TÓM TẮT:
Quản lý tài sản công (QLTSC) có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước. Ngoài ra, QLTSC góp phần đảm bảo tính tiết kiệm, hiệu quả chi tiêu ngân sách nhà nước. Nghiên cứu về QLTSC tại các cơ quan hành chính thuộc phạm vi quản lý cấp tỉnh tại Hòa Bình đã chỉ ra rằng: Hành lang pháp lý về quản lý, sử dụng TSC dần được hoàn thiện, tạo cơ sở để đổi mới công tác quản lý và sử dụng hiệu quả TSC. Bên cạnh đó, còn một số hạn chế như một số chính sách chưa phù hợp với thực tế. Công tác quản lý tài sản trong các cơ quan hành chính còn nặng tính bao cấp, nên chưa thực sự quan tâm đến hiệu quả sử dụng tài sản.
Từ khóa: tài sản công, quản lý tài sản công, tỉnh Hòa Bình.
1. Đặt vấn đề
Tài sản công (TSC) là những tài sản thuộc sở hữu Nhà nước, phạm vi TSC rất rộng lớn. TSC tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị - xã hội là những tài sản được Nhà nước cung cấp cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị, thông qua việc giao tài sản bằng hiện vật, quyền sử dụng đất hoặc giao ngân sách để đầu tư xây dựng mua sắm và các tài sản từ Ngân sách Nhà nước (Lê Chi Mai, 2010). Việc quản lý, sử dụng đúng mục đích, tiêu chuẩn đối với các tài sản này không những giúp cho các cơ quan, hành chính sự nghiệp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao phục vụ công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, cung cấp dịch vụ công cho xã hội, mà còn góp phần vào việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí, khai thác có hiệu quả nguồn lực từ tài sản để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (Trần Văn Giao, 2007).
Tình hình quản lý, sử dụng đất đai không đúng mục đích; nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước quản lý lỏng lẻo, cho thuê, cho mượn không đúng quy định, phát sinh tiêu cực, xe công sử dụng vào mục đích riêng,... đang trở thành những vấn đề nổi cộm trong công tác QLTSC hiện nay. Trong thời gian qua, công tác QLTSC tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh Hòa Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác quản lý, sử dụng TSC tại các cơ quan, đơn vị từng bước đi vào nền nếp, công khai, minh bạch, quản lý, sử dụng có hiệu quả TSC. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác QLTSC vẫn bộc lộ một số yếu kém.
Nghiên cứu này nhằm đánh giá thực trạng công tác QLTSC tại các cơ quan hành chính cấp tỉnh của tỉnh Hòa Bình để làm cơ sở đưa ra các giải pháp góp phần hoàn thiện và nâng cao hiệu quả QLTSC tại địa phương.
2. Phương pháp nghiên cứu
2.1. Phương pháp thu thập dữ liệu
Dữ liệu thứ cấp được tổng hợp từ các nguồn đã công bố, như: Cơ sở dữ liệu của Cục Thống kê; Các báo cáo của UBND; Báo cáo của các sở, ban, ngành tỉnh Hòa Bình; Các bài báo khoa học, công trình nghiên cứu đã công bố. Các thông tin được thu thập là các thông tin chung về điều kiện kinh tế, xã hội của tỉnh, các công tác quản lý tài sản và việc thực hiện các quy định về quản lý tài sản tại các đơn vị.
Thu thập dữ liệu sơ cấp là dựa vào điều tra bằng bảng hỏi đối với các đối tượng là lãnh đạo và người quản lý trực tiếp tại các cơ quan, đơn vị. Chúng tôi chọn cụ thể các cơ quan hành chính như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và xã hội, Sở Tư pháp, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Giao thông vận tải. Số liệu điều tra tại một số cơ quan hành chính.
2.2. Phương pháp phân tích thông tin, số liệu
a. Phương pháp thống kê mô tả
Phương pháp này được sử dụng để mô tả thực trạng và tình hình biến động, tình hình quản lý và sử dụng TSC tại các cơ quan thuộc các cơ quan hành chính cấp tỉnh của tỉnh Hòa Bình. Các chỉ tiêu của phương pháp này được đưa vào phân tích bao gồm: số tương đối, số tuyệt đối, số bình quân.
b. Phương pháp so sánh
Phương pháp này được sử dụng để phân tích sự biến động của các TSC của các cơ quan hành chính thuộc tỉnh Hòa Bình qua các năm, như: biến động của số lượng từng loại tài sản, biến động về giá trị tài sản, biến động của cơ cấu tài sản giữa các đơn vị, giữa các nhóm đơn vị nghiên cứu,… từ đó đưa ra nhận xét, đánh giá về số lượng, chất lượng tài sản, trình độ quản lý, việc mua sắm trang bị, sử dụng tài sản của các cơ quan hành chính.
c. Phương pháp xếp hạng ưu tiên
Trong nghiên cứu này, thang đo LIKERT từ 1-5 được dùng để đánh giá mức độ phù hợp của các cơ chế quản lý TSC hiện hữu. Thang đo gồm 5 mức đánh giá như sau: 1 là rất không phù hợp và 5 là rất phù hợp. Để tính được điểm xếp hạng bình quân của các mức độ phù hợp, nghiên cứu này sử dụng phương pháp tính chỉ số bình quân gia quyền để tính chỉ số đánh giá như sau:
Trong đó:
xi là mức độ đánh giá theo các điểm tương ứng (1, 2, 3, 4, 5); ui là số người tham gia đánh giá. Giá trị khoảng cách được xác định dựa vào công thức trên chúng ta có khoảng cách là (5-1)/5 = 0.8. Trong nghiên cứu này, các cấp độ phản ánh nội dung như sau: 1.00-1.80 là rất không phù hợp; 1.81-2.60 là mức không phù hợp; từ 2.61-3.40 là ở mức trung bình; từ 3.41-4.20 là mức phù hợp; và mức 4.21-5.00 là mức rất phù hợp.
3. Kết quả nghiên cứu
3.1. Quản lý mua sắm, xây dựng TSC
Bảng 1. Thực trạng TSC tại các cơ quan hành chính tỉnh Hòa Bình
Nguồn: Cục Thống kê Hòa Bình (2018, 2019, 2020)
Bảng 1 cho thấy, trong những năm qua quản lý mua sắm TSC tại các cơ quan hành chính tỉnh Hòa Bình có nhiều chuyển biến. Diện tích quyền sử dụng đất giảm bình quân 14,8%, diện tích trụ sở giảm bình quân 17,7% giai đoạn 2018-2020. Trong khi đó, số lượng các phương tiện vận chuyển tăng 6,9% trong giai đoạn này.
3.2. Quản lý sử dụng TSC tại các cơ quan hành chính tỉnh Hòa Bình
Bảng 2. Thực trạng quản lý TSC (đất và nhà) tại các cơ quan hành chính
Nguồn: Cục Thống kê Hòa Bình (2018, 2019, 2020)
Bảng 2 cho thấy, với TSC là đất và nhà, tài sản là đất chiếm tỷ trọng cao hơn với khoảng 85% ở cả khối sở ban ngành và quy mô toàn tỉnh. Mức độ điều chuyển đối với tài sản đất là khoảng 74% đối với sở ban ngành và khoảng 89% đối với quy mô cấp tỉnh. Trong khi đó, việc bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất là 56% đối với sở ban ngành và 75% đối với quy mô cấp tỉnh.
Trong giai đoạn 2018-2020, trung bình số lượng phương tiện vận chuyển điều chuyển là 20.6 chiếc, giá trị đạt khoảng 15,4 tỷ đồng. Số lượng phương tiện vận chuyển đã thanh lý là 49.6 chiếc, giá trị đạt khoảng 28,9 tỷ đồng.
Bảng 3. Thực trạng quản lý phương tiện vận chuyển
tại các cơ quan hành chính
Nguồn: Cục Thống kê Hòa Bình (2018, 2019, 2020)
Như vậy, chuyển đổi TSC (trụ sở làm việc và ô tô) của các cơ quan hành chính tại tỉnh Hòa Bình nhìn chung đã thực hiện đúng theo các quy định về bán, chuyển đổi tài sản. Do vậy, tiêu cực và thất thoát xảy ra tại hình thức này khó và ít.
3.4. Đánh giá mức độ phù hợp của công tác quản lý TSC tại cơ quan hành chính cấp tỉnh tỉnh Hòa Bình
Kết quả khảo sát đánh giá về sự phù hợp của hệ thống văn bản pháp quy trong quản lý TSC của tỉnh Hòa Bình được thể hiện ở Bảng 4. Đánh giá về “Tính rõ ràng, cụ thể của các chính sách”. Có đến 12,9% số người được hỏi cho rằng tính rõ ràng, cụ thể của các chính sách công là rất không phù hợp, 23,87% cho rằng không phù hợp, 19,35% đánh giá ở mức độ trung bình, 22,58% đánh giá ở mức độ phù hợp và 21,29% đánh giá là rất phù hợp.
Bảng 4. Đánh giá về mức độ phù hợp của các cơ chế, chính sách
đối với quản lý TSC thuộc các cơ quan hành chính cấp tỉnh
Nguồn: Cục Thống kê Hòa Bình (2018, 2019, 2020)
Thêm nữa, khi đánh giá về “Sự đầy đủ, đồng bộ của các văn bản, chính sách”, có 14,84% số người được hỏi cho rằng sự đầy đủ, đồng bộ của các văn bản, chính sách rất không phù hợp; 20,65% cho rằng không phù hợp, 18,71% đánh giá ở mức độ trung bình; 25,16% đánh giá ở mức độ phù hợp và 20,65% đánh giá rất phù hợp. Khi đánh giá về “Tính kịp thời của hệ thống văn bản”, có 21,29% số người được hỏi cho rằng tính kịp thời của các văn bản rất không phù hợp; 17,42% cho rằng không phù hợp, 21,94% đánh giá ở mức độ trung bình; 18,71% đánh giá ở mức độ phù hợp và 20,65% đánh giá rất phù hợp. Sau cùng, khi đánh giá về “Tính phù hợp của hệ thống văn bản”, có 16,77% số người được hỏi cho rằng tính phù hợp của các văn bản rất không phù hợp; 21,29% cho rằng không phù hợp; 25,81% đánh giá ở mức độ trung bình; 16,77% đánh giá ở mức độ phù hợp và 19,35% đánh giá rất phù hợp.
3.5. Đánh giá năng lực của cán bộ quản lý TSC
Khi đánh giá về “Tinh thần, trách nhiệm của cán bộ” với năng lực và ý thức của cán bộ trong quản lý TSC. Có 3,08% số cán bộ được đánh giá rất không tốt; 6,15% cán bộ được đánh giá không tốt; 24,62% được đánh giá ở mức độ trung bình; 40% được đánh giá ở mức độ tốt và 26,15% được đánh giá có ý thức rất tốt. Tiếp đó, khi đánh giá về “Tính tuân thủ pháp luật của cán bộ”, có 1,54% số cán bộ được đánh giá không tốt; 20% được đánh giá ở mức độ trung bình; 44,62% được đánh giá ở mức độ tốt và 33,85% được đánh giá có ý thức rất tốt.
Khi đánh giá về “Kỹ năng công tác của cán bộ”, có 10,77% số cán bộ được đánh giá rất không tốt; 16,92% cán bộ được đánh giá không tốt, 33,85% được đánh giá ở mức độ trung bình, 24,62% được đánh giá ở mức độ tốt và 13,85% được đanh giá có ý thức rất tốt.
Bảng 5. Đánh giá về mức độ phù hợp của các cơ chế, chính sách
đối với quản lý TSC thuộc các cơ quan hành chính cấp tỉnh
Nguồn: Cục Thống kê Hòa Bình (2018, 2019, 2020)
3.6. Đánh giá ý thức tuân thủ của người sử dụng TSC
Khi đánh giá về “Tinh thần, trách nhiệm của người sử dụng tài sản” với ý thức tuân thủ của người sử dụng TSC, có 10,77% số người sử dụng TSC được đánh giá có ý thức rất không tốt. Tiếp đó, khi đánh giá về “Tính tuân thủ pháp luật của người sử dụng tài sản”, có 7,69% số người sử dụng TSC được đánh giá có ý thức rất không tốt; có 18,46% số người sử dụng TSC được đánh giá có ý thức rất không tốt khi đánh giá về “Kiến thức về vận hành sử dụng tài sản”.
Bảng 6. Đánh giá của người quản lý về ý thức tuân thủ
của người sử dụng TSC
Nguồn: Tổng hợp từ số liệu điều tra năm 2020
4. Kết luận
Quản lý TSC là một bộ phận, một khâu của quản lý kinh tế. Quản lý TSC có vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, đồng thời đảm bảo tính tiết kiệm, hiệu quả trong chi tiêu ngân sách nhà nước. Nghiên cứu về quản lý TSC tại các cơ quan hành chính thuộc phạm vi quản lý cấp tỉnh tại Hòa Bình hiện nay cho thấy: Hành lang pháp lý về quản lý, sử dụng TSC dần được hoàn thiện, tạo cơ sở để đổi mới công tác quản lý, sử dụng hiệu quả TSC tại cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó còn một số hạn chế như các cơ quan hành chính còn có hiện tượng kê khai chậm, kê khai lệch giá trị so với thực tế. Hơn nữa, một số chính sách còn được đánh giá là chưa phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, công tác quản lý tài sản trong các cơ quan hành chính còn nặng tính bao cấp, nên chưa thực sự quan tâm đến hiệu quả sử dụng tài sản.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc quản lý TSC tại các cơ quan hành chính cấp tỉnh Hòa Bình, trong đó có những yếu tố quan trọng, như: (i) cơ chế chính sách của nhà nước, (ii) năng lực của cán bộ quản lý, và (iii) tinh thần và trình độ của người sử dụng tài sản.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Cục Thống kê tỉnh Hòa Bình (2018, 2019, 2020). Niên giám thống kê tỉnh Hòa Bình. Hòa Bình: Nhà xuất bản Thống kê.
- Lê Chi Mai (2010). Quản lý TSCtrong các cơ quan hành chính nhà nước các hạn chế và giải pháp. Tạp chí Quản lý nhà nước, 173(6), 26-30.
- Trần Văn Giao (2007). Đổi mới quản lý TSC trong các đơn vị sự nghiệp. Tạp chí Kinh tế và Phát triển, 8, 23-36.
- Sở Tài chính tỉnh Hòa Bình (2018, 2019, 2020). Báo cáo tổng hợp tăng, giảm TSC.
- Sở Tài chính tỉnh Hòa Bình (2018, 2019, 2020). Báo cáo giám sát tình hình quản lý, sử dụng TSC của các cơ quan đơn vị thuộc phạm vi quản lý tỉnh Hòa Bình.
THE PUBLIC PROPERTY MANAGEMENT
OF PROVINCIAL ADMINISTRATIVE AGENCIES
IN HOA BINH PROVINCE
• LE THI HONG DIEP1
• NGUYEN THI KIM NGOC2
• DO HOANG PHUONG1
1University of Economics and Business, Vietnam National University – Hanoi
2Hoa Binh Province Department of Finance
ABSTRACT:
Public property management plays an important role in ensuring the performance of functions and tasks of state administrative agencies. In addition, public property management ensure the efficiency of state budget spending. This study analyzes the public property management of provincial administrative agencies in Hoa Binh Province. It finds out that the legal corridor on the management and use of public properties has been gradually improved, thereby creating a foundation for innovating the management and use of public properties. However, there are some shortcomings such as inappropriate policies. Property management in studied administrative agencies is still heavily subsidized, hence provincial administrative agencies have not paid enough attention to improve the effectivenss of using public properties.
Keywords: public property, public property management, Hoa Binh Province.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 27, tháng 12 năm 2021]