Thực hiện được 2,679 tỷ đồng, đạt 33,16% so với kế hoạch
Kết quả 7 tháng đầu năm 2024 tại các huyện, thị xã, thành phố và Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Nam đã triển khai kế hoạch khuyến công địa phương thực hiện được 2,679 tỷ đồng, đạt 33,16% so với kế hoạch.
Cụ thể, hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, đã thực hiện được 2,110 tỷ đồng, đạt 39,59% so kế hoạch năm. Chủ yếu tập trung hỗ trợ các nhóm sản xuất chế biến thực phẩm; nông lâm; sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề. Đây là nội dung trọng tâm trong hoạt động khuyến công, được nhiều đơn vị quan tâm; là chương trình thu hút một lượng lớn vốn đối ứng của doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trong việc đầu tư xây dựng mô hình, đầu tư mua sắm máy móc thiết bị vào sản xuất.
Trong 7 tháng năm năm 2024, hoạt động khuyến công đã hỗ trợ được khoảng 14 cơ sở ứng dụng máy móc tiên tiến và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu sản sản xuất và chế biến. Các cơ sở CNNT được hỗ trợ ứng dụng dây chuyền công nghệ mới đã tạo ra sản phẩm có chất lượng, thân thiện với môi trường, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm giúp các cơ sở tăng hiệu quả kinh doanh để duy trì và ổn định sản xuất trong bối cảnh cơ sở chịu nhiều tác động của dịch bệnh, khuyến khích các cơ sở công nghiệp đầu tư chế biến nông, lâm, thuỷ sản; sản xuất, gia công, sửa chữa cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn; sản xuất hàng tiêu dùng … Bên cạnh đó, thu hút và tạo việc làm cho nhiều lao động, tăng thu cho ngân sách địa phương.
Ngoài ra, nội dung phát triển sản phẩm CNNT đã thực hiện được 310 triệu đồng, đạt 33,62% so kế hoạch. Chủ yếu tập trung hỗ trợ cho 02 đơn vị tổ chức hội chợ, triển lãm hàng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) tại địa phương với kinh phí thực hiện 160 triệu đồng; Hỗ trợ cho khoảng 30 cơ sở CNNT tham gia các Hội chợ, triển lãm đầu năm, với kinh phí thực hiện 100 triệu đồng, thông qua các hội chợ triễn lãm các cơ sở CNNT quảng bá sán phẩm của các đơn vị ra thị trường, ký kết các hợp đồng mua bán, tiêu thụ được lượng hàng và đã dần nắm bắt được nhu cầu của khách hàng để tìm ra được hướng đi đúng cho cơ sở trong thời gian đến. Hỗ trợ tổ chức Bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp huyện với kinh phí thực hiện 50 triệu đồng, số sản phẩm được bình chọn (cấp huyện) khoảng 20 sản phẩm.
Đồng thời, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, nâng cao năng lực quản lý, tư vấn, trợ giúp các cơ sở CNNT, đã thực hiện được 120 triệu đồng, đạt 52,17% so kế hoạch. Chủ yếu tập trung hỗ trợ tổ chức hội thảo, tập huấn theo chuyên đề.
Bên cạnh đó, hỗ trợ tư vấn thông tin phát triển CNNT, công tác truyền thông thực hiện được 109 triệu đồng, đạt 9,25% so kế hoạch. Chủ yếu tập trung hỗ trợ công tác cung cấp thông tin, tuyên truyền về tình hình công thương địa phương và hoạt động khuyến công được nhiều địa phương quan tâm thực hiện. Các nội dung hỗ trợ chính là ứng dụng CNNT chuyển đổi số, xây dựng các trang thông tin điện tử, xuất bản bản tin khuyến công, xây dựng các chương trình truyền thanh, truyền hình...
Cuối cùng là nội dung hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công, thực hiện được 30 triệu đồng, đạt 25% so kế hoạch. Chủ yếu tập trung hỗ trợ chi phí quản lý điều hành hoạt động khuyến công (Hội nghị, hội thảo chuyên đề, điều tra, khảo sát, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện chương trình, kế hoạch, đề án và đánh giá hoạt động khuyến công; ...).
Ông Hường Văn Minh - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam cho biết: Chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động khu vực nông thôn theo hướng tích cực, tăng giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành, cơ sở hạ tầng nông thôn ngày càng được nâng cấp theo nhu cầu sản xuất, trật tự an toàn xã hội ngày càng ổn định. Việc khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, sản xuất ra sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm,... đáp ứng nhu cầu trong tình hình hội nhập kinh tế quốc tế, tạo thêm nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường. Nhận thức của các cấp, chính quyền, các ngành, địa phương, đoàn thể về phát triển CN-TTCN ngày càng được nâng lên và cụ thể hoá, thu hút sự tham gia tích cực của các đoàn thể, của từng cá nhân ở địa phương.
Giải pháp hoàn thành kế hoạch khuyến công năm 2024
Từ các kết quả thực hiện kế hoạch khuyến công 7 tháng đầu năm 2024, để hoàn thành kế hoạch năm 2024, trong các tháng cuối năm hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cần tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương về triển khai các nội dung hoạt động khuyến công, đảm bảo hoàn thành các đề án khuyến công được giao đúng tiến độ, mục đích. Tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, phổ biến văn bản, quy định mới về công tác khuyến công để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác khuyến công tại các huyện, thị xã, thành phố.
Chỉ đạo các đơn vị liên quan được giao kế hoạch kinh phí tiếp tục triển khai hoàn thành các nội dung khuyến công còn lại như: Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có chất lượng; Hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT; Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất CN-TTCN; Hỗ trợ phát triển hoạt động tư vấn; Hỗ trợ các nội dung tuyên truyền về chương trình khuyến công; Hỗ trợ liên doanh, liên kết; tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; hợp tác đầu tư phát triển các cụm công nghiệp...đảm bảo đúng mục tiêu, nội dung, kết quả, tiến độ...
Đồng thời, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt báo cáo định kỳ về hoạt động khuyến công trên địa bàn gửi Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam theo quy định. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chính sách khuyến công tại địa phương.