Nhiều thủ đoạn tinh vi hoạt động thương mại điện tử
Báo cáo với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, ông Nguyễn Văn Bách - Quyền Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường Thành phố Hồ Chí Minh (QLTT) cho biết, Cục QLTT hiện có 486 công chức và người lao động, 33 đơn vị trực thuộc trong đó có 24 đội quận huyện, đang trong quá trình kiện toàn tổ chức bộ máy, công tác cán bộ chưa được hoàn thiện, với sự chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, tập thể lãnh đạo Cục, các Phòng, Đội đoàn kết thống nhất và có tinh thần trách nhiệm cao với sự quyết tâm phấn đấu của toàn thể cán bộ, công chức nên đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được cấp trên giao. Từ đó, đã góp phần ngăn chặn, hạn chế tình trạng buôn bán hàng hóa nhập lậu, vi phạm về sở hữu công nghiệp, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại,... trên địa bàn thành phố; góp phần làm cho thị trường hàng hóa trên địa bàn thành phố ổn định.
7 tháng đầu năm 2019, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện và xử lý 29.963 vụ vi phạm, nộp ngân sách nhà nước khoảng 54 tỷ đồng, chuyển cơ quan chức năng khởi tố 11 vụ án với giá trị hàng hoá vi phạm 10 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp trao đổi thông tin, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm giữa các lực lượng chức năng với lực lượng Quản lý thị trường thành phố được thực hiện tốt, kiểm tra có hiệu quả tại địa bàn trọng điểm, các nhóm hàng hóa trọng tâm.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật đã được các cấp, các ngành, cơ quan truyền thông thực hiện tốt trong thời gian qua đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp trong việc phối hợp với các lực lượng chức năng trong đấu tranh chống buôn lậu, vi phạm về sở hữu công nghiệp, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại,... góp phần tích cực vào hạn chế tình trạng xảy ra vi phạm trên địa bàn; đồng thời đã cảnh báo cho người dân các nguy cơ ảnh hưởng tới an toàn sức khỏe khi tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường và để răn đe các đối tượng vi phạm pháp luật.
Cùng với công tác chuyên môn, cho đến nay Cục QLTT thành phố đã thực hiện ký cam kết 32.551 văn bản không kinh doanh hàng gian, hàng giả với người kinh doanh trên địa bàn.
Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu, kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn chưa được đẩy lùi, diễn biến còn rất phức tạp. Nguyên nhân là do thành phố là trung tâm kinh tế lớn với nhiều thành phần tham gia, sự gian lận trong sản xuất kinh doanh cũng vì thế mà ngày càng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi, nhất là hoạt động thương mại điện tử. Một nguyên nhân khác là sự phối kết hợp kiểm tra, xử lý hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng giữa các lực lượng chưa nhuần nhuyễn, chưa quyết liệt và thiếu đồng bộ.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Bách - Quyền Cục trưởng, bên cạnh những mặt đã đạt được, công tác quản lý thị trường tại Thành phố Hồ Chí Minh còn những mặt hạn chế:
Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố lớn có mức độ tăng trưởng kinh tế nhanh, hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng phát triển; lưu thông hàng hóa trên nhiều tuyến, địa điểm chứa trữ, giao nhận hàng hóa ngày càng tinh vi; công tác quản lý địa bàn của các Đội Quản lý thị trường chưa theo kịp những diễn biến của đối tượng kinh doanh, nhóm mặt hàng, địa bàn trọng điểm để kịp thời kiểm tra, xử lý.
Cũng theo đại diện Cục Quản lý Thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, cùng với sự phát triển của nền tảng công nghệ thông tin, lĩnh vực thương mại điện tử ngày càng phát huy thế mạnh và trở thành xu thế dẫn đầu trong thời điểm hiện nay. Các hình thức quảng cáo sản phẩm thông qua các kênh như Facebook, website, sàn giao dịch điện tử,… không còn xa lạ với người kinh doanh, ngày càng phổ biến và dần trở nên quen thuộc, vừa tiết kiệm chi phí vừa đưa sản phẩm ra thị trường nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Nhận định của cơ quan chức năng, song song với những thành tựu do thương mại điện tử mang lại thì nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về việc quản lý kinh doanh hàng hóa qua mạng. Đây cũng là kênh phân phối cho nhiều mặt hàng không được nhập khẩu chính ngạch, không có hóa đơn chứng từ, hàng hóa giả mạo các thương hiệu lớn được đặt mua chủ yếu từ Trung Quốc dựa trên nhu cầu của thị trường. Người bán hàng qua mạng không cần phải có kho chứa trữ hàng hóa mà chỉ khi nhận được đơn đặt hàng từ người tiêu dùng mới bắt đầu tiến hành lấy hàng từ nhiều nơi khác nhau do đó gây khó khăn cho công tác trinh sát đối tượng. Ngoài ra hình thức kinh doanh này cũng tạo cơ hội cho hàng kém chất lượng được dễ dàng tung ra thị trường.
Tại cuộc họp này, các cán bộ Cục QLTT thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra khó khăn trong đặc thù công việc và thiếu hụt nhân lực do tinh giản biên chế, thu nhập lương bổng, cơ sở vật chất về kho bãi, khó khăn về kiểm tra, xử lý chứng từ kế toán trong xử lý hàng lậu, hàng giả và đề xuất tăng biên chế, cơ chế đặc thù tái đầu tư để Cục QLTT chủ động công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ và hạn chế tiêu cực trong công tác và hạn chế tiêu cực trong công tác.
Ứng dụng công nghệ quản lý khoa học trong công tác chuyên môn
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao các nhiệm vụ trong hoạt động của lực lượng quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua, cũng như tham mưu xây dựng chính sách phối hợp với các đơn vị, lực lượng chức năng tại địa bàn thành phố. Công tác cán bộ, quy hoạch bổ nhiệm đảm bảo sự chỉ đạo mang tính toàn diện giữa lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Tổng cục và lãnh đạo thành phố trong nhiệm vụ chuyên môn gắn với mục tiêu cụ thể của thành phố Hồ Chí Minh vừa đảm bảo môi trường chính phủ kiến tạo và yêu cầu quản lý nhà nước.
Phát biểu tại buổi làm việc, Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho rằng, chủ trương tinh giản chung của nhà nước chứ không chỉ của ngành, nhiệm vụ công tác càng phức tạp nên quán triệt lực lượng cán bộ QLTT phải tinh nhuệ, làm việc khoa học, chuyên nghiệp như quản lý địa bàn chặt chẽ hơn, nâng cao chất lượng công tác cán bộ; ứng dụng công nghệ, quản lý khoa học trong công tác chuyên môn. Với vai trò ngành dọc, Tổng Cục QLTT quan tâm đến bộ máy tổ chức, công tác chuyên môn và cơ sở vật chất để QLTT TP.HCM hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước nhìn nhận, Thành phố Hồ Chí Minh luôn có mức tăng trưởng cao về thị trường trong nước và bán lẻ hàng hóa trong những năm gần đây, thị trường lớn chiếm đến 25% tổng mức lưu chuyển hàng hóa của cả nước, lực lượng QLTT TPHCM gánh vác trọng trách nặng nề đóng góp vào bảo vệ thành quả của việc phát triển thị trường trong nước, bình ổn thị trường, đặc biệt năm 2018, QLTT TP.HCM đóng góp việc quan trọng là hậu kiểm về an toàn thực phẩm với hơn 200 doanh nghiệp trong tổng số khoảng 400 doanh nghiệp của cả nước.
Phát biểu chỉ đạo kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, Cục Quản lý Thị trường Thành phố Hồ Chí Minh cần rà soát kế hoạch đào tạo và đào tạo lại về kiến thức pháp luật, kiến thức chuyên ngành các lĩnh vực quản lý thị trường; hoàn thiện cơ chế, quy chế đảm bảo quyền lợi cán bộ công chức trong các ngạch QLTT với tiêu chí rõ ràng và có sự quan tâm kịp thời về chế độ tiền lương, phụ cấp. Việc tiếp tục thực hiện đề án tinh giản bộ máy. Bộ trưởng xem đó là thách thức lớn, áp lực nặng nề cho trong thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy mới theo ngành dọc mang lại sức mạnh của tập trung, sự chỉ đạo quyết liệt và kịp thời hơn. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.