinking and multidimensional thinking, improving language proficiency for learners, and closely linking theory and rich and vivid practice.
Keywords: thinking, creative thinking, students, teaching, political reasoning.