Sa lầy với xe điện Trung Quốc giá rẻ Wuling
Công ty Cổ phần Ô tô TMT (mã cổ phiếu TMT - sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2024 với doanh thu thuần đạt 1.323 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 8,5% còn 0,7%. Trong kỳ, công ty ghi nhận lỗ ròng gần 99 tỷ đồng, trong khi nửa đầu năm 2023 lãi 1,18 tỷ đồng.
Năm nay, Ô tô TMT đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 2.645 tỷ đồng và lãi ròng 38,6 tỷ đồng, lần lượt tăng 1% và 475% so với mức thực hiện của năm 2023. Như vậy, kết thúc quý 2/2024, TMT Motors đã thực hiện được 50% kế hoạch doanh thu thuần nhưng còn cách ra xa mục tiêu lợi nhuận.
Với kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm như trên, khoản lỗ lũy kế của Ô tô TMT tính đến thời điểm cuối quý 2/2024 đã đạt 46 tỷ đồng, bằng 12,4% vốn điều lệ công ty.
Bên cạnh các yếu tố kinh tế vĩ mô, hoạt động kinh doanh của Ô tô TMT đối mặt với nhiều khó khăn sau khi công ty này quyết định ký hợp đồng độc quyền sản xuất, lắp ráp và phân phối mẫu xe điện Wuling Hongguang MiniEV tại thị trường Việt Nam.
Wuling Hongguang MiniEV là mẫu xe điện cỡ nhỏ nổi tiếng tại Trung Quốc, do liên doanh General Motors (Mỹ) - SAIC (Trung Quốc) - Wuling (Trung Quốc) sản xuất. Mẫu xe này từng đạt danh hiệu "Ô tô điện cỡ nhỏ bán chạy nhất thế giới” 4 năm liên tiếp (2020 - 2023) và có giá chỉ từ 239 triệu đồng/xe khi được Ô tô TMT giới thiệu tại Việt Nam.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh thực tế lại kém xa kỳ vọng. Năm 2023, Ô tô TMT chỉ bán được 591 chiếc xe điện Wuling HongGuang MiniEV ra thị trường, bằng 11% so với kế hoạch bán 5.525 chiếc. Năm nay, Ô tô TMT chỉ đặt mục tiêu bán 1.016 chiếc xe điện.
Ông Hoàng Minh Đồng - Giám đốc nhà máy sản xuất xe điện Ô tô TMT từng chia sẻ công ty đã phải trả số tiền tương đối lớn, bao gồm phí bản quyền để được sản xuất, phân phối Wuling Hongguang MiniEV tại Việt Nam.
Trong phiên họp thường niên hồi tháng 4, ông Bùi Quốc Công - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ô tô TMT - nói mẫu xe Wuling Mini EV chỉ là "sản phẩm để thăm dò thị trường". Công ty dự kiến đưa thêm 3 mẫu xe (2 mẫu 5 cửa hạng A và 1 bản cao cấp của Mini EV) có nhiều tính năng cao cấp và quãng đường di chuyển xa hơn. Ngoài ra, Ô tô TMT còn tham gia cung cấp xe điện để làm taxi cho hãng Let’s Go An Bình tại tỉnh Phú Yên từ cuối tháng 5.
Sẽ bán tài sản, cắt giảm nhân sự để duy trì hoạt động
Dựa trên tình hình tài chính của Ô tô TMT, Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY đã đưa ra một số ý kiến lưu ý. Hãng kiểm toán này nhấn mạnh vấn đề lỗ lũy kế và việc nợ ngắn hạn của Ô tô TMT vượt qua tài sản ngắn hạn tới 120,7 tỷ đồng cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty này.
Phản hồi về vấn đề trên, ban lãnh đạo Ô tô TMT cho biết, tại thời điểm 30/6/2024, công ty có số dư thuế phải nộp là trên 60 tỷ đồng. Trong quý 2/2024, để đảm bảo thanh khoản và giảm chi phí lãi vay, công ty đã phải giảm giá bán để giải phóng hàng tồn kho.
Bên cạnh đó, công ty cũng đã cắt giảm nhân sự, tiết giảm chi phí, tái cơ cấu các dòng sản phẩm, hướng đến các sản phẩm mới tốt hơn.
Trong thời gian tới, Ô tô TMT có kế hoạch thanh lý các tài sản cố định, các khoản đầu tư, thu hồi các khoản phải thu khách hàng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh cũng như trang trải các khoản nợ và vay đến hạn. Qua đó, công ty kỳ vọng có thể hoàn trả các khoản nợ đến hạn và tiếp tục hoạt động kinh doanh.
Tính đến cuối quý 2/2024, tổng tài sản của Ô tô TMT đạt 1.502 tỷ đồng, giảm 9% so với hồi đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho đã giảm 41% so với đầu kỳ xuống còn gần 854 tỷ đồng.