Phùng Tuấn Hà: Người thay đổi tư duy làm việc tại PETROSETCO

Tháng 8/2009, nghe tin Phùng Tuấn Hà đang từ Phó tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, sang nhận trọng trách làm Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (PETROSETCO), tôi có đôi

Đất dưỡng người làm


TGĐ Phùng Tuấn Hà

“Cám cảnh” thay  không phải vì ở thời điểm ấy, trong gần 30 đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PETROSETCO được xem là “đứa con nghèo khó” nhất, mà chủ yếu do PETROSETCO có số lượng nhân viên đông, tới gần 3.000 người, thu nhập thấp, hướng phát triển gần như không có và đang mấp mé trên bờ giải thể. Kinh nghiệm làm báo trên 10 năm của tôi cho thấy, ở những đơn vị như thế thường rất phức tạp. Trong khi đó, trong con mắt của tôi, Phùng Tuấn Hà thuộc tuýp người trẻ trung, năng động và đẫm chất phong trần mà cánh nhà báo chúng tôi thường nói vui là “phủi”. Với một tính cách phóng khoáng, liệu anh có trụ nổi ở một đơn vị có điểm xuất phát thấp, lại phức tạp như vậy không?

Nhưng cuộc sống là một dòng chảy lớn, cái sự “cám cảnh” thay cho anh cũng chỉ thoáng qua đi trong tôi, nhường chỗ cho sự bận rộn mưu sinh trên dòng đời xuôi ngược. Bẵng đi đến hơn một năm, khi tới dự lễ trao giải thưởng Sao Vàng Đất Việt năm 2010, tôi hết sức ngỡ ngàng khi thương hiệu PETROSETCO được xướng tên ở vị trí 23 thuộc Top 50 doanh nghiệp đầu tiên đạt giải thưởng uy tín chất lượng này. Điều gì đã khiến cho PETROSETCO đã có sự  lột xác nhanh đến vậy?

Sau này, khi gặp được anh, tôi cũng lặp lại câu hỏi đó. Anh đưa hai ngón trỏ khoanh thành một hình tròn và nói ngắn gọn: con người. Hồi mới về nhậm chức, Phùng Tuấn Hà phải đối mặt ngay với cách tư duy bao cấp. Nghĩa là, có công việc thì làm, có khách hàng thì phục vụ, không có thì… ngồi chờ. Anh bảo, là công ty dịch vụ mà tư duy như thế thì chết rồi!

TGĐ Phùng Tuấn Hà tại Lễ ký kết giữa Petrosetco với Samsung

Thay đổi tư duy là việc phải làm và phải thay đổi một cách đột biến mới thích ứng được với thị trường đang ở trong giai đoạn cạnh tranh rất quyết liệt. Vì vậy ngay khi ngồi vào vị trí điều hành, anh truyền xuống cho toàn bộ nhân viên PETROSETCO tư duy làm việc mới, đó là tư duy phục vụ theo phong cách “tận tay, tận tâm”, đến độ gây dựng được sự tin yêu của khách hàng. Nhưng Phùng Tuấn Hà biết rằng, anh chỉ có thể truyền đạt tinh thần chung là sự hứng khởi làm việc chứ không thể phân thân đứng cạnh gần 3.000 con người, thúc giục họ hàng ngày, hàng giờ. Nên anh sử dụng công cụ quản lý là phân công công việc một cách cụ thể, chi tiết; qua đó gắn trách nhiệm và thu nhập cho từng vị trí lao động một cách công bằng. Với công cụ quản lý này, mỗi người sẽ buộc phải năng động trong phạm vi của mình để đưa ra cách phục vụ tốt nhất, vì sự hài lòng của khách hàng tỷ lệ thuận với thu nhập của chính họ.

Phương thức quản lý “gắn trách nhiệm và thu nhập cho từng vị trí lao động” cũng là mảnh đất mầu mỡ thu hút người tài về PETROSETCO. Anh cho rằng, môi trường làm việc mới là điểm thu hút, giữ chân những người tài năng có tâm huyết; PETROSETCO là mảnh đất dưỡng người năng động tìm việc làm, không dưỡng người chờ việc. Ở PETROSETCO, những người dốc hết tâm sức cho công việc luôn được ban lãnh đạo trân trọng, tạo điều kiện để họ cống hiến, thể hiện mình. Thành công của PETROSETCO có lẽ một phần cũng từ ở đó.

Niềm tin tự bên trong

Tháng 4/2011, ca khúc “Sẽ mãi yêu anh” của Phùng Tuấn Hà do ca sỹ Ngọc Anh thể hiện đã đoạt giải Album vàng của Chương trình Bài hát Việt. Tôi gọi điện thoại vào chúc mừng, anh cho biết, anh viết bài hát này không phải để kì vọng đạt được giải thưởng gì. Sau một hồi chuyện vãn, anh bảo, nói cho cùng đó cũng là cách làm thương hiệu.

Sở dĩ Phùng Tuấn Hà nói đến chuyện thương hiệu là vì bấy lâu nay, tôi hay “truy” anh về việc một công ty dịch vụ tổng hợp như PETROSETCO thì xây dựng thương hiệu bằng cách nào? Tôi nhớ, rất nhiều lần anh khẳng định, một doanh nghiệp có thực lực, có tiềm năng nhưng không biết cách làm thương hiệu, không biết cách quảng bá giới thiệu mình với thị trường, với các đối tác và với cộng đồng công chúng thì thật khó để thành công. Đối với nghề dịch vụ thì việc quảng bá thương hiệu lại càng trở nên cần thiết hơn bất cứ ngành nghề nào, bởi lẽ có quảng bá thì mọi người mới biết đến mình mà sử dụng dịch vụ của mình.

Lễ khởi động dự án giữa Petrosetco với SSG GROUP

Nhưng tôi vẫn thắc mắc, không hiểu giữa việc sáng tác bài hát với việc xây dựng thương hiệu PETROSETCO có mối liên hệ gì với nhau? Phùng Tuấn Hà giải thích, làm thương hiệu có vô vàn lối đi, song tựu trung lại cũng chỉ để khách hàng biết tới và làm cho tốt để họ đặt niềm tin vào công ty mình. Có một thực tế thế này, niềm tin trước hết phải bắt nguồn từ bên trong. Nếu mỗi nhân viên PETROSETCO không tự tin vào chất lượng dịch vụ mình làm ra, thì làm sao có thể thuyết phục khách hàng đặt niềm tin vào mình? Vì thế, bên cạnh việc đưa ra một cơ chế khiến mọi người chăm chút hết lòng trong từng phần việc của mình thì anh viết bài hát nhằm động viên, khích lệ những người lao động PETROSETCO. Bởi vì làm ở đâu thì người lao động cũng cần tự hào về công việc của họ, công ty của họ.

Nghe anh nói, tôi mới chợt nhớ, khi gọi điện thoại đến bất kỳ một nhân viên PETROSETCO nào, đều được nghe đoạn nhạc chờ bài hát “PETROSETCO, chặng đường vinh quang” của Phùng Tuấn Hà: “Nụ cười luôn trên môi/Sẽ mang đến niềm tin cho mọi người… /Chung tay xây ước mơ/cho một ngày mai tươi sáng/ Và ta đi bên nhau/PETROSETCO ngày nay/Vượt qua bao gian khó…/Rạng rỡ những khuôn mặt thân quen/Luôn luôn tận tay tận tâm/Cho bao mơ ước thành hiện thực/Cùng đón tương lai rạng ngời…”. Những bài hát mà anh sáng tác đã truyền được “lửa” cho nhân viên và nhắc nhở họ cùng nhau đoàn kết, xây dựng một PETROSETCO đủ tự tin, đi những bước dài hơn, xa hơn trên thị trường thương mại dịch vụ ở Việt Nam

Có lẽ, niềm tin rạng rỡ, tỏa ra tự bên trong mỗi nhân viên mà Phùng Tuấn Hà truyền tới đã mang đến cho PETROSETCO một luồng sinh khí mới, với tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; tạo ra một hình ảnh ngày càng gần gũi, thân thiết với cộng đồng, khiến cho khách hàng đặt trọn niềm tin vào PETROSETCO. Niềm tin mà khách hàng đặt vào đã mang đến cho PETROSETCO sự tăng trưởng ấn tượng. So với năm 2008, doanh thu năm 2013 tăng gấp 2,2 lần, lợi nhuận trước thuế tăng 3,2 lần; thu nhập bình quân đạt 12,4 triệu đồng, tăng gấp 2 lần…

“Không sóng to, không là biển”

Đầu năm 2009, khi giới thiệu tôi làm quen với Phùng Tuấn Hà, một đồng nghiệp của tôi bảo, Hà nghệ sỹ lắm đó. Tôi nghe thì biết vậy. Đến khi chơi với nhau lâu rồi, tôi hiểu Phùng Tuấn Hà có tính nghệ sỹ thôi, còn về bản chất, anh lại đậm chất một doanh nhân, ít nhất là kể từ khi anh về nhậm chức ở PETROSETCO.

Nếu mọi người để ý sẽ thấy, dù là tham dự lễ ra mắt Samsung Galaxy S4 tại Quảng trường Thời đại, New York, khai mạc các giải thể thao, hay khởi động các dự án mà PETROSETCO góp vốn, Phùng Tuấn Hà bao giờ cũng xuất hiện với bộ cánh chau chuốt nhất. Giờ thì tôi đã hiểu, bộ cánh đẹp (phải nói thêm là sành điệu nữa) với anh, không phải để khoe cái mẽ ngoài vốn đã rất hotmen, mà chủ yếu là để phục vụ cho hình ảnh PETROSETCO mà anh là người đại diện. Phùng Tuấn Hà còn cho thiết kế nội thất văn phòng, đồng phục của nhân viên thật đẹp. Anh bảo, làm dịch vụ thì khó đạt được mức độ hài lòng tuyệt đối của khách hàng, nhưng cơ bản phải đạt được đại đa số. Do đó ngoài chất lượng dịch vụ, về mặt hình thức tại nơi làm việc, cũng như của người lao động PETROSETCO cũng phải được chú trọng, chăm chút để làm sao khách hàng hài lòng ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên.

Ngay cả lúc nghệ sỹ nhất - sáng tác bài hát - anh cũng gửi gắm vào đó những triết lý của một doanh nhân. Mở đầu bài hát Sẽ mãi yêu anh, Phùng Tuấn Hà viết: “Ngày tôi chưa ra biển bao giờ/tôi ngỡ biển xanh màu xanh yên bình…/Ngày nay tôi ra biển rồi/biển cồn cào ngàn con sóng lớn…/Nhưng tôi biết, không gió lớn, không sóng to, không là biển…”

Nếu diễn dịch ý bài hát trên sang lĩnh vực kinh doanh thì nó sẽ thế này: Không có cạnh tranh quyết liệt, đâu còn gọi là thị trường! Ý bài hát thể hiện rất rõ bản lĩnh sắt đá của một doanh nhân sẵn sàng cho một cuộc chơi trong môi trường kinh doanh khắc nghiệt.

Bản lĩnh này được Phùng Tuấn Hà thể hiện ngay từ khi chân ướt chân ráo đến PETROSETCO. Có lẽ hiếm doanh nhân nào ngay khi mới về nhậm chức đã dám quyết thay đổi tận gốc rễ cơ cấu hoạt động của đơn vị như anh. Suốt trong những năm 2009, 2010, 2011, anh đã quyết liệt thúc đẩy PETROSETCO tái cấu trúc nhiều lần, Chỉ để những dịch vụ nào có thế mạnh, có đủ sức cạnh tranh; còn những dịch vụ không đủ sức tồn tại, qua một thời gian nâng cấp, cải thiện không được, Petrosetco cũng mạnh dạn cho sáp nhập hoặc giải thể.

Có thể nói, ngay từ đầu Phùng Tuấn Hà đã xác định và kiên trì phát triển PETROSETCO thành một tổng công ty kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực. Cho đến nay, mảng dịch vụ nào của PETROSETCO cũng thuộc top dẫn đầu cả, từ phân phối điện thoại di động, máy tính xách tay, các thiết bị linh kiện điện tử, viễn thông và các thiết bị ngoại vi; phân phối vật tư, thiết bị chuyên ngành dầu khí; dịch vụ logistics dầu khí cho đến cung cấp suất ăn công nghiệp….

Sự dẫn đầu trong các mảng dịch vụ của PETROSETCO nhiều năm qua, có một phần đóng góp từ nhãn quan kinh doanh thực tế của Phùng Tuấn Hà. Anh bảo, PETROSETCO đặt mục tiêu trở thành “sự lựa chọn số 1” chứ không phải là “số1” trong ngành dịch vụ. Nói rồi anh giải thích: Có thể những nhà cung cấp dịch vụ kia có những cái vượt trội hơn PETROSETCO, nhưng ở PETROSETCO lại có những điểm để khách hàng thấy phù hợp, yêu thích, tin tưởng, và khi đó, PETROSETCO vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của khách hàng. Đây cũng là kim chỉ nam cho mỗi một thành viên PETROSETCO dù làm việc ở bất kỳ vị trí nào thì cũng phải cố gắng hết sức để có thể đạt được đến mục tiêu đó.


Lê Hằng