Sản lượng gạo tại khu vực Đông Á và Đông Nam Á được dự báo sẽ đạt mức cao kỷ lục; sản lượng gạo tại khu vực Nam Á và Hạ-Sahara Châu Phi cũng được USDA dự báo sẽ tiệm cận mức cao kỷ lục. Đây là năm thứ 05 liên tiếp, sản lượng gạo trên toàn cầu gia tăng.
Nguyên nhân chủ yếu khiến sản lượng gạo trên toàn cầu trong niên vụ 2014/2015 đạt mức cao là do diện tích canh tác lúa gạo tăng lên. Tổng diện tích canh tác lúa gạo trên toàn cầu trong niên vụ 2014/2015 đạt 161,6 triệu ha, tăng 0,8 triệu ha so với niên vụ trước. Mức năng suất trung bình trên toàn cầu được USDA dự báo đạt 4,44 tấn/ha (gạo thô), tăng nhẹ so với niên vụ 2013/2014 và gần bằng mức cao kỷ lục 4,45 tấn/ha trong niên vụ 2012/2013.
Theo USDA, sản lượng gạo của khu vực Đông Á – khu vực trồng lúa gạo lớn nhất thế giới sẽ đạt mức kỷ lục 158,8 triệu tấn trong niên vụ 2014/2015, tăng 1% so với niên vụ 2013/2014. Trong đó, toàn bộ mức tăng trưởng sản lượng gạo của khu vực Đông Á được dự báo sẽ đến từ Trung Quốc. Trung Quốc là quốc gia sản xuất lúa gạo lớn nhất thế giới; sản lượng gạo của Trung Quốc trong niên vụ 2014/2015 dự báo đạt mức kỷ lục 144 triệu tấn. Đây là năm thứ 11 liên tiếp, sản lượng gạo của Trung Quốc tăng lên. Dưới chính sách hỗ trợ nông nghiệp mạnh của Chính phủ Trung Quốc, diện tích canh tác lúa gạo của Trung Quốc đã liên tục được mở rộng qua các năm kể từ niên vụ 2008/2009.
Nam Á là khu vực canh tác lúa gạo lớn thứ hai thế giới với mức sản lượng gạo trong niên vụ 2014/2015 được dự báo đạt 153,9 triệu tấn, thấp hơn 0,3 triệu tấn so với mức cao kỷ lục được ghi nhận trong niên vụ 2013/2014. Dự kiến sản lượng gạo của Afghanistan, Bangladesh và Pakistan trong niên vụ 2014/2015 sẽ tăng nhẹ so với niên vụ 2013/2014. Ngược lại, sản lượng gạo của Ấn Độ trong niên vụ 2014/2015 sẽ chỉ đạt 106 triệu tấn so với mức 106,3 triệu tấn trong niên vụ 2013/2014. Ấn Độ là quốc gia có diện tích canh tác lúa gạo lớn nhất thế giới với 44 triệu ha lúa trong niên vụ 2014/2015. Tuy nhiên, hơn 40% hoạt động canh tác lúa gạo của Ấn Độ phụ thuộc vào các đợt lũ, đây là nhân tố chính hạn chế khả năng sản xuất lúa gạo của Ấn Độ.
USDA dự báo sản lượng gạo của khu vực Đông Nam Á trong niên vụ 2014/2015 đạt mức kỷ lục 118,6 triệu tấn, tăng 1% so với niên vụ trước. Sản lượng gạo của các quốc gia nhập khẩu gạo chủ yếu trong khu vực Đông Nam Á như: Indonesia, Malaysia và Philippines được dự báo sẽ tăng lên trong niên vụ 2014/2015. Sản lượng gạo của Myanmar và Campuchia trong niên vụ 2014/2015 cũng được USDA dự báo sẽ đạt mức kỷ lục. Bên cạnh đó, sản lượng gạo của Việt Nam và Thái Lan trong niên vụ 2014/2015 được dự báo sẽ vẫn giữ ngang bằng mức kỷ lục của niên vụ 2013/2014.
Sản lượng gạo của khu vực Hạ-Sahara Châu Phi được dự báo đạt 13,1 triệu tấn trong niên vụ 2014/2015, tăng 2% so với niên vụ trước do năng suất gieo trồng tại khu vực này đã tăng cao hơn. Trong số các quốc gia sản xuất lúa gạo lớn nhất khu vực này thì dự báo sản lượng gạo niên vụ 2014/2015 của Guinea, Madagascar, Mali, Senegal và Tanzania sẽ tăng lên so với niên vụ trước. Ngược lại, sản lượng gạo niên vụ 2014/2015 của Nigeria – quốc gia sản xuất lúa gạo lớn thứ hai trong khu vực được dự báo sẽ giảm xuống.
USDA đã điều chỉnh dự báo sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2013/2014 xuống mức 477,5 triệu tấn, tăng 1,4 triệu tấn so với dự báo trước đây. Các điều chỉnh dự báo sản lượng gạo của USDA chủ yếu tập trung tại khu vực Nam Á. Theo đó, dự báo sản lượng gạo của Ấn Độ trong niên vụ 2013/2014 được điều chỉnh tăng thêm 1,3 triệu tấn lên mức cao kỷ lục 106,3 triệu tấn.
Mức tiêu thụ gạo và các phụ phẩm của gạo trên toàn cầu trong niên vụ 2014/2015 được USDA dự báo sẽ đạt mức kỷ lục 482,2 triệu tấn, tăng 1% so với niên vụ trước. Mức tiêu thụ gạo (bao gồm cả các phụ phẩm của gạo) trong niên vụ 2014/2015 sẽ vượt mức sản lượng 1,5 triệu tấn.
USDA dự báo lượng gạo dự trữ trên toàn cầu cuối niên vụ 2014/2015 đạt 110,7 triệu tấn, tăng 0,9 triệu tấn so với dự báo hồi tháng 6/2014. Tuy nhiên vẫn thấp hơn 1% so với niên vụ trước và đây cũng là lần đâu tiên mức dự trữ gạo cuối niên vụ trên toàn cầu giảm xuống kể từ niên vụ 2003/2004. Tỷ lệ dự trữ - trên – sử dụng gạo của niên vụ 2014/2015 đạt 23%, giảm nhẹ so với niên vụ trước.