TÓM TẮT:
Phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) ở nước ta là một trong những vấn đề được Đảng, nhà nước và các nhà khoa học quan tâm. Cho đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu đề cập về tính tất yếu khách quan của KTTN, vai trò, vị trí, những giải pháp phát triển KTTN trong quá trình phát triển kinh tế. Trong phạm vi bài viết này, nhóm tác giả sẽ trình bày những vấn đề liên quan đến quan điểm, nội dung và các chỉ tiêu phát triển KTTN ở Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế xã hội.
Từ khóa: kinh tế tư nhân, phát triển kinh tế, kinh tế xã hội.
1. Quan điểm về phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam
Hiện nay, Việt Nam đang trong thời kỳ đổi mới và phát triển kinh tế, với mục tiêu sớm đưa đất nước nhanh chóng hội nhập chung vào nền kinh tế toàn cầu. Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) thực hiện phát triển kinh tế nhiều thành phần, kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo có sự điều tiết của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế (TPKT) khác có cơ hội phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Sự phát triển KTTN tại Việt Nam gắn liền với những thay đổi tư duy về vai trò của khu vực kinh tế này trong nền kinh tế, từ việc chỉ coi là một TPKT khi tiến trình “Đổi mới” bắt đầu, cho đến việc coi KTTN là một động lực kinh tế (Đại hội XI) và là một động lực quan trọng của nền kinh tế (Đại hội XII). Chính quá trình “cởi trói” này đã giải phóng sức sản xuất của KTTN và tạo điều kiện cho KTTN đóng góp tích cực vào tiến trình phát triển kinh tế quốc gia.
Qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, có thể thấy rằng, KTTN đã có những đóng góp tích cực cho xã hội về mọi mặt, như: huy động các nguồn vốn trong xã hội tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách nhà nước, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển thể chế kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN và góp phần đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Trong quá trình đổi mới đó, nhận thức của ĐCSVN về vị trí, vai trò của các TPKT, đặc biệt là KTTN đã có sự thay đổi căn bản so với trước đây. Thực tế cho thấy, KTTN ngày càng chứng tỏ vai trò của nó, trở thành một đối chứng hiện thực năng động để các khu vực kinh tế khác phấn đấu vươn lên, tự đổi mới, tự hoàn thiện và nâng cao hiệu quả trong nền KTTT. KTTN được coi là một trong những bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, được đối xử và hoạt động bình đẳng như các khu vực kinh tế khác. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc (ĐHĐBTQ) lần thứ X, ĐCSVN khẳng định rằng, “KTTN có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế” (ĐCSVN, 2006, tr. 83).
Trong thực tiễn xây dựng đất nước, trước năm 1986, do điều kiện lịch sử, KTTN không có một quá trình phát triển xuyên suốt, nhưng vẫn tồn tại. Cụ thể có thể thấy: Nghị quyết Bộ Chính trị, tháng 9/1954, ghi rõ: “Công thương nghiệp tư nhân nhất luật được bảo hộ... Phải làm cho các xí nghiệp công và tư hiện có được tiếp tục kinh doanh”. Kết quả là trong thương nghiệp, khu vực tư nhân chiếm tỷ trọng áp đảo. Cuối những năm 1970, trước tình hình khủng hoảng kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân rất khó khăn, Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (Khóa IV), tháng 9/1979, chủ trương cho sản xuất bung ra và sử dụng đúng mức các thành phần kinh tế. ĐHĐBTQ lần thứ V của ĐCSVN, tháng 3/1982, tiếp tục khẳng định chủ trương trên.
Thực hiện đường lối “Đổi mới”, kể từ năm 1986, thành phần KTTN được công khai thừa nhận. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc đổi mới tư duy kinh tế của ĐCSVN. Về mặt lý luận cũng như thực tiễn, KTTN tồn tại trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là khách quan, lâu dài và cần thiết. Trong quá trình đổi mới, có thể thấy, cách nhìn nhận về KTTN qua các giai đoạn từ thấp đến cao, cụ thể như sau:
- Giai đoạn từ năm 1986 đến năm 1990
Đây là giai đoạn khởi đầu của công cuộc đổi mới, chủ yếu đổi mới về công tác quản lý trong nông nghiệp. “Khoán 10” trong nông nghiệp đã làm nức lòng người nông dân cả nước, làm cho sản xuất nông nghiệp phát triển, nước ta từ chỗ thiếu lương thực trở thành quốc gia xuất khẩu gạo.
Văn kiện ĐHĐBTQ lần thứ VI xác định nền kinh tế có cơ cấu nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ và nêu rõ: “Ở nước ta, các thành phần đó là:
Kinh tế XHCN bao gồm khu vực quốc doanh và khu vực tập thể, cùng với các bộ phận kinh tế gia đình gắn liền với các thành phần đó.
Các TPKT khác gồm: kinh tế tiểu sản xuất hàng hóa (thợ thủ công, nông dân cá thể, những người buôn bán và kinh doanh dịch vụ cá thể); kinh tế tư bản tư nhân; kinh tế tư bản nhà nước dưới nhiều hình thức, mà hình thức cao là công tư hợp doanh; kinh tế tự nhiên, tự cấp, tự túc trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và các vùng núi cao khác” (ĐCSVN, 2006, tr. 57-58).
- Giai đoạn từ năm 1991 đến năm 1999
Đây là giai đoạn ĐCSVN từng bước khẳng định mô hình kinh tế ở nước ta, tại ĐHĐBTQ lần thứ VII, ĐCSVN lần đầu tiên nêu rõ quan điểm, nền kinh tế nước ta là “nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội nêu rõ, nền kinh tế nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội gồm 5 thành phần, gồm: (i) kinh tế quốc doanh có vai trò chủ đạo; (ii) kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và mở rộng; (iii) kinh tế cá thể còn có phạm vi tương đối lớn, từng bước đi vào con đường làm ăn hợp tác trên nguyên tắc tự nguyện, dân chủ và cùng có lợi; (iv) tư bản tư nhân được kinh doanh trong những ngành có lợi cho quốc kế dân sinh do luật pháp quy định; (v) phát triển kinh tế tư bản nhà nước dưới nhiều hình thức (ĐCSVN, 1991, tr.11). Như vậy, về mặt quản lý, ĐCSVN chủ trương Nhà nước quản lý kinh tế hướng vào mục đích nhằm định hướng dẫn dắt các thành phần kinh tế phát triển đúng định hướng XHCN. Đây là một sự chuyển biến lớn về chất trong quản lý nền kinh tế của Nhà nước mà điều đó đã được thể chế hóa trong Hiến pháp năm 1992, Điều 21 quy định: “Cho phép các công dân được tự do kinh doanh theo pháp luật, không hạn chế về quy mô, vốn và số lao động sử dụng, hoạt động nhiều ngành nghề có lợi cho quốc kế dân sinh”.
Văn kiện ĐHĐBTQ lần thứ VII nêu: “KTTN được phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, theo sự quản lý, hướng dẫn của Nhà nước; trong đó, kinh tế cá the tieu chủ có phạm vi hoạt động tương đối rộng ở những nơi chưa có điều kiện tổ chức kinh tế tập thể, hướng kinh tế tư bản tư nhân phát triển theo con đường tư bản nhà nước dưới nhiều hình thức” (ĐCSVN, 1991, tr.69). Sau đó, trong Hội nghị Trung ương lần thứ hai (Khóa VII) tiếp tục khẳng định: Phát triển kinh tế hộ cá thể, tư nhân trong nông nghiệp là một chính sách nhất quán, lâu dài trong thời kỳ quá độ.
Văn kiện ĐHĐBTQ lần thứ VIII viết: “Kinh tế cá thể, tiểu chủ có vị trí quan trọng lâu dài. Giúp đỡ kinh tế các thể, tiểu chủ giải quyết các khó khăn về vốn, về khoa học và công nghệ, về thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hướng dẫn kinh tế cá thể, tiểu chủ, vì lợi ích thiết thân và nhu cầu phát triển của sản xuất, từng bước đi vào làm ăn hợp tác một cách tự nguyện, làm vệ tinh cho các doanh nghiệp nhà nước hay hợp tác xã. Kinh tế tư bản tư nhân có khả năng góp phần xây dựng đất nước. Khuyến khích tư bản tư nhân đầu tư vào sản xuất, yên tâm làm ăn lâu dài; bảo hộ quyền sở hữu và lợi ích hợp pháp, tạo điều kiện thuận lợi đi đôi với tăng cường quản lý, hướng dẫn làm ăn đúng pháp luật, có lợi cho quốc kế dân sinh” (ĐCSVN, 1996, tr.96).
- Giai đoạn từ năm 2000 đến nay
Từ những chủ trương đúng đắn, phù hợp, KTTN càng có bước phát triển mới góp phần phát triển kinh tế đất nước, giải phóng đáng kể lực lượng sản xuất của cả nước, bộ mặt kinh tế xã hội ngày càng thay da đổi thịt. Bên cạnh sự phát triển của các TPKT khác, KTTN cũng đóng góp vào tích lũy ngân sách nhà nước. Đến ĐHĐBTQ lần thứ IX, ĐCSVN tiếp tục nhấn mạnh: “Kinh tế cá thể tiểu chủ cả ở nông thôn và thành thị có vị trí quan trọng lâu dài. Nhà nước tạo điều kiện và giúp đỡ để phát triển; khuyến khích các hình thức tổ chức hợp tác tự nguyện, làm vệ tinh cho các doanh nghiệp hoặc phát triển lớn hơn. Khuyến khích phát triển kinh tế tư bản tư nhân rộng rãi trong các ngành nghề sản xuất, kinh doanh mà pháp luật không cấm. Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi về chính sách, pháp lý để kinh tế tư bản tư nhân phát triển trên những định hướng ưu tiên của Nhà nước, kể cả đầu tư ra nước ngoài; khuyến khích chuyển thành doanh nghiệp cổ phần, bán cổ phần cho người lao động, liên doanh, liên kết với nhau, với kinh tế tập thể và kinh tế nhà nước. Xây dựng mối quan hệ tốt giữa chủ doanh nghiệp và người lao động” (ĐCSVN, 2001, tr.98-99). Triển khai thực hiện Nghị quyết ĐHĐBTQ lần thứ IX, Hội nghị Trung ương lần thứ hai (Khóa IX) nhấn mạnh thêm: “KTTN là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Phát triển KTTN là vấn đề chiến lược lâu dài trong phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa” (ĐCSVN, 2002, tr.57).
ĐHĐBTQ lần thứ X tiếp tục khẳng định phát triển KTTN và coi nó là một bộ phận cấu thành nền kinh tế quốc dân. KTTN gồm: kinh tế cá thể, kinh tế tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân. ĐCSVN ta nhấn mạnh về vai trò của KTTN như sau: “KTTN có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế.” (ĐCSVN, 2006, tr.83). Về mặt thực tiễn KTTN là khu vực kinh tế năng động, hiệu quả năm 2005 chiếm 37,7% GDP của cả nước và hiện nay khu vực này phát triển rất hiệu quả trở thành động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Trong quan điểm của ĐCSVN tại ĐHĐBTQ lần thứ X, khái niệm KTTN được sử dụng dùng để chỉ các bộ phận: kinh tế cá thể, kinh tế tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân. Như vậy, cách sử dụng khái niệm này có sự linh hoạt hơn, đó là KTTN bao hàm cả kinh tế tư bản tư nhân tạo điều kiện để chúng ta phát triển mở rộng các lực lượng xã hội có điều kiện tham gia phát triển KTTN.
ĐHĐBTQ lần thứ XI của Đảng cũng tiếp tục khẳng định nhất quán đường lối, chủ trương phát triển KTTN. ĐHĐBTQ lần thứ XI cũng nhận thấy, trong quá trình xây dựng và phát triển KTTN còn gặp phải những khó khăn về vốn, khoa học công nghệ, pháp lý,… cho nên ĐCSVN và Nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ cho KTTN phát triển tốt hơn nữa trong giai đoạn phát triển tiếp sau. Văn kiện ĐHĐBTQ lần thứ XI viết: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh KTTN trở thành một trong những động lực mạnh của nền kinh tế. Phát triển mạnh các loại hình KTTN ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế theo quy hoạch và quy định của pháp luật. Tạo điều kiện để hình thành một số tập đoàn KTTN và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước” (ĐCSVN, 2011, tr.209). Theo đó, KTTN sẽ ngày càng có điều kiện phát triển cùng các TPKT khác, KTTN được khuyến khích phát triển thành các tập đoàn kinh tế lớn trên các lĩnh vực, các ngành, có điều kiện nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế nước nhà với các nền kinh tế thế giới.
Tiếp theo, ĐHĐBTQ lần thứ XII khẳng định rõ: Nền KTTT định hướng XHCN có quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều TPKT, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, KTTN là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các TPKT bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật... (ĐCSVN, 2016). Quan điểm trên của ĐCSVN cho thấy, phát triển các TPKT trong đó có KTTN là chủ trương nhất quán, là vấn đề chiến lược lâu dài trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Như vậy, cả về mặt lý luận và chủ trương đường lối của ĐCSVN là thống nhất về phát triển kinh tế nhiều thành phần, trong đó KTTN bao gồm: kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân, là một bộ phận quan trọng sẽ phát triển lâu dài trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trong quá trình cải tạo, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, ĐCSVN đã nhận định: “Trong nhận thức cũng như trong hành động, chúng ta chưa thật sự thừa nhận cơ cấu kinh tế nhiều thành phần ở nước ta còn tồn tại trong một thời gian tương đối dài” (ĐCSVN, 1986, tr.23).
Sau “Đổi mới”, chúng ta đã có những thay đổi về tư duy kinh tế một cách đầy đủ hơn. Mặc dù, thời gian đầu còn chập chững trong việc phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, song thực tiễn đổi mới đất nước đã chứng minh đường lối đó là đúng đắn. Các TPKT ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của mình trong cơ cấu nền kinh tế.
2. Nội dung về sự phát triển của kinh tế tư nhân
Phát triển KTTN là quá trình tăng lên cả về chất và lượng của khu vực KTTN. Tăng lên về số lượng nghĩa là ở đó có sự tăng trưởng về số lượng các doanh nghiêp, quy mô doanh nghiệp được mở rộng, lao động tăng lên, mặt bằng sản xuất kinh doanh được mở rộng, máy móc thiết bị được đầu tư. Tăng lên về chất là tăng về hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, trình độ quản lý được nâng lên, trình độ sản xuất kinh doanh phát triển lên một bước mới, thị trường không ngừng được mở rộng, giá trị đóng góp cho nền kinh tế của khu vực KTTN ngày càng tăng lên. Theo đó trong quá trình phát triển kinh tế ở nước ta, phát triển KTTN bao gồm các nội dung như sau:
Thứ nhất, phát triển KTTN dựa trên sự phát triển số lượng, quy mô doanh nghiệp: Doanh nghiệp là một bộ phận cấu thành của KTTN, do vậy số lượng các doanh nghiệp ngày càng nhiều chứng tỏ KTTN ngày càng phát triển. Phát triển KTTN là phải có sự tăng trưởng nghĩa là sự gia tăng về số lượng, quy mô các doanh nghiệp trong khu vực KTTN. Sự phát triển về quy mô, số các doanh nghiệp là một trong những tiêu chí quan trọng để nghiên cứu đánh giá sự phát triển KTTN.
Thứ hai, phát triển KTTN dựa trên sự phát triển (tăng lên) về quy mô vốn cho sản xuất kinh doanh: Ngoài những chỉ tiêu về số lượng đơn vị được cấp phép, số đơn vị thực tế hoạt động, một trong những yếu tố hết sức quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp đó là yếu tố về vốn kinh doanh.
Ở nước ta, các doanh nghiệp khu vực KTTN hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn ít, khả năng tiếp cận các nguồn vốn là rất hạn chế. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tầm vóc và khả năng sản xuất của doanh nghiệp khi có nhu cầu mở rộng sản xuất hay trang bị công nghệ phục vụ sản xuất.
Thứ ba, sự phát triển của KTTN liên quan đến sự tăng lên của năng lực, trình độ quản lý doanh nghiệp: KTTN phát triển phụ thuộc rất lớn vào khả năng nhạy bén, thích nghi với cơ chế mới của đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành. Vì vậy, đây cũng là một tiêu chí đánh giá, nhận biết sự phát triển của doanh nghiệp.
3. Các chỉ tiêu đo lường sự phát triển của kinh tế tư nhân
Các nghiên cứu trong và ngoài nước liên quan đến phát triển KTTN chỉ ra rằng, phát triển KTTN bao gồm rất nhiều chỉ tiêu khác nhau nhưng về cơ bản các chỉ tiêu đó bao gồm:
Theo Shaomin và cộng sự (2014), Jefferson và cộng sự (2000), Chang và Wong (2004), Dougherty và cộng sự (2007), McMillan và Naughton (1992), Naughton (1995, 2007), Zhang (2004), Chi và cộng sự (2010), các chỉ tiêu đo lường sự phát triển của KTTN như sau:
- Số lượng doanh nghiệp, thể hiện sự phát triển về số lượng doanh nghiệp.
- Hiệu suất kinh doanh của doanh nghiệp thể hiện ở các chỉ số ROA, ROE. Cụ thể:
- Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản Có (ROA)
ROA = Lợi nhuận sau thuế/ Tổng tài sản có
ROA cho biết, một đồng tài sản Có tạo ra được bao nhiêu đồng lợi nhuận ròng, cho thấyy chất lượng tài sản Có trong doanh nghiệp. ROA càng lớn có nghĩa hoạt động đầu tư, khai thác tài sản của doanh nghiệp đang thực hiện một cách hiệu quả và ngược lại tỷ lệ ROA thấp cho thấy kết quả đầu tư không mang lại hiệu quả mong đợi.
- Tỷ suất lợi nhuận trên Tổng vốn chủ sở hữu (ROE)
ROE = Lợi nhuận sau thuế/ Tổng vốn chủ sở hữu
Tương tự như ROA, ROE cho biết một đồng vốn chủ sở hữu tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận ròng, cho biết thu nhập của các cổ đông của doanh nghiệp. Tỷ lệ ROE càng lớn cho thấy hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp càng cao.
3. Kết luận
KTTN bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân, là thành phần kinh tế dựa trên sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, hoạt động dưới hình thức là hộ kinh doanh cá thể và các loại hình doanh nghiệp của tư nhân (Doanh nghiệp tư nhân, Công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên, Công ty trách nhiệm hữu hạn có 2 thành viên trở lên, Công ty hợp danh, Công ty cổ phần).
Văn kiện ĐHĐBTQ của ĐCSVN các thời kỳ từ sau đổi mới đến nay (1986) luôn khẳng định: KTTN là một bộ phận của nền kinh tế nước nhà, được thừa nhận tồn tại, phát triển một cách bình đẳng và kinh doanh tự do theo quy định của pháp luật; là thành phần kinh tế có lịch sử lâu năm, có những đóng góp rất thiết thực trong việc tạo công ăn việc làm cho mọi tầng lớp nhân dân, làm giàu cho bản thân và tạo ra ngày càng nhiều của cải vật chất cho xã hội.
Hiện nay, Việt Nam là quốc gia đang phát triển, để đưa đất nước vào nhóm những nước phát triển, Nhà nước cần phải huy động mọi tiềm lực trong mọi tầng lớp để phát triển kinh tế. Do vậy, dù cho KTTN ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn và còn nhiều hạn chế trong bước đường phát triển, nhưng với sự cố gắng của mình cùng với sự khuyến khích của Nhà nước, bằng những chính sách hợp lý, hy vọng KTTN sẽ là một trong những động lực thúc đẩy các thành phần kinh tế khác, góp phần trong sự thành công quá trình phát triển và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Đảng Cộng sản Việt Nam (1986). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI. Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2006). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2016). Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.
- Mai Hồng Quỳ (2012). Tự do kinh doanh và vấn đề bảo đảm quyền con người tại Việt Nam. Nxb Lao động, Hà Nội.
- McCulloch, N., Malesky, E., Duc, N. N. (2013). Does better provincial governance boost private investment in Vietnam? IDS Working Papers, 2013(414), 1-27.
- McMillan, J., and Naughton, B. (1992). How to Reform a Planned Economy: Lessons from China. Oxford Review of Economic Policy, 8(1), 130-43.
- Naughton, B. (2007). The Chinese economy: transitions and Growth. Cambridge, MA: The MIT Press.
- Naughton, B. (1995). Growing out of the plan: Chinese economic reform, 1978-1993. Cambridge U.K.: Cambridge University Press.
- Shaomin Li, Ying Chou Lin, Selover, D. D. (2014). Chinese State-Owned Enterprises: Are They Inefficient? The Chinese Economy, 47(5-6), 81-115
- Szyrmer, J., Dubrovskiy, V., Shygayeva, T. (1999). Is the Private Sector More Efficient? ICPS Policy Studies, 1.
VIEWPOINTS, CONTENTS AND INDICATORS MEASURING
THE PRIVATE SECTOR DEVELOPMENT IN VIETNAM
NGUYEN HUU TRINH1
CAO THI ANH SAO2
TRUONG THI LAN3
1Vietnam National University - Ho Chi Minh City
2Graduate Academy of Social Sciences
3Vietnam Women's Union of Distrrict 5, Ho Chi Minh City
ABSTRACT:
Developing the private economy is one of the issues of concern to the Communist Party of Vietnam, the Government of Vietnam, and researchers. Up to now, there have been many researches on the objective necessity, role and position of the private sector, and solutions for the development of the private sector in the country’s economic development. This paper points out issues relating to the viewpoints, contents and indicators measuring the private sector development in Vietnam in the country’s socio-economic development process.
Keywords: private economy, economic development, social economy.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,
Số 11, tháng 5 năm 2022]