Thông tin trên được ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương đưa ra trong buổi Họp báo Chuyên đề về kết quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm, diễn ra vào sáng nay 30/7/2019.
Cụ thể, ông Trần Hữu Linh cho biết, Bộ Công Thương đã hoàn tất dự thảo văn bản quy định tiêu chí xác định thế nào là hàng “Made in Vietnam” tiêu thụ nội địa. Dự thảo này sẽ được công bố và lấy ý kiến rộng rãi trong tháng 8 tới.
Trước đó, thông tin về xuất xứ hàng hóa và việc xây dựng văn bản, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, việc ghi xuất xứ trên nhãn hàng hóa được thực hiện theo Nghị định 43/2017 của Chính phủ.
Nghị định ghi rõ nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung gồm: tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa và các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa.
Đồng thời, Nghị định cũng yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình, bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết.
"Với hàng triệu sản phẩm, bản quy tắc xuất xứ sẽ phải rất chi tiết, thậm chí chi tiết hơn quy tắc xuất xứ của các FTA, bởi nó phải xử lý rất nhiều trường hợp “oái ăm” như xoài giống Thái Lan nhưng trồng tại Việt Nam là xoài Thái Lan hay xoài Việt Nam?”, Thứ trưởng nêu.
Cũng theo Thứ trưởng, với việc tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam đã có nhiều quy định về việc xác định xuất xứ, các quy định nói trên nhằm nội luật hóa các cam kết quốc tế, do vậy các quy định xác định xuất xứ đó chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu để hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết, thể hiện qua việc được cấp C/O cho hàng xuất khẩu hoặc kiểm tra C/O với hàng nhập khẩu. Cho đến nay, chưa có quy định về xuất xứ cho hàng hóa sản xuất và lưu thông trong nội địa.
Việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ chưa nói lên tỷ lệ xuất xứ Việt Nam. Ví dụ trong trường hợp thị trường ASEAN, chúng ta có khu vực tự do thương mại ASEAN và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) Mẫu D. Quy định trong ASEAN là hàng hóa phải đáp ứng tỷ lệ 40% trở lên đối với hàm lượng giá trị khu vực. 40% này không phải có nghĩa là 40% sản xuất ở Việt Nam, mà trong đó có thể là có thể 10% ở Thái Lan, 10% từ Indonesia, 15% của Malaysia và chỉ có 5% của Việt Nam.
Mặc dù tỷ lệ của Việt Nam rất ít, nhưng tỷ lệ cả khối trong ASEAN vẫn lớn, và chúng ta vẫn cấp được C/O Mẫu D. Đây chính là mục đích của việc ký Hiệp định thương mại tự do nhằm khuyến khích tận dụng nguồn lực chung của các nước trong khu vực.
Hiện tượng gian lận thương mại thông qua ghi nhãn xuất xứ còn gây rối loạn thị trường khi hàng hóa được nhập khẩu từ nước ngoài hoặc đặt gia công tại nước ngoài nhưng lại gắn mác “Made in Viet Nam” để đánh lừa người mua, người tiêu dùng. Một số trường hợp nông sản, thủy sản không rõ xuất xứ được bày bán trên thị trường dưới tên gọi của sản phẩm cùng loại Việt Nam như nho Ninh Thuận, khoai tây Đà Lạt, cá tầm Sa Pa, v.v... đã gây nên bức xúc đối với cộng đồng người tiêu dùng thời gian qua.
Xuất phát từ thực trạng trên, nhằm đưa Nghị định 43 vào cuộc sống một cách thiết thực, Bộ Công Thương đã đề xuất xây dựng Thông tư quy định về ghi nhãn sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Sáng kiến này đã được Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các Hiệp hội hết sức ủng hộ.
Đây là lần đầu tiên có quy định chi tiết về vấn đề ghi nhãn xuất xứ Việt Nam trên hàng hóa. Bộ Công Thương sẽ làm hết sức thận trọng, lắng nghe ý kiến mọi tầng lớp nhân dân, đánh giá tác động nhiều chiều và sẽ chỉ trình cấp trên khi có cơ sở để tin rằng biện pháp này nhận được sự đồng tình cao của xã hội”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.