TÓM TẮT:
Thực tiễn quản lý chất lượng nguồn nhân lực ngành Ngân hàng dưới góc độ nhà quản lý và nhà sử dụng nguồn nhân lực thì thấy rằng, nhân lực cho ngành Ngân hàng hiện nay vừa thiếu vừa yếu. Mảng kiến thức bổ trợ (tin học, ngoại ngữ) có thể thấy rất yếu; kiến thức về kinh tế, ngân hàng, giao tiếp còn hạn chế. Nhiều ngân hàng thiếu đội ngũ quản trị điều hành, lãnh đạo có trình độ chuyên môn, khả năng phân tích, am hiểu luật pháp và độc lập xử lý các vấn đề thực tế. Trình độ chuyên môn, khả năng lập dự án, tầm nhìn chiến lược, của đội ngũ giám đốc chưa đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và hội nhập. Thậm chí ở Ngân hàng Nhà nước còn thiếu đội ngũ chuyên gia, quản lý vĩ mô, khả năng nghiên cứu dự báo, xây dựng chiến lược phát triển hệ thống ngân hàng. Nguồn nhân lực phục vụ cho việc tái cấu trúc, ngân hàng, chính sách tiền tệ, thanh tra giám sát chưa đáp ứng yêu cầu cho hoạt động ngân hàng trong hội nhập với nền kinh tế thế giới như hiện nay.
Từ khóa: Chiến lược phát triển hệ thống ngân hàng, nguồn nhân lực, chính sách công, thực hiện chính sách.
1. Quan niệm về thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực ngân hàng
Xuất phát từ tính tập trung, thống nhất của hoạt động quản lý nhà nước, cho nên, thực hiện chính sách phát triển nhân lực ngành Ngân hàng cũng mang tính tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương.
Trong lĩnh vực thực hiện chính sách phát triển nhân lực ngành Ngân hàng, nhất là nhân sự trong các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước trong mọi thời kỳ đều phát hiện, đào tạo những người tài giỏi để hình thành đội ngũ nhân sự có chất lượng, coi đó "nguyên khí của mỗi ngân hàng" khi thực hiện cạnh tranh theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nếu không thực hiện chính sách phát triển nhân lực ngành Ngân hàng sẽ không tạo được một lực lượng sản xuất chủ yếu, là phương tiện để sản xuất hàng hóa, dịch vụ. Vì vậy, việc cung cấp đầy đủ và kịp thời lực lượng lao động theo yêu cầu của nền kinh tế là vấn đề quan trọng nhất đảm bảo tốc độ tăng trưởng chất lượng hoạt động của từng ngân hàng.
Do đó, việc thực hiện chính sách phát triển nhân lực ngân hàng sẽ có ý nghĩa xây dựng trong tương lai được một nguồn nhân lực đáp ứng được cả yêu cầu về thể lực, trí lực, kỹ năng nghề nghiệp mà mỗi cá nhân sở hữu.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tái cấu trúc ngành Ngân hàng mạnh mẽ như ngày nay, giữa các ngân hàng, thậm chí ngay cả trong mỗi quốc gia, liên quốc gia đã và đang diễn ra cuộc cạnh tranh tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia quản trị trong lĩnh vực ngân hàng.
Việc thực hiện chính sách phát triển nhân lực ngành Ngân hàng được thực hiện theo nguyên tắc tự do của thị trường lao động và quản trị tốt của từng ngân hàng, theo đó, thực hiện chính sách nguồn nhân lực ngành Ngân hàng phải nhằm tới được 3 tiêu chí về kết quả tìm được nhân sự chất lượng tốt: (i) Về mặt bằng kiến thức: Do hoạt động ngân hàng có liên quan đến việc cấp tín dụng và đầu tư cho nền kinh tế nên đòi hỏi nguồn nhân lực phải am hiểu và có kiến thức tổng hợp của nhiều chuyên ngành sản xuất kinh doanh, nhiều loại đặc thù quản lý; (ii) Về năng lực: Nhạy bén, sáng tạo, năng động do xuất phát từ đặc điểm của kinh doanh hàng hóa đặc thù là tiền tệ; (iii) Về phong cách: Ngân hàng thực hiện chức năng "đi vay để cho vay" kinh doanh dựa trên sự “tín nhiệm”, hoặc tham gia quản lý điều hành quản lý nhà nước về ngân hàng nên nguồn nhân lực ngân hàng khi tiến hành thực hiện chính sách cần phải hướng tới xây dựng được phong cách chững chạc, tự tin, quyết đoán, đạo đức tốt, tạo được niềm tin cho khách hàng ở cả góc độ là người gửi tiền và các nhà đầu tư vay vốn và quản lý nhà nước về ngân hàng minh bạch, liêm chính.
Từ những phân tích trên, có thể định nghĩa: Thực hiện chính sách phát triển nhân lực ngành Ngân hàng là tổng thể các quan điểm, mục tiêu, phương pháp hành động của cơ quan có thẩm quyền nhằm thu hút và duy trì nhân lực có chất lượng để thực thi nhiệm vụ quản lý và kinh doanh của ngân hàng.
2. Đặc điểm của thực hiện chính sách phát triển nhân lực ngành Ngân hàng
Thứ nhất, đáp ứng nhu cầu phát triển ngành theo xu thế hội nhập, tái cấu trúc ngành Ngân hàng, việc thực hiện chính sách phát triển nhân lực ngành Ngân hàng là yếu tố cốt lõi nhằm xây dựng được nguồn nhân lực đủ về số lượng, có trình độ chuyên môn và kỹ năng tốt, có khả năng triển khai các mục tiêu chung, nâng cao và cải thiện dịch vụ ngân hàng đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế theo những tiêu chí rõ ràng, minh bạch.
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang có xu hướng dịch chuyển từ “nền kinh tế theo cơ chế xin cho” sang “nền kinh tế thị trường có đầy đủ yếu tố cạnh tranh, theo quy luật khách quan”. Hầu hết các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã và đang thực hiện công cuộc cải cách chính sách thu hút nhân sự và chiến lược phát triển nhân lực ngành Ngân hàng, trong đó xác định nhiều nội dung, bao gồm: (i) Cải cách thể chế thị trường lao động; (ii) Cải cách tiền lương; (iii) Nhân sự hành chính; (iv) Đào tạo nhân lực các cấp bậc chuyên môn... nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ thực thi nhiệm vụ kinh doanh và quản lý của ngân hàng, phục vụ cho hoạt động quản lý của nhà nước và lợi ích phát triển bền vững của an toàn hệ thống tài chính ngân hàng.
Để thực hiện chính sách phát triển nhân lực ngành Ngân hàng cải cách, Nhà nước và các ngân hàng đã ban hành chính sách có liên quan đến vấn đề nhân sự, trong đó có chính sách phát triển nhân lực ngành Ngân hàng nhằm thu hút được nhiều người tài giỏi tham gia vào thiết chế tổ chức của ngân hàng, từ đó góp phần nâng cao chất lượng của đội ngũ nhân sự thực hiện nhiệm vụ kinh doanh của tổ chức tín dụng, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, góp phần thực hiện thành công trong công cuộc cải cách nền tài chính ngân hàng quốc gia.
Để thực hiện được các mục tiêu chính sách phát triển nhân lực ngành Ngân hàng, việc hoạch định chính sách phát triển nhân lực ngành Ngân hàng cần đảm bảo một số yêu cầu nhất định, như: (i) Yêu cầu về tính khách quan; (ii) Tính đồng bộ, hệ thống; (iii) Sự phù hợp với tình hình thực tế; tính hợp pháp và hiệu quả.
Đối tượng hướng tới của quá trình thực hiện chính sách phát triển nhân lực ngành Ngân hàng là toàn bộ nhân lực trong ngành với những nội dung về số lượng, chất lượng, quy mô và dự báo phát triển nhân lực, trong đó đặt trọng tâm vào các nhóm đối tượng đặc biệt có vai trò quyết định và đột phá trong phát triển nhân lực của ngành: Đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, hoạch định và thực thi chính sách, thanh tra giám sát, quản trị rủi ro, quản lý danh mục đầu tư.
Thứ hai, chủ thể thực hiện chính sách phát triển nhân lực ngành Ngân hàng là cơ quan có thẩm quyền như Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại và các cơ sở đào tạo có liên quan.
Ở nước ta, chủ thể của thực hiện chính sách phát triển nhân lực ngành Ngân hàng là cơ quan có thẩm quyền: Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại và các cơ sở đào tạo có liên quan. Khi thực hiện chính sách phát triển ngành Ngân hàng được xây dựng và thực thi nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội do Đảng và Nhà nước đề ra. Nhưng vấn đề nhân sự phải được đặt trong mối quan hệ với phát triển hệ thống ngân hàng, được đặt trong mối quan hệ biện chứng với sự phát triển của nền kinh tế nói chung, với sự phát triển tổng thể hệ thống tài chính, thị trường tài chính, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện các cam kết quốc tế trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Các chủ thể khi tham gia thực hiện chính sách phát triển nhân lực ngành Ngân hàng với mục tiêu phát triển ngành là: toàn diện, an toàn, bền vững, hiện đại, hoạt động theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có năng lực quản lý, trình độ ứng dụng công nghệ tiên tiến, hội nhập quốc tế sâu rộng, áp dụng đầy đủ các thiết chế và chuẩn mực theo thông lệ quốc tế ở cả Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng. Do đó, việc gắn với trách nhiệm chủ thể của quá trình thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực ngân hàng không thể là các chủ thể khác.
Một là, đối với Ngân hàng Nhà nước là chủ thể đầu tiên của quá trình thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực, tham mưu cho Chính phủ, bởi lẽ, Ngân hàng Nhà nước có "thiên chức" phát triển Ngân hàng Nhà nước trở thành một Ngân hàng Trung ương thực sự, thực hiện hiệu quả việc ổn định giá trị đồng tiền, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, đảm bảo an toàn, hiệu quả hệ thống thanh toán quốc gia, thúc đẩy sự ổn định tài chính góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, có phương thức quản lý tiên tiến trên nền tảng công nghệ thông tin, ứng dụng các chuẩn mực theo thông lệ quốc tế trong hoạt động nghiệp vụ Ngân hàng Trung ương, hội nhập sâu rộng với cộng đồng tài chính quốc tế tương tự như ngân hàng trung ương các nước tiên tiến ở khu vực châu Á. Do đó, Ngân hàng Nhà nước phải tiến hành chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức quán triệt, phổ biến và triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Ngân hàng, đồng thời, hướng dẫn các đơn vị trong ngành tổ chức thực hiện quy hoạch; kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tổ chức sơ kết thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực theo những quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hai là, đối với ngân hàng thương mại phải tham gia vào quá trình thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực ngành Ngân hàng. Bởi vì, mặc dù không phải cơ quan quản lý nhà nước cho Ngân hàng Trung ương, tuy nhiên, các ngân hàng thương mại phải thực hiện chính sách phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng đa dạng, bền vững, năng lực cạnh tranh cao, sản phẩm dịch vụ ngân hàng phong phú, cung ứng rộng rãi cho các thành phần trong nền kinh tế dựa trên cơ sở hạ tầng tài chính hiện đại, từng bước hội nhập sâu hơn vào các thị trường trong khu vực và quốc tế, phát triển ngang tầm với các quốc gia có thu nhập trung bình trong khu vực. Do đó, các ngân hàng thương mại phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, với Hiệp hội Ngân hàng thực hiện xây dựng các tiêu chuẩn nghề nghiệp ngân hàng ứng với các chức danh quản lý, cán bộ chuyên môn. Thực hiện việc quy hoạch phát triển nhân lực của mình, triển khai các hoạt động liên quan đến hoạt động quy hoạch phát triển nhân lực trong nội bộ hệ thống. Chọn cử những cán bộ có đủ năng lực tham gia làm giảng viên kiêm chức trong ngành.
Ba là, ngành Giáo dục và Đào tạo cũng là một chủ thể quan trọng đào tạo nhân lực cho ngành Ngân hàng. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, hướng dẫn Học viện Ngân hàng, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh thực hiện công tác kiểm định, đánh giá chất lượng đào tạo, hỗ trợ các vấn đề có liên quan để 2 trường trở thành trường đại học chất lượng cao.
Đồng thời, Trường Bồi dưỡng cán bộ ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước làm đầu mối phối hợp với các cơ sở đào tạo của các tổ chức tín dụng trong ngành và Hiệp hội Ngân hàng xây dựng các chương trình, nội dung đào tạo đáp ứng nhu cầu cập nhật kiến thức và kỹ năng, nâng cao năng lực cán bộ của hệ thống Ngân hàng Nhà nước và đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý trong ngành.
Học viện Ngân hàng và Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh thực hiện các hoạt động liên quan đến việc nâng cao chất lượng đào tạo: Cơ sở vật chất, giảng viên, tài liệu giảng dạy.
Thứ ba, về lĩnh vực tác động, thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực ngành Ngân hàng có liên quan trực tiếp đến vấn đề nhân sự nhà nước, là một loại chính sách xã hội.
Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra nhanh chóng và sâu rộng, tác động đến mọi hoạt động của nền kinh tế xã hội. Đồng thời, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, nền kinh tế tri thức đang trở thành mục tiêu của nhiều quốc gia trên thế giới nhằm sử dụng tri thức như một nhân tố quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội. Trong sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, vai trò của ngành Ngân hàng ngày càng được nâng cao, được coi như huyết mạch của nền kinh tế và là kênh dẫn vốn cho các hoạt động kinh doanh, sản xuất, góp phần tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy sự phục hồi sau khủng hoảng tài chính và suy giảm tăng trưởng kinh tế thế giới, thúc đẩy kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới.
Cùng với sự lớn mạnh của nền kinh tế, ngành Tài chính - Ngân hàng đang phát triển mạnh mẽ cả về bề rộng và chiều sâu, với sự lớn mạnh không ngừng của các tổ chức tín dụng trong nước và sự gia tăng hoạt động của các định chế tài chính nước ngoài. Sau khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO, AEC,... ngành Ngân hàng Việt Nam bước vào một thời kỳ phát triển mới với sự gia tăng nhanh chóng về số lượng, quy mô mạng lưới chi nhánh của các tổ chức tín dụng, sự đa dạng về sản phẩm, dịch vụ và mức độ tiên tiến của công nghệ. Số liệu thống kê cho thấy, chỉ trong vòng 10 năm, quy mô nhân lực ngành Ngân hàng đã tăng lên nhanh chóng, từ 67.558 người năm 2000 đến 172.547 người năm 2010. Tốc độ tăng nhân lực bình quân từ năm 2000 đến năm 2010 là 10,03%, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn này (7,2%). Trong giai đoạn tiếp theo, theo dự báo, nhu cầu về nhân lực cho ngành Ngân hàng vẫn đang tiếp tục tăng lên. Đến năm 2015, nhu cầu nhân sự cấp cao của ngành Tài chính ngân hàng cần khoảng 94.000 người, nếu không kịp thời nâng cao chất lượng đào tạo từ cấp độ cơ bản đến chuyên sâu, lực lượng lao động cấp cao trong ngành sẽ thiếu trầm trọng từ năm 2015. Trong khi đó, nguồn cung nhân sự cho ngân hàng lại chưa đáp ứng được nhu cầu. Đa số sinh viên tài chính ngân hàng sau khi tốt nghiệp đều hổng cả về kỹ năng và kiến thức chuyên sâu.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển ngành theo xu thế đó, việc quy hoạch phát triển nhân lực ngành Ngân hàng là yếu tố cốt lõi nhằm xây dựng được nguồn nhân lực đủ về số lượng, có trình độ chuyên môn và kỹ năng tốt, có khả năng triển khai các mục tiêu chung, nâng cao và cải thiện dịch vụ ngân hàng đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế.
Tuy nhiên, khi thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực, ngành Ngân hàng sẽ có những tác động, liên quan trực tiếp đến vấn đề nhân sự nhà nước, là một loại chính sách xã hội, trọng dụng nhân sự. Xác định nội dung chính sách phát triển nguồn nhân lực ngành Ngân hàng là vấn đề khá phức tạp, bởi vì ngành liên quan đến một bộ phận đặc biệt trong lực lượng lao động xã hội. Để xác định được nội dung thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực ngành Ngân hàng, cần nghiên cứu cả lý luận và thực tiễn về loại chính sách này.
Trong quá trình thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực ngân hàng, đã triển khai nhiều biện pháp ở nhiều cấp độ trong thời gian vừa qua. Ngân hàng Nhà nước đang xúc tiến chuẩn hóa khung năng lực của cán bộ ngân hàng thông qua quy hoạch đào tạo đội ngũ chuyên gia đầu ngành về tín dụng, tỷ giá, lãi suất…, ban hành tiêu chuẩn cán bộ chủ chốt của ngân hàng thương mại. Nhiều kế sách nhân sự cũng đang được các ngân hàng thương mại triển khai để có nguồn nhân sự đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn phát triển mới. Do đó, việc thực hiện chính sách về phát triển nguồn nhân lực tập trung hoàn thiện và nâng cao chất lượng quy trình tuyển dụng nhằm sàng lọc được các ứng viên tốt nhất, phù hợp nhất cho các vị trí, chú trọng đến công tác đào tạo mọi cấp, từ cán bộ quản lý cho đến chuyên viên, nhân viên.
Trong công tác thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực ngành Ngân hàng hiện nay thì ngân hàng xác định phải bỏ công xây dựng hệ thống đào tạo bài bản để xây dựng được bộ khung vững chắc. Chiến lược về nhân sự chuyển từ “buy - mua” sang “build - xây”, có nghĩa là chú trọng vào phát triển năng lực nhân sự trong quá trình làm việc. Nhận thực tập sinh tập trung từ năm thứ 3, mỗi năm sàng lọc được trung bình 400 người trong khoảng 3.000 hồ sơ trúng tuyển. Sau đó, mỗi thực tập sinh cần khoảng 3 tuần đào tạo về sản phẩm, kỹ năng và các nghiệp vụ ngân hàng và kết thúc đợt thực tập có khoảng 62% đủ trình độ được giữ lại. Đặc biệt sau khi trúng tuyển, ngân hàng có một quá trình đệm lót cho nhân sự, giúp các cá nhân hòa nhập văn hóa chung trước khi chính thức phục vụ cho công việc.
Giữ vai trò quan trọng trong chiến lược chuyển từ “buy” sang “build” của ngân hàng là những chương trình đào tạo chuyên biệt, chuẩn mực dành cho đội ngũ cán bộ quản lý cấp trung và cao.
3. Kết luận
Như vậy, thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực ngành Ngân hàng bao gồm nhiều nội dung có liên quan đến các nội dung trong quy trình quản lý nhân lực, các vấn đề chính sách xã hội có liên quan, đó là: Chính sách quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành Ngân hàng, tránh tình trạng "vỡ trận" như tình trạng nguồn nhân lực ngành Sư phạm hiện nay; chính sách tuyển dụng nguồn nhân lực ngành Ngân hàng. Tuy nhiên, chính sách tuyển dụng hiện nay phải mềm mỏng, là một ngành dịch vụ, đặc trưng của ngành Ngân hàng là yếu tố con người quyết định chất lượng sản phẩm dịch vụ, chứ không phải là máy móc, nguyên vật liệu... như ngành sản xuất, do đó, chú trọng quá trình từng bước xây dựng theo phương châm chuyển từ “buy - mua” sang “build - xây” ngay từ khi thực tập sinh đến khi chính sách tuyển dụng và hậu tuyển dụng; chính sách đánh giá thực hiện chính sách tuyển dụng và các chính sách đào tạo và phát triển, chính sách đãi ngộ nguồn nhân lực ngành Ngân hàng hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nguyễn Trọng Bảo (2010), Chọn được lãnh đạo tài, đất nước sẽ chuyển biến, truy cập tại Báo Điện tử Tiền phong tại http://www.tienphong.vn/Thoi-Su/514866/Chon-duoc-lanh- dao-tai-dat-nuoc-se-chuyen-bien.html [Truy cập: 09/10/2010].
2. Trường Đại học Kinh tế quốc dân (2010), Giáo trình Quản trị nhân lực, NXB Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội, tr.10
3. Ngô Thanh Dũng (2016), Kinh nghiệm của Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam trong công tác phát triển nguồn nhân lực, Luận văn thạc sĩ Quản lý công, Trường Đại học Thành Đông, tr.34.
4. Thu Phương (2014), Bài toán cho nhân lực ngành Ngân hàng, truy cập tại http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/dap-an-cho-bai-toan-nhan-su-nganh-ngan-hang-3042475/) [truy cập: 12h ngày 20 tháng 5 năm 2017]
5. Phạm Thanh Hà (2015), Thực hiện chính sách đào tạo nhân lực ngân hàng tại ngân hàng thương mại, Luận văn thạc sĩ Quản lý kinh tế, Trường Đại học Hàng hải, tr.68
6. Phạm Hồng Việt (2014), Vai trò của đào tạo trong việc nâng cao chất lượng ngành Tài chính ngân hàng hiện nay, Tạp chí Quản lý kinh tế, số tháng 2/2014, tr.24.
7. Trần Thị Băng Thanh (2011), Bài giảng Quản trị nhân sự ngành Ngân hàng, Tập huấn bồi dưỡng cho Hiệp hội nhân sự Việt Nam, Hà Nội, tr.56.
8. Lại Văn Hùng (2011), Chính sách thực hiện tự do hóa thị trường lao động, Luận văn Thạc sĩ Quản lý công, Học viện Hành chính Quốc gia, tr.45.
9. Lê Thị Lan (2012), Chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay tại thành phố Cần Thơ, NXB. Thành phố Hồ Chí Minh, tr.361.
THE CONCEPT OF IMPLEMENTING THE HUMAN RESOURCE
DEVELOPMENT POLICY OF THE BANK
● NGUYEN HOAI PHUONG
Commercial Bank Limited One Ocean Member
ABSTRACT:
The quality of human resource management in the banking sector under managerial level and human resource users shows that banking man-power is inadequate. The complementary knowledge (informatics, foreign languages) is substandard; knowledge of economics, banking, communication is limited. Many banks lack executive management, professional leadership, analytical skill, law understanding and practical resolutions. Qualifications, ability of project planning, strategic vision, management team have not met the requirements of competition and integration level. Even in the State Bank, there is a shortage of experts, macro management, forecasting ability, and development strategy of the banking system. Human resources for restructuring, banking, monetary policy, inspection and supervision have not met the requirements.
Keywords: Banking system development strategy, human resources, public policy, policy implementation.
Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 10 tháng 09/2017 tại đây