Chuyển động tích cực
Thông tin tại Toạ đàm “Tháo gỡ khó khăn, tăng trợ lực cho công nghiệp hỗ trợ” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 22/9/2023 cho thấy, thời gian qua, những chính sách khuyến khích của Nhà nước cùng sự nỗ lực của doanh nghiệp đã mang lại những kết quả tích cực trong phát triển công nghiệp hỗ trợ. Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển về cả số lượng và chất lượng, cải thiện khả năng cạnh tranh và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu. Đồng thời, năng lực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước được nâng lên, tỷ lệ nội địa hóa của một số ngành công nghiệp tại Việt Nam đã được cải thiện.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hiện đạt khoảng 5.000 doanh nghiệp và các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ hiện nay cũng đang cung cấp đủ trong nước và xuất khẩu đi một số thị trường trên thế giới, như các sản phẩm dây cáp điện, hộp số, các linh kiện nhựa,… Thị trường xuất khẩu chủ yếu của ta là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ.
Trao đổi tại Tọa đàm, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước đã nhận thức rõ hơn về việc cải tiến, nâng cao năng lực của của mình thông qua đào tạo cho đội ngũ quản lý cũng như đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong quy trình sản xuất để cải tiến quá trình sản xuất.
Ông Tuấn Anh thông tin, số lượng doanh nghiệp đã tham gia làm nhà cung ứng cấp một cho các tập đoàn đa quốc gia là khoảng 100 doanh nghiệp; cung ứng cấp hai, cấp ba là khoảng 700 doanh nghiệp. Trong đó, ở lĩnh vực điện tử, Samsung hiện có khoảng 50 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp một và khoảng 170 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp hai. Ở lĩnh vực cơ khí - ô tô, hiện chúng ta có khoảng 12 doanh nghiệp tham gia cung ứng cấp một cho Toyota.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cũng được cải thiện rất đáng kể trong thời gian vừa qua.
"Cụ thể như trong lĩnh vực dệt may, da giày, tỷ lệ nội địa hóa khoảng 45 - 50 %; các lĩnh vực cơ khí chế tạo đạt 15 - 20%; lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô 5 - 20%, riêng đối với một số sản phẩm xe như xe tải và xe khách thì tỷ lệ này nội địa hóa này cao hơn", lãnh đạo Cục Công nghiệp cho biết.
Doanh nghiệp chủ động, địa phương vào cuộc
Ông Nguyễn Quốc Cường - Giám đốc Công ty Cổ phần Hanel Xốp Nhựa (Hanel Plastics) chia sẻ, khi bước vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ 20 năm về trước, Công ty cũng đối mặt với nhiều thách thức, những khó khăn ban đầu là vô cùng lớn.
Hanel là một công ty điện tử chuyên lắp ráp tivi theo hình thức CKD và SKD, trong đó phải nhập khẩu nguyên phụ liệu. Khi có chủ trương nội địa hóa để giảm chi phí, giá thành, Hanel Plastics bắt đầu làm từ xốp bao gói, sau đó đến các linh kiện nhựa cho tivi, cho các liên danh của Hanel.
Từ năm 2000 trở đi, các làn sóng FDI bắt đầu đầu tư vào Việt Nam, trên cơ sở kinh nghiệm có sẵn về linh kiện, Hanel Plastics đã tìm mọi cách tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lớn đầu tiên.
"Những khó khăn ban đầu vô cùng lớn, khi chúng tôi khi ấy quy mô còn nhỏ, vốn ít, nhiều vấn đề nội tại về hệ thống quản lý sản xuất, quản lý chất lượng, giao hàng track-in-time, đổi mới công nghệ, nguồn lực tài chính, phụ thuộc nguồn linh kiện, vật tư nhập khẩu...", ông Cường cho biết.
Dù vậy, sự quyết tâm, chủ động, kiên trì học hỏi đã mang lại thành công cho Hanel Plastics. Từ những sản phẩm đơn giản, doanh nghiệp đã tạo được uy tín với đối tác lớn, trở thành nhà cung ứng cấp một ngay từ bước đầu, sau đó kiên trì học hỏi, liên tục nâng cao, phát triển những sản phẩm cao hơn.
Nỗ lực của doanh nghiệp có sự cộng hưởng từ Hiệp hội, địa phương. Theo ông Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Thành phố Hà Nội (HANSIBA), triển khai định hướng của Chính phủ và Bộ Công Thương trong phát triển công nghiệp hỗ trợ, Thành phố Hà Nội thời gian qua đã ban hành nhiều kế hoạch phát triển lĩnh vực này theo từng năm. Trong đó, có những nội dung chi tiết về các hỗ trợ mà doanh nghiệp được thụ hưởng, từ việc hỗ trợ kinh phí tham gia một gian hàng tại hội chợ công nghiệp hỗ trợ hàng năm của thành phố Hà Nội, đến tham gia các khóa đào tạo do Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội tổ chức,…
Thành phố cũng tích cực phổ biến cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn về các cơ chế chính sách của các cấp, cơ quan Trung ương từ Quyết định số 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025 đến các cơ chế chính sách Bộ Công Thương ban hành…
"Minh chứng cho vai trò đi đầu của Hà Nội là chúng ta nhìn thấy trong tổng số 5.000 doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn cả nước thì Hà Nội đã chiếm gần 1.000, trong đó có hàng trăm doanh nghiệp đang là hội viên của Hiệp hội", ông Nguyễn Vân khẳng định.
Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Thành phố Hà Nội đã nỗ lực hợp tác với các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc hình thành nên những tổ hợp sản xuất trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, kết nối các doanh nghiệp tiêu biểu có năng lực sản xuất thực tế, có các sản phẩm linh kiện phù hợp với các doanh nghiệp FDI lớn.
Bối cảnh mới, thách thức mới
Các diễn giả nhận định, tình hình kinh tế thế giới từ đầu năm 2023 đến nay tiếp tục cho thấy nhiều khó khăn, thách thức, tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp, cầu tiêu dùng còn yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng… Xu hướng phi toàn cầu hoá đang trỗi dậy mạnh mẽ; chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng, nhiều tiêu chuẩn và quy định mới được dựng lên liên quan đến chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ để giảm thiểu các rủi ro gián đoạn nguồn hàng ngày càng rõ nét trong việc đa dạng hóa nguồn cung của các thị trường mà sản phẩm phụ trợ của Việt Nam hướng đến. Các tập đoàn đa quốc gia đang thực hiện chiến lược chuyển dịch chuỗi cung ứng, sản xuất đến gần với thị trường tiêu thụ và đang dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất, thay vì chỉ tập trung nhà máy sản xuất ở một số nước như Trung Quốc, Việt Nam, làm gia tăng đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong chuỗi cung ứng.
Dù hoạt động sản xuất đang có những tín hiệu tích cực những tháng gần đây, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phải đối diện với khó khăn, thách thức khi thị trường bị thu hẹp, giá nhiều loại hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng kéo theo chi phí sản xuất và áp lực cạnh tranh ở mức cao…
Đại diện Hanel Plastics cho rằng, nhiều vấn đề đang đặt ra, như các tiêu chuẩn mà thị trường xuất khẩu đặt ra liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu, hay "cuộc chiến" về công nghệ và thông tin thị trường ngày càng khốc liệt hơn, đòi hỏi các doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới, cải tiến nếu muốn nắm bắt cơ hội kịp thời, cạnh tranh được với các đối thủ khác.
"Doanh nghiệp phải xác định trước và chấp nhận những thách thức đấy, suy nghĩ nâng tầm bản thân như thế nào, làm gì để có giá trị gia tăng cao trong chuỗi cung ứng", ông Nguyễn Quốc Cường khẳng định.
Cũng theo ông Cường, cần hình thành liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp sản xuất trong nước theo hướng chuyên môn hóa, qua đó góp phần giảm giá thành sản phẩm, tạo thế mạnh trong thu hút đầu tư và tìm kiếm đối tác. Để làm được điều này, vai trò kết nối của Hiệp hội ngành hàng, Bộ Công Thương rất là quan trọng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội cho rằng, để thực sự đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp sản xuất nói chung và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói riêng, cần tập trung vào giải quyết các vướng mắc, khó khăn còn tồn tại trong một số vấn đề như nguồn vốn tài chính, xúc tiến thương mại và đầu tư, nguồn nhân lực, công nghệ, khởi nghiệp lập nghiệp, qua đó tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển.
Kiên trì tiếp thêm "trợ lực"
Ở góc độ quản lý nhà nước, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Tuấn Anh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đang xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ được ban hành từ năm 2015. Tuy nhiên, quá trình này cũng còn nhiều khó khăn, khi quan điểm của các Bộ, ngành trong nhìn nhận những vấn đề hỗ trợ cho doanh nghiệp đang còn khác nhau.
Cụ thể, bên cạnh việc mở rộng danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho phù hợp với xu thế hiện nay, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 111/2015/NĐ-CP đưa ra một điểm mà Bộ Công Thương đánh giá là cốt lõi của việc sửa đổi, đó là cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước khác cũng có lo ngại rằng chính sách này được ban hành sẽ có thể giống một số chương trình hiện nay đang được áp dụng chính sách tương tự nhưng gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện.
"Nghị định 111/2015/NĐ-CP hướng đến là các doanh nghiệp sản xuất. Việc nhà nước đứng ra hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn đầu của quá trình sản xuất là nuôi dưỡng nguồn thu, doanh nghiệp phải sản xuất, phải làm ra của cải cho đất nước mới có được doanh thu và mới được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức ưu đãi", ông Phạm Tuấn Anh phân tích, cho biết Bộ Công Thương vẫn kiên quyết và kiên trì sửa đổi, thuyết phục các cơ quan có liên quan để sớm trình lên Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
Ngoài ra, khi Luật Công nghiệp trọng điểm được thông qua và ban hành thời gian tới, ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng như ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ có được một hệ thống pháp lý vững chắc hơn để xây dựng các văn bản dưới luật phù hợp.
Bên cạnh giải pháp chính sách, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế và các doanh nhiệp FDI như Samsung, Toyota để triển khai các giải pháp nâng cao năng lực, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, trong đó chú trọng xây dựng các khu, cụm công nghiệp liên kết ngành; tăng cường nguồn nguyên liệu trong nước phục vụ sản xuất, hạn chế phụ thuộc vào nhập khẩu; hoàn thiện các trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp.