Cùng tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ; lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và lãnh đạo Công ty TNHH MTV vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO).
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo buổi làm việc cần tập trung thảo luận về một số nội dung quan trọng trong lĩnh vực điện.
Thứ nhất, theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cần tiếp tục hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh trên cả 3 cấp độ, cùng với đó là sớm nghiên cứu ban hành cơ chế giá điện hai thành phần, rà soát điều chỉnh quy định giờ cao thấp điểm đồng thời nghiên cứu bổ sung đối tượng áp dụng.
Thứ hai, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định về mua bán điện trực tiếp DPPA và sẽ tiếp tục ban hành cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ trong thời gian tới. Do đó, cần thống nhất các công việc phải triển khai để sớm thực hiện hiệu quả các Nghị định này của Chính phủ, góp phần tháo gỡ khó khăn trong việc cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng trên cả nước.
Báo cáo tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Trần Việt Hòa cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương liên quan đến triển khai một số nội dung liên quan trong lĩnh vực năng lượng điện, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 2105/QĐ-BCT ngày 8/8/2024, trong đó giao nhiệm vụ trực tiếp, chi tiết cho các đơn vị. Hiện nay, các đơn vị đang khẩn trương thực hiện theo các nhiệm vụ được giao, đồng thời giám sát tiến độ được phê duyệt trong Quyết định.
Theo đó, về giá điện hai thành phần, thời gian vừa qua, EVN đã phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ và các đơn vị có liên quan thuê tư vấn để tính toán, đánh giá cũng như xây dựng cơ chế giá điện hai thành phần. Sau nhiều cuộc họp trao đổi về nội dung dự thảo Đề án, đến ngày 26/9, Cục Điều tiết Điện lực đã báo cáo Bộ Công Thương kết quả ban đầu của Đề án.
Về cấu trúc, Đề án gồm 03 phần chính trình bày về cơ sở lý luận, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và đề xuất lộ trình và đối tượng áp dụng giá điện 2 thành phần, được xây dựng tổng thể, nghiên cứu cho tất cả các nhóm khách hàng giá bán điện gồm giá công suất và giá điện năng cho các hộ ngoài sinh hoạt và các hộ sinh hoạt. Theo đó, cơ chế giá điện hai thành phần dựa trên nguyên tắc nền tảng chi phí cung ứng điện và đặc điểm hộ tiêu dùng để đảm bảo khi áp dụng sẽ công bằng với các hộ tiêu thụ và hộ tiêu thụ chi trả chi phí mà họ gây ra cho hệ thống. Đề án đã tính toán các thành phần về chi phí công suất biên dài hạn tới các cấp điện áp và chi phí điện năng biên phân bổ theo giờ cao thấp điểm.
Cùng với đó, biểu giá điện hai thành phần phản ánh đầy đủ các chi phí sản xuất kinh doanh điện và có điều tiết giá để không thay đổi giá điện bình quân được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Kết quả tính toán cũng đã thể hiện rõ hiệu quả của giá điện hai thành phần khi duy trì doanh thu không đổi nhưng nhiều hộ chi trả tăng và ngược lại nhiều hộ chi trả giảm so với mức chi trả hiện hành với cùng một sản lượng, một cơ cấu tiêu dùng. Điều đó có nghĩa là chế độ sử dụng điện của khách hàng ảnh hưởng rất nhiều đến đơn giá họ phải trả buộc họ phải luôn quan tâm điều chỉnh phù hợp, mang lại hiệu quả từ hai phía, cung ứng điện và tiêu dùng điện.
Đối với việc rà soát điều chỉnh quy định giờ cao thấp điểm đồng thời nghiên cứu bổ sung đối tượng áp dụng, Cục Điều tiết Điện lực đang phối hợp với EVN và các đơn vị liên quan nghiên cứu để đề xuất điều chỉnh quy định theo hướng phản ánh đúng thực tế diễn biến thay đổi của biểu đồ phụ tải.
Cục trưởng Trần Việt Hòa cũng cho biết thêm, liên quan đến việc triển khai Nghị định 80/2024/NĐ-CP ngày 3/7/2024 của Chính phủ quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với Khách hàng sử dụng điện lớn, trong quá trình xây dựng, Ban soạn thảo đã thiết kế theo hướng là Nghị định quy định tương đối chi tiết để có thể áp dụng được ngay khi Nghị định ban hành mà không cần đến thông tư hướng dẫn.
Tuy nhiên, theo quy định của Nghị định, EVN phải tính toán, công bố các số liệu liên quan đến giá điện, chi phí sản xuất điện để làm cơ sở cho các đơn vị có được thông số đầu vào phục vụ việc thoả thuận hợp đồng mua bán điện giữa các đối tượng khách hàng. Đối với dự thảo Nghị định quy định về điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu mà Chính phủ sắp ban hành, Cục Điện lực và năng lượng tái tạo đang tiếp tục rà soát để hoàn thiện theo thông báo của Thường trực Chính phủ.
Tại cuộc họp các Cục, vụ có liên quan và NSMO cũng đã có ý kiến thống nhất cần sớm hoàn thiện và triển khai áp dụng cơ chế giá điện hai thành phần. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cần tính đến những vấn đề phát sinh như nguồn lực và cơ sở hạ tầng điều độ, hệ thống công tơ của các khách hàng, sự phản ứng trái chiều trong các nhóm khách hàng v.v…
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định cơ chế giá điện hai thành phần quyết định bước tiến trong xác lập thị trường bán lẻ điện cạnh tranh nên cần phải khẩn trương triển khai, đây là một sự đột phá lớn trong hoạt động kinh doanh điện năng của Việt Nam, phù hợp với lộ trình cải tổ ngành điện.
“Đúng là việc triển khai cần có lộ trình, nhưng lộ trình đó phải được xem xét rút ngắn nhất có thể”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu, cơ chế giá điện hai thành phần sẽ được áp dụng đối với tất cả các khách hàng không phân biệt quy mô, cả cho sản xuất và tiêu dùng, sinh hoạt, đồng thời đề nghị các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh cơ chế giá hỗ trợ cho các đối tượng chính sách và các đối tượng được ưu tiên; thống nhất và sớm có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về thời gian thực hiện cơ chế này./.