Bà Phạm Miền - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam (thuộc Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam - VARS) đánh giá các biện pháp thúc đẩy kết hôn trước 30 tuổi và khuyến khích sinh hiện nay "còn chung chung và khó có tác dụng như mong đợi".
Chuyên gia VARS đề xuất chính sách ưu tiên hỗ trợ mua nhà ở xã hội một lần với cặp vợ chồng sinh đủ hai con.
Đây không phải lần đầu tiên đề xuất ưu tiên hỗ trợ mua nhà xã hội với vợ chồng sinh đủ hai con được đưa ra. Tại cuộc họp các vấn đề kinh tế vào tháng 8/2023, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cũng đề xuất cặp vợ chồng sinh đủ hai con được ưu tiên hỗ trợ mua nhà ở xã hội một lần để họ an tâm sinh đẻ và nuôi dạy con cái.
Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh mức sinh xuống thấp, tốc độ già hóa dân số nhanh đang lan rộng trong các đô thị.
Theo Tổng cục Thống kê, số con trung bình của một phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh đẻ là 1,96 - mức thấp nhất từ trước đến nay, trong khi năm 1989 là 3,6. Tại TP. Hồ Chí Minh, mức sinh giảm rõ rệt từ 1,42 con trên một phụ nữ năm ngoái xuống 1,32 con năm nay. Độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu tại thành phố đạt 30,4, mức kỷ lục toàn quốc.
Hệ lụy của xu hướng này là thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ, giảm lực lượng và năng suất lao động, tạo gánh nặng an sinh xã hội.
Nguyên nhân chính, theo VARS, đến từ vấn đề tài chính. Trong đó, giá nhà ở là một yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến áp lực tài chính của người trẻ.
VARS cho biết, giá nhà tăng cao là một trong những nguyên nhân góp phần thúc đẩy xu hướng người trẻ không kết hôn hoặc kết hôn nhưng không sinh con.
Theo bà Phạm Miền, giá nhà ngày càng tăng cao, đẩy giá thuê tăng theo đã gây áp lực đến chi phí sinh hoạt của người dân. Tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt hằng tháng đã chiếm gần hết thu nhập khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ chỉ dám sinh một con hoặc trì hoãn việc sinh con.
Theo thống kê của Savills Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2024, giá bán trung bình căn hộ sơ cấp tại TP. Hồ Chí Minh đã lên tới 72 triệu VNĐ/m2 thông thủy. Đáng chú ý, nguồn cung căn hộ dưới 3 tỷ đồng đang ngày càng hạn chế khi chỉ chiếm 18% nguồn cung sơ cấp trong nửa đầu năm, chủ yếu nằm cách trung tâm thành phố trên 10 km.
Trong khi đó, tại Hà Nội, trong Q2/2024 không ghi nhận nguồn cung căn hộ mới dưới 45 triệu VNĐ/m2. Hiện, giá bán trung bình căn hộ sơ cấp đạt 65 triệu VNĐ/m2, tăng 10% theo quý và 24% theo năm. Kể từ năm 2020, giá sơ cấp trung bình tăng 18% mỗi năm, trong khi giá thứ cấp tăng 14% mỗi năm.
Tại nhiều quốc gia phát triển, Chính phủ nhiều nước đã đưa ra hàng loạt biện pháp để khuyến khích người trẻ kết hôn, tăng tỷ lệ sinh sản. Trong đó, ngoài các chính sách về phúc lợi, phần lớn biện pháp khuyến khích khác là trợ cấp bằng tiền mặt cho việc thuê, mua nhà.
Nhật Bản hỗ trợ các cặp đôi mới kết hôn một khoản 600.000 yên (tương đương hơn 130 triệu đồng) nhằm trang trải chi phí mua/thuê nhà mới, tiền đặt cọc, tiền chìa khóa, phí dịch vụ thông thường, phí môi giới…
Tại TP. Busan (Hàn Quốc), các cặp vợ chồng son cũng sẽ nhận 30 triệu won (khoảng 550 triệu đồng) để đặt cọc mua nhà hoặc 800.000 won (hơn 14 triệu đồng) mỗi tháng tiền trợ cấp thuê nhà trong 5 năm.
Tại Singapore - quốc gia có giá nhà cao nhất châu Á, các cặp vợ chồng trẻ có thể nhận được trợ cấp nhà ở lên tới 80.000 SGD (khoảng 1,5 tỷ đồng). Riêng nhóm mua nhà lần đầu là vợ chồng trẻ hoặc gia đình có con sẽ được ưu tiên khi có căn hộ mới.
Để đảm bảo an sinh và hỗ trợ các cặp vợ chồng trẻ trong chăm sóc con cái, chính sách ưu tiên mua nhà ở xã hội là rất cần thiết bởi đây là đối tượng cần trợ giúp lớn nhất. Cách làm này vừa đảm bảo an sinh, vừa thúc đẩy tỉ lệ sinh tăng cao, giảm áp lực cho các cặp vợ chồng trẻ...