Lãnh đạo các đơn vị đã quán triệt tư tưởng đến mọi cấp trong đơn vị, nhằm tổ chức phong trào thi đua trong thời kỳ đổi mới: không nặng về hình thức phô trương, lấy năng suất, chất lượng, hiệu quả làm thước đo. Các phong trào thi đua trong Ngành đã được chỉ đạo gắn với nhiệm vụ trọng tâm của từng đơn vị. Các ngành sản xuất như Điện, Than, Thép, Hoá chất, Thuỷ tinh, Dệt May, Cơ khí, Sữa, Xây lắp công nghiệp, Sành sứ thuỷ tinh…. đều chủ động đề xuất và tổ chức nhiều phong trào mang sắc thái riêng của mình. Khẩu hiệu của các phong trào cũng đã được cụ thể hoá mục đích phấn đấu như: “Năng suất, chất lượng, tiết kiệm là nguồn thu nhập của chúng ta”, “Lao động hiệu quả là tăng thu nhập của chính mình”. Đơn cử như các đơn vị trong ngành Dệt May, phong trào “Rèn luyện tay nghề thi thợ giỏi” đã được chuyển thành phong trào “ Rèn luyện tay nghề thành thợ giỏi, chuyền giỏi”. Ngoài ra, do đặc điểm của ngành May phải giao hàng đúng tiến độ nên nhiều đơn vị còn có phong trào “Rải chuyền nhanh, thu chuyền gọn”, vận động công nhân sử dụng cữ gá lắp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Ngoài những phong trào phổ biến trên, trong những năm qua, phong trào thi đua phục vụ nông nghiệp và công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và phát triển nông thôn đã được CBCNV ngành Công nghiệp hưởng ứng và tham gia tích cực, vì nông thôn là thị trường vô cùng rộng lớn của các sản phẩm công nghiệp và qua đó cũng thể hiện tình cảm gắn bó của CBCNV ngành Công nghiệp đối với nông nghiệp và nông thôn. Một số đơn vị còn tổ chức phong trào thi đua giao ước quốc tế giữa công nhân lao động Việt Nam và Trung Quốc trên các công trình cải tạo, mở rộng Nhà máy Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc (Tổng công ty Hoá chất Việt Nam), trên công trình cải tạo kỹ thuật các lò luyện thép của Công ty Gang thép Thái Nguyên (Tổng công ty Thép Việt Nam). Cũng trên lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong phong trào thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX (năm 2001), toàn Ngành đã có 433 công trình đăng ký chào mừng Đại hội, trong đó có 74 công trình được gắn biển của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đoàn các cấp.
ở cơ quan Bộ, các sở Công nghiệp, phong trào thi đua “Lao động giỏi” trong đội ngũ cán bộ công nhân viên chức cũng đã được triển khai một các tích cực, tự nguyện trong việc không ngừng cải cách hành chính, bám sát nhu cầu thực tiễn ở cơ sở, giải quyết kịp thời những khó khăn, bức xúc của các doanh nghiệp về cơ chế chính sách, xét duyệt nhanh các dự án đầu tư, phát triển mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực thiết bị, đẩy mạnh việc rà soát, cập nhật và xây dựng mới các quy hoạch và phát triển công nghiệp ở ngành và địa phương. Thông qua phong trào thi đua lao động giỏi, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức đã không ngừng nâng cao tinh thần lao động sáng tạo trong công tác, nghiên cứu, cải tiến lề lối làm việc, rèn luyện đạo đức tác phong và nâng cao trình độ mọi mặt, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác trong thời kỳ mới. Trong quá trình phát động phong trào, nhiều đơn vị đã xây dựng tiêu chuẩn thi đua cụ thể, thực hiện công tác kiểm tra chéo, chấm điểm thi đua, thực hiện công khai so sánh trong thi đua và khen thưởng. Khác với nhiều năm trước, các đơn vị đã chú trọng đến việc sơ kết, tổng kết phong trào thi đua, gắn liền với việc phát động tổ chức các phong trào thi đua mới trong đơn vị.
Một chuyển biến lớn khác trong công tác thi đua khen thưởng đã thể hiện ở việc từ Bộ đến các Sở, Tổng Công ty, đơn vị cơ sở đều có những văn bản và thực hiện củng cố kiện toàn Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp. Hàng năm đều có chỉ thị liên tịch với công đoàn các cấp về tổ chức phát động các phong trào thi đua yêu nước. Hội đồng Thi đua Khen thưởng Bộ Công nghiệp đã hoạt động đồng đều, định kỳ kiểm điểm xem xét, biểu dương các hoạt động thi đua của các đơn vị, cũng như xem xét khen thưởng và trình Nhà nước xét khen thưởng cao cho những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua. Đặc biệt, việc tổ chức thành công các Đại hội thi đua trong năm 2000 ở các Tổng công ty và các đơn vị cơ sở trong ngành Công nghiệp cũng như việc kiểm điểm thực hiện Chỉ thị 35/CT- TW đã dấy lên một không khí mới trong phong trào thi đua, đã thực sự tác động đến mỗi người, khơi dậy tinh thần hăng say lao động trong đội ngũ CNVC toàn Ngành. Trong 5 năm qua, các đơn vị trong toàn ngành đã có 56.860 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, làm lợi hơn 594 tỷ đồng. Nhiều sáng kiến giải pháp không tính được bằng tiền nhưng có ý nghĩa to lớn về mặt xã hội.
Cũng từ năm 1998 đến nay, công tác thi đua khen thưởng của ngành Công nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các hình thức khen thưởng theo nội dung quy định tại Nghị định 56/1998/NĐ- CP của Chính phủ được triển khai rộng rãi đến các cơ sở trong ngành. Lãnh đạo đơn vị cụ thể hoá tiêu chuẩn ghi trong Nghị định đến từng xí nghiệp thành viên, từng phòng ban nghiệp vụ, đặc biệt chú trọng, chấn chỉnh việc bình bầu trong thi đua, khen thưởng, không châm chước hoặc nới lỏng tiêu chuẩn. Quán triệt nội dung khen thưởng thi đua của Đảng và Nhà nước, công tác thi đua khen thưởng từ các đơn vị cơ sở đến các Tổng Công ty và Bộ Công nghiệp đã được thực hiện nghiêm túc, đúng tiêu chuẩn, không có tình trạng khiếu nại, tố cáo đối với những tập thể và cá nhân được Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công nghiệp khen thưởng trong 5 năm vừa qua.
Từ khi ban hành Chỉ thị 35/CT- TW và Nghị định 56/1998/ NĐ-CP đến nay, các đơn vị trong ngành Công nghiệp đã đề nghị lên Nhà nước, Chính phủ và Bộ Công nghiệp khen thưởng 52 Huân chương Độc lập, 547 Huân chương Lao động, 182 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 7.387 Bằng khen của Bộ Công nghiệp. Mỗi năm, các cơ quan, doanh nghiệp được tặng 45 Cờ Thi đua của Chính phủ và 80 Cờ Thi đua xuất sắc của Bộ Công nghiệp. Ngoài ra, một số cá nhân, tập thể còn được giải thưởng VIFOTEX, giải thưởng KOVALEPSKAIA về những thành tích xuất sắc trong lao động sáng tạo. Đặc biệt, trong năm 2000, ngành Công nghiệp được Đảng và Nhà nước biểu dương, tặng thưởng Huân chương Sao Vàng- Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta. 19 tập thể và 15 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. 134 đồng chí thuộc các đơn vị cơ sở Tổng Công ty được phong tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua toàn quốc năm 2000, 989 cá nhân lao động suất sắc tiêu biểu của ngành Công nghiệp được Bộ trưởng Bộ Công nghiệp tặng thưởng danh hiệu Chiến sỹ thi đua ngành Công nghiệp năm 2000. Trên lĩnh vực đào tạo và chăm sóc sức khoẻ cho người lao động, toàn Ngành có 8 Nhà giáo Nhân dân, 105 Nhà giáo ưu tú và 7 Thầy thuốc ¦u tú.
Cùng với việc thực hiện Nghị định của Chính phủ, Bộ Công nghiệp đã xây dựng tiêu chuẩn, đối tượng và ban hành Quy chế tặng thưởng Huy chương “ Vì sự nghiệp phát triển Công nghiệp Việt Nam” . Tính đến đầu tháng 5/2003, Bộ Công nghiệp đã ra quyết định tặng thưởng 53.570 Huy chương Vì sự nghiệp phát triển Công nghiệp cho các cá nhân có thành tích trong quá trình xây dựng và phát triển ngành Công nghiệp Việt Nam. Năm 2000, Bộ Công nghiệp và Công đoàn Công nghiệp Việt Nam đã sáng lập giải thưởng sáng tạo khoa học dành cho cán bộ nữ và 3 năm qua đã xét trao giải thưởng cho 18 công trình của các tác giả nữ, được cán bộ công nhân viên trong Ngành rất hoan nghênh.
“Người người thi đua, ngành ngành thi đua” đã và đang là một động lực quan trọng, tạo lên những bước phát triển vững chắc của ngành Công nghiệp trong sự nghiệp Công nghiệp hoá- Hiện đại hoá đất nước. Để ngành Công nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng trên 14%/ năm, thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược 10 năm (2001-2010) và kế hoạch 5 năm (2001- 2005), đảm bảo các sản phẩm công nghiệp đủ sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, chúng ta cần triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó phải tổ chức tốt phong trào thi đua của quần chúng theo phương hướng: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng từ Bộ đến các đơn vị trong Ngành. Đổi mới nội dung và hình thức của các phong trào thi đua. Tổ chức tốt hơn nữa phong trào học tập và nhân rộng điển hình tiên tiến, các nhân tố mới nảy sinh trong các phong trào thi đua. Gắn công tác thi đua khen thưởng với việc đào tạo nguồn nhân lực cho đơn vị, gắn phong trào thi đua của đơn vị với phong trào thi đua của địa phương. Trong công tác khen thưởng, sớm khắc phục hiện tượng chỉ thấy thành tích của cán bộ quản lý để đề nghị các hình thức khen thưởng cao. Thành tích của các đối tượng ở mức độ nào phải được đối chiếu với các tiêu chuẩn khen thưởng để khen thưởng đúng, chính xác, kịp thời. Cần đảm bảo cho phong trào thi đua khen thưởng phát triển lành mạnh, đúng mục đích, như lời Bác Hồ kính yêu đã nhắc nhở chúng ta: “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua. Thi đua khen thưởng là động lực phát triển, là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, hàng ngày”.