Tại phiên chất vấn sáng ngày 18/3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trả lời nhiều chất vấn của các đại biểu Quốc hội liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, các hành vi chèo kéo trong bán bảo hiểm là hành vi của các nhân viên bảo hiểm, công ty bảo hiểm. Về mặt quản lý, luật nghiêm cấm việc các cán bộ bảo hiểm tư vấn sai, tranh giành, lôi kéo, dùng các thủ đoạn lợi dụng những người chưa có nhận thức cao để bán bảo hiểm.
Bộ Tài chính đã thực hiện kiểm tra, thanh tra khi có khiếu nại, xử phạt nghiêm minh, chuyển cho cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu sai phạm để cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Liên quan đến trách nhiệm tư vấn không rõ ràng trong quá trình mua bán bảo hiểm, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, nguyên nhân chủ yếu là do người tư vấn tư vấn không rõ ràng cho người dân. Tuy nhiên, với trách nhiệm gián tiếp của Bộ Tài chính là cơ quan cấp phép và kiểm tra các công ty bảo hiểm, Bộ Tài chính đã và đang tiến hành kiểm tra quy chế nội bộ, văn hóa ứng xử trong các công ty.
Nếu nhận khiếu nại, tố cáo của người dân, Bộ Tài chính sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra các hoạt động quản lý nhân viên tại các công ty. Đối với quy trình đào tạo tư vấn, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định quy trình này cũng luôn được cập nhật, đổi mới theo đúng quy định của pháp luật.
Về hợp đồng bảo hiểm, trước đây, có những hợp đồng kéo dài hàng chục trang, gây sơ hở trong nắm bắt thông tin, gây thiệt hại cho người tham gia bảo hiểm.
Tuy nhiên, khi sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, cơ quan soạn thảo đã dành một chương cho hợp đồng bảo hiểm để đảm bảo hợp đồng bảo hiểm gọn hơn, rõ hơn, chặt chẽ hơn. Đồng thời cũng có quy định, trong vòng 21 ngày, nếu phát hiện hợp đồng bảo hiểm có sai sót thì người tham gia bảo hiểm có quyền yêu cầu nhận lại tiền, công ty bảo hiểm phải trả lại cho người tham gia bảo hiểm.
Tại Việt Nam, hiện có 19 công ty bảo hiểm nhân thọ, trong đó có 2 công ty bảo hiểm trong nước và 17 công ty bảo hiểm liên doanh và nước ngoài.