Trong một cuộc họp của Hội đồng Thương mại Hàng hóa của WTO diễn ra tại Thụy Sĩ vào ngày 9/4/2014, phái đoàn WTO của Philippines đã yêu cầu kéo dài thời hạn áp dụng QRs đối với việc nhập khẩu gạo vào Philippiens. Theo quy định QRs hiện tại, Philippines hiện chỉ cho phép nhập khẩu 350.000 tấn gạo hàng năm thuộc Khối lượng tiếp cận tối thiểu (MAV). Lượng gạo được nhập khẩu theo hạn ngạch thuộc MAV sẽ chịu mức mức thuế suất thuế nhập khẩu là 40%; trong khi, lượng gạo được nhập khẩu ngoài hạn ngạch sẽ phải chịu mức thuế suất thuế nhập khẩu là 50%.
Vào năm 1995, WTO đã cho phép Philippines để áp đặt một hệ thống hạn ngạch nhập khẩu gạo trong vòng 10 năm; tiếp đến năm 2004, WTO đã cho phép Philippines kéo dài thời hạn áp dụng hạn ngạch đến năm 2012. Kể từ năm 2012 đến nay, Philippines đã yêu cầu được áp dụng hạn ngạch cho đến năm 2017 nhằm bảo vệ nông dân canh tác lúa gạo trong nước.
Theo trang oryza.com, tính đến nay đã có Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam ủng hộ yêu cầu của Philippines; trong khi đó, Philippines vẫn đang tiếp tục đàm phán với Australia, Canada, Thái Lan và Mỹ.
Philippines hiện vẫn tiếp tục áp dụng các quy định QRs vốn đã hết hạn từ năm 2012. Các chuyên gia cho rằng việc áp dụng các quy định QRs này là vi phạm cam kết với WTO; một số chuyên gia cho rằng việc không áp dụng QRs sẽ giúp giảm giá gạo và đem lại lợi ích cho người tiêu dùng tại Philippines.
Trong một diễn biến liên quan đến việc Philippines mở thầu mua 800.000 tấn gạo bổ sung kho dự trữ trong những tháng giáp hạt, tờ báo Wall Street Journal (Mỹ) cho biết Philippines đã nhận được ít nhất 6 lời chào giá. Trong đó, Tổng Công ty Lương thực miền Nam (VINAFFOOD 2) đã đưa ra mức giá thấp nhất cho 4 lô hàng riêng biệt; cụ thể: 436,5 USD/tấn cho lô 200.000 tấn gạo trong tháng 5/2014, 437,75 USD/tấn cho lô 200.000 tấn gạo vào tháng 6/2014, 439,25 USD/tấn cho lô 200.000 tấn gạo vào tháng 7/2014 và 441,25 USD/tấn cho lô 200.000 tấn vào tháng 8/2014. Mức giá trung bình cho cả 4 lô đạt 438,69 USD/tấn.