TÓM TẮT:
Hiện nay, ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào sản xuất nông nghiệp (SXNN) là xu hướng tất yếu của thế giới. Việc ƯDCNC trong SXNN nói chung và trong chăn nuôi nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm, kiểm soát được dịch bệnh và giảm tình trạng ô nhiễm môi trường. Do vậy, bài viết nghiên cứu các lý thuyết liên quan và đề xuất mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi ƯDCNC trong ngành Chăn nuôi, quy trình và phương pháp nghiên cứu nhằm có những cơ sở vững chắc phục vụ cho việc định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) cho các công ty chăn nuôi và nông hộ.
Từ khóa: nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi, hành vi.
1. Đặt vấn đề
Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, quá trình hội nhập quốc tế đòi hỏi số lượng cũng như chất lượng nông sản ngày càng cao. Cùng với diện tích đất bị thu hẹp do đô thị hóa, do biến đổi khí hậu trong khi dân số tăng, nên nhu cầu lương thực, thực phẩm không ngừng tăng lên. Để giải quyết vấn đề này, ƯDCNC trong SXNN là xu hướng tất yếu.
Thế giới có rất nhiều nghiên cứu liên quan đến các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi ƯDCNC trong SXNN. Nhưng đối tượng của SXNN là cơ thể sống, nên phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên cũng như điều kiện kinh tế - xã hội. Vì vậy, với những quốc gia khác nhau, việc nhận diện cũng như đánh giá mức độ tác động của các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi ƯDCNC trong SXNN khác nhau. Do đó, việc nghiên cứu, lý giải một cách có hệ thống, đánh giá đúng thực trạng các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi ƯDCNC, đề xuất những giải pháp chủ yếu nhằm khuyến khích việc ƯDCNC trong chăn nuôi vừa có ý nghĩa lý luận cơ bản, vừa là vấn đề cấp thiết đối với thực tiễn trong giai đoạn hiện nay.
2. Cơ sở lý thuyết về hành vi ƯDCNC trong ngành chăn nuôi
2.1. Ứng dụng công nghệ cao
2.1.1. Các khái niệm
Theo Luật Công nghệ cao (2008): “Công nghệ cao là công nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng, thân thiện với môi trường, có vai trò quan trọng đối với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hóa ngành sản xuất, dịch vụ hiện có”.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Nông nghiệp ƯDCNC là nền nông nghiệp được áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, bao gồm: công nghiệp hóa nông nghiệp (cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất), tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học và các giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích và phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ”.
Như vậy, mục tiêu cuối cùng của phát triển nông nghiệp ƯDCNC là giải quyết mâu thuẫn giữa năng suất nông nghiệp thấp, sản phẩm chất lượng thấp, đầu tư công lao động nhiều, hiệu quả kinh tế thấp với việc áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ để đảm bảo nông nghiệp tăng trưởng ổn định với năng suất và sản lượng cao, hiệu quả vả chất lượng cao. Thực hiện tốt nhất sự phối hợp giữa con người và tài nguyên, làm cho ưu thế của nguồn tài nguyên đạt hiệu quả lớn nhất, hài hòa và thống nhất lợi ích xã hội, kinh tế và sinh thái môi trường.
2.1.2. Nội dung phát triển NNCNC
Để xúc tiến phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển NNCNC ở Việt Nam hiện nay, bao gồm:
(i) Lựa chọn ứng dụng vào từng lĩnh vực SXNN hàng hóa những công nghệ tiến bộ nhất về giống, công nghệ canh tác, chăn nuôi tiên tiến, công nghệ tưới, công nghệ sau thu hoạch - bảo quản - chế biến. Từng bước ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thị trường.
(ii) Sản phẩm NNCNC là sản phẩm hàng hóa mang tính đặc trưng của từng vùng sinh thái, đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao trên đơn vị diện tích, có khả năng cạnh tranh cao về chất lượng với các sản phẩm cùng loại trên thị trường trong nước và thế giới, có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất và sản lượng hàng hóa khi có yêu cầu của thị trường.
(iii) Sản xuất NNCNC tạo ra sản phẩm phải theo một chu trình khép kín, trong sản xuất khắc phục được những yếu tố rủi ro của tự nhiên và hạn chế rủi ro của thị trường.
(iv) Phát triển NNCNC theo từng giai đoạn và mức độ phát triển khác nhau, tùy tình hình cụ thể của từng nơi, nhưng phải thể hiện được những đặc trưng cơ bản, tạo ra được hiệu quả to lớn hơn nhiều so với sản xuất bình thường.
Tóm lại, ƯDCNC trong chăn nuôi của nghiên cứu dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ tổng hợp và tự động hóa quá trình chăn nuôi quy mô công nghiệp, có sử dụng hệ thống chuồng kín, hệ thống điều hòa nhiệt độ, độ ẩm phù hợp, hệ thống phân phối và định lượng thức ăn tại chuồng.
2.2. Các mô hình lý thuyết liên quan
Trong nửa cuối thế kỷ XX, nhiều lý thuyết đã được hình thành và được kiểm nghiệm nhằm nghiên cứu sự chấp thuận công nghệ của người sử dụng. Các lý thuyết này đã được công nhận là các công cụ hữu ích trong việc dự đoán thái độ của người sử dụng. Trên cơ sở đối tượng nghiên cứu là hành vi sử dụng, nghiên cứu này trình bày 4 mô hình rất quan trọng đối với ý định và hành vi của mỗi cá nhân và đã được kiểm chứng thực nghiệm trong rất nhiều nghiên cứu. Cụ thể:
2.2.1. Mô hình TPB (Theory of Planned Behavior - Thuyết hành vi dự định)
Thuyết hành vi dự định (TPB) được đề xuất bởi Ajzen (1989) như là một lý thuyết mở rộng của lý thuyết hành động hợp lý (TRA) được đề suất bởi Fishbein và Ajzen (1975), lý thuyết này được tạo ra do sự hạn chế của lý thuyết TRA về việc cho rằng hành vi của con người là hoàn toàn do kiểm soát lý chí. Cũng giống như lý thuyết TRA, theo lý thuyết TPB, hành vi thực hiện một hành động cụ thể của cá nhân xuất phát trực tiếp bởi ý định hành vi của cá nhân đó. Ý định hành vi này chịu sự ảnh hưởng của 3 yếu tố chính, đó là: thái độ, chuẩn mực chủ quan và nhận thức kiểm soát hành vi. So với TRA, thuyết hành vi dự định (TPB) đã bổ sung thêm một biến số độc lập mới đó là nhận thức kiểm soát hành vi, yếu tố này được định nghĩa là sự nhận thức của cá nhân về sự dễ dàng hay khó khăn trong việc thực hiện một hành vi mong muốn, đây là một yếu tố quan trọng của lý thuyết hành vi dự định.
Mô hình lý thuyết TPB chỉ ra 3 yếu tố độc lập về mặt khái niệm quyết định nên ý định. Đầu tiên là thái độ đối với hành vi, là mức độ mà mỗi cá nhân đánh giá cao hoặc thấp một hành vi nào đó. Thứ hai là chuẩn mực chủ quan, là nhận thức về áp lực mà xã hội đặt lên cá nhân trong việc thực hiện hoặc không thực hiện hành vi. Thứ ba là nhận thức kiểm soát hành vi, là nhận thức về việc dễ dàng hoặc khó khăn để thực hiện một hành vi cụ thể. Những yếu tố kiểm soát này có thể là nguồn lực, trình độ, tài chính, hoặc cơ hội của cá nhân để thực hiện hành vi đó. Nhìn chung, thái độ đối với hành vi càng tích cực, chuẩn mực chủ quản càng ủng hộ việc thực hiện hành vi và nhận thức kiểm soát hành vi càng ít cản trở thì ý định hành vi sử dụng càng mạnh mẽ. Ý định hành vi phản ánh mức độ sẵn lòng thực hiện một hành vi cụ thể và là yếu tố trực tiếp nhất để tiên đoán cho hành vi (Ajzen, 1991), nhất là trong những ngữ cảnh nghiên cứu mà hành vi thực tế chưa diễn ra hoặc khó đo lường chính xác.
Heath và Gifford (2002) đã ứng dụng thuyết hành vi dự định để giải thích hành vi sử dụng phương tiện công cộng của sinh viên trường đại học Victoria, Anh. Borith, L., Kasem, C. & Takashi, N. (2010) đã ứng dụng thuyết hành vi dự định để nghiên cứu các yếu tố tâm lý ảnh hưởng đến ý định sử dụng xe điện trên cao ở thủ đô Phnom Phenh, Campuchia.
2.2.2. Mô hình TAM (Technology Acceptance Model - Mô hình chấp nhận công nghệ)
Mô hình TAM được giới thiệu bởi Davis (1989), dựa theo mô hình TRA, được sử dụng để giải thích và dự đoán về hành vi chấp nhận và sử dụng công nghệ. TAM được thử nghiệm và chấp nhận một cách rộng rãi trong các nghiên cứu. Nội dung chính của mô hình là miêu tả ảnh hưởng của các đặc điểm kỹ thuật trong hệ thống đến hành vi chấp nhận và ý định sử dụng công nghệ của từng cá nhân. Mục đích của TAM là cung cấp lời giải thích rõ ràng về các yếu tố quyết định chấp nhận công nghệ nói chung, đồng thời lý giải hành vi của người dùng trên các ứng dụng công nghệ và kỹ thuật máy tính một cách vừa thực tế, vừa theo lý thuyết. TAM chỉ ra rằng khi người dùng tương tác với công nghệ mới, các nhân tố chính có thể ảnh hưởng đến quyết định của họ về việc sử dụng công nghệ đó, bao gồm: cảm nhận sự hữu ích và cảm nhận sự dễ sử dụng. Trong mô hình lý thuyết TAM, Nhận thức sự hữu ích (PU - Perceived Usefulness) là cấp độ mà cá nhân tin rằng sử dụng một hệ thống đặc thù sẽ nâng cao kết quả thực hiện của họ. Nhận thức tính dễ sử dụng (PEU - Perceived Ease of Use) là cấp độ mà mọi người tin rằng sử dụng một hệ thống đặc thù sẽ không cần nỗ lực.
Theo Legris và cộng sự (2003), mô hình TAM đã dự đoán thành công khoảng 40% việc sử dụng một hệ thống mới.
2.2.3. Mô hình kết hợp TAM và TPB
Taylor và Todd (1995) đã bổ sung vào mô hình TAM 2 yếu tố chính đó là chuẩn chủ quan và nhận thức kiểm soát hành vi. Việc kết hợp này sẽ cung cấp một mô hình thích hợp hơn cho việc sử dụng sản phẩm công nghệ thông tin.
2.2.4. Mô hình UTAUT (Unified Theory of Acceptance and Use of Technology - Thuyết chấp nhận và sử dụng công nghệ)
Để hiểu rõ việc áp dụng công nghệ, Venkatesh và cộng sự (2003) so sánh thực nghiệm với 8 mô hình (TRA), TAM và TAM2, TPB và DTPB, kết hợp TAM và TPB (C - TAMTPB), IDT, mô hình động lực (MM), mô hình sử dụng máy tính (MPCU), lý thuyết nhận thức xã hội (SCT) và kết hợp 8 mô hình này thành 1 mô hình mới là UTAUT. Mô hình UTAUT nắm bắt được các yếu tố cần thiết của những mô hình khác nhau, không những nhấn mạnh các yếu tố cốt lõi dự đoán được ý định về việc chấp nhận hiện tại, mà còn cho phép những nhà nghiên cứu phân tích các biến điều tiết sẽ khuyếch đại hoặc hạn chế tác động của các yếu tố cốt lõi.
Theo Venkatesh và cộng sự (2003), qua việc kiểm tra bằng cách sử dụng lại dữ hiệu đầu vào, UTAUT cho ra độ chính xác cao hơn so với 8 mô hình nêng biệt. Trong đó, 4 yếu tố đóng vai trò ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi chấp nhận và sử dụng của người dùng, gồm: kỳ vọng hiệu quả, kỳ vong dễ dàng, ảnh hưởng xã hội,và điều kiện thuận lợi. Ngoài ra, còn các yếu ngoại vi (giới tính, độ tuổi, sự tự nguyện và kinh nghiệm) điều chỉnh đến ý định sử dụng.
3. Giả thuyết và mô hình nghiên cứu
3.1. Các giả thuyết nghiên cứu
Nhìn chung, TAM và TPB đều cho rằng, hành vi được quyết định bởi ý định và bản thân ý định thì được xác định bởi thái độ của từng cá nhân đối với hành vi. Tuy nhiên, cấu trúc của mô hình TAM chỉ đề cập đến đặc điểm của công nghệ và hành vi người dùng, chứ không phản ánh chi tiết sự liên hệ giữa hoàn cảnh cá nhân - xã hội nhận thức về công nghệ và ý định của người dùng như thuyết TPB. Vì vậy, sự kết hợp giữa TAM và TPB và ứng dụng mô hình UTAUT để nghiên cứu hành vi ƯDCNC trong chăn nuôi là hợp lý.
Ngoài ra, nghiên cứu còn xem xét đến các yếu tố khác có khả năng ảnh hưởng đến ý định sử dụng. Đó là yếu tố sự hấp dẫn sản xuất truyền thống và yếu tố nhận thức về môi trường, được đề xuất trên cơ sở phù hợp với thực tiễn ở địa phương và các nghiên cứu trước đó.
Sự hấp dẫn của sản xuất truyền thống: Sản xuất truyền thống là sản xuất nhỏ lẻ tự do, mức độ sản xuất tùy thuộc vào khả năng của từng gia trại, trang trại, mức độ vốn đầu tư ban đầu không lớn, yêu cầu về khoa học kỹ thuật không cao, quen với mô hình sản xuất hàng ngày, chính những lợi thế này sẽ cản trở ý định chuyển sang sử dụng công nghệ cao.
Nhận thức về môi trường: Nghiên cứu của Steg và Vlek (1997) cho thấy chủ phương tiện xe hơi với nhận thức cao hơn thì sử dụng xe hơi ít thường xuyên hơn. Còn trong nghiên cứu này, dựa vào thực tiễn nhóm nghiên cứu nhận thấy: những người nhận thức cao hơn, luôn quan tâm tới sức khỏe do bị ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước thì họ càng quyết tâm ƯDCNC với mục đích giảm ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.
Giả thuyết H1: Sự hữu ích của công nghệ cao trong chăn nuôi tác động cùng chiều đến ý định ƯDCNC trong chăn nuôi.
Giả thuyết H2: Nhận thức kiểm soát hành vi tác động cùng chiều đến ý định ƯDCNC trong chăn nuôi.
Giả thuyết H3: Chuẩn chủ quan tác động cùng chiều đến ý định ƯDCNC trong chăn nuôi.
Giả thuyết H4: Sự hấp dẫn của sản xuất truyền thống tác động ngược chiều đến ý định ƯDCNC trong chăn nuôi.
Giả thuyết H5: Nhận thức về môi trường tác động cùng chiều đến ý định ƯDCNC trong chăn nuôi.
Giả thuyết H6: Ý định ƯDCNC trong chăn nuôi tác động cùng chiều đến hành vi ƯDCNC trong chăn nuôi.
Giả thuyết H7: Sự hữu ích của công nghệ cao trong chăn nuôi tác động cùng chiều đến hành vi ƯDCNC trong chăn nuôi.
Giả thuyết H8: Điều kiện thuận lợi tác động cùng chiều đến hành vi ƯDCNC trong chăn nuôi.
Biến phụ thuộc: Biến phụ thuộc là hành vi có ƯDCNC hay không của chủ gia trại, trang trại và công ty chăn nuôi?
3.2. Mô hình nghiên cứu đề xuất
Từ những giả thuyết nghiên cứu trên, bài nghiên cứu xây dựng mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi ƯDCNC trong chăn nuôi như Sơ đồ 1.
Sơ đồ 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất
Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp
3.3. Phương pháp nghiên cứu
Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính và phương pháp nghiên cứu định lượng để giải quyết các mục tiêu cụ thể.
+ Phương pháp nghiên cứu định tính: Đầu tiên, nhóm tác giả tổng quan các nghiên cứu liên quan đến ƯDCNC trong nông nghiệp và các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi ƯDCNC trong nông nghiệp đã được thực hiện trên thế giới và tại Việt Nam, sau đó đánh giá và chỉ ra khoảng trống của các nghiên cứu này. Tiếp theo, nhóm tác giả sử dụng phương pháp phỏng vấn chuyên gia. Kết quả thu được của phương pháp định tính sẽ giúp xác định các biến độc lập của mô hình, từ đó xem xét sự phù hợp và thực hiện những điều chỉnh cần thiết.
+ Phương pháp nghiên cứu định lượng: Phương pháp định lượng tiến hành đo lường sự tác động của các nhân tố thu được sau nghiên cứu định tính ảnh hưởng đến hành vi ƯDCNC trong ngành chăn nuôi tại Bình Định. Nghiên cứu thực hiện thống kê mô tả, sử dụng công cụ Cronbach's Anpha, phân tích nhân tố khám phá EFA, phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính SEM để phân tích dữ liệu, đồng thời đối chiếu với các nghiên cứu trước để bàn luận về kết quả khảo sát và đề xuất một số giải pháp thúc đẩy việc ƯDCNC trong chăn nuôi.
Phân tích thống kê mô tả: Các dữ liệu sơ cấp và thứ cấp sẽ được thu thập, tổng hợp và phân tích để đạt được mục đích của nghiên cứu. Công cụ này được sử dụng để mô tả bức tranh tổng quan về địa bàn nghiên cứu, thực trạng ƯDCNC trên địa bàn tỉnh.
Phân tích nhân tố khám phá (EFA): Nhóm tác giả phân tích nhân tố khám phá (EFA) nhằm thực hiện các nội dung bao gồm kiểm định chất lượng thang đo, phân tích nhân tố khám phá. Kiểm định chất lượng thang đo bằng hệ số tin cậy Cronbachs Alpha nhằm đánh giá sự phù hợp và đảm bảo chất lượng các biến quan sát và thang đo trong mô hình nghiên cứu với các dữ liệu khảo sát thu thập được. Phân tích nhân tố khám phá EFA sẽ được sử dụng để kiểm tra sự hội tụ của các biến quan sát nhằm xác định các nhân tố tác động.
Phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM): Một số vấn đề mà các nhà nghiên cứu thường đặc biệt quan tâm khi kiểm định mô hình hồi quy đa biến đó là: 1 < Durbin - Watson < 3; VIF > 10.
Biến trung gian phải thỏa mãn 3 điều kiện:
+ Biến độc lập giải thích được biến thiên của biến trung gian.
+ Biến trung gian giải thích được biến thiên của biến phụ thuộc.
+ Sự hiện diện của biến trung gian làm giảm mối quan hệ của biến độc lập và biến phụ thuộc.
Phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM) bao gồm phân tích nhân tố khẳng định (CFA) và kiểm định các giả thuyết của mô hình.
Phân tích nhân tố khẳng định (CFA) nhằm xác định, kiểm nghiệm và điều chỉnh các mô hình đo lường một cách độc lập. Mục đích CFA là nhằm thiết lập các mô hình đo lường phù hợp tốt được dùng để kiểm định mô hình cấu trúc.
Kiểm định các giả thuyết của mô hình nghiên cứu để đánh giá mức độ tác động của các biến độc lập đến biến phụ thuộc của mô hình.
Ghi chú: “Nghiên cứu này được thực hiện trong khuôn khổ đề tài khoa học công nghệ cấp cơ sở của Trường Đại học Quy Nhơn, với mã số T2021.744.47”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Tiếng Việt:
- Thủ tướng Chính phủ (2010). Quyết định số176/QĐ-TTg ngày 29/1/2010 về việc phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020.
- Trần Quốc Hùng, Bùi Đức Hùng (2020). Các nhân tố tác động đến quyết định ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò vùng Tây Nguyên. Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Đại học Đà Nẵng, 18(10), 1-9.
- Lê Đăng Lăng và Lê Tấn Bửu (2014). Hiệu quả sản xuất nông nghiệp công nghệ cao: Mô hình đo lường và sự ảnh hưởng của môi trường vĩ mô. Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Đại học Đà Nẵng, 8, 70-76.
- Nguyễn Công Sự (2014). Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến việc ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp ở huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang. Luận văn thạc sĩ, Đại học Thái Nguyên.
- Trần Thị Thanh Thủy (2020). Thực trạng phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam. Truy cập tại https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/thuc-trang-phat-trien-nong-nghiep-cao-o-viet-nam-70642.htm
- Nguyễn Xuân Trạch (2017). Phát triển chăn nuôi công nghệ cao bền vững. Hội thảo khoa học quốc gia về đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả theo hướng công nghiệp hóa, 16/8/2017, (Tr. 1-10). Tỉnh Vĩnh Phúc.
- Phạm Triều (2014). Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, hoa của nông dân tại huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Luận văn thạc sĩ, Đại học Lâm nghiệp.
Tiếng Anh:
- Ajzen, I. (1991). The Theory of Planned Behaviour. Organization Behaviour and Human Decision Processes, 50, 179-211.
- Borith, L., Kasem, C. and Takashi, N. (2010). Psychological Factors Influencing Behavioral Intention of Using Future Sky Train: A Preliminary Result in Phnom Penh. Asian Transporation Research Society, 2217(1), 123-129.
- Challa Meraga (2014). Determining Factors and Impacts of Modern Agricultural Technology Adoption in West Wollega. Journal of Biology, Agriculture and Healthcare, 4(20), 63-77.
- Chuttur M. Y. (2009). Overview of the Technology Acceptance Model: Origins, Developments and Future Directions. [Online] Avalabile at https://aisel.aisnet.org/cgi/viewcontent.cgi?article=1289&context=sprouts_all
- Heath, Y. and Gifford, R. (2002). Extending the Theory of Planned Behavior: Predicting the Use of Public Transport. Journal of Applied Social Psychology, 32, 2154-2189.
- Jyoti, D. M. (2009). Towards an Understanding of the Factors Influencing the Acceptance and Diffusion of e-Government Services. Electronic Journal of e-Goverment, 7(4), 391-402.
- Kasirye Ibrahim (2013). Constraints to Agricultural Technology Adoption in Uganda National Panel Survey. Uganda: Economic Policy Research Centre.
- Venkatesh và cộng sự (2003). User acceptance of infonmation technology: Toward a unifile view. MIS Quarterly, 13(I), 5-27.
PROPOSING THE RESEARCH MODEL
OF FACTORS AFFECTING THE USE OF HIGH TECHNOLOGY
IN LIVESTOCK FARMING
• Master. TRAN THI THANH NHAN1
• Ph.D HOANG THI HOAI HUONG1
• Ph.D DAO QUYET THANG1
1Quy Nhon University
ABSTRACT:
Currently, the application of high technology in agricultural activities is an inevitable trend of the world. Thanks to high technologies, agricultural activities including livestock farming achieve a higher yield and quality, reduce production costs, better control diseases and reduce environmental pollution. This paper reviews theories and proposes a research model of factors affecting the use of high technology in livestock farming. The paper also presents the research process and method to create a solid foundations for orienting the development of hi-tech livestock farming of livestock companies and farmers.
Keywords: hi-tech agriculture, high-tech application, livestock farming, behavor.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 21, tháng 9 năm 2021]