Theo đó, sau khi Ban tổ chức Hội thi Sâm Ngọc Linh công bố kết quả, 11 cá nhân, đơn vị đã tặng những củ sâm đạt giải để đấu giá.
Mặc dù lần đầu tiên được tổ chức, nhưng buổi đấu giá sâm Ngọc Linh diễn ra rất sôi nổi, thu hút đông đảo người dân, du khách tham gia lễ hội đến xem. Những cây sâm được mang ra đấu giá có độ tuổi từ 5 đến 15 tuổi, đạt chất lượng cao cả về thẩm mĩ lẫn dược chất vì đã thắng giải tại hội thi sâm, do đó đã có những màn trả giá, cạnh tranh nhau chốt giá để sở hữu được những cây sâm đẹp.
Ngoài những người tham gia trực tiếp, buổi đấu giá cũng thu hút khách hàng đấu giá qua hình thức online. Củ sâm Ngọc Linh được đấu giá cao nhất lên đến gần 130 triệu đồng.
Kết quả, buổi đấu giá đã thu về hơn 361 triệu đồng, toàn bộ kinh phí trên dùng để ủng hộ công tác xóa nhà tạm trên địa bàn huyện Nam Trà My.
Đây là một trong những hoạt động không chỉ góp phần làm phong phú thêm cho lễ hội sâm Ngọc Linh năm 2024, mà còn có ý nghĩa nhân văn, thiết thực hưởng ứng theo chủ trương của Đảng, nhà nước trong nỗ lực xóa nhà tạm.
Lễ hội Sâm Ngọc Linh lần thứ 6 do UBND huyện Nam Trà My tổ chức có chủ đề “Ngọc Linh - Mãi mãi tự hào", diễn ra trong 3 ngày (1-3/8) tại Trung tâm Giới thiệu, tổ chức hội chợ, phiên chợ sâm Ngọc Linh (thôn 1, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My).
Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho hay, qua 5 lần tổ chức, Lễ hội Sâm Ngọc Linh hàng năm đã trở thành điểm hẹn hấp dẫn của du khách gần xa.
Tham gia lễ hội, du khách không chỉ có dịp chiêm ngưỡng những cây sâm, củ sâm đẹp và chất lượng nhất, mà còn được thưởng thức nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số Nam Trà My.
Các hoạt động tại lễ hội liên quan đến cây sâm Ngọc Linh đã góp phần quan trọng xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh trên thị trường trong và ngoài nước, từng bước hướng đến xuất khẩu, nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế.
Lễ hội Sâm Ngọc Linh năm 2024 cũng sẽ diễn ra phiên chợ sâm Ngọc Linh và dược liệu miền núi với quy mô 60 gian hàng thu hút các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hộ trồng sâm trong huyện tham gia xuyên suốt lễ hội để phục vụ nhu cầu mua sâm tại chỗ của du khách.
Hiện nay, cây sâm Ngọc Linh đã và đang từng bước phát triển, tạo nên diện mạo mới và thu nhập ổn định cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Diện tích quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam được xác định là 15.567 ha. Tỉnh đang nghiên cứu trồng di thực sâm Ngọc Linh ở một số địa phương khác có điều kiện tương đồng để mở rộng, phát triển diện tích trồng sâm Ngọc Linh.