TÓM TẮT:
Nghiên cứu đánh giá thực trạng chăn nuôi lợn trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy, dịch tả lợn Châu Phi đã làm giảm đáng kể quy mô và số hộ chăn nuôi lợn tại huyện Lý Nhân, mặc dù hoạt động chăn nuôi vẫn mang lại thu nhập cho hộ, song người chăn nuôi đối diện với nhiều thách thức cả về đầu vào, đầu ra và kỹ thuật sản xuất. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Lý Nhân trong thời gian tới.
Từ khóa: chăn nuôi lợn, dịch tả lợn châu Phi, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
1. Đặt vấn đề
Dịch tả lợn Châu Phi bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam vào tháng 2 năm 2019, đã và đang trở thành mối lo ngại rất lớn đối với người chăn nuôi và cả người tiêu dùng. Lý Nhân là một huyện vùng Đồng bằng sông Hồng, chăn nuôi lợn giữ vai trò quan trọng và được xác định là hướng đột phá để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập thực tế của nông dân, giảm nghèo và phát triển bền vững. Dịch tả lợn Châu Phi được phát hiện tại huyện Lý Nhân lần đầu tiên vào tháng 4/2019 và lan rộng ra các xã. Số lượng lợn tiêu hủy do mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi đến hết ngày 15/12/2020 là 718 con. Đợt dịch này đã gây thiệt hại lớn với ngành Nông nghiệp toàn huyện, không những giảm quy mô đàn, thiệt hại kinh tế cho hộ chăn nuôi, mà còn vấn đề ô nhiễm môi trường. Mặc dù vậy, chăn nuôi lợn vẫn là nguồn sinh kế chủ yếu của nhiều hộ nông dân và việc khôi phục, phát triển tái đàn là việc làm gấp rút ngay sau khi dịch tả lợn Châu Phi được kiểm soát. Bài viết nhằm đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp phát triển chăn nuôi lợn sau dịch tả lợn Châu Phi trong thời gian tới.
2. Phương pháp nghiên cứu
Số liệu thứ cấp được thu thập từ các báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lý Nhân, Chi cục Thống kê huyện Lý Nhân. Số liệu sơ cấp được thu thập từ phỏng vấn 85 hộ chăn nuôi và 5 trang trại chăn nuôi lợn. Phương pháp phân tích số liệu bao gồm thống kê mô tả và so sánh.
3. Kết quả nghiên cứu
3.1. Thực trạng Dịch tả lợn Châu Phi tại huyện Lý Nhân và một số giải pháp kiểm soát dịch bệnh của huyện Lý Nhân
Dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện trên địa bàn huyện Lý Nhân vào đầu năm 2019 với tổng số xã và tổng số hộ bị ảnh hưởng lần lượt là 23 xã và 3.042 hộ. Tổng số lợn bị tiêu hủy là 43.138 con. Đến năm 2020, dịch tả lợn Châu Phi dần được kiểm soát với số xã, hộ bị dịch giảm đi đáng kể, chỉ còn 6 xã bị nhiễm dịch tả lợn Châu Phi với số hộ có lợn bị nhiễm dịch tả lợn là 85 hộ; số lợn bị tiêu hủy giảm đáng kể, chỉ còn 718 con.
Bảng 1. Số lượng lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi tại huyện Lý Nhân
Nguồn: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lý Nhân (2021)
Dịch tả lợn Châu Phi tại huyện Lý Nhân đã được cơ bản kiểm soát nhờ có các giải pháp nhanh chóng của UBND huyện và các cơ quan ban ngành có liên quan, cũng như sự tích cực vào cuộc của các tổ chức chính trị, xã hội và người chăn nuôi. UBND đã kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm huyện Lý Nhân năm 2020; ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng để phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2020, 2021. UBND huyện cũng đã có chỉ đạo xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc từ đầu năm. Các cơ chế, chính sách phòng chống dịch rõ ràng, minh bạch. Công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên được thực hiện trong quá trình triển khai nhiệm vụ phòng, chống dịch tại các địa phương.
Bên cạnh đó, UBND huyện và các ban, ngành đều tổ chức hội nghị và ban hành các công văn, thông báo chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã, thị trấn thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Ban hành các quyết định công bố dịch tại các xã có xét nghiệm dương tính với bệnh dịch tả lợn Châu Phi (xã Phú Phúc, Trần Hưng Đạo, Xuân Khê, Công Lý, Hợp Lý và Đức Lý). Công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên được thực hiện từ xã, thị trấn tới tận hộ gia đình, vì vậy các ổ dịch phát sinh đều đã được phát hiện sớm, xử lý đúng quy trình.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam cũng đã ban hành Văn bản số 55HD-SNN_KN hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi về con giống, vật tư, trang thiết bị cho người chăn nuôi. Sở cũng phê duyệt đề án phát triển đàn lợn nái áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo phục vụ nhiệm vụ tái đàn lợn trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2020-2021 nhằm tăng quy mô đàn lợn chất lượng cao phục vụ tái sản xuất giống lợn nuôi đảm bảo chất lượng, an toàn về dịch bệnh và từng bước tái đàn lợn sau ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi.
3.2. Thực trạng chăn nuôi lợn trước và sau dịch tả lợn Châu Phi tại huyện Lý Nhân
Tổng đàn lợn của huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam có xu hướng giảm ở năm 2019, chủ yếu do dịch tả lợn Châu Phi và được khôi phục trở lại vào năm 2020. Trong tổng đàn, lợn thịt có quy mô chăn nuôi lớn nhất với tổng số gần 100.000 con vào năm 2020, tuy có khôi phục lại so với 2019, song giảm so với trước khi có dịch. Dịch tả lợn Châu Phi gây ảnh hưởng nặng nề nhất tới đàn lợn nái trong huyện, với tổng số lợn nái giảm đáng kể, tới năm 2020 chỉ còn 7.150 con, giảm hơn 50% so với trước khi có dịch tả lợn Châu Phi. Đây là một trong những khó khăn ảnh hưởng tới việc tái đàn lợn sau dịch tả lợn Châu Phi.
Bảng 2. Tổng đàn lợn của huyện Lý Nhân qua các năm 2018-2020
(Đơn vị tính: con)
Nguồn: Tổng hợp số liệu điều tra, 2021
Các hình thức tổ chức chăn nuôi lợn tại huyện Lý Nhân vẫn được duy trì trước và sau dịch tả lợn Châu Phi, với hình thức chăn nuôi chủ yếu là hộ, với tổng số hộ là 9.461 hộ trước dịch tả lợn Châu Phi, giảm gần 50% sau khi dịch xảy ra., với tổng số hộ là 5.774 hộ vào năm 2020. Tổng số trang trại chăn nuôi lợn cũng giảm đáng kể, từ 122 trang trại xuống còn 84 trang trại. Trong khi số trang trại có hồi phục (84 trang trại năm 2020 so với 78 trang trại năm 2019), thì số hộ chăn nuôi không có xu hướng tăng trở lại.
Thông tin chung của các hộ điều tra: Khoảng 2/3 người được phỏng vấn là nam giới, trình độ của người chăn nuôi chủ yếu là trung học cơ sở và trung học phổ thông. Hầu hết các hộ đều chăn nuôi ở trong khu dân cư. Số lứa lợn thịt/năm là xấp xỉ 3 lứa với cả hộ và trang trại. Bình quân mỗi hộ chăn nuôi khoảng 28 con/lứa, còn quy mô của trang trại thì lớn hơn rất nhiều, xấp xỉ 7.600 con/lứa.
Chi phí và thu nhập: Tính trung bình các hộ chăn nuôi, tổng chi phí trung gian cho 100kg chăn nuôi lợn là 4,47 triệu đồng, với giá bán trung bình tại thời điểm điều tra vào tháng 9/2021 thì tổng giá trị thu được là 5,4 triệu đồng. Như vậy, sản xuất 100kg lợn hơi có thể mang lại thu nhập khoảng 590.000 đồng/con, tại thời điểm năm 2021 sau khi dịch tả lợn Châu Phi về cơ bản đã được kiểm soát. Thu nhập/ngày công lao động gia đình đạt dưới 170.000 đồng/ngày công.
Một số khó khăn trong phát triển chăn nuôi lợn sau dịch tả lợn Châu Phi tại huyện Lý Nhân:
Thị trường tiêu thụ sản phẩm: Mặc dù dịch tả lợn Châu Phi đã gây thiệt hại lớn về sản lượng thịt lợn của cả nước nói chung, tỉnh Hà Nam và huyện Lý Nhân nói riêng, tiêu thụ sản phẩm vẫn là một trong những khó khăn đáng kể của các hộ chăn nuôi. Nguyên nhân chủ yếu là sự phụ thuộc vào các thương lái, hộ giết mổ vì đa phần tiêu thụ không qua hợp đồng. Việc tìm người mua không khó, song đa số cảm thấy khó khăn khi bán với giá thấp và không ổn định.
Con giống: Đây là một trong những khó khăn cơ bản của các hộ và trang trại khi tái đàn lợn. Theo khảo sát, khoảng một nửa số hộ chăn nuôi báo cáo về tình hình mua con giống với giá cao mà chất lượng lại không ổn định. Giá giống lợn có thời điểm gần 3 triệu đồng/con, khiến các hộ vừa mới bị thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi không đủ nguồn lực để mua giống tái đàn.
Thức ăn và thuốc thú y: Trong thời gian dịch tả lợn Châu Phi diễn ra ở huyện Lý Nhân cũng như nhiều địa phương trong cả nước, giá thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y đều tăng cao. Do thức ăn chăn nuôi chiếm khoảng gần 80% tổng chi phí, nên việc tăng giá thức ăn chăn nuôi là một trong những nguyên nhân giảm khả năng tái đàn của các hộ và trang trại.
Vốn và lao động: Do chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch tả lợn Châu Phi, nên nhiều hộ không có vốn để tái đàn và cũng do chưa có vắc-xin cho dịch tả lợn Châu Phi nên tâm lý người chăn nuôi rất lo lắng về rủi ro khi tái đàn. Đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ, điều kiện chuồng trại chưa đảm bảo. Khảo sát về hiểu biết và trình độ kỹ thuật chăn nuôi của các hộ cũng cho thấy, không phải tất cả lao động của các hộ nắm vững về kiến thức, quy trình chăn nuôi, chăm sóc và phòng dịch bệnh cho lợn, đặc biệt về dịch tả lợn Châu Phi.
Cơ sở vật chất: Chuồng trại là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới năng suất trong chăn nuôi, nếu như chuồng trại phù hợp, có thể giúp cho vật nuôi phát triển tốt, còn nếu không hợp lý, chuồng trại có thể ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi, khiến cho năng suất không cao và đàn vật nuôi dễ mắc bệnh dịch. Theo số liệu khảo sát, điều kiện chuồng trại của các trang trại đã khá tốt, còn đối với các hộ còn khá bất cập. Điển hình về các điều kiện quản lý dịch bệnh như có cổng ra vào riêng cho xuất/nhập lợn, có ô chuồng cách ly lợn ốm và lợn mới mua về…
Nguy cơ dịch bênh bùng phát: Dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện và hiện chưa có vắc-xin phòng, trị bệnh nên tỷ lệ chết của lợn khi mắc phải là 100%. Khả năng bùng phát dịch bệnh cao nên người sản xuất lo lắng. Trong số các hộ được phỏng vấn, đa phần không thay đổi quy mô trong thời gian tới, gần 30% hộ có xu hướng tăng quy mô và các hộ cũng mong muốn chuyển sang chăn nuôi theo quy trình VietGAP.
3.3. Một số giải pháp đề xuất
Trên cơ sở phân tích thực trạng chăn nuôi lợn sau dịch tả lợn Châu Phi tại huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển chăn nuôi lợn, tái đàn trên địa bàn Huyện trong thời gian tới:
Thứ nhất, cần có giải pháp phát triển đàn cái nền để cung cấp giống tốt, đủ với giá thành hợp lý cho người chăn nuôi.
Thứ hai, tăng cường đào tạo, tập huấn cho người chăn nuôi, đặc biệt các kiến thức, kỹ năng phát hiện, phòng chống dịch bệnh nói chung và dịch tả lợn Châu Phi nói riêng, triển khai tập huấn chăn nuôi theo quy trình VietGAP hoặc an toàn sinh học.
Thứ ba, cần sớm quy hoạch và chuyển các vùng chăn nuôi sang các khu vực xa khu dân cư để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.
Thứ tư, các hộ cần đầu tư xây dựng chuồng trại đúng kỹ thuật, đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, có hệ thống xử lý phân nước thải bằng hầm Biogas hoặc hố xử lý phân, rác thải. Về thức ăn, tăng cường khuyến khích các hộ nông dân có thể tận dụng triệt để tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong hộ dân như ngô, cám gạo, bột sắn phối trộn làm giảm giá thành thức ăn, tăng hiệu quả kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh giá thức ăn tăng và giá đầu ra không ổn định.
Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các hộ chăn nuôi chuyển nhanh từ chăn nuôi phân tán, quy mô nhỏ thành các gia trại và từ gia trại thành các trang trại chăn nuôi tập trung với quy mô vừa và lớn. Tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho xây dựng các cơ sở sản xuất chăn nuôi công nghiệp. Hình thành các HTX, các liên kết dọc giữa chăn nuôi - Giết mổ/chế biến - Bán lẻ nhằm nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như ổn định tiêu thụ sản phẩm cho người chăn nuôi.
4. Kết luận
Dịch tả lợn Châu Phi đã có tác động tiêu cực tới ngành chăn nuôi lợn tại huyện Lý Nhân, làm giảm đáng kể quy mô chăn nuôi cũng như số hộ và trang trại chăn nuôi lợn vào năm 2019 và năm 2020. UBND Huyện cũng như các cơ quan có liên quan đã có những giải pháp kịp thời ứng phó với dịch tả lợn Châu Phi thông qua hỗ trợ người chăn nuôi và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh kịp thời. Nhờ có các biện pháp này cùng với ý thức, biện pháp phòng, chống dịch bệnh của người chăn nuôi nên dịch bệnh đã giảm đáng kể vào năm 2020.
Tuy nhiên, để tái đàn và phát triển chăn nuôi lợn trong thời gian tới, người chăn nuôi đang gặp các khó khăn, thách thức về giống, vốn, kỹ thuật chăn nuôi, cơ sở vật chất, tiêu thụ sản phẩm. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đã đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển chăn nuôi lợn tại huyện Lý Nhân trong thời gian tới; tập trung vào tăng cường các nguồn lực sản xuất, kỹ thuật, thị trường cho các hộ, khuyến khích hình thành các liên kết ngang, dọc trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, quy hoạch vùng chăn nuôi và tập huấn quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và VietGAP cho các hộ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Đặng Thị Bé, (2016). Phát triển chăn nuôi lợn thịt theo tiêu chuẩn thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) trên địa bàn huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Luận văn thạc sĩ kinh tế, NXB Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
- UBND huyện Lý Nhân (2019, 2020, 2021). Báo cáo công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Lý Nhân.
- UBND tỉnh Hà Nam (2021). Báo cáo kết quả thực hiện đề án phát triển đàn lợn nái áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo phục vụ nhiệm vụ tái đàn lợn trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2020 - 2022.
THE CURRENT HOG FARMING AFTER
THE AFRICAN SWINE FEVER IN LY NHAN DISTRICT,
HA NAM PROVINCE
• NGUYEN THANH DAT1
• TRUONG HONG PHUC1
• BUI DAC LUC1
• PHAM TAM TAM1
• NGUYEN THI THUY DUNG1
• NGUYEN THI DUONG NGA1
1Faculty of Economics - Rural Development
Vietnam National University of Agriculture
ABSTRACT:
This study assesses the current hog farming under the impacts of African swine fever (ASF) in Ly Nhan District, Ha Nam Province. The study’s results show that the ASF has caused a significant reduction in pig production in Ly Nhan District. Although swineherds in Ly Nhan District still make money from raising hogs, they are facing a number of challenges including input and output factors, and production techniques. Based on the study’s findings, some recommendations are made to help swineherds in Ly Nhan District better develop their hog farming in the coming time.
Keywords: hog farming, African swine fever, Ly Nhan District, Ha Nam Province.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 28, tháng 12 năm 2021]