Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương: Kiểm tra, kiểm soát thị trường có trọng tâm, trọng điểm

Với nỗ lực kiểm soát thị trường, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bình Dương đồng bộ triển khai các chương trình, kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Hoạt động của đơn vị đã góp phần ổn định thị trường, kiểm soát chất lượng, giá cả hàng hóa, dịch vụ, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đặc biệt trên cả môi trường thương mại điện tử.

Giai đoạn qua, lực lượng Quản lý thị trường Bình Dương đã thực hiện tốt chức năng phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm và gian lận thương mại; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các hoạt động của Cục QLTT đã góp phần ổn định thị trường, thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh trong sạch và quyền lợi hợp pháp của các nhà sản xuất kinh doanh chân chính trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

QLTT Bình Dương
Lực lượng QLTT Bình Dương kiểm tra kiểm soát thị trường

Kiểm tra, kiểm soát thị trường có trọng tâm, trọng điểm

Từ đầu năm 2024 đên nay, lực lượng QLTT Bình Dương đã kiểm tra trên 659 vụ, xử lý 571 vụ, tổng số tiền thu nộp ngân sách trên 9,1 tỷ đồng (đạt 101% so với chỉ tiêu được giao). Đơn vị đã tịch thu, buộc tiêu huỷ hàng hóa trị giá ước tính 20 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự 06 vụ. Điển hình có thể kể đến như vụ việc kiểm tra điểm sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn thị xã Bến Cát, qua đó phát hiện hơn 15.000 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm các loại, hơn 1.800 kg vật liệu, nguyên liệu, bao bì chứa đựng để đóng gói mỹ phẩm không hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa; cùng các công cụ, máy móc để sản xuất mỹ phẩm với tổng trị giá hàng hóa vi phạm hơn 250.000.000 đồng.

Nhằm hỗ trợ các đơn vị phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo đà phát triển kinh tế xã hội, QLTT Bình Dương đã theo dõi chặt chẽ tình hình biến động của thị trường hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, đặc biệt là những mặt hàng xăng dầu, khí, lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, trang thiết bị y tế..., qua đó đề xuất cụ thể giải pháp khi có dấu hiệu bất ổn thị trường.

Nhằm nâng cao ý thức pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng, QLTT Bình Dương đã tăng cường phối hợp các cơ quan thông tin tuyên truyền pháp luật với nhiều hình thức đa dạng, qua đó phát hiện, tố giác kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại. Cùng với đó, Đơn vị phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin với lực lượng chức năng Công an, Công Thương, Hải quan, Thuế, Khoa học Công nghệ, Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, các cơ quan Thanh tra chuyên ngành; phối hợp tốt với các Hiệp hội, ngành hàng, các đơn vị đã ký quy chế phối hợp trong việc nắm bắt thông tin vi phạm, kịp thời kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm một cách có trọng tâm, trọng điểm.

QLTT Bình Dương
Lực lượng QLTT Bình Dương nỗ lực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã khiến kinh doanh trực tuyến qua các nền tảng điện tử trở thành tất yếu. Giao dịch thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, kéo theo nhiều nội dung bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong giao dịch thương mại điện tử cần phải được thể chế hóa. Cục QLTT Bình Dương đã Ban hành Quyết định số 727/QĐ-QLTTBD ngày 23/7/2024 về kế hoạch công tác thương mại điện tử năm 2024; tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ về phòng, chống vi phạm trong thương mại điện tử năm 2024 cho toàn thể công chức của đơn vị.

Hiện nay, việc phát hiện, xử lý vi phạm việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc, xuất xứ,...trên môi trường điện tử gặp không ít khó khăn, thách thức. Việc chủ động thẩm tra, phát hiện vi phạm trên zalo, facebook gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế do các đối tượng vi phạm thường giới thiệu trên website là mẫu hàng chính hãng, nhưng khi giao hàng thì giao hàng giả hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng. Việc truy xuất, lưu trữ các giao dịch thương mại điện tử, hàng hóa giao dịch cũng gặp khó khi các giao dịch, thanh toán trên mạng đều chớp nhoáng và vô hình; không có địa điểm kinh doanh rõ ràng, không thể kiểm tra được ngay, hầu hết các giao dịch theo hình thức này (nếu là hàng giả, hàng xâm phạm quyền) đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể.

Vượt lên trên những khó khăn đó, QLTT Bình Dương vẫn đạt được những kết quả tích cực với nỗ lực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong môi trường thương mại điện tử. Công tác phối hợp kiểm tra trong lĩnh vực thương mại điện tử giữa Cục QLTT, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương và Công an tỉnh bước đầu đã mang lại nhiều hiệu quả rất đáng ghi nhận. Kết quả năm qua đã kiểm tra 60 vụ, vi phạm 60 vụ, và đã xử lý 56 vụ. Tổng số tiền phạt: 1.106.500.000 đồng; tịch thu, buộc tiêu hủy hàng hoá trị giá 535.474.000 đồng.

QLTT Bình Dương
Lực lượng QLTT Bình Dương thực thi pháp luật về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử

Giai đoạn tới, lực lượng QLTT Bình Dương tiếp tục quan tâm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử. Đơn vị sẽ phát triển hạ tầng, thiết bị bảo đảm an ninh an toàn thông tin phục vụ công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng; quan tâm nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức trong hoạt động thực thi pháp luật về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử. 

Văn Thắng