Tại Quyết định 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã xác định Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) giữ vị trí quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia, trong đó chịu trách nhiệm chính trong phát triển nguồn điện để cung ứng cho cả nước.
Dòng khí đầu tiên được vận chuyển về bờ cho phát điện tại khu vực Đông Nam Bộ vào năm 1995, đây cũng là bước khởi đầu cho hợp tác Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong lĩnh vực khí. Năm 2007, nhà máy điện Cà Mau 1 đi vào hoạt động, đánh dấu hơn nữa bước phát triển, hợp tác của Tập đoàn Điện lực Viêt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong lĩnh vực Khí - Điện. Tính đến nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã cung cấp được hơn 122 tỷ m3 khí, trong đó gần 94% cho phát điện; tổng sản lượng điện phát lên lưới là 154,9 tỷ kWh với tổng công suất đặt của các nhà máy điện là 4.208 MW. Xuất phát từ lợi ích chung của hai Tập đoàn, trong suốt thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, của Chính phủ, sự phối hợp, hợp tác giữa hai Tập đoàn được thực hiện tốt, đảm bảo mục tiêu chính trị chung về các vấn đề liên quan đến năng lượng nói chung và khí - điện nói riêng.
Theo thống kê, tổng công suất đặt các nguồn điện trên toàn hệ thống điện Việt Nam khoảng 45.700MW đứng thứ 2 khu vực ASEAN và đứng thứ 29 trên toàn thế giới, trong đó PVN có 7 nhà máy điện lớn đang vận hành trong hệ thống điện quốc gia (trong đó có 5 nhà máy điện đang trực tiếp tham gia thị trường phát điện cạnh tranh). Tổng sản lượng phát điện của các nhà máy của PVN trong năm 2017 khoảng 21,2 tỷ kWh, chiếm 10,7 % tổng sản lượng toàn hệ thống (198,32 tỷ kWh).
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã cùng đánh giá các mặt hoạt động phối hợp giữa 2 Tập đoàn cùng các đơn vị thành viên trong thời gian qua. Đồng thời, tập trung trao đổi, đưa ra các kiến nghị về các vấn đề lớn cần phải triển khai trong thời gian tới như tình hình cung cấp khí phục vụ phát điện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; dự kiến các nguồn cung khí mới; tình hình đầu tư, triển khai và tiến độ của các dự án điện; việc thực hiện các hợp đồng mua bán điện (PPA), hợp đồng mua bán khí (GSA) đã ký…
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam Dương Quang Thành đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục đảm bảo vận hành, an toàn ổn định các nhà máy điện hiện hữu, đồng thời ưu tiên, tạo mọi điều kiện để đảm bảo khả năng cung cấp khí cho phát điện ở mức cao nhất cũng như có giải pháp cụ thể để tìm kiếm các nguồn khí với giá hợp lý để thay thế, bổ sung, đảm bảo cung cấp khí cho phát điện. Về các dự án nhà máy điện đang triển khai của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam Dương Quang Thành cũng mong muốn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục có những chỉ đạo kịp thời để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nguồn điện mới, đáp ứng yêu cầu vận hành theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Thay mặt lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Trần Sỹ Thanh đánh giá cao sự hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong suốt thời gian qua, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia. Đồng chí Trần Sỹ Thanh cũng nhất trí với những ý kiến, kiến nghị của lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và cam kết Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cùng các đơn vị thành viên sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ, phối hợp, có những hỗ trợ kịp thời với Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong các lĩnh vực hoạt động. Đồng thời, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Trần Sỹ Thanh đề nghị xây dựng quy chế hợp tác toàn diện giữa hai Tập đoàn để việc phối hợp chỉ đạo, thực hiện công việc được nhanh chóng, thuận tiện, đảm bảo lợi ích cho các bên tham gia.