Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Buộc thôi việc những cán bộ tiếp tay cho hành vi buôn lậu

Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị cần chú trọng quản lý đội ngũ cán bộ, công chức; xử lý, chỉ đạo xử lý kỷ luật, buộc thôi việc những cán bộ, công chức có hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả...

Đánh trúng, đánh đúng

Chiều 19/5/2020, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm phòng, chống Covid-19.

Thông tin về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2019, 4 tháng đầu năm 2020 và công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thủ đô, ông Lê Hồng Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội (Ban chỉ đạo) cho biết, năm 2019, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo đã tổ chức thanh, kiểm tra 33.529 vụ (giảm 1.306 vụ so với cùng kỳ năm 2018).

Riêng trong đợt cao điểm Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, các lực lượng chức năng đã thanh tra, kiểm tra và xử lý 9.428 vụ.

Đáng chú ý, trong công tác chống buôn lậu gian lận thương mại liên quan đến dịch Covid-19, tính đến ngày 18/5, các lực lượng chức năng đã thanh tra, kiểm tra 758 vụ, xử lý hành chính 318 vụ.

Trong đó, các cơ quan chức năng đã chuyển 4 hồ sơ vụ việc sang cơ quan công an để tiến hành điều tra theo quy định.

“Năm 2019, được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính Phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia... kết quả đấu tranh đã được nâng lên, đánh đúng, đánh trúng vào đường dây, ổ nhóm buôn lậu, hàng cấm, hàng giả với số lượng lớn”, Trưởng Ban chỉ đạo Lê Hồng Sơn khẳng định.

chống buôn lậu, gian lận thương mại
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo, điều hành Hội nghị, 

Đánh giá cao những kết quả của Ban chỉ đạo 389 Thành phố trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực. Các lực lượng chức năng đã tiến công vào nhiều điểm nóng, đường dây, ổ nhóm về hàng giả, hàng lậu lớn mà trước đây chưa bao giờ làm được.

Đây là một tín hiệu tích cực, thể hiện sự chuyển biến lớn, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhận định và cho rằng, công tác này vẫn còn nhiều hạn chế, kẽ hở khiến cho hàng trôi nổi, kém chất lượng vẫn bày bán công khai trên thị trường và trên cả các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, cùng với đó, nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng, liên tỉnh cũng xảy ra...

Do đó, Thứ trưởng đề nghị, trong thời gian tới, các lực lượng chức năng cần thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin nhanh, chính xác; tăng cường phối hợp đồng bộ, từ đó đưa ra các giải pháp quyết liệt, toàn diện và thực chất hơn. Việc trinh sát, điều tra những đường dây, ổ nhóm buôn lậu lớn có sự phối hợp của các lực lượng là điều rất quan trọng.

“Nếu sự phối này trùng xuống, hoặc chưa tốt thì hiệu quả của công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả sẽ không đạt được như mong muốn”, Thứ trưởng lưu ý.

chống buôn lậu, gian lận thương mại
Nhiều đại biểu kiến nghị, một số quy phạm pháp luật trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại chưa phù hợp với thực tế và là kẽ hở để các đối tượng lợi dụng tăng giá, trục lợi bất chính từ trong dịch Covid-19

Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội Chu Xuân Kiên và các đại biểu đều có chung phản ánh, một số quy phạm pháp luật chưa phù hợp với thực tế. Đây là kẽ hở để các đối tượng lợi dụng tăng giá, trục lợi bất chính từ trong dịch Covid-19, nhất là đối với mặt hàng khẩu trang.

“Khẩu trang y tế không thuộc danh mục hàng hóa nhà nước quản lý giá nên lực lượng chức năng rất khó xử lý hành vi định giá mua, bán bất hợp lý. Mặt khác, quy định pháp luật không đủ căn cứ để khởi tố hình sự đối với hành vi đầu cơ kinh doanh mặt hàng khẩu trang”, Cục trưởng Chu Xuân Kiên chia sẻ.

Trả lời kiến nghị này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An chia sẻ, đây là "nhu cầu tự thân" của lực lượng quản lý thị trường qua hơn 120 ngày phòng, chống dịch Covid-19. 

Để ngăn chặn hành vi trục lợi bất chính từ mặt hàng khẩu trang, nước sát khuẩn, Thứ trưởng cho rằng, lực lượng chức năng liên ngành phải kiểm tra sát việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, cùng với đó, việc thanh tra của Tổng cục Thuế đối với các doanh nghiệp rất quan trọng.

"Khi chúng ta kiểm soát được đầu vào, đầu ra của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch thì những hành vi găm hàng, trục lợi bất chính sẽ được ngăn chặn hiệu quả", Thứ trưởng Đặng Hoàng An nêu quan điểm.

Quy trách nhiệm cho người đứng đầu

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu thủ trưởng các đơn vị chức năng, chủ tịch UBND các cấp phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra công khai, thường xuyên trên địa bàn, có cán bộ, công chức tiêu cực, vi phạm pháp luật.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đặc biệt nhấn mạnh đến nguyên nhân chủ yếu vẫn là yếu tố con người. Thực tế cho thấy, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở một số đơn vị, địa phương chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt, có lúc, có nơi buông lỏng, thiếu kiểm tra, đôn đốc, các lực lượng chức năng chưa làm hết trách nhiệm.

Do vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị cần chú trọng quản lý đội ngũ cán bộ, công chức; xử lý, chỉ đạo xử lý kỷ luật, buộc thôi việc những cán bộ, công chức có hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; thực hiện việc luân chuyển cán bộ, công chức theo đúng quy định.

chống buôn lậu, gian lận thương mại
Để công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại đạt hiệu quả hơn nữa, Phó Thủ tướng yêu cầu Ban chỉ đạo 389 TP Hà Nội chú trọng quản lý đội ngũ cán bộ, công chức; xử lý, chỉ đạo xử lý kỷ luật những cán bộ vi phạm, tiếp tay cho hành vi buôn lậu

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng giao Ban Chỉ đạo 389 thành phố tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng các địa phương khác, nhất là các tỉnh biên giới trọng điểm, ngăn chặn kịp thời các hoạt động vận chuyển hàng nhập lậu từ biên giới, cửa khẩu về Hà Nội để tiêu thụ, phân phối, tập trung vào cả 3 tuyến đường sắt, đường bộ và đường hàng không. Đồng thời, xác lập các chuyên án triệt phá các tụ điểm tàng trữ, tập kết, trung chuyển hàng nhập lậu, hàng giả trên địa bàn thành phố.

Mặt khác, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, việc kiểm tra, kiểm soát thị trường phải gắn liền với mục tiêu ổn định, lành mạnh thị trường, không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hợp pháp của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh làm ăn chân chính.

"Chú trọng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; hướng dẫn doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, sản xuất, chất lượng hàng hóa và trách nhiệm đối với công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả", Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

 

Hạ An