TÓM TẮT:
Trước những ảnh hưởng của dịch tả châu Phi, thêm vào đó là diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 tại nhiều nơi trên thế giới buộc ngành Sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) Việt Nam cần có các giải pháp mới để phát triển và đáp ứng với các yêu cầu của tình hình mới. Bài viết này tập trung đề cập đến những tiềm năng và xu hướng của ngành Sản xuất TACN ở Việt Nam. Bài viết điểm lại thực trạng của ngành và đặc biệt là đưa ra các giải pháp với mong muốn là góp phần nhanh chóng đưa ngành Sản xuất TACN của Việt Nam đáp ứng với tình hình mới.
Từ khóa: thức ăn chăn nuôi, dịch bệnh.
1. Thực trạng sản xuất TACN ở Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay, Việt Nam có khoảng 265 nhà máy sản xuất TACN, trong đó có 85 nhà máy thuộc doanh nghiệp nước ngoài (chiếm tỷ lệ 32%), 180 nhà máy thuộc doanh nghiệp trong nước (chiếm 68%). Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước đang yếu thế về năng lực cạnh tranh so với doanh nghiệp nước ngoài. Theo đó, các doanh nghiệp nước ngoài chiếm 65% thị phần, 35% thị phần còn lại do doanh nghiệp trong nước nắm giữ.
Theo Bản tin Thức ăn chăn nuôi của Việt Nam (VnFeedNews), tổng sản lượng TACN các loại (bao gồm cả sản xuất công nghiệp và tự trộn) của Việt Nam năm 2020 đạt gần 32,7 triệu tấn, tăng 8% so với năm 2019.
Trong đó, sản lượng TACN cho heo có sự phục hồi sau khi gặp rất nhiều khó khăn vào năm 2019 bởi dịch tả lợn châu Phi (ASF) diễn ra nghiêm trọng. Trong năm 2020, việc dịch ASF đã được kiểm soát tốt hơn, qua đó giúp hoạt động sản xuất chăn nuôi heo dần hồi phục, mặc dù vẫn còn gặp nhiều hạn chế.
Đối với gia cầm, sản lượng TACN trong năm 2020 của Việt Nam tiếp tục có sự tăng trưởng dương (7,5%), tuy nhiên mức độ tăng thấp hơn so với năm 2019.
Song, sản lượng thức ăn thủy sản của Việt Nam năm 2020 lại có sự sụt giảm. Nguyên nhân do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên toàn thế giới, khiến hoạt động xuất khẩu cá tra đến các thị trường lớn như Trung Quốc, EU, Mỹ,.. gặp nhiều khó khăn.
Sản lượng TACN được VnFeedNews ước tính dựa trên tình hình chăn nuôi năm 2020 đối với mỗi loại vật nuôi và có tham khảo số liệu từ các báo cáo của nhiều đơn vị như Tổng cục Thống kê, Cục Chăn nuôi, Alltech,… cùng với tham khảo những ý kiến từ các chuyên gia trong ngành, được mô tả ở Bảng 1, Biểu 1.
Trong quý I/2020, tình hình chăn nuôi lợn của Việt Nam đã có những chuyến biến tích cực hơn so với cuối năm 2019, dịch ASF dần được kiểm soát, tính tới cuối tháng 3/2020 đã có không ít các địa phương trên cả nước công bố hết dịch.
Tới giai đoạn giữa năm 2020, dịch ASF tiếp tục được kiểm soát ngày một tốt hơn, đàn heo bắt đầu có sự khôi phục trở lại, tuy nhiên tốc độ tái đàn còn chậm. Nguyên nhân do thị trường lúc này thiếu hụt nguồn cung lợn giống, giá bị đẩy lên rất cao khiến các trại vừa và nhỏ với nguồn vốn hạn hẹp chưa thể khôi phục sản xuất. Trong khi đó, các trang trại lớn cũng thận trọng với việc tái đàn do tâm lý lo ngại dịch bệnh quay trở lại.
Tính tới thời điểm cuối năm 2020, đàn lợn của Việt Nam tiếp tục đà hồi phục, giá lợn giống đã giảm nhẹ trở lại, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tái đàn.
VnFeedNews ước tính tổng sản lượng TACN cho lợn của Việt Nam năm 2020 ở mức 16,2 triệu tấn, tăng 15% so với năm trước. Trong đó, có gần 12,4 triệu tấn là thức ăn sản xuất công nghiệp và hơn 3,7 triệu tấn là thức ăn tự trộn (Biểu 1)
Trong năm 2020, ngô vẫn là loại nguyên liệu được sử dụng nhiều nhất cho TACN của Việt Nam, với con số ước tính 12,3 triệu tấn, chiếm tỷ trọng 37,7%. Trong đó, lượng ngô dùng để chế biến thức ăn cho lợn hơn 7 triệu tấn và cho gia cầm gần 5,3 triệu tấn. (Bảng 2)
Loại nguyên liệu được sử dụng nhiều thứ 2 cho TACN của Việt Nam là khô đậu tương, với con số ước tính cho năm 2020 đạt hơn 5,8 triệu tấn, chiếm tỷ trọng 17,8%. Trong đó bao gồm gần 4 triệu tấn sử dụng cho thức ăn cho lợn, gia cầm và hơn 1,8 triệu tấn dùng cho thức ăn thủy sản (cá + tôm). (Bảng 3)
Một loại nguyên liệu nữa cũng được sử dụng rất nhiều cho TACN của Việt Nam đó là cám gạo nội địa (cám gạo của Việt Nam). VnFeedNews ước tính nhu cầu sử dụng cám gạo nội địa cho chăn nuôi năm 2020 đạt hơn 4,5 triệu tấn, chiếm tỷ trọng 13,8%. Trong đó, có hơn 2,8 triệu tấn là dùng cho thức ăn cho lợn, gia cầm và gần 1,7 triệu tấn dùng cho thức ăn thủy sản (cá + tôm).
Ngoài 3 loại nguyên liệu trên, còn rất nhiều loại nguyên liệu khác được dùng làm TACN tại Việt Nam, như: DDGS, Gluten Feed, lúa mỳ, cám mỳ, mì lát, khô cọ, khô dừa, khô cải, hạt đậu tương, bột xương thịt,… VnFeedNews ước tính, tổng nhu cầu sử dụng cho chăn nuôi của nhóm này trong năm 2020 vào khoảng 10 triệu tấn, chiếm tỷ trọng 30,8%.
2. Đánh giá thực trạng sản xuất TACN ở nước ta
2.1. Đánh giá thực trạng
- Tổng sản lượng sản xuất TACN nước ta đã đáp ứng cơ bản nhu cầu TACN trong nước và bước đầu xuất khẩu sang một số nước khác. Chăn nuôi là mắt xích quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, đã trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn và chuyển dịch nhanh theo hướng trang trại với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 5 - 6%/năm. Nhiều sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam đã có vị thế cao trong khu vực và trên thế giới, như: chăn nuôi lợn đứng vị trí thứ 5 về đầu con, thứ 6 về sản lượng; đàn thủy cầm đứng thứ 2 thế giới. Điều này tạo động lực phát triển cho thị trường TACN. Theo báo cáo của Grand View Research, những năm gần đây, ngành TACN tăng trưởng và phát triển khá tốt với mức tăng trung bình đạt 13 - 15%/năm, sản lượng công nghiệp đứng số 1 trong khu vực Đông Nam Á. Số liệu công bố năm 2019 đạt xấp xỉ 20 triệu tấn, nếu cộng cả thức ăn thủy sản thì con số này có thể lên tới trên 30 triệu tấn. Mặt khác, TACN cũng đóng một vai trò rất quan trọng, cung cấp năng lượng cho vật nuôi hoạt động và phát triển, góp phần làm tăng năng suất và hiệu quả kinh tế cho ngành Chăn nuôi.
- TACN đã góp phần chuyển đổi từ sử dụng TACN truyền thống, chế biến thủ công sang sử dụng TACN công nghiệp.
- Phát triển nhiều doanh nghiệp sản xuất TACN với số lượng lớn, sản xuất hiện đại, thức ăn đa dạng, đáp ứng được với nhu cầu thị trường.
- Thực hiện liên kết 4 nhà: Nhà sản xuất TACN, nhà chăn nuôi, nhà chế biến thực phẩm và người tiêu thụ sản phẩm.
- Chất lượng sản xuất TACN đạt được tiêu chuẩn quốc tế, việc thực hiện kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ góp phần nâng cao chất lượng TACN, không sử dụng chất cấm trong TACN.
2.2. Những khó khăn, tồn tại trong sản xuất TACN
- Thị phần các doanh nghiệp sản xuất TACN trong nước còn chiếm tỷ trọng thấp (khoảng 40%), nên giá TACN thường do các doanh nghiệp nước ngoài chi phối.
- Dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại Việt Nam gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng. Nhiều trang trại chăn nuôi lợn quy mô nhỏ và hộ gia đình ngừng hoạt động, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thức ăn gia súc cũng giảm theo.
- Giá cả TACN cao làm hạn chế hiệu quả sản xuất của người chăn nuôi.
- Là nước có điều kiện sản xuất nông nghiệp nhưng lại phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu để sản xuất TACN của nước ngoài.
- Các doanh nghiệp sản xuất TACN Việt Nam vốn ít, công nghệ sản xuất lạc hậu, năng suất thấp, giá thành cao.
2.3. Nguyên nhân
- Năm 2019 là một năm gặp nhiều khó khăn với ngành Chăn nuôi thế giới, trong đó có Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Đại dịch bùng phát tại Việt Nam làm 5,7 triệu con lợn phải tiêu hủy, bằng khoảng 10% tổng sản lượng với 3,85 triệu tấn thịt lợn, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng. Nhiều trang trại chăn nuôi lợn quy mô nhỏ và hộ gia đình ngừng hoạt động, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thức ăn gia súc cũng giảm theo và người tiêu dùng điều chỉnh lựa chọn nguồn protein trong chế độ ăn của mình. Những yếu tố nói trên đã dẫn đến sự thu hẹp của ngành TACN vào năm 2019. Cơn bão dịch tả lợn châu Phi cơ bản đã được kiểm soát, nhưng đến nay vẫn còn tác động dư âm đến ngành Chăn nuôi.
Thêm vào đó, đại dịch Covid-19 xuất hiện từ năm 2019 và đang diễn biến phức tạp tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó các nhà cung cấp nguyên liệu thức ăn chăn nuôi lớn như Mỹ, EU, Nga,… đã gây ảnh hưởng đến sản xuất và thương mại, làm lộ rõ những bất cập của ngành TACN Việt Nam trong cung ứng nguyên liệu. Việc chính phủ nhiều nước và Việt Nam thực hiện lệnh cách ly xã hội và các phương pháp kiểm soát dịch bệnh, khiến cho lưu thông, tiêu thụ TACN trong nước cũng gặp khó khăn. Kim ngạch nhập khẩu TACN và nguyên liệu về Việt Nam đạt 806 triệu USD, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm 2019. Kết quả khảo sát của Vietnam Report đã chỉ ra top 5 khó khăn của dịch bệnh Covid-19 đối với các doanh nghiệp TACN, gồm: Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành (85,7%); Giá hàng hóa nguyên vật liệu, đầu vào tăng (71,4%); Nhu cầu tiêu thụ thức ăn chăn nuôi giảm (57,1%); Nguồn cung ứng nguyên liệu sản xuất bị gián đoạn (57,1%); Thiếu hụt nguồn vốn để kinh doanh (42,9%).
- Trải qua một thời gian dài nước ta chưa thấy hết vị trí, vai trò của ngành sản xuất TACN nên chưa xây dựng được chiến lược, quy hoạch phát triển. Chưa chú trọng phát triển chăn nuôi, không lường trước được nhu cầu ngày càng cao của thị trường TACN nội địa. Cung nguyên liệu TACN không đủ cầu của sản xuất, nên đã phải nhập khẩu từ các nước.
- Đội ngũ cán bộ nghiên cứu, sản xuất thiếu, thiếu lao động chất lượng cao.
- Công nghệ sản xuất thuốc kháng sinh cho ngành Chăn nuôi, việc sản xuất phụ gia thiếu trầm trọng chủ yếu phải nhập khẩu từ các nước.
3. Những triển vọng và xu hướng đối với ngành Sản xuất TACN trong thời gian tới
3.1. Triển vọng
- Thị trường TACN được đánh giá đầy tiềm năng trong thời gian tới. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Việt Nam tiếp tục là một trong số những nước tiêu thụ thịt lợn bình quân đầu người hàng đầu thế giới, đứng thứ ba ở châu Á sau Trung Quốc và Hàn Quốc.
Kết quả khảo sát của Vietnam Report về triển vọng của ngành TACN trong năm tới, đã ghi nhận: 57,1% doanh nghiệp đánh giá sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng; 28,6% đánh giá tăng trưởng khả quan, tốt hơn một chút và chỉ có 14,3% tăng trưởng sẽ thấp hơn một chút. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), thị trường TACN Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng kép hàng năm 5,06% trong giai đoạn dự báo để đạt quy mô thị trường từ mức 9.124 tỷ USD vào năm 2019 lên mức 12.270 tỷ USD vào năm 2025.
3.2. Những xu hướng của ngành TACN
3.2.1. Đa dạng hóa sản phẩm
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thịt lợn chiếm tới 65 - 70% trong cơ cấu bữa ăn của các gia đình, trong khi thịt gia cầm chỉ chiếm từ 15 - 20%, còn lại là thịt bò và thủy hải sản. Để tồn tại, các trang trại chăn nuôi sẽ phải cơ cấu theo hướng quy mô lớn, mở rộng quy mô đàn gia cầm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuấtTACN cũng phải đa dạng hóa sản phẩm, tăng sản lượng cám gà, vịt, thủy sản,… để giảm bớt rủi ro. Ngoài ra, một số công ty còn mở rộng sang các sản phẩm thức ăn cho thỏ, cho ngựa, cho chó,…
3.2.2. Tăng cường sử dụng công nghệ sinh học
Công nghệ sinh học là một xu hướng mới trong ngành TACN. Khi đại dịch tả châu Phi bùng phát, nhiều hộ chăn nuôi chuyển hướng sang chăn nuôi trâu, bò, dê, gia cầm theo hướng an toàn sinh học. Các chất khác nhau bổ sung vào TACN như enzyme, vitamin, chất kết dính đã được sử dụng và được chấp nhận trong ngành công nghiệp này sẽ tiếp tục phát triển, nâng cao sức khỏe vật nuôi, năng suất, hiệu suất và lợi nhuận. Điều này đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp TACN phải kiểm soát chặt chẽ hơn nguồn nguyên liệu và quy trình sản xuất.
TACN được sản xuất bằng chế phẩm vi sinh giúp an toàn dịch bệnh với giá thành phù hợp, chất lượng thịt cao, an toàn cho môi trường và phù hợp với các điều kiện chăn nuôi khác nhau của nông dân Việt Nam. Khi mô hình này được nhân rộng sẽ giải quyết được bài toán khó trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ và chăn nuôi lợn trước tình hình dịch bệnh.
3.2.3. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ hiện đại, tự động hóa trong sản xuất và quản lý
Các tiến bộ công nghệ sẽ giúp tăng hiệu quả sản xuất bằng cách cải thiện độ chính xác của công thức và tính nhất quán. Máy móc tiên tiến cũng sẽ cho phép các nhà sản xuất TACN thay đổi tính nhất quán và công thức thức ăn theo từng mẻ. Ngành Công nghiệp TACN sẽ được số hóa nhiều hơn và chuỗi cung ứng hoàn chỉnh sẽ được liên kết khép kín, dẫn đến luồng thông tin chi tiết từ trang trại đến người tiêu dùng.
4. Đề xuất các giải pháp phát triển ngành TACN ở nước ta
Cùng với những khó khăn do dịch bệnh mang đến như dịch tả lợn châu Phi, đại dịch Covid-19, Việt Nam cũng phải đối diện với nhiều thách thức và thuận lợi khi Hiệp định thương mại EVFTA đã được ký kết và có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Thông qua đánh giá thực trạng về ngành TACN, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh sự phát triển của Ngành như sau:
Một là, dịch bệnh và sự cạnh tranh trong ngành TACN là thử thách nhưng đồng thời cũng là cơ hội đổi mới với ngành TACN. Để vượt qua giai đoạn khó khăn của ngành TACN, trong giai đoạn này, các doanh nghiệp trong ngành phải tìm cách thoát khỏi khủng hoảng, tái cơ cấu hoạt động, chú trọng hơn đến công tác an toàn sinh học.
Hai là, các doanh nghiệp sản xuất TACN của Việt Nam hiện nay còn manh mún, liên doanh, liên kết với nhau rất lỏng lẻo, cần có các giải pháp tái cơ cấu lại; liên doanh, liên kết lại thành các doanh nghiệp lớn, kinh doanh đa dạng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan quản lý nhà nước giúp các doanh nghiệp tái cơ cấu lại, định hướng và xây dựng chiến lược kinh doanh để hạn chế những yếu kém của ta so với các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư vào Việt Nam.
Ba là, đổi mới mạnh mẽ công nghệ sản xuất TACN, áp dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất chăn nuôi và trồng trọt để tạo ra hàng hóa có chất lượng cao, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái.
Bốn là, phát triển và mở rộng hình thức chăn nuôi gia công tạo thành vùng chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất TACN lớn, góp phần quan trọng giải quyết việc làm ở nông thôn hiện nay.
5. Kết luận
Ngành sản xuất TACN đang đứng trước yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế. Việt Nam và các nước tham gia Hiệp định CPTPP và Cộng đồng kinh tế ASEAN cần đổi mới mạnh mẽ các quan điểm về mở cửa thị trường, sử dụng tốt các giải pháp đề xuất trên để ngành sản xuất TACN Việt Nam phát triển và hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- VnFeedNews (2021), Báo cáo thường niên thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam năm 2020 và triển vọng năm 2021. .
- Trung tâm Tin học - Thống kê Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2020), Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch tháng 12 và cả năm 2020 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn..
- Thủ tướng Chính phủ (2008), Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16/1/2008 về Chính sách phát triển chăn nuôi đến năm 2020.
- Thủ tướng Chính phủ (2013), Quyết định số 68/2013/QĐ - TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.
- Chính phủ (2013), Nghị định số 210/2013/NĐ - CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
- Lê Bá Lịch (2020), Thức ăn chăn nuôi - Biện pháp hàng đầu phát triển chăn nuôi bền vững giai đoạn 2010 – 2020, Hội thảo Phát triển chăn nuôi bền vững giai đoạn 2010 - 2020.
Solutions to help Vietnam’s feed industry effectively respond to market changes
Master. Nguyen Duc Hai
Thai Duong Investment Joint Stock Company
ABSTRACT:
Facing effects from the African Swine Fever and complicated developments of the Covid-19 pandemic, Vietnam’s feed industry needs new solutions to develop and improve the quality of products to effectively respond to market changes. This paper presents the potential and trends of animal feed industry in Vietnam. This paper also presents the current situation of Vietnam’s feed industry and proposes some solutions to help the industry adapt to new situation.
Keywords: animal feed, disease.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 18, tháng 7 năm 2021]