Vào trung tuần tháng 10/2013, cơn bão Phailin đã đổ bộ vào khu vực phía Đông Ấn Độ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất lúa gạo tại các bang phía Đông và miền Trung Ấn Độ. Mưa lớn đi kèm bão đã phá hủy hàng ngàn hecta lúa các bang miền đông Ấn Độ như: Odisha, Andhra Pradesh, Tây Bengal và Chhattisgarh. Đây là bốn bang canh tác lúa gạo chính của Ấn Độ với sản lượng gạo chiếm tới 30% tổng sản lượng gạo của Ấn Độ.
Trang oryza.com dẫn lời một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Trung ương gạo của Ấn Độ (CRRI) cho biết, chỉ tính riêng bang Odisha, cơn bão Phailin đã tác động mạnh đến vụ mùa, tàn phá khoảng 500.000 hecta lúa, ước tính thiệt hại khoảng 1 triệu tấn gạo. Thiệt hại có thể ở mức cao hơn đáng kể do mưa lớn diễn ra sau bão và mưa trái mùa tại các khu vực sản xuất gạo chính thuộc bang Punjab và Haryana. Trang oryza.com nhận định sản lượng gạo của Ấn Độ trong niên vụ 2013/14 có thể giảm xuống chỉ còn 100 triệu tấn.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) trong báo cáo mới nhất về tình hình sản xuất ngũ cốc của Ấn Độ vẫn giữ nguyên dự báo sản lượng gạo của Ấn Độ tại mức 105 triệu tấn do chưa có thông tin chính thức về diện tích lúa tại Ấn Độ bị lũ lụt tàn phá. Theo các nguồn tin của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), ước tính thiệt hại mùa vụ do bão và lũ lụt gây ra tại các bang ven biển phía Đông Ấn Độ ở mức từ 1% - 2% sản lượng gạo dự kiến.
Nguồn tin của trang oryza.com cho biết năng suất lúa tại các bang miền đông Ấn Độ là Bihar , Jharkhand, Tây Bengal và Assam được dự báo giảm do điều kiện thời tiết khô hơn bình thường trong thời kỳ gieo cấy và phát triển của cây lúa thuộc vụ lúa chính trong năm nay.
Giá gạo nội địa Ấn Độ
USDA cho biết, giá gạo nội địa Ấn Độ tăng cao trong tháng 9 và tháng 10 vừa qua do nhu cầu xuất khẩu gạo của Ấn Độ tiếp tục được giữ ở mức cao và do thị trường lo ngại sản lượng lúa gạo sẽ giảm xuống trong năm nay trong bối cảnh tình hình thời tiết bất lợi. Tuy nhiên, giá gạo nội địa Ấn Độ được dự báo sẽ giảm xuống kể từ tháng 11 trở đi do vụ thu hoạch niên vụ 2013/14 được bắt đầu.
Trong vài tháng vừa qua, giá gạo tăng cao là một trong những nguyên nhân chủ yếu đẩy giá thực phẩm của Ấn Độ tăng lên. Đây là mối quan ngại chính của Chính phủ Ấn Độ khi kỳ bầu cử sắp diễn ra trong 6 tháng tới. USDA nhận định Chính phủ Ấn Độ có khả năng sẽ kiềm chế giá gạo nội địa bằng việc giải phóng một phần lượng gạo dự trữ của mình. Theo số liệu của Tổng Công ty lương thực Ấn Độ (FCI), lượng gạo dự trữ của Ấn Độ tại các kho dự trữ quốc gia, tính đến ngày 1/10/2013 đạt khoảng 23 triệu tấn. Mức dự trữ gạo này cao gấp 3 lần so với mức 7,2 triệu tấn gạo theo yêu cầu dự trữ cần thiết và chiến lược vào thời điểm này trong năm tại Ấn Độ.
Xuất khẩu gạo
Ấn Độ hiện là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Dựa trên những dữ liệu thương mại chính thức sơ bộ từ tháng 10/2012 đến tháng 8/2013, và số liệu vận chuyển được tổng hợp từ một nguồn tin riêng cho tháng 9/2013, USDA ước tính lượng gạo được Ấn Độ đã xuất khẩu trong niên vụ 2012/13 (tháng 4/2012 – 3/2013) đạt mức cao nhất từng được ghi nhận với 11 triệu tấn.
Số liệu xuất khẩu sơ bộ trong 9 tháng đầu năm 2013 cho thấy Ấn Độ đã xuất khẩu được 8,2 triệu tấn gạo, cao hơn mức 7,8 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái. Nguồn tin thị trường của USDA cho biết, tốc độ xuất khẩu gạo trắng thường (non – basmati) đã giảm chậm xuống kể từ trong tháng 10/2013 do đồng Rupee Ấn Độ lên giá so với đồng USD sau một thời gian mất giá liên tục. Nếu giả sử, tốc độ xuất khẩu gạo của Ấn Độ vẫn giảm chậm trong 3 tháng cuối năm (tháng 10 – 12/2013) thì lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ vẫn được dự báo sẽ đạt kỷ lục với 10,5 triệu tấn.
Dựa trên nhu cầu xuất khẩu đối với gạo Ấn Độ vẫn còn ở mức tương đối cao, và nguồn cung trong nội địa Ấn Độ với cả gạo Basmati và các loại gạo khác dồi dào, USDA dự báo xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong niên vụ 2013/14 có thể đạt 10 triệu tấn. Xuất khẩu gạo basmati có khả năng sẽ tăng cao hơn trong khi tổng lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ có khả năng thấp hơn mức xuất khẩu kỷ lục của niên vụ trước. Nguyên nhân, nguồn cung các loại gạo trắng thường trong nội địa Ấn Độ bị thắt chặt và lo ngại giá thực phẩm tăng trong kỳ bầu cử năm 2014.
Luật an ninh lương thực quốc gia
Vào đầu tháng 7/2013, Chính phủ Ấn Độ đã áp dụng thi hành Luật an ninh lương thực quốc gia với kinh phí khoảng 22 tỷ USD, theo đó Chính phủ Ấn Độ sẽ trợ giá để khoảng 2/3 dân số Ấn Độ được mua ngũ cốc (gạo và lúa mỳ) giá rẻ hàng tháng. Tuy nhiên, một số thành viên thuộc Tổ chức thương mại thế giới (WTO) bao gồm: Mỹ, Canada đã bày tỏ quan ngại những lỗ hổng trong công tác quản lý thực thi đạo luật này của Ấn Độ có thể khiến gạo được trợ giá của Chính phủ Ấn Độ thâm nhập thị trường gạo quốc tế, và làm méo mó thị trường gạo toàn cầu.
Gần đây nhất, Chính phủ Pakistan đã tuyên bố Luật an ninh lương thực của Ấn Độ là làm méo mó thị trường và sẽ ngăn cản việc WTO đồng ý đạo luật này của Ấn Độ. Các quan chức Chính phủ Pakistan cho biết trong năm 2012, Pakistan đã mất thị phần thị trường gạo xuất khẩu vào tay Ấn Độ do Ấn Độ xuất khẩu gạo được trợ giá từ các kho dự trữ thuộc FCI. Việc Ấn Độ thi hành đạo luật an ninh lương thực sẽ cho phép Chính phủ Ấn Độ gia tăng mức hỗ trợ đối với người nông dân mà cuối cùng sẽ bóp méo giá trên thị trường gạo quốc tế.