Chương trình thuộc khuôn khổ Dự án: “Phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc sản bản địa,” do Viện Nghiên cứu Tài chính, Đầu tư và Hợp tác, Thương mại Đông Nam Á (SEAFIT) phối hợp cùng các đơn vị tổ chức.
Tại buổi Lễ ký kết và tọa đàm Lợn Móng Cái - Sản vật Quốc gia, ông Nguyễn Quang Thuận, Phó Viện trưởng thường trực-SEAFIT cho biết, việc xây dựng chuỗi liên kết là “chìa khoá” thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Trên cơ sở đó, các đơn vị sẽ chủ động hợp tác từ trong sản xuất đến tiêu thụ “liên kết 4 nhà,” thông qua hợp đồng tiêu thụ nông sản đa dạng theo hình thức chuỗi trong sản xuất, cung ứng thị trường trong và ngoài địa phương.
Tham gia Lễ ký kết gồm có đại diện đến từ SEAFIT, Công ty cổ phần Quốc tế Ngọc Hà (Thành phố Móng Cái - Quảng Ninh), Công ty cổ phần Thương mại, Công nghệ và Truyền thông Hà Nội, Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát triển Nông Lâm Ngư Quảng Ninh.
Theo ông Thuận, hình thức này bảo đảm cho các thành phần kinh tế tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau. Do đó, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ cùng tham gia liên kết, hợp tác xây dựng. Có thể nói, các chuỗi liên kết mang lại hiệu quả thiết thực cho người sản xuất và người tiêu dùng, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng của ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững.
Điểm nổi bật, nhiều chuỗi liên kết lấy hợp tác xã làm trung tâm kết nối giữa người dân và doanh nghiệp, nhờ đó chuỗi sản xuất được đảm bảo từ đầu vào đến đầu ra, các loại hình sản phẩm được sản xuất từ các chuỗi sản xuất này cũng được kiểm soát về chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng. Lợi thế khác của các chuỗi liên kết, đó là sản phẩm đầu ra được đưa ra thị trường nhanh chóng, phân phối tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và đến tay người tiêu dùng.
Bà Tống Thị Lợi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Quốc tế Ngọc Hà, thành viên chuỗi liên kết cho biết, chuỗi liên kết sẽ giúp sản phẩm của các doanh nghiệp dễ gây dựng thương hiệu đồng thời được quảng bá, khẳng định vị thế trên thị trường nói chung, góp phần đưa Quảng Ninh trở thành đơn vị dẫn đầu về số sản phẩm OCOP (mỗi xã/phường một sản phẩm) và số sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Theo Tiến sỹ Tống Văn Hải, Khoa Công nghệ Sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, lợn Móng Cái được nhận diện thương hiệu - sản vật của địa phương là do đã được thuần hóa và chăn nuôi từ hàng trăm năm, có chất lượng thịt thơm ngon hơn hẳn với các giống lợn thông thường khác. “Để hỗ trợ địa phương, Sở Khoa học Công nghệ - Quảng Ninh và Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tiến hành phục tráng và bảo tồn giống lợn quý này bằng công nghệ ADN. Cùng với đó, Học viện đã nghiên cứu đưa ra quy trình chăn nuôi cho giống lợn này đạt năng suất và chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường không riêng tại Móng Cái mà ra toàn quốc,” ông Hải cho biết thêm.