Vừa bắt tay vào hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ 1/7/2018, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) đã phải đối mặt với vấn đề muôn thuở với bất cứ nhà đầu tư nào: giá USD tăng.
Hôm nay 19/7 trên thị trường ngân hàng, các nhà băng đều niêm yết phổ biến ở mức trên 23.000 đồng mua vào và bán ra, tức là ngưỡng 23.000 đồng đã duy trì được gần 3 tuần, kể từ ngày 3/7 tới nay. Giá USD tăng, doanh nghiệp nào cũng sợ, nhưng với PV Power, nhà sản xuất điện lớn thứ 2 cả nước sau EVN, gần như mọi khâu trong đầu tư sản xuất điện đều phải sử dụng đến đồng bạc xanh. Từ nhập khẩu máy móc, nhập khẩu thiết bị đến thuê tư vấn, giám sát, thuê kỹ sư vận hành. Không những thế, PV Power vừa được Thủ tướng đồng ý giao làm chủ đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4. Cả hai dự án này đều sử dụng nguồn khí nhập khẩu mà không phải là khí thiên nhiên, dự kiến triển khai trong 2, 3 năm với tổng mức đầu tư từ 1,4 -1,5 tỷ USD trong giai đoạn 2018 - 2024.
Như thế, nhìn trên tổng thể, Công ty luôn có nhu cầu ngoại tệ để trả nợ vay đối với các khoản vay vốn đầu tư nhà máy điện, trong khi đó, nguồn thu từ bán điện chủ yếu thu bằng VNĐ, vậy PV Power đối mặt với vấn đề này như thế nào?
Tuy nhiên, tại Đại hội cổ đông lần thứ nhất vừa qua, các cổ đông dường như đã yên tâm hơn khi biết tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu đối với các nhà máy điện của PV Power tới thời điểm 30/06/2018 là 44% vốn vay, 56% vốn chủ sở hữu. Với cơ cấu vốn vay này, PV Power được nhiều Công ty chứng khoán đánh giá khá tốt. Các chuyên gia Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) nhận định rằng, từ nay đến cuối năm, chính sách của Ngân hàng Nhà nước sẽ điều tiết, thậm chí trong trường hợp khẩn cấp sẽ trực tiếp can thiệp để tỉ giá VND/USD chỉ tăng nhẹ, khoảng từ 1-1,5% nhằm cân đối hai mục tiêu là ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ xuất khẩu.
Theo phân tích của Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), PV Power có dòng tiền khoảng 300 triệu USD/năm, đủ để tài trợ các dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4, mà vẫn giữ được cơ cấu tỷ lệ vốn vay thấp hơn vốn chủ sở hữu.
Cũng tại Đại hội cổ đông lần thứ nhất, PV Power đã trình ra trước cổ đông kế hoạch lợi nhuận trước thuế Công ty mẹ ước đạt 878 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ ước đạt 800 tỷ đồng đã bao gồm dự báo tỷ giá tăng 2%. Như vậy, nếu đến cuối năm 2018 tỷ giá tăng 1% so với tỷ giá tại thời điểm 1/7/2018 thì lợi nhuận vẫn nằm trong tính toán của PV Power, trường hợp tỷ giá tăng 1,5% so với tỷ giá tại 1/7/2018 thì chênh lệch tỉ giá là khoảng 44,2, chỉ chiếm 5% kế hoạch lợi nhuận của PV Power.