Quản lý nợ công tại Việt Nam an toàn và hiệu quả hơn

ThS. TRẦN THỊ NGỌC ANH và ThS. ĐOÀN THỊ NGUYỆT (Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Tại Việt Nam, nợ công có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nợ công khu vực đồng tiền chung châu Âu và những khó khăn nội tại của nền kinh tế trong nước đã có ảnh hưởng nhất định đến tình hình nợ công của Việt Nam cả về quy mô, cơ cấu, nghĩa vụ trả nợ và các chỉ số an toàn nợ công.

Từ khóa: Nợ công, quản lý, an toàn, hiệu quả.

I. Vấn đề nợ công ở Việt Nam

Sau 30 năm mở cửa, kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tiềm lực của đất nước đã lớn mạnh hơn nhiều, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, chính trị - xã hội ổn định. Trong vòng 10 năm trở lại đây, GDP của Việt Nam đã có bước tăng trưởng tới hơn 4 lần, nếu năm 2006 GDP cả nước chưa đạt 1.000 nghìn tỷ đồng và GDP/đầu người khoảng 715 USD thì năm 2016 GDP đã đạt đến con số xấp xỉ 4.200 nghìn tỷ đồng và GDP/đầu người là 2.019 USD. GDP tăng trưởng tương đối bền vững, lạm phát được kiềm chế đáng kể. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước đang phát triển, quy mô nền kinh tế của Việt Nam vẫn là nhỏ so với mặt bằng chung của thế giới; nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp thô và công nghiệp nhẹ là chủ yếu. Do đó, trong hiện tại và tương lai gần, việc tăng vay nợ Chính phủ nói riêng và nợ công nói chung là một nhu cầu tất yếu vì Việt Nam vẫn rất cần sự hỗ trợ về mặt tài chính (tức là vay nợ và viện trợ phát triển chính thức) từ các tổ chức đơn phương, đa phương trên thế giới để phát triển nền kinh tế hơn nữa.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, với tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội cho cả giai đoạn 5 năm 2016 - 2020 lên tới gần 10.600.000 tỷ đồng, bằng khoảng 32-34% GDP. Phải huy động được nguồn vốn này, Việt Nam mới có thể đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,5-7% và thực hiện khâu đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trong đó tập trung vào hệ thống giao thông, hạ tầng đô thị lớn. Huy động vốn đã khó, nhất là trong bối cảnh ngân sách thâm hụt, bội chi lớn, không đủ để chi thường xuyên và trả nợ, còn nợ công đang tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, càng đòi hỏi phải sử dụng hiệu quả từng đồng vốn đầu tư, làm giảm ICOR, đồng thời gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế.

II. Tình hình nợ công ở Việt Nam

1. Về quy mô

Theo Bản tin tài chính số năm 2016, nợ công Việt Nam đã tăng gấp 3 lần. Đến cuối năm 2016, về số tuyệt đối, dư nợ công lên đến 2.608 nghìn tỷ đồng; về số tương đối, tỷ lệ nợ công/GDP ở mức 62,2%, áp sát ngưỡng kiểm soát 65% của Quốc hội.

Nợ công bình quân đầu người ở Việt Nam xấp xỉ 1.000 USD, chỉ tiêu này ở mức khá thấp so với một số quốc gia khác trong khu vực Asean. Cũng số liệu năm 2016, nước có chỉ số nợ công bình quân đầu người cao nhất là Singapore với 56.000 USD, tiếp theo là Malaysia 7.696,9 USD, Thái Lan 3.450,8 USD. Việt Nam, Indonesia, Philippines có chỉ số nợ bình quân đầu người năm 2016 xấp xỉ khoảng 1.000 USD. Trong khối ASEAN, tương tự như Việt Nam, các nước Malaysia, Philippines và Thái Lan đều duy trì tỷ lệ nợ công/GDP ở mức 45%-60%. Cá biệt có trường hợp của Singapore có tỷ lệ nợ công/GDP rất cao (gần 94% năm 2015) và Indonesia với tỷ lệ nợ công/GDP rất thấp (khoảng 25%-26%).

2. Về cơ cấu

Có thế thấy, cơ cấu nợ công của Việt Nam đang từng bước điều chỉnh theo hướng bền vững hơn. Tỷ trọng nợ Chính phủ có xu hướng tăng, còn tỷ trọng nợ nước ngoài giảm. Điều này phù hợp với Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 tầm nhìn đến năm 2030.

3. Về tình hình sử dụng

Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, với tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội cho cả giai đoạn 5 năm 2016 - 2020 lên tới gần 10.600.000 tỷ đồng, bằng khoảng 32-34% GDP. Phải huy động được nguồn vốn này, Việt Nam mới có thể đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,5-7% và thực hiện khâu đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trong đó tập trung vào hệ thống giao thông, hạ tầng đô thị lớn. Huy động vốn đã khó, nhất là trong bối cảnh ngân sách thâm hụt, bội chi lớn, không đủ để chi thường xuyên và trả nợ, còn nợ công đang tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, càng đòi hỏi phải sử dụng hiệu quả từng đồng vốn đầu tư, làm giảm ICOR, đồng thời gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó thực tế đúng là ICOR có giảm nhưng vẫn là cao so với các nước cùng trong khu vực và thể hiện hiệu quả đầu tư chưa cao. Với ICOR giai đoạn 2011-2015 đạt 6,91, giảm so với giai đoạn 2006-2010 (là 6,96). Điều này là đang ghi nhận nhưng cũng phải nhìn nhận là ICOR của Việt Nam còn cao, hiệu quả đầu tư còn thấp so với nhiều nền kinh tế trong khu vực. Nguyên nhân một phần là do nền kinh tế đang trong giai đoạn tập trung đầu tư cho hạ tầng, bao gồm cả hạ tầng ở vùng sâu, vùng xa và đầu tư cho xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội cộng với tình trạng đầu tư còn có sự dàn trải, lãng phí. Bên cạnh đó, do đầu tư công có hiệu quả chưa cao, buộc Chính phủ phải tăng thu ngân sách (qua thuế, phí hoặc vay mới) để trả nợ, khiến nền kinh tế rơi vào bất ổn, làm tăng nợ công.

Có thể nói trong năm 2016 vừa qua vẫn là sự gia tăng của nợ công và năm 2017, các chuyên gia cho rằng nợ công sẽ còn tiếp tục tăng. Ở Việt Nam, bên cạnh những thành công và đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế, không thể phủ nhận, đầu tư công còn có hạn chế, nhất là về hiệu quả đầu tư. Nguyên nhân do quản lý chưa tốt, đầu tư chưa hợp lý, đầu tư nhiều vào các ngành tư nhân sẵn sàng đầu tư; thiếu đầu tư tương xứng cho những ngành có khả năng lan tỏa, dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế và đầu tư thiếu tập trung, không dứt điểm cho các công trình trọng điểm… đặc biệt, nhiều khoản đầu tư không có khả năng trả nợ, tức là khoản vay về đầu tư xong chưa tạo ra lợi nhuận để trả nợ, do vậy buộc phải đi vay để trả nợ.

III. Giải pháp giải quyết nợ công

Theo Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội, tất cả các chỉ số nợ công của Việt Nam (bao gồm cả tỷ lệ công nợ trên GDP, thu ngân sách, tỷ lệ dịch vụ nợ trên GDP, cũng như doanh thu của Chính phủ) đang tiếp cận hoặc vượt quá ngưỡng an toàn của mình. Do đó, Quốc hội Việt Nam đã thông qua một nghị quyết Chính phủ tăng giới hạn trên của nợ Chính phủ lên 54% GDP so với mức 50% trước đây. Quốc hội cũng đã đặt mục tiêu doanh thu đạt 6,846 triệu tỷ đồng (tương đương 306,51 tỷ USD) cho 5 năm tới, trong khi không thay đổi trần nợ công và nợ nước ngoài ở mức tương ứng 65% và 50% GDP. Nhưng việc “tái cơ cấu” nợ công được đánh giá là cấp thiết với các nhóm giải pháp sau:

Một là, tạo sự cân bằng thu chi ngân sách, tránh tình trạng thâm hụt chi dẫn đến phải sử dụng nợ để bù đắp khiến nợ công tăng cao. Đầu tiên, phấn đấu tổng thu ngân sách bằng khoảng 1,65 lần giai đoạn 2011-2015. Trong tổng thu NSNN, tỉ trọng thu nội địa khoảng 84-85%, tỉ trọng thu dầu thô và thu xuất nhập khẩu khoảng 14-16%; tỉ trọng thu ngân sách Trung ương 60-65%. Tiếp đó là giảm dần tỉ lệ bội chi NSNN, đến năm 2020 xuống dưới 4% GDP, đến năm 2030 xuống khoảng 3% GDP, hướng tới cân bằng thu - chi NSNN. Tỉ lệ chi NSNN giai đoạn 2016-2020 bình quân khoảng 24-25% GDP. Trong tổng chi NSNN, tỉ trọng chi đầu tư phát triển khoảng 25-26%; tỉ trọng chi thường xuyên dưới 64%; ưu tiên đảm bảo chi trả nợ, chi dự trữ quốc gia. Trên cơ sở đó, kéo tỷ lệ nợ công trong giai đoạn 2016-2020 không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài quốc gia không quá 50% GDP. Đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP.

Hai là, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tránh tình trạng đầu tư dàn trải. Việc thực hiện các chương trình, dự án sử dụng nợ công phải tuân thủ đúng dự toán được giao; tránh hiện tượng điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, đặc biệt là tăng từ nguồn vốn vay do triển khai chậm trễ, không đúng tiến độ dẫn đến khối lượng tăng lên. Chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng đầu tư công, sử dụng nợ công. Đồng thời tiến hành giám sát kỹ các khoản vay mới và chỉ tập trung vào những ngành chủ chốt cần sự đầu tư của Nhà nước. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại đầu tư công.

Ba là, hoàn thiện pháp luật về thu, chi ngân sách. Bộ Tài chính cần rà soát, sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về quản lý thu, chi NSNN, nợ công, tài sản công; khu vực hành chính, sự nghiệp công lập; về quản lý giá, tài chính, đầu tư, kế toán, kiểm toán...; rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và kiện toàn tổ chức của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương theo hướng tinh gọn, gắn trách nhiệm quyết định chi ngân sách, vay nợ công với trách nhiệm quản lý NSNN và trả nợ công.

Như vậy có thể nói, để đạt được mục tiêu tăng trưởng thì nợ công vẫn thực sự cần thiết cho nền kinh tế của mỗi quốc gia. Vấn đề của nợ công không nằm ở quy mô hay tỷ lệ nợ công/GDP mà là ở xu hướng tăng trưởng của nợ công, là khả năng trả nợ trong tương lai hay nói cách khác là hiệu quả sử dụng vốn vay. Để hạn chế những hệ lụy của nợ công gây ra thì việc triển khai kịp thời các chính sách và biện pháp quản lý nợ công là một nhiệm vụ quan trọng đối với Chính phủ và các ngành, các cấp để công tác quản lý nợ công tại Việt Nam an toàn và hiệu quả hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Giáo trình Kinh tế vi mô - Đại học Kinh tế quốc dân

2. Luật Quản lý nợ công số 29/2009/QH12

3. Bản tin nợ công số 4 (2016) - Bộ Tài chính

4. Phạm Thị Thanh Bình (2013- Vấn đề nợ công ở một số nước trên thế giới và hàm ý chính sách đối với Việt Nam - NXB Khoa học xã hội)

5. http://cafebiz.vn

6. http://thanhnien.vn/kinh-doanh/rui-ro-cua-no-cong-682050.html

SOLUTIONS TO ENHANCE THE EFFECTIVENESS

OF PUBLIC DEBT MANAGEMENT IN VIETNAM

Master. TRAN THI NGOC ANH

Master. DOAN THI NGUYET

Faculty of Banking and Finance,

University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

The public debt plays an essential role in the growth of Vietnams economics. However, the Vietnamese government is facing substantial challenges in managing the countrys public debt in terms of size and structure of debts, debt obligations and public debt security indicators due to the global financial crisis in recent years, European sovereign debt crisis and also the country’s internal economic issues.

Keywords: Public debt, manage, security, effectiveness.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 04 + 05 tháng 04/2017 tại đây