Quy định về chủ thể trong định danh điện tử nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt

Quy định về chủ thể trong định danh điện tử nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt do Lương Thị Linh Chi (Khoa Luật - Trường Đại học Mở Hà Nội) thực hiện

TÓM TẮT:

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, ngành Ngân hàng đứng trước những cơ hội và thách thức lớn, đòi hỏi sự chuyển đổi theo hướng số hóa tự động, cung ứng sản phẩm. Đặc biệt, việc thực hiện nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử (eKYC) trong thiết lập mối quan hệ lần đầu với khách hàng được coi là cửa ngõ để phát triển các loại hình thanh toán không dùng tiền mặt. Bài viết tập trung phân tích về đặc điểm của eKYC và một số quy định pháp luật về định danh điện tử, từ đó đề xuất những giải pháp nhằm bảo đảm an toàn trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.

Từ khóa: định danh điện tử, eKYC, thanh toán, không dùng tiền mặt, đảm bảo an toàn.

1. Đặt vấn đề

Trong quá trình hoạt động ngân hàng, định danh khách hàng (Know your customer - KYC) rất quan trọng, vì chính là bước khởi đầu cho tiến trình khởi tạo giao dịch với một khách hàng, bắt nguồn từ việc mở tài khoản thanh toán. Nhằm tăng cường an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, ngăn ngừa các hành vi lợi dụng dịch vụ thanh toán, để thực hiện các mục đích bất hợp pháp, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện về pháp lí, theo đó sẽ quy định chặt chẽ hơn về quy trình nhận biết, định danh khách hàng; dự kiến bổ sung quy định yêu cầu sử dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp để mở tài khoản thanh toán, ví điện tử, thẻ ngân hàng bằng phương thức điện tử. Trên cơ sở những quy định về định danh điện tử, bài viết chỉ ra một số quy định về chủ thể trong định danh điện tử nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.

2. Khái quát chung về định danh điện tử

KYC (Know your customer) là khâu đầu tiên trong tất cả các hoạt động tài chính, ngân hàng bởi trước khi để khách hàng bước vào hành trình sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của mình thì ngân hàng hay tổ chức tài chính phải nhận biết về khách hàng của mình. Ngoài ra, việc biết được khách hàng của mình là ai còn giúp ngân hàng, tổ chức tài chính trong việc xác định danh tính, mọi thông tin khách hàng được rõ ràng. Từ đó, đưa họ vào hệ thống quản lý, giám sát tốt hơn.

Các thủ tục KYC được xác định bởi các ngân hàng, liên quan đến tất cả các hành động cần thiết để đảm bảo khách hàng của họ là có thật, đánh giá và giám sát rủi ro. Các quy trình này giúp ngăn ngừa gian lận và xác định hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố và các chương trình tham nhũng bất hợp pháp khác. Quá trình nhận biết (identification) và xác minh (verification) thông tin nhận biết khách hàng theo quy định về phòng, chống rửa tiền (AML). eKYC (Electronic KYC) cho phép định danh, xác thực khách hàng từ xa bằng phương thức điện tử dựa trên nền tảng công nghệ. Một số mô hình eKYC trên thế giới: (i) eKYC trên cơ sở dữ liệu tập trung về công dân: phải có Cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân (mỗi công dân được cung cấp một mã số định danh (ID) duy nhất và lưu trữ đủ thông tin, các đặc điểm nhận dạng sinh trắc học), cho phép chia sẻ, dùng chung cơ sở dữ liệu quốc gia cho các lĩnh vực. (ii) eKYC thông qua nền tảng dịch vụ định danh của bên thứ 3: tổ chức được cấp phép thu thập, cung cấp, chia sẻ cơ sở dữ liệu về thông tin định danh khách hàng, cung cấp dịch vụ định danh, xác thực điện tử (iii) Mô hình áp dụng các giải pháp công nghệ eKYC qua các kênh số của TCTD. Việc ứng dụng các giải pháp công nghệ để nhận biết, xác minh thông tin khách hàng thực hiện qua các kênh khác nhau (Mobile, Internet, máy VTM/STM,…) theo từng ngân hàng.

Ở Việt Nam, eKYC nghĩa là việc xác định và xác minh các thông tin liên quan đến danh tính khách hàng so với những thông tin mà họ cung cấp thông qua cách thức điện tử, điển hình như video call, công nghệ AI xác thực khuôn mặt, nhận diện kí tự quang học, thông tin sinh trắc học... eKYC trong hoạt động tài khoản thanh toán tại ngân hàng thường xuất hiện trong các giao dịch chính yếu như mở tài khoản thanh toán, thay đổi hay cập nhật thông tin tài khoản và các giao dịch thanh toán như: chuyển tiền, rút tiền về tài khoản, đáo hạn tiền gửi... mang lại tiện ích cho cả ngân hàng và khách hàng; giúp tự động hóa quy trình điền thông tin, rút ngắn thời gian xác thực khách hàng và đơn giản hóa quy trình tiếp nhận khách hàng; từ đó, tiết kiệm được chi phí hoạt động cho ngân hàng. Nhìn chung, eKYC trong hoạt động tài khoản thanh toán giúp ngân hàng thu thập thông tin khách hàng, nắm rõ được dữ liệu khách hàng đi kèm với các phát sinh liên quan đến việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán. Trong trường hợp xảy ra gian lận thông tin hay xuất hiện các giao dịch thanh toán gian lận có thể giúp ngân hàng và cơ quan chức năng truy xuất dữ liệu một cách nhanh chóng. Việc áp dụng eKYC cho hoạt động tài khoản thanh toán cho phép tất cả các hồ sơ và dữ liệu được lưu trữ trong hệ thống ngân hàng đang phục vụ khách hàng. Do đó, khi xuất hiện hành vi lạm dụng thông tin tài khoản nhằm thực hiện các khoản thu lợi bất chính hoặc hoạt động bất hợp pháp xảy ra, đều có thể được truy trở lại cho cá nhân hoặc các bên liên quan đến các giao dịch hoặc sử dụng dịch vụ đó.

3. Quy định về chủ thể trong định danh điện tử nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt

3.1. Cơ sở pháp lý và nguyên tắc định danh khách hàng điện tử

Sau khi Luật Các Tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực, căn cứ vào tình hình thực tiễn về hoạt động thanh toán điện tử, Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, từ ngày 1/7/2024, khách hàng phải xác thực sinh trắc học khi giao dịch ngân hàng lần đầu bằng Mobile Banking; mọi giao dịch chuyển tiền có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên đều phải thông qua bước xác thực bằng sinh trắc học đối với người chuyển tiền; tổng số tiền các giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực bằng sinh trắc học. Theo đó, mục đích ban hành Quyết định số 2345 để hướng tới bảo đảm người giao dịch ngân hàng trực tuyến là chính chủ nhằm bảo vệ khách hàng, góp phần giảm thiểu tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng, cũng như phòng ngừa những vụ việc cho thuê, mượn, mua bán tài khoản thanh toán, ví điện tử sử dụng cho mục đích bất hợp pháp. Bên cạnh đó, bản chất của các giải pháp quy định tại Quyết định số 2345 là kiểm tra thông tin người mở tài khoản khớp với thông tin trên căn cước công dân (CCCD) do Bộ Công an cấp hoặc thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, loại bỏ tài khoản giả, không chính chủ, không hợp pháp. Qua đó, tổ chức tín dụng sẽ nhận biết, xác minh chính xác khách hàng trong quá trình thực hiện giao dịch thanh toán. Về bản chất của các giải pháp quy định tại Quyết định số 2345 là kiểm tra thông tin người mở tài khoản khớp với thông tin trên căn cước công dân (CCCD) do Bộ Công an cấp hoặc thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, loại bỏ tài khoản giả, không chính chủ, không hợp pháp. Qua đó, tổ chức tín dụng sẽ nhận biết, xác minh chính xác khách hàng trong quá trình thực hiện giao dịch thanh toán.

Về các giải pháp công nghệ quy định tại Quyết định số 2345, từ ngày 01/7/2024, tất cả các ngân hàng, trung gian thanh toán phải áp dụng một chính sách chung đối với khách hàng cá nhân khi giao dịch trên 10 triệu đồng hoặc tổng giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng là phải kiểm tra dấu hiệu sinh trắc học (khuôn mặt) của người thực hiện giao dịch đúng với khuôn mặt của chủ tài khoản đã được kiểm tra với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc trong CCCD gắn chip điện tử do Bộ Công an cấp. Bên cạnh đó, trước khi khách hàng cá nhân thực hiện giao dịch lần đầu bằng ứng dụng Mobile Banking hoặc trước khi thực hiện giao dịch trên thiết bị khác với thiết bị thực hiện giao dịch Mobile Banking lần gần nhất thì bắt buộc khách hàng phải xác thực lại dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học.

Nghị định số 69/2024/NĐ-CP thiết lập cơ sở pháp lý cho việc định danh và xác thực điện tử. Nghị định này quy định rõ ràng về việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật số để xác định và xác thực danh tính cá nhân trong các giao dịch điện tử. Việc này không chỉ giúp nâng cao tính chính xác và bảo mật trong việc xác thực danh tính mà còn thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ công trực tuyến và thương mại điện tử. Với việc áp dụng định danh và xác thực điện tử, quá trình giao dịch sẽ trở nên nhanh chóng, tiện lợi hơn và giảm thiểu các rủi ro liên quan đến gian lận và giả mạo.

Nghị định số 70/2024/NĐ-CP, liên quan đến thi hành Luật Căn cước, nhằm hoàn thiện hệ thống căn cước công dân với các quy định mới về quản lý, cấp và sử dụng căn cước công dân. Nghị định này không chỉ cải tiến quy trình cấp căn cước công dân mà còn tích hợp thêm các thông tin sinh trắc học và dữ liệu số hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đồng bộ hóa thông tin cá nhân trên toàn quốc. Điều này giúp nâng cao khả năng kiểm soát và quản lý thông tin cá nhân, đồng thời hỗ trợ tốt hơn cho các hoạt động xác thực danh tính trong các giao dịch hành chính và dân sự.

Mối quan hệ giữa hai nghị định này rất rõ ràng và mang tính bổ sung cho nhau. Nghị định số 69/2024/NĐ-CP về định danh và xác thực điện tử cung cấp nền tảng kỹ thuật và pháp lý cho việc xác thực danh tính một cách chính xác và an toàn, trong khi đó, Nghị định số 70/2024/NĐ-CP về thi hành Luật Căn cước tạo ra một hệ thống quản lý căn cước công dân hiện đại và hiệu quả. Cả hai nghị định cùng hướng tới mục tiêu nâng cao tính bảo mật và hiệu quả trong quản lý thông tin cá nhân, từ đó thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ công trực tuyến và các ứng dụng số hóa khác trong xã hội. Sự kết hợp giữa định danh và xác thực điện tử với hệ thống căn cước công dân mới không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân mà còn góp phần quan trọng vào việc xây dựng chính phủ điện tử và nền kinh tế số tại Việt Nam. Điều này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình hiện đại hóa hành chính và tăng cường bảo mật thông tin cá nhân, hướng tới một tương lai số hóa toàn diện và an toàn.

Về nguyên tắc định danh theo quy định tại Nghị định số 69/2024/NĐ-CP và xác thực điện tử phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm tính chính xác, công khai, minh bạch trong quản lý, thuận tiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm an ninh, an toàn thiết bị, bảo mật dữ liệu khi thực hiện định danh và xác thực điện tử. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được khai thác và sử dụng danh tính điện tử phải bảo mật thông tin tài khoản định danh điện tử và tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về định danh và xác thực điện tử phải được phát hiện, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật. Không được sử dụng tài khoản định danh điện tử vào hoạt động, giao dịch trái quy định của pháp luật; xâm phạm đến an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân không được can thiệp trái phép vào hoạt động của hệ thống định danh và xác thực điện tử.

3.2. Quy định về chủ thể trong định danh điện tử đối với hoạt động thanh toán

3.2.1. Chủ thể thực hiện định danh khách hàng điện tử

Theo Điều 16 Thông tư số 17/2024/TT-NHNN, chủ thể được thực hiện mở thanh toán bằng phương thức điện tử bao gồm ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Điều 3 Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định về các chủ thể cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt bao gồm các tổ chức tín dụng và các tổ chức không phải là ngân hàng. Ngoài ra, theo quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022, chủ thể thực hiện định danh khách hàng điện tử gồm: (i) Tổ chức tài chính; (ii) Tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan; (iii) Tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức nước ngoài, người nước ngoài, tổ chức quốc tế có giao dịch với tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan; (iv) Tổ chức, cá nhân khác và các cơ quan có liên quan đến phòng, chống rửa tiền.

Về cơ bản, chủ thể thực hiện định danh khách hàng điện tử là các tổ chức tài chính hoặc tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan và Nhà nước. Trong đó, đối tượng báo cáo (các tổ chức tài chính hoặc tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan) phải thực hiện các công việc như xác định khách hàng, lưu trữ thông tin, báo cáo với Nhà nước các đánh giá rủi ro rửa tiền của khách hàng, các giao dịch có giá trị lớn, các giao dịch đáng ngờ… nhằm tạo điều kiện cho việc phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc các hành vi gian lận tài chính khác.

3.2.2. Chủ thể quản lý hoạt động định danh điện tử

Nghị định số 59/2024/NĐ-CP quy định rõ: Cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử là Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an. Tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm tên đăng nhập, mật khẩu hoặc phương tiện xác thực khác được tạo lập bởi cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử, được dùng để truy cập, sử dụng các tính năng, tiện ích, ứng dụng của hệ thống định danh và xác thực điện tử cùng hệ thống thông tin đã được kết nối, chia sẻ theo quy định của pháp luật. Phương tiện xác thực là một số phương pháp cho phép người dùng sử dụng mật khẩu, mã bí mật, mã vạch, thiết bị đầu cuối, thiết bị hoặc phần mềm mật khẩu sử dụng một lần, thiết bị hoặc phần mềm mật mã, thẻ căn cước, thẻ căn cước công dân, hộ chiếu, ảnh khuôn mặt, vân tay, giọng nói, hoặc công cụ, phương pháp khác được sử dụng cho mục đích xác thực điện tử.

3.2.3. Chủ thể mở tài khoản thanh toán

Điều 3, Nghị định số 69/2024/NĐ-CP quy định về định danh và xác thực điện tử đã đề cập: Chủ thể danh tính điện tử sử dụng tài khoản định danh điện tử là cơ quan, tổ chức, cá nhân được xác định gắn với danh tính điện tử, phải đăng nhập, xác thực và sử dụng các tính năng, tiện ích trên ứng dụng định danh quốc gia, trang thông tin định danh điện tử có địa chỉ dinhdanhdientu.gov.vn hoặc vneid.gov.vn hoặc các tiện ích khác trên các ứng dụng, phần mềm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đã được kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử. Bên cạnh đó, Điều 9, Nghị định số 69/2024/NĐ-CP quy định: “Tài khoản định danh điện tử được sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử và các hoạt động khác theo nhu cầu của chủ thể danh tính điện tử”. Điều 7, Nghị định số 69/2024/NĐ-CP quy định về đối tượng được cấp tài khoản định danh điện tử: theo đó, đối với công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên đã được cấp thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước còn hiệu lực được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 01, tài khoản định danh điện tử mức độ 02. Công dân Việt Nam từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi đã được cấp thẻ căn cước được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 01, tài khoản định danh điện tử mức độ 02 khi có nhu cầu. Đối với người nước ngoài từ đủ 06 tuổi trở lên đã được cấp thẻ thường trú, thẻ tạm trú tại Việt Nam được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 01, tài khoản định danh điện tử mức độ 02 khi có nhu cầu. Người nước ngoài dưới 06 tuổi được cấp thẻ thường trú, thẻ tạm trú tại Việt Nam được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 01 khi có nhu cầu. Đối với cơ quan, tổ chức được thành lập hoặc đăng ký hoạt động tại Việt Nam được cấp tài khoản định danh điện tử không phân biệt theo mức độ. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được tạo lập tài khoản giao dịch điện tử theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử để phục vụ giao dịch, hoạt động của mình và chịu trách nhiệm xác thực, bảo đảm tính chính xác của tài khoản do mình tạo lập, quyết định mức độ và giá trị sử dụng của từng mức độ tài khoản. Thông tin để tạo lập tài khoản giao dịch điện tử phải do chủ thể của tài khoản cung cấp và đồng ý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng để tạo lập tài khoản.

Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã có những biện pháp phối hợp kiểm tra thực tế hoạt động mở, sử dụng tài khoản thanh toán, trung gian thanh toán tại một số ngân hàng thương mại, tổ chức trung gian thanh toán nhằm kịp thời phát hiện và có khuyến nghị với các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán về việc thực hiện một số giải pháp, biện pháp để tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn và hạn chế rủi ro trong hoạt động mở, sử dụng tài khoản thanh toán, trung gian thanh toán.  Tuy nhiên, thời gian gần đây, xu hướng gia tăng của các tội phạm công nghệ, tội phạm trên không gian mạng với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. Do vậy, các quy định về định danh điện tử nhằm tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, các chủ thể liên quan đến hoạt động thanh toán cần có những giải pháp nhằm kiểm soát rủi ro và đảm bảo an toàn thanh toán không dùng tiền mặt bằng các quy định về định danh, theo đó cần thực hiện các nội dung sau:

Về phía NHNN: cần bám sát các chủ trương, định hướng của Chính phủ nhằm phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời đảm bảo an toàn trong động thanh toán và dịch vụ ví điện tử, tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp cụ thể như sau: (i) Một là, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lí đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán, (ii) Hai là, đảm bảo sự vận hành thông suốt, an toàn của các hệ thống thanh toán, triển khai ứng dụng các giải pháp đảm bảo an ninh, bảo mật trong hoạt động ngân hàng, tăng cường khả năng kết nối liên thông và tích hợp dịch vụ giữa ngành Ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác, mở rộng hệ sinh thái số để gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng. (iii) Ba là, tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan trong công tác phòng, chống tội phạm, phát hiện và ngăn chặn các hành vi gian lận, lừa đảo, bất hợp pháp; thực hiện công tác kiểm tra về hoạt động thanh toán và thường xuyên có cảnh báo, chỉ đạo, chấn chỉnh kịp thời các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nghiêm túc chấp hành các quy định của Ngân hàng Nhà nước và pháp luật liên quan, đảm bảo an toàn hoạt động thanh toán, an toàn tài sản cho khách hàng.

Về phía các tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử: Để tăng cường an ninh, an toàn trong việc cung ứng dịch vụ, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của khách hàng, cần thực hiện các giải pháp sau: (i) Thứ nhất, trong định danh, xác thực khách hàng cần nghiên cứu xây dựng và áp dụng biện pháp kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của giấy tờ tùy thân của khách hàng và đối chiếu đảm bảo sự khớp đúng, phù hợp của các thông tin trên giấy tờ tùy thân với khách hàng mở tài khoản thanh toán; (ii) Hai là, đối với việc ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình cung ứng dịch vụ thanh toán, cần thường xuyên thông báo, hướng dẫn và cảnh báo khách hàng về các hành vi bị cấm, hành vi không được thực hiện trong quá trình mở, sử dụng tài khoản thanh toán bằng các hình thức như: công bố đăng tải trên website, ứng dụng di động, các phương tiện thông tin đại chúng...

Về phía khách hàng: Không cài ứng dụng lạ lên điện thoại; không chia sẻ mã OTP; không dùng chung tài khoản ví điện tử; nên bật các tính năng bảo mật vân tay/khuôn mặt; chỉ sử dụng các ví điện tử uy tín; thường xuyên thay đổi mật khẩu tài khoản; lưu ý các hành vi bị cấm trong mở và sử dụng tài khoản thanh toán, ví điện tử.

Kết quả nghiên cứu công bố được tài trợ bởi Trường Đại học Mở Hà Nội của Đề tài cấp Trường, mã số MHN2024-02.31

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Hoàng Lan, Hải Vân (2023), “Có 40 ngân hàng chính thức triển khai quy trình mở tài khoản thanh toán eKYC”, Tạp chí Kinh tế Việt Nam, https://vneconomy.vn/co-40-ngan-hang-chinh-thuc-trien-khai-quy-trinh-mo-tai-khoan-thanh-toan-ekyc.htm

2. Nguyễn Ngọc Chánh (2019), “Smart eKYC: Giải pháp đột phá giúp các ngân hàng Việt Nam “nhận diện khách hàng trực tuyến”, Tạp chí Công Thương, số 14, năm 2019, trang 221 - 225.

3. Viên Thanh Nhã, Tiếp Sỹ Minh Phụng, Nguyễn Hoàng Tú, Đỗ Thị Kim Dung, Lê Đinh Phú Cường (2022), “Xây dựng hệ thống trích xuất thông tin giấy tờ tùy thân từ hình ảnh cho hệ thống định danh khách hàng điện tử”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, số 2, năm 2022, trang 54 - 57.

4. Nguyễn Duy Việt (2021). Kinh nghiệm triển khai định danh khách hàng trực tuyến eKYC và bài học cho Việt Nam. Truy cập tại https://thitruongtaichinhtiente.vn/kinh-nghiem-trien-khai-dinh-danh-khach-hang-truc-tuyen-ekyc-va-bai-hoc-cho-viet-nam-33476.html

5. Khuê Nguyễn (2020). eKYC sẽ tăng tốc. Truy cập tại https://thoibaonganhang.vn/ekyc-se-tang-toc-108648.html

6. VA (2021). Đảm bảo hiệu quả, an toàn khi triển khai eKYC. Truy cập tại https://www.sbv.gov.vn/webcenter/ portal/vi/links/cm100?dDocName=SBV429608 

REGULATIONS ON ENTITIES INVOLVED

IN ELECTRONIC IDENTIFICATION TO ENSURE SECURITY

IN CASHLESS PAYMENT SYSTEMS

• LUONG THI LINH CHI

Faculty of Law, Hanoi Open University

ABSTRACT:

In the era of Industry 4.0, the banking sector is encountering both significant opportunities and challenges, driving the need for transformation towards automation, digitalization, and the expansion of digital products and services. A key component of this transformation is the implementation of electronic customer identification (eKYC), which serves as the foundation for establishing customer relationships and facilitating the growth of cashless payment systems. This study analyzes the characteristics of eKYC and reviews relevant legal regulations on electronic identification, offering solutions to enhance security and ensure the safety of non-cash payment transactions.

Keywords: electronic identification, eKYC, payment, cashless, security.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24 tháng 11 năm 2024]

Tạp chí Công Thương