Sơn La phát triển nông sản có thế mạnh hướng vào thị trường xuất khẩu

Sơn La phát triển kinh tế theo hướng sản xuất, chế biến những nông sản có thế mạnh như cà phê arabica, xoài... phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, nhất là thị trường EVFTA.
Lòng hồ Thủy điện Sơn La
Lòng hồ Thủy điện Sơn La

Nhưng năm gần đây, kinh tế Sơn La tăng trưởng nhanh; môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Đặc biệt, việc sản xuất, tiêu thụ, chế biến nông sản đạt kết quả tích cực theo hướng "xanh" hóa đã tạo cơ hội tận dụng thị trường EVFTA rất khả quan.

Bên cạnh kết quả đạt được, tỉnh Sơn La cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực năng lượng.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đạt yêu cầu; gặp nhiều khó khăn và còn nhiều điểm nghẽn trong việc khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có...

Để phát huy, khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phấn đấu đạt kết quả cao trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và các năm tới, Sơn La đang kiên trì thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La
Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La

 

Theo đó, tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đồng thời, tiếp tục rà soát tình hình thực hiện, giải ngân và tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án, công trình, đặc biệt là đối với các dự án sử dụng vốn ODA và các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp; bảo đảm giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 (bao gồm cả vốn ODA).

Thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị giao ban trực tuyến đôn đốc triển khai công tác đầu tư công năm 2020 (Thông báo số 242/TB-VPCP ngày 18 tháng 7 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ).

Bên cạnh đó, rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch trên địa bàn; triển khai lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch chuyên ngành. Xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Hiện tỉnh đang chú trọng phát triển kinh tế lòng hồ thủy điện Sơn La; khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch mang đậm nét riêng của vùng Tây Bắc và đặc trưng của địa phương, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số; tăng cường liên kết với các tỉnh trong vùng và các trung tâm du lịch lớn của cả nước, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Sơn La cần khai thác lợi thế để phát triển du lịch mang đậm nét riêng của vùng Tây Bắc và đặc trưng của địa phương, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số
Sơn La cần khai thác lợi thế để phát triển du lịch mang đậm nét riêng của vùng Tây Bắc, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số.

 

Đòng thời, chuẩn bị các điều kiện và tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh theo hướng phát triển nông sản có thế mạnh như cà phê arabica, xoài... phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, nhất là thị trường EVFTA. 

Vĩnh Bảo