Quản lý hoạt động bảo hiểm xã hội ở huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội -Thực trạng và giải pháp tăng cường

VŨ VĂN NINH (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam)

TÓM TẮT:

Bảo hiểm xã hội (BHXH) là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa sâu rộng về kinh tế, chính trị, xã hội và mang tính nhân văn sâu sắc. Mục tiêu của chính sách BHXH là phục vụ người lao động (NLĐ), vì cuộc sống NLĐ, bởi vậy BHXH gắn liền với bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo. Công tác BHXH đã và đang phát huy tác động tích cực trong đời sống cộng đồng và từng bước hoàn thiện qua các giai đoạn lịch sử. Bài viết sẽ làm rõ thực trạng quản lý BHXH ở huyện Sóc Sơn và đề xuất những giải pháp tăng cường công tác quản lý trong thời gian tới.

Từ khóa: Bảo hiểm xã hội, chính sách bảo hiểm xã hội, người lao động, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội.

 1. Đặt vấn đề

Thời gian qua, quản lý BHXH nói chung và huyện Sóc Sơn chủ yếu căn cứ vào luật BHXH, luật Bảo hiểm Y tế, dựa vào các văn bản quy phạm pháp luật về BHXH. Nhằm thực hiện việc tổ chức năng lực quản lý nhà nước về BHXH và thực hiện chức năng tổ chức thực hiện BHXH đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và để quản lý quỹ BHXH độc lập với ngân sách nhà nước, ngày 16/2/1995, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/NĐ-CP về việc thành lập BHXH Việt Nam, trên cơ sở thống nhất các tổ chức BHXH ở Trung ương và địa phương, thuộc hai hệ thống lao động thương binh và xã hội và liên đoàn lao động. BHXH Việt Nam quản lý theo hệ thống dọc, công tác cấp từ Trung ương đến cấp huyện. Trên cơ sở đó, luật BHXH và các văn bản luật đã từng bước đi vào cuộc sống.

2. Thực trạng quản lý BHXH ở huyện Sóc Sơn

Nhằm thể chế hóa và quản lý nhà nước trong lĩnh vực BHXH, huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn đã triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về BHXH theo Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, y tế giai đoạn 2012-2020 và Quyết định số 538/QĐ-TTg ngày 29/03/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt, trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020; Phối hợp với đoàn hội thảo góp ý dự thảo Luật BHXH, Luật Bảo hiểm Y tế bổ sung, sửa đổi.

Trong những năm qua, Trung ương, thành phố Hà Nội đã ban hành rất nhiều văn bản, căn cứ vào đó, Ủyy ban nhân dân huyện Sóc Sơn chỉ đạo BHXH huyện thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn huyện. Số người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ngày một tăng. Để nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước về BHXH, từ năm 2015 đến nay, Ủy ban nhân dân Huyện đã ban hành 265 văn bản các loại để chỉ đạo BHXH huyện hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ và nâng cao hiệu quả, trong đó giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2018 là 97 văn bản. Để hỗ trợ cho nhân dân, Huyện đã ban hành các văn bản về việc triển khai chế độ bảo hiểm thất nghiệp, tăng cường chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Đối với cơ quan BHXH của Huyện, ngoài việc hướng dẫn các đơn vị sử dụng lao động thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, BHXH huyện Sóc Sơn cũng đã phối hợp với phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chuẩn bị tốt các nội dung nhầm kịp thời giải quyết các chế độ bảo hiểm thất nghiệp phát sinh.

Hoạt động chi trả các chế độ BHXH Huyện đã được triển khai từ đầu năm 2012. Trong thời gian đầu tổ chức chi trả cho các đối tượng hưởng chế độ hưu chí, trợ cấp mất sức lao động, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, BHXH huyện Sóc Sơn đã sử dụng phương thức và mạng lưới chi trả tại các xã, thị trấn có các tổ chức thương binh và xã hội thực hiện. Mặc dù trong điều kiện có nhiều khó khăn, vừa thực hiện nhiệm vụ thu, vừa thực hiện nhiệm vụ chi trả, cán bộ không đồng đều về trình độ, đối tượng ở rải rác trên địa bàn rộng và phức tạp, song đơn vị đã có nhiều cố gắng đảm bảo việc thực hiện chi trả đúng, đủ, kịp thời vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Chính vì vậy, đã nhận được đông đảo niềm tin của đối tượng tham gia đối với cơ quan BHXH, từ đó công tác này ngày càng được củng cố và phát triển, an sinh xã hội được đảm bảo. Việc đảm bảo chi trả đúng quy định cho số lượng lớn đối tượng là cố gắng rất lớn của tập thể cán bộ, viên chức BHXH huyện Sóc Sơn.

Sau 5 năm BHXH huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội đã tạo lập được nguồn quỹ BHXH rất lớn với số tiền là 98.480 triệu đồng, tức là bình quân mỗi năm thu được 19.696 triệu đồng. Đây là số thu rất có ý nghĩa của ngành BHXH nói chung và của BHXH huyện Sóc Sơn nói riêng; nó phản ánh được sự cố gắng, nỗ lực, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức và Ban giám đốc cơ quan BHXH huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội; đã làm cho số thu BHXH tăng lên qua các năm.

Trong những năm qua, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về BHXH huyện đã được tăng cường đẩy mạnh. Cấp uỷ, chính quyền huyện thường xuyên quan tâm, xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ, đột suất, giải quyết các kiến nghị, tố cáo, thực hiện chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế đối với BHXH huyện Sóc Sơn và các tổ chức, cá nhân tham gia BHXH và bảo hiểm y tế, cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Thường xuyên tổ chức các cuộc kiểm tra tại Chi ủy, Chi bộ để đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo chuyên môn gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI: “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và với việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về đây mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Từ đó nâng cao vai trò trách nhiệm, nhất là vai trò của cán bộ chủ chốt, người đứng đầu. Thông qua công tác kiểm tra, đã phát hiện một số trường hợp lập hồ sơ giả trong lĩnh vực ưu tiên, nhiều chứng từ thanh toán ngắn hạn không hợp lệ. Công tác kiểm tra đã góp phần chấn chỉnh, đưa công tác thu, chi, các chế độ chính sách BHXH vào nề nếp.

Để thực hiện tốt công tác chuyên môn, nghiệp vụ, BHXH Huyện đã phát động nhiều phong trào thi đua sâu rộng, có chất lượng, phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt, trong năm 2017-2018 có nhiều ngày kỷ niệm lớn của đất nước, thực hiện theo hướng dẫn các phong trào thi đua của BHXH Việt Nam, BHXH huyện Sóc Sơn đã phát động phong trào thi đua năm 2018 với 100% cán bộ, viên chức đăng ký tham gia, theo chủ đề: Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hành động, lập nhiều thành tích suất sắc trong thực hiện nhiệm vụ, thiết thực kỷ niệm 23 năm ngày thành lập ngành BHXH Việt Nam. Gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Tổ chức thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng và các phong trào thi đua được phát động, tạo không khí thi đua sôi nổi, thực sự là động lực thúc đẩy các đơn vị tập trung phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trọng tâm, vào các chỉ tiêu kế hoạch được giao.

Công tác phối hợp thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia: Mọi nhiệm vụ chuyên môn của ngành, BHXH huyện Sóc Sơn còn tích cực tham gia các chương trình mục tiêu của Thành phố giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn, xây dựng chương trình nông thôn mới. BHXH huyện Sóc Sơn được phân công giúp đỡ xã Kim Lũ trong chương trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Những thành tích đạt được trên tất cả các mặt công tác trong 5 năm qua của BHXH huyện Sóc Sơn đã được ghi nhận bằng các danh hiệu, các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và các cấp,  ngành trao tặng.

Hàng năm, cơ quan BHXH Huyện tổng hợp kế hoạch chi BHXH của các đơn vị sử dụng lao động và dự kiến điều chỉnh tăng giảm số lượng các đối tượng, tăng giảm các chế độ trợ cấp BHXH thường xuyên trên địa bàn với cơ quan BHXH thành phố. Cơ quan BHXH thành phố tổng hợp kế hoạch chi của toàn Thành phố gửi BHXH Việt Nam. Thực tế trên địa bàn thành phố Hà Nội, việc lập kế hoạch không tiến hành theo quý, mà tiến hành theo tháng đối với việc chi trả các chế độ BHXH thường xuyên. Kế hoạch là cơ sở để cấp phát kinh phí cho tổ chức lập kế hoạch chi trả hàng năm chưa đảm bảo theo đúng quy định. Lập kế hoạch mang tính chủ quan, số liệu kế hoạch chưa chính xác, đơn thuần về các số liệu số học. Hàng quý, BHXH Huyện căn cứ vào nhu cầu chi BHXH của địa phương, chủ động lập kế hoạch tiền mặt, kèm theo dự kiến cấp phát tại các xã, phường được đảm bảo theo đúng quy định. Tuy nhiên, việc đảm bảo lượng tiền mặt cấp phát theo đúng lịch chưa đảm bảo, có thời điểm không đáp ứng nhu cầu chi.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song việc ban hành, cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật về BHXH ở huyện Sóc Sơn vẫn còn chậm và chưa triệt để. Do vậy, chưa xây dựng được các văn bản pháp quy nhằm kiểm tra, kiểm soát và có chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH hiệu lực đủ mạnh. Hiện nay, việc chậm đóng hoặc hành vi trốn đóng BHXH, BHYT mới chỉ dừng lại ở việc xử lý hành chính và phải trả lãi bằng với lãi suất ngân hàng. Do đó, rất nhiều doanh nghiệp và người sử dụng lao động tìm cách chiếm dụng tiền BHXH, BHYT, nhằm lợi dụng vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Chưa cụ thể hóa, đơn giản các thủ tục hành chính liên quan tới BHXH. Do vậy, thủ tục hành chính liên quan đến việc đăng ký tham gia BHXH vẫn còn nhiều phức tạp; thủ tục cấp phát thẻ BHYT, khám chữa bệnh và thanh toán BHYT cho các đối tượng thụ hưởng chưa có quy trình cụ thể và chi tiết, cũng như chưa có đánh giá mức độ hài lòng của người được thụ hưởng. Chính điều này đã phần nào khiến cho người dân không muốn tham gia BHXH hoặc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh.

Ngoài ra, nhiều quy định không hợp lý trong các văn bản quy phạm pháp luật chưa được kiến nghị sửa đổi cho phù hợp. Như tại khoản 2, Điều 31 Luật BHXH quy định thời gian đóng BHXH đủ 6 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh hoặc nhận nuôi con nuôi mới được hưởng trợ cấp thai sản và thời gian đó được tính là thời gian đóng BHXH. Thực tế cho thấy, có trường hợp NLĐ đã tham gia BHXH nhiều năm trước đó, nhưng khi mang thai, vì sức khỏe yếu nên phải nghỉ việc, không đóng BHXH trên 6 tháng trước khi sinh con nên không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản. Quy định này là không hợp lý, không bảo đảm quyền lợi cho NLĐ và dẫn đến tình trạng “lách” Luật, NLĐ nghỉ việc nhưng vẫn đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản.

Mặc dù cấp ủy, chính quyền huyện Sóc Sơn đã có nhiều nỗ lực trong hoàn thiện bộ máy thực hiện BHXH. Tuy nhiên, chất lượng tổ chức, hoạt động của bộ máy và đội ngũ nhân lực còn nhiều hạn chế, bất cập. Nhìn chung đội ngũ cán bộ, viên chức của cơ quan BHXH của Huyện còn trẻ tuổi, chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác BHXH. Bên cạnh đó, công việc của ngành BHXH nói chung ngoài công việc chính nhà nước giống như các ngành khác, còn nhiệm vụ chuyên môn là quản lý thu, giải quyết chế độ cho NLĐ và chi trả tiền chế độ cho NLĐ nên tổng hợp rất nhiều công việc, do đó kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ không thể đạt hiệu quả cao nhất. Mặc dù, hàng năm lãnh đạo cơ quan BHXH huyện rất quan tâm đến việc cử cán bộ, viên chức đi đào tạo, tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhưng một số viên chức còn thiếu kỹ năng thực hành. Trong khi đó, cơ quan BHXH huyện phải quản lý số đơn vị, đối tượng đông, ý thức tự giác của người sử dụng lao động và NLĐ trong việc tham gia BHXH chưa cao. Do đó, trong công tác quản lý còn những sai sót, thiếu kịp thời… trong tổ chức quản lý thu BHXH trên địa bàn huyện.

3. Giải pháp quản lý BHXH ở huyện Sóc Sơn

Để tăng cường quản lý hoạt động BHXH ở huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật BHXH.

Công cụ không thể thiếu được trong quản lý nhà nước về BHXH là các văn bản quy phạm pháp luật. Đó là những văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục luật định nhằm hướng dẫn và điều chỉnh các hành vi của các chủ thể trong quá trình tác động đến lĩnh vực BHXH. Để đạt được nhiệm vụ, mục tiêu đề ra, trước hết chính quyền huyện Sóc Sơn cần rà soát, đánh giá hiệu quả của hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, đảm bảo hoàn chỉnh, thống nhất và đồng bộ từ Huyện đến cơ sở.

Xây dựng bộ máy quản lý nhà nước về BHXH. Quản lý nhà nước mang tính quyền lực đặc biệt, có tính tổ chức cao và tính mệnh lệnh đơn phương của nhà nước. Chính vì vậy, quản lý nhà nước được thiết lập trên cơ sở mối quan hệ quyền uy và sự phục tùng.

Các chính sách pháp luật của nhà nước phản ánh sự ưu tiên đối với một hoạt động cụ thể. Chính sách BHXH của Nhà nước ảnh hưởng đến việc thực hiện quản lý, tổ chức hoạt động BHXH. Điều đó thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với đời sống NLĐ nói riêng và tới các tầng lớp xã hội nói chung. Như vậy, hệ thống chính sách pháp luật của Nhà nước cần phải rõ ràng, chi tiết, nhằm đảm bảo các hoạt động BHXH càng thiết thực, để BHXH đảm bảo cuộc sống cho NLĐ.

Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, các quyết định về BHXH, quản lý công tác thu, chi.

Xây dựng, ban hành văn bản và quy trình thực hiện công tác BHXH. Xuất phát từ mục tiêu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, BHXH phải được phát triển trong tổng thể phát triển của cả hệ thống chính sách xã hội của nhà nước. Hiện nay, mọi người đều có quyền bình đẳng trong lao động và hưởng thụ, việc mở rộng đối tượng giúp tăng nhanh số lượng người tham gia BHXH. Đây là mục tiêu hàng đầu của ngành BHXH.

Hai là, nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước về BHXH.

Tăng cường công tác phối hợp liên ngành, phối hợp chặt chẽ giữa BHXH cấp thành phố, huyện và các ban, ngành chức năng trong thành phố và huyện. Thường xuyên trao đổi, thông tin báo cáo, trao đổi với Sở Lao động Thương binh và Xã hội cấp Thành phố và cấp huyện, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Liên Đoàn lao động,đồng thời tổ chức kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động trong việc thực hiện các chế độ cho NLĐ trên địa bàn huyện.

BHXH thành phố Hà Nội cần thiết lập đường dây nóng để có thể thu thập thông tin, nắm bắt được thông tin đa chiều, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng và nhu cầu của người tham gia BHXH, đường dây liên lạc đến cơ quan BHXH thành phố và các Ban, như: Ban thu, chi; để từ đó NLĐ, người sử dụng lao động có thể chủ động thông báo những thông tin cần thiết cho cơ quan BHXH. Từ đó, góp phần giúp cho cơ quan BHXH thành phố nắm bắt kịp thời về đối tượng tham gia và tình hình hoạt động của cơ sở tham gia BHXH. Và ngược lại, cơ quan BHXH cũng có thể giải quyết được những yêu cầu thắc mắc từ phía người tham gia BHXH làm cho họ hiểu hơn về bản chất của BHXH và chính sách BHXH mà Đảng và Nhà nước ta đã và đang tiến hành triển khai thực hiện.

Luật BHXH mới ra đời, đã tạo một hành lang pháp lý cho việc tổ chức triển khai và thực hiện các chính sách BHXH; khai thác, mở rộng đối tượng tham gia BHXH. BHXH huyện Sóc Sơn cần tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện, đồng thời chủ động phối hợp với các phòng, ban, ngành trong Huyện để tổ chức triển khai thực hiện luật BHXH. Đồng thời, phối hợp với Phòng Lao động Thương binh và Xã hội, Liên Đoàn lao động kiểm tra, rà soát các doanh nghiệp, lao động, tiền lương, NLĐ thuộc diện phải tham gia BHXH theo luật định để mở rộng đối tượng tham gia thuộc khu vực ngoài quốc doanh. Bên cạnh đó, rà soát đối tượng nghèo, cận nghèo trên địa bàn Huyện để tuyên truyền, vận động đối tượng tham gia BHXH. Phối hợp với phòng Giáo dục và Đào tạo huyện thực hiện các văn bản liên ngành; hàng năm tổ chức đánh giá sơ kết, tổng kết công tác triển khai BHXH, bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên.

Ba là, hoàn thiện bộ máy, cơ cấu tổ chức, cán bộ có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Tiếp tục hoàn thiện bộ máy tổ chức BHXH yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Hiện nay, cơ quan BHXH mới có bộ máy tổ chức đến cấp huyện. Vì vậy, bộ máy tổ chức này cần được hoàn thiện theo hướng bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ; đồng thời mỗi xã, phường, thị trấn nên có ít nhất một người làm công tác BHXH chuyên trách hoặc bán chuyên trách nhằm thống kê, quản lý trong hoạt động BHXH ở từng xã, phường, thị trấn, đặc biệt là những nơi có nhiều khu công nghiệp đóng trên địa bàn. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hệ thống quản lý để nâng cao chất lượng phục vụ, giảm phiền hà cho người tham gia BHXH.

Xây dựng hệ thống BHXH, bảo hiểm y tế hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tạo điều kiện cho kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân phát triển theo đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.

Đặc biệt là phải có sự thống nhất thông suốt từ cấp ủy và chính quyền địa phương. Thống nhất cơ chế phối hợp từng ngành, từng cấp trong mọi lĩnh vực liên quan đến NLĐ và BHXH trong các đơn vị, đặc biệt là các đơn vị kinh tế tư nhân như phối hợp ngành Kế hoạch - Đầu tư với Ủy ban nhân dân xã, Chính quyền thị trấn để nắm đầu vào, đầu ra của các đơn vị với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội; ngành tài chính để xác định đối tượng thu, mức thu với các ngành thuế, thanh tra, kiểm soát, công đoàn để đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thu nộp BHXH; Xây dựng các văn bản liên ngành rất cụ thể, chi tiết.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 1/6/2012: Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020.
  2. Bảo hiểm xã hội huyện Sóc Sơn (2014), Báo cáo tổng kết năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015.
  3. Bảo hiểm xã hội huyện Sóc Sơn (2015), Báo cáo tổng kết năm 2015 và nhiệm vụ năm 2016.
  4. Bảo hiểm xã hội huyện Sóc Sơn (2016), Báo cáo tổng kết công tác tuyên truyền năm 2016.
  5. Bảo hiểm xã hội huyện Sóc Sơn (2016), Báo cáo tổng kết năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017.
  6. Bảo hiểm xã hội huyện Sóc Sơn (2017), Báo cáo tổng kết năm 2017 và nhiệm vụ năm 2018.
  7. Bảo hiểm xã hội huyện Sóc Sơn (2018), Báo cáo tổng kết năm 2018 và nhiệm vụ năm 2019.

 

SOCIAL INSURANCE MANAGEMENT IN SOC SON DISTRICT, HANOI: SITUATION AND SOLUTION TO STRENGTHEN THIS MANAGEMENT

VU VAN NINH

Vietnam Cooperative Alliance 

ABSTRACT:

Social insurance which is a major policy of the Communist Party of Vietnam and the Government of Vietnam has profound implications for socio – economic and political development with deeply humanistic. The goal of the social insurance policy is to protect employees; hence the social insurance policy is associated with the nature of the socialist regime led by the Communist Party of Vietnam. The social insurance policy has positively impacted the employee’s life and has been gradually perfected through historical periods. This article is to clarify the situation of social insurance management in Soc Son district, Hanoi and propose solutions to strengthen this management in the future.

Keywords: Social insurance, social insurance policies, employees, Soc Son district, Hanoi.