Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, tới hết tháng 6/2019, cả nước đã có 5.458 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM), chiếm 50,1% tổng số xã trên toàn quốc, hoàn thành trước yêu cầu của Nghị quyết Quốc hội và Chính phủ tới 18 tháng (hết năm 2020 cả nước có 50% tổng số xã, đạt chuẩn NTM).
Về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Quân cho biết, trong năm nay hộ nghèo dự kiến sẽ giảm xuống còn 4,5%, đạt yêu cầu của Quốc hội. Tuy nhiên, tỷ lệ giảm nghèo chưa bền vững, vì ngoài tỷ lệ tái nghèo thì tỷ lệ phát sinh hộ nghèo cao, lên tới 17,8% trong năm 2018. Chệnh lệch giàu nghèo chưa chuyển biến: Năm 2014 khoảng cách thu nhập giữa hộ giàu và nghèo là 9,7 lần, mà năm 2018 đã tăng lên 10 lần.
Nguyên nhân là do điều kiện tự nhiên, thiên nhiên khác nhau và phức tạp, nên giải pháp thoát nghèo gắn với sinh kế bền vững chưa hiệu quả. Cũng theo ông Lê Quân, khả năng tiếp cận dịch vụ và thị trường của hộ nghèo chưa lớn. Ví dụ chính sách BHYT có độ phủ cao, nhưng khâu chi, phát thuốc, chữa bệnh thì rất thấp.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, trước đây, bà con hộ nghèo đi khám chữa bệnh thực hiện theo Quyết định số 139 của Thủ tướng thì họ được hỗ trợ khám chữa bệnh và phương tiện đi lại và có thể hỗ trợ cho thân nhân chăm lo. Nhưng khi chuyển sang thực hiện thống nhất theo BHYT thì những hỗ trợ này không được thực hiện.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trường Sơn, Bộ Y tế đang triển khai sáp nhập trung tâm y tế cấp huyện, trạm xá cấp xã sẽ được tăng cường cơ sở vật chất và tủ thuốc ở cấp xã tương đương tủ thuốc ở trung tâm y tế huyện, từ đó sẽ giúp người dân tiếp cận y tế dễ hơn, nhất là địa phương khó khăn.
Còn Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Thành Thống cũng cho biết, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của các Chương trình mục tiêu quốc gia vẫn chậm, mới được 23% kế hoạch năm 2019, và không đồng đều cho cả nước.
Ông Trần Thanh Nam cho biết, tiến độ giải ngân vốn đầu tư chậm là do thủ tục giao vốn chậm, năng lực ban quản lý dự án ở địa phương yếu. Tuy nhiên, các công trình NTM nhỏ nên các địa phương đều khẳng định sẽ giải ngân xong vào cuối năm nay.
Đồng tình với đánh giá, nhận định của lãnh đạo các địa phương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo cũng cho biết thêm: Tỷ lệ các xã thôn bản thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn rất thấp, mới có 44/292 xã, nhiều khả năng không đạt mục tiêu đề ra cho năm 2019-2020, cũng như chưa thể xóa hộ nghèo là người có công trong năm 2019 và vướng mắc trong thực hiện cơ chế đặt hàng xây dựng mô hình giảm nghèo.
Phó Thủ tướng cũng phê phán vấn đề giải ngân chậm trong 2 chương trình mục tiêu quốc gia cũng gây cản trở tới ý nghĩa an sinh xã hội rất lớn của chương trình tới người dân, nhất là ở các vùng khó khăn; đồng thời đề nghị các bộ, ngành và địa phương quyết liệt giải quyết những tồn tại này.
Để triển khai các nhiệm vụ, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT tập trung làm tốt Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia tại tỉnh Nam Định, gắn với tổng kết nghị quyết của, Trung ương, Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tập thể, sắp xếp công ty nông lâm nghiệp, đề xuất tới Chính phủ, Trung ương các phương hướng triển khai trong giai đoạn tới.
Bộ LĐTB&XH nhanh chóng sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và đánh giá thực hiện chuẩn nghèo đa chiều, làm cơ sở thực hiện trong 5 năm tới, đặc biệt là làm rõ chuẩn nghèo đối với trẻ em; sớm trình Ban Chỉ đạo kế hoạch tổ chức Ngày Quốc tế chống đói nghèo, Ngày Vì người nghèo Việt Nam năm 2019, cũng như các chương trình an sinh xã hội khác.
Bộ KH&ĐT kiểm tra, đôn đốc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công liên quan tới 2 chương trình này. Bộ Tài chính chủ trì hối hợp với các bộ báo cáo Thủ tướng giải quyết nguồn khen thưởng cho các tỉnh có kết quả cao trong NTM giai đoạn 2011-2015.
Các bộ NN&PTNT, LĐTB&XH cùng với Bộ Tài chính, KH&ĐT hướng dẫn các địa phương sớm tổng hợp thông tin để báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo nhu cầu, kế hoạch, kinh phí triển khai 2 chương trình mục tiêu quốc gia trong kế hoạch tài chính, ngân sách và đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Phó Thủ tướng yêu cầu NHNN chủ trì, chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với các bộ, ngành đề xuất khung khổ thế chế về tín dụng chính sách từ nay đến năm 2020 và 5 năm tiếp theo, nâng tỷ lệ tăng trưởng tính dụng cho 2 chương trình mục tiêu quốc gia trên nguyên tắc không làm tăng cấp bù, mà cơ bản trên cơ sở huy động tín dụng xã hội, quay vòng vốn.